Quyết định 864/QĐ-TTG năm 2008 phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020 (đoạn từ Điện Biên đến Kon Tum) do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 864/QĐ-TTG
Ngày ban hành 09/07/2008
Ngày có hiệu lực 09/07/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 864/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 7 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG BIÊN GIỚI VIỆT NAM – LÀO ĐẾN NĂM 2020 (ĐOẠN TỪ ĐIỆN BIÊN ĐẾN KON TUM)

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ Xây dựng tại tờ trình số 34/TTr-BXD ngày 05 tháng 5 năm 2008 về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020 (đoạn từ tỉnh Điện Biên đến tỉnh Kon Tum),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020 (đoạn từ tỉnh Điện Biên đến tỉnh Kon Tum) với những nội dung chính như sau:

1. Phạm vi nghiên cứu

Vùng biên giới Việt - Lào bao gồm 10 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, có tổng diện tích đất tự nhiên là 95.240,85 km2, có ranh giới tiếp giáp các tỉnh như sau:

- Phía Đông giáp biển Đông và tỉnh Quảng Ngãi;

- Phía Tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào;

- Phía Nam giáp tỉnh Gia Lai;

- Phía Bắc giáp các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Hoà Bình, Ninh Bình.

2. Tính chất vùng

- Có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng đối với cả nước;

- Cửa ngõ giao lưu phát triển kinh tế đối ngoại (dịch vụ, thương mại cửa khẩu) của khu vực phía Đông và Tây của cả nước;

- Vùng phát triển lâm nghiệp, bảo vệ rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học. Vùng phát triển công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp;

- Vùng phát triển các công trình thủy điện, thủy lợi quan trọng;

- Vùng du lịch văn hoá, lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng cấp quốc gia và quốc tế.

3. Các dự báo phát triển vùng

- Dự báo dân số đến năm 2010 đạt: khoảng 14.850.000 người (trong đó dân số đô thị khoảng 3.660.000 người); năm 2020 là khoảng 16.700.000 người (trong đó dân số đô thị khoảng 7.050.000 người);

- Dự báo nhu cầu đất xây dựng đô thị: đến năm 2010 khoảng 84.000 ha, bình quân 230 m2/người, đến năm 2020 khoảng 158.000 ha, bình quân 225 m2/người.

4. Định hướng phát triển không gian vùng

a) Khung phát triển vùng: gồm hai hệ thống chính:

- Hệ thống hành lang kinh tế chiến lược quốc gia và quốc tế là: trục Bắc Nam (quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh) và 11 trục hành lang kinh tế Đông Tây gồm các quốc lộ 6, quốc lộ 217, quốc lộ 7, quốc lộ 8, quốc lộ 9, quốc lộ 12A, quốc lộ 49, quốc lộ 14 (14D + 14B) và quốc lộ 40, trong đó:

+ Trục hành lang chính có vai trò chủ đạo phát triển đô thị và công nghiệp, vận tải, thương mại - du lịch là trục quốc lộ 1A; trục hành lang có vai trò phát triển đô thị, dịch vụ vận tải, thương mại - du lịch, công nghiệp, vùng nguyên liệu là trục kinh tế quốc gia và quốc tế Đông - Tây (quốc lộ 7, quốc lộ 8, quốc lộ 9, quốc lộ 12, quốc lộ 14B);

+ Trục hành lang thứ cấp là: trục hành lang quốc gia và vùng (quốc lộ 6, quốc lộ 279, quốc lộ 24, quốc lộ 49) phát triển đô thị, công nghiệp - du lịch - nông lâm nghiệp.

- Hệ thống đường bảo vệ an ninh, quốc phòng và phục vụ phát triển kinh tế: gồm đường hành lang biên giới, đường ra biên giới và đường tuần tra biên giới trong đó đường hành lang biên giới có vai trò chủ đạo liên kết toàn bộ hệ thống. Trên trục hành lang biên giới phát triển các đô thị nhỏ, vùng nông - lâm - nghiệp, công nghiệp chế biến quy mô nhỏ.

b) Phân vùng tổ chức không gian và định hướng phát triển hệ thống đô thị

[...]