Quyết định 841/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành thủy lợi” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 841/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/02/2015
Ngày có hiệu lực 26/02/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Liêm
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 841/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 02 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TÁI CƠ CẤU NGÀNH THỦY LỢI” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 794/QĐ-BNN-TCTL ngày 21 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành thủy lợi”;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2131/TTr-SNN ngày 13 tháng 10 năm 2014, Công văn số 129/SNN-CCTL ngày 22 tháng 01 năm 2015, ý kiến của Sở Tư pháp tại Công văn số 4729/STP-VB ngày 29 tháng 8 năm 2014 và ý kiến của Sở Nội vụ tại Công văn số 1480/SNV-SN ngày 04 tháng 9 năm 2014; tiếp theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Thông báo số 1098/TB-VP ngày 25 tháng 12 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành thủy lợi” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và nội dung Kế hoạch này, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể, thiết thực để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ; Bộ NN và PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- TT/TU; TT/HĐND.TP;
- Thành viên Ủy ban nhân dân thành phố;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố;
- VP Thành ủy và các Ban Thành ủy;
- Các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố;
- Ban chỉ đạo Cải cách hành chính;
- VPUB: các PVP; Các Phòng CV; TTCB;
- Lưu: VT, (CNN/Tr).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Liêm

 

KẾ HOẠCH

VỀ TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “TÁI CƠ CẤU NGÀNH THỦY LỢI” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 841/QĐ-UBND ngày 26 tháng 02 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

Triển khai, thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Quyết định số 794/QĐ-BNN-TCTL ngày 21 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành thủy lợi”;

Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành thủy lợi” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gồm các nội dung sau đây:

A. HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

1. Hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi thành phố

Trong 30 năm qua, ngành thủy lợi Thành phố đã và đang xây dựng được khoảng 45 hệ thống công trình thủy lợi (chưa kể có khoảng 600 hạng mục công trình bờ bao phòng chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn đã được thành phố đầu tư các năm qua) với khoảng 2.000 km đê bao, bờ bao lớn nhỏ ven các sông kênh rạch, kèm theo trên 900 các loại công trình phụ trợ như: cống, đập, trạm bơm…; trong đó, đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng được 14 hệ thống công trình, đang triển khai thi công 11 công trình, đang chuẩn bị, thực hiện đầu tư khoảng 20 hệ thống công trình. Các công trình, hệ thống công trình thủy lợi đã và đang xây dựng đáp ứng nhu cầu phục vụ tưới tiêu, xổ phèn, ngăn mặn cho khoảng 55.000ha đất sản xuất nông nghiệp, ngăn lũ, ngăn triều, chống ngập úng cho khoảng 70.000ha; đầu tư tập trung chủ yếu tại các huyện ngoại thành và quận ven.

Các hệ thống công trình lớn, điển hình như: Hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh (vốn vay WB), hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi, công trình thủy lợi Bến Mương - Láng The (N31A), hệ thống thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn Nam - Bắc rạch Tra, hệ thống tiêu thoát nước, cải thiện môi trường kênh Tham Lương Bến Cát - Rạch Nước Lên, các công trình thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn quận, huyện (thủy lợi vùng): An Phú - Phú Mỹ Hưng, Cây Xanh - Bà Bếp, Tân Thạnh Đông, Sông Lu, Bình Lợi A, khu Nam Bình Chánh, các công trình thủy lợi theo Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh..., và một số các công trình tiêu thoát chống úng, phòng chống và khắc phục hậu quả bão lũ, triều cường tại các quận - huyện.

Các công trình thủy lợi được đầu tư đã đóng góp tích cực trong việc cải tạo vùng đất phèn vùng ngoại thành, đặc biệt vùng đất hoang hóa trũng phèn phía Tây Nam thành phố, ngăn lũ, mặn, giữ ngọt, tận dụng nước triều theo mùa để khai thác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; ngoài ra, công trình thủy lợi hiện nay còn phục vụ nhiều mục tiêu, phục vụ lợi ích tổng hợp theo nhu cầu xã hội như: cung cấp nước phục vụ sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, phòng chống úng ngập, phục vụ nuôi trông thủy sản, bảo vệ môi trường, sinh thái... góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong vùng hưởng lợi.

Mặc dù trong những năm gần đây, diện tích đất nông nghiệp giảm theo quy hoạch và do ảnh hưởng đô thị hóa, nhưng năng suất và sản lượng nông nghiệp vẫn tăng đáng kể, đã thể hiện rõ sự đóng góp tích cực của ngành thủy lợi thành phố.

Điển hình Hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi: được xây dựng từ năm 1985, hoàn thành cơ bản năm 1987, được kiên cố hóa từ năm 2002 đến nay đã hoàn chỉnh đồng bộ từ kênh chính đến kênh nội đồng. Hệ thống thủy lợi có nhiệm vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 12.000ha, cấp nước sinh hoạt và giao thông nội đồng… trong đó nguồn nước tưới được dẫn từ hồ Dầu Tiếng về thành phố Hồ Chí Minh qua kênh Đông chảy vào các kênh tưới cấp 1, 2, 3...

Hệ thống kênh Đông Củ Chi có tổng chiều dài kênh tưới, tiêu các cấp 630 km gồm: 11km kênh chính, 140km kênh loại II (cấp 1 và 2), 480 km kênh loại III (cấp 3, 4 và nội đồng) và trên 1.950 công trình xây đúc các loại trên kênh. Các kênh tưới được thiết kế theo kênh nổi hoặc nửa nổi nửa chìm, hệ thống tiêu thoát nước kênh đào, có tận dụng và cải tạo một số rạch tự nhiên trong khu vực. Hệ thống tưới tiêu này do Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi thành phố quản lý, bảo vệ, vận hành, khai thác.

Đây là hệ thống công trình có quy mô lớn và mang lại hiệu quả cao, đặc biệt đối với huyện Củ Chi. Trước khi có hệ thống kênh Đông Củ Chi, việc sản xuất thường là 01 vụ lúa (dùng nước mưa) và 01 vụ hoa màu (nước giếng); sau khi có hệ thống kênh Đông Củ Chi dẫn nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng về phục vụ đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn huyện Củ Chi, phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân sản xuất nông nghiệp được quanh năm, đạt năng suất cao (02 lúa, 01 màu hoặc 01 lúa, 02 màu), đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, diện mạo nông thôn được đổi mới.

[...]