Quyết định 1603/QĐ-UBND năm 2017 Kế hoạch hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 1603/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/06/2017
Ngày có hiệu lực 29/06/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Y Giang Gry Niê Knơng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1603/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 29 tháng 6 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ các Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quyết định số 794/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2014 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Thủy lợi; Quyết định số 784/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2014 ban hành Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi hiện có; Quyết định số 802/QĐ- BNN-TCTL ngày 22/4/2014 ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Thủy lợi; Văn bản số 1638/BNN-TCTL ngày 26/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Thủy lợi;

Căn cứ Quyết định số 2325/QĐ-UBND ngày 10/8/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 72/TTr-SNN ngày 08/6/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (có Kế hoạch kèm theo).

Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (báo cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy; (báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; (báo cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NNMT (Th 34b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Y Giang Gry Niê Knơng

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
(Kèm theo Quyết định số 1603/QĐ-UBND ngày 29/6/2017 của UBND tỉnh).

I. MỤC TIÊU

Xác định cụ thể nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, tiến độ và phân công cho các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị đối với từng nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành Thủy lợi (Trong đó bao gồm các Quy hoạch, Kế hoạch, Đề án, Phương án, Chương trình, Quy chế, Quy định theo các Nghị quyết do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành và các Quyết định do UBND ban hành về lĩnh vực thủy lợi; cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; phòng, chống thiên tai và đê điều), để đạt được các mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu ngành Thủy lợi đã đề ra nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần hoàn thiện, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

II. NHIỆM VỤ

1. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi

a) Đối với công trình thủy lợi và hệ thống thủy lợi nội đồng do Tổ chức hợp tác dùng nước tại các địa phương quản lý

- Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi, để nâng cao năng lực phục vụ, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

+ Đối với diện tích lúa: Hàng năm nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng thủy lợi, hoàn thiện hệ thống kênh nội đồng, bố trí đường giao thông nội đồng hợp lý; tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn, áp dụng các phương thức, quy trình canh tác tiên tiến, thúc đẩy cơ giới hóa, góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao thu nhập của người dân.

+ Đối với diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hoặc canh tác kết hợp: Nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi, kết hợp hiện đại hóa hệ thống tưới, ứng dụng khoa học công nghệ tưới tự động, tiết kiệm nước, áp dụng các phương thức, quy trình canh tác tiên tiến thích hợp.

- Củng cố Tổ chức hợp tác dùng nước:

+ Rà soát, củng cố, thành lập Tổ chức hợp tác dùng nước trên cơ sở tự nguyện, hợp tác, bình đẳng, đồng sở hữu, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên nhằm mang lại lợi ích cho thành viên; đồng thời, tổ chức quản lý thủy nông cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới.

+ Căn cứ điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và đặc điểm công trình để thành lập hoặc củng cố Tổ chức quản lý thủy nông cơ sở phù hợp, cụ thể 2 loại hình chính là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kết hợp dùng nước và Tổ hợp tác dùng nước. Đề xuất Trung ương hoàn thiện và đồng bộ hóa các chính sách hỗ trợ, củng cố tổ chức, năng lực quản lý, tham gia cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh nhằm phát triển bền vững hệ thống thủy nông cơ sở.

[...]