Quyết định 837/QĐ-UBND năm 2011 về Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành

Số hiệu 837/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/12/2011
Ngày có hiệu lực 16/12/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Phạm Thế Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 837/QĐ-UBND

Gia Lai, ngày 16 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TỈNH GIA LAI  GIAI ĐOẠN  2011 - 2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

Căn cứ Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 02/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/01/2011 của Bộ Nội vụ về việc Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011 - 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ; thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 837/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2011  của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)

Phần I

ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH VÀ THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TỈNH GIA LAI

I/- Đặc điểm tình hình:

Gia Lai là tỉnh miền núi, vùng cao có diện tích 1.553.693,31 hecta, địa hình phức tạp, hiểm trở; dân số toàn tỉnh hiện nay là 1.272.792 người (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 610.940 người (47,99%), chủ yếu là người Jrai và Bahnar;  hiện có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 02 thị xã và 14 huyện), 222 đơn vị hành chính cấp xã (24 phường, 12 thị trấn và 186 xã) với 2.149 thôn, làng, tổ dân phố (1.781 thôn, làng; 368 tổ dân phố). Là một tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia và là nút giao thông giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền trung; vì vậy Gia Lai có vị trí chiến lược quan trọng đối với công tác đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh Gia Lai phát triển ngày càng vững chắc, quốc phòng, an ninh được đảm bảo, hệ thống chính trị được củng cố, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Đạt được kết quả, thành công trên có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là do có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) của tỉnh; tinh thần, thái độ trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân và trình độ các mặt của đội ngũ CBCC ngày càng được nâng cao, đáp ứng cơ bản được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận CBCC của tỉnh còn nhiều mặt hạn chế, chưa xứng tầm với nhiệm vụ trong thời kỳ mới, còn lúng túng, chưa xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn ở cơ sở… Do vậy, nhu cầu đặt ra là cần phải đào tạo, bồi dưỡng để vừa tạo nguồn bổ sung đủ số lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trẻ, chuyên nghiệp, đủ năng lực, thực thi công vụ hiệu quả, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh, đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn mới hiện nay.

II/- Thực trạng đội ngũ CBCC tỉnh Gia Lai:

1. Đội ngũ CBCC tỉnh, huyện:

a) CBCC khối Đảng, đoàn thể: có 1.569 người, trong đó có 977 nam (80,52%), 592 nữ (19,47%); Dưới 30 tuổi 390 người (24,86%), Từ 30 đến dưới 40 tuổi 427 người (27,2%), từ 40 đến dưới 50 tuổi 416 người (26,51%), Từ 50 tuổi đến 60 tuổi 325 người (20,71 %);  Trên 60 tuổi 11 người (0,7 %). Về trình độ các mặt cụ thể như sau:

- Về trình độ chuyên môn: Thạc sĩ 15 người (0,94%); đại học 730 người (46,52%); cao đẳng 84 người (5,35%); trung cấp 420 người (26,77%), còn lại 320 người (20,05%);

- Về trình độ lý luận chính trị (LLCT): chưa qua đào tạo 476 người (30,34%), sơ cấp 178 người (11,34%), trung cấp 457 người (29,13%), cao cấp 458 người (29,19%).

b) Công chức khối nhà nước: có 3.575 người, trong đó có 2.421 nam (67,7%), 1.154 nữ (32,28%), 257 người dân tộc thiểu số (7,2%); Dưới 30 tuổi 626 người (17,51%), Từ 30 đến dưới 40 tuổi 1.118 người (31,3%), từ 40 đến dưới 50 tuổi 1.101 người (30,79%), Từ 50 tuổi trở lên 730 người (20,42 %). Về trình độ các mặt cụ thể như sau:

[...]