ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CẦN THƠ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 78/2002/QĐ-UB
|
Cần Thơ, ngày 02
tháng 7 năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH CẦN THƠ THỰC HIỆN
NGHỊ QUYẾT SỐ 08-NQ/TW NGÀY 02 THÁNG 01 NĂM 2002 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ MỘT SỐ NHIỆM
VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy
ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg ngày 19
tháng 3 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết
số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng
tâm công tác tư pháp trong thời gian sắp tới,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của ủy
ban nhân dân tỉnh Cần Thơ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm
2002 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2002 của
Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở, Thủ trưởng
cơ quan Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, Chủ tịch ủy
ban nhân dân thị xã Vị Thanh và các huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- VP.CP (HN-TP.HCM)
- Bộ Tư pháp
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh
- TAND và VKSND tỉnh
- Sở, Ban, Ngành tỉnh
- VP.TU và các Ban của Đảng
- UBMTTQ tỉnh và các đoàn thể
- TT.HĐND và UBND TP-TX-H
- Cơ quan TƯ đóng trên địa bàn
- Cơ quan Báo, Đài
- Lưu VP (HC, NCTH).
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ
CHỦ TỊCH
Nguyễn Phong Quang
|
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH CẦN THƠ
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 08-NQ/TW NGÀY 02 THÁNG 01 NĂM 2002 CỦA
BỘ CHÍNH TRỊ VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP
(Ban hành theo Quyết định số /2002/QĐ-UB ngày tháng 6 năm 2002 của
UBND tỉnh)
I/- MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU CỦA
CHƯƠNG TRÌNH:
Ngày 02 tháng 1 năm 2002 Bộ Chính trị ban hành
Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời
gian sắp tới. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, đề ra những chủ trương lớn,
có tính đột phá nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoàn thiện tổ chức và hoạt
động tư pháp, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn
trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xây dựng nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Thực hiện Nghị quyết số
08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ban
hành Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2002 đề ra nhiệm vụ, chỉ đạo
các Bộ, ngành và địa phương tiến hành các giải pháp tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở nội dung Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg
ngày 19 tháng 3 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 24
tháng 5 năm 2002 của Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh đề ra Chương trình hành động
nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ
trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Cần Thơ.
II/- NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH CỦA
CHƯƠNG TRÌNH:
Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg ngày 19 tháng 3 năm
2002 của Thủ tướng Chính phủ đề ra 5 nhóm việc lớn của ủy ban nhân dân các cấp
phải tập trung thực hiện, với nhiều công việc cụ thể khác nhau. Trong đó, có những
việc phải thực hiện ngay, có những việc phải thực hiện theo kế hoạch hoặc phối
hợp với các cơ quan có liên quan để tổ chức thực hiện.
Theo tính chất và mức độ của nhiệm vụ được giao,
ủy ban nhân dân tỉnh đề ra những công việc, yêu cầu các Sở, Ban ngành tỉnh, ủy
ban nhân dân các cấp trong tỉnh tổ chức thực hiện như sau:
1/- Đối với nhiệm vụ giám sát của Hội đồng nhân
dân:
ủy ban nhân dân các cấp kịp thời giải quyết, trả
lời những vấn đề do Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh, Đại biểu Quốc hội, Thường
trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân
dân cấp trên và cùng cấp yêu cầu; đồng thời, bảo đảm đầy đủ điều kiện và tạo mọi
thuận lợi để Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh, Đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội
đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân thực
hiện chức năng giám sát đối với công tác tư pháp, tập trung vào việc chấp hành
pháp luật trong lĩnh vực bắt, tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử và thi hành
án, giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tư pháp.
Để tạo thuận lợi cho Hội đồng nhân dân thực hiện
quyền giám sát trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ủy ban nhân dân phải
trình kế hoạch ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương tại kỳ họp của
Hội đồng nhân dân; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về công tác tư pháp phải
được gởi đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, để tham gia ý kiến, trước
khi trình cấp có thẩm quyền ban hành.
2/- Đối với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan
tư pháp:
a/- Nhiệm vụ chung:
- Các ngành, các cấp và mỗi cán bộ, công chức có
trách nhiệm phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan tiến hành tố
tụng thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền.
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về công
tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát huy vai trò của tổ
chức xã hội, các hình thức tự quản của nhân dân trong việc phát hiện, ngăn chặn
và triệt tiêu các loại tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm có tổ chức hoạt
động theo băng nhóm, hoạt động theo kiểu "xã hội đen".
- Phối hợp với các cơ quan tư pháp trong việc tổ
chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo các văn bản pháp luật về tư pháp theo kế
hoạch của Bộ, ngành giao; phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các văn bản tư
pháp theo kế hoạch của ngành đến cán bộ và nhân dân.
- Xử lý kịp thời đối với cán bộ, công chức vi phạm
pháp luật hình sự, pháp luật giao thông và các qui định của pháp luật, vi phạm
chức trách giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực tư pháp và những hành vi sách
nhiễu, ức hiếp nhân dân, xâm phạm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân
dân.
- Các cơ quan Báo, Đài trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh
tuyên truyền về các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng; kịp thời đưa tin,
bài, ảnh các nhân tố tích cực, gương điển hình tiên tiến trong phòng chống tội
phạm, gương tận tụy, liêm khiết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tư pháp.
b/- Một số việc thực hiện trong năm 2002:
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố
tụng trong việc điều tra, truy tố, xét xử các án trọng điểm về tham nhũng có
liên quan trực tiếp đến cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý; đồng thời tổ chức
kiểm điểm, rút kinh nghiệm về công tác quản lý cán bộ liên quan đến tham nhũng
trong cơ quan, đơn vị gắn với thực hiện các Qui chế thực hiện dân chủ ở cơ
quan, doanh nghiệp nhà nước và cơ sở.
- Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác bắt,
giam giữ, thi hành án hình sự, không để bắt oan sai.
- Ban hành Qui chế phối hợp giữa các cơ quan
hành chính Nhà nước với Tòa án nhân dân các cấp trong tỉnh và giữa các cơ quan
tiến hành tố tụng.
3/ - Đối với công tác thi hành án dân sự:
a/- Nhiệm vụ chung:
- Quán triệt nhận thức cho các cấp, các ngành về
vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác thi hành án dân sự.
Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về công tác thi hành
án.
- ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo cơ quan thi
hành án tập trung giải quyết các vụ việc bức xúc, những vụ án tồn đọng kéo dài
nhiều năm .
- Các khiếu nại, tố cáo về thi hành án phải được
giải quyết kịp thời, dứt điểm tại nơi phát sinh, làm rõ nguyên nhân của các vụ
việc tồn đọng, khiếu nại và trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án, Chấp
hành viên gắn với trách nhiệm chỉ đạo, quản lý điều hành của Giám đốc Sở Tư pháp
và Trưởng phòng (Ban) Tư pháp cấp huyện.
- Ban chỉ đạo thi hành án các cấp phối hợp và tạo
điều kiện thuận lợi cho Viện Kiểm sát nhân dân trong việc tăng cường và nâng
cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, tạo điều kiện cho công tác kiểm sát
thi hành án đạt hiệu quả cao.
b/- Một số việc thực hiện trong năm 2002:
- Nâng cao trách nhiệm của Ban chỉ đạo thi hành
án dân sự ở thành phố, thị xã, huyện và tổ thi hành án ở xã, phường, thị trấn,
đơn vị nào chưa thành lập Ban chỉ đạo thì khẩn trương thành lập theo tinh thần
Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.
- Thực hiện đủ biên chế theo chỉ tiêu phân bổ và
bổ nhiệm từ 3 đến 4 Chấp hành viên cho cơ quan Thi hành án dân sự.
- Tổ chức phân loại án để thi hành, tách những loại
án không có khả năng thi hành, để tổ chức thi hành, nhằm giảm tối đa số án tồn,
tập trung chỉ đạo giải quyết án tồn đọng ở Phòng Thi hành án và Đội Thi hành án
thành phố Cần Thơ, bảo đảm số án thi hành xong cao hơn các năm qua.
- Trên cơ sở phân loại, rà soát án tiếp tục triển
khai việc giao cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp đôn đốc thi
hành đối với các vụ việc có trị giá không quá 500.000 đồng, theo sự chỉ đạo hướng
dẫn của cơ quan thi hành án.
- Thực hiện sơ kết công tác thi hành án dân sự
trên địa bàn tỉnh vào tháng 7/2002. Đồng thời, tiếp tục quán triệt thực hiện có
hiệu quả Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2001 của Thủ tướng
Chính phủ về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
4/- Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật:
a/- Nhiệm vụ chung:
- ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục kiện toàn Hội
đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp mình; ban hành Qui chế
phối hợp, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các Hội đồng phối hợp công
tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp.
- Chỉ đạo Sở, Ban ngành tỉnh và các cơ quan Báo,
Đài tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cơ
quan và nhân dân. Tiếp tục đổi mới hình thức, phương thức tổ chức phổ biến,
giáo dục pháp luật; lựa chọn nội dung thiết thực phù hợp với từng đối tượng, tạo
điều kiện để nhân dân được tiếp cận với pháp luật, trong đó ngành tư pháp (Sở,
Phòng, Ban Tư pháp) làm chủ công và tham mưu đề xuất cho UBND cùng cấp thực hiện
có hiệu quả công tác này.
b/- Một số việc thực hiện trong năm 2002:
- Thành lập ngay Hội đồng phối hợp công tác phổ
biến, giáo dục pháp luật ở các đơn vị xã, thị trấn mới được thành lập.
- Các cấp tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số
02/1998/CT-TTg ngày 07 tháng 01 năm 1998 và Quyết định số 03 /1998/QĐ-TTg ngày
07 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó đề ra và tổ chức thực
hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Tập trung phát triển, củng cố lực lượng cán bộ
làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là đội ngũ tuyên truyền viên ở
cơ sở.
- Hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề tài khoa
học nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh
(Sở Tư pháp làm chủ Đề tài).
- Trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị
quyết về phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn.
- Thành lập Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp để
phục vụ các nhu cầu thông tin, tư vấn pháp luật của doanh nghiệp trên địa bàn,
là cầu nối của doanh nghiệp và pháp luật trong điều kiện phát huy nội lực, hội
nhập kinh tế khu vực và thế giới.
5/- Đối với hoạt động tổ chức hòa giải ở cơ sở:
- Tăng cường và củng cố hệ thống tổ chức hoà giải
ở cơ sở và phát huy các loại hình hòa giải thích hợp.
- Năm 2002, phối hợp với ủy ban Mặt trận Tổ quốc
tỉnh tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2000/CT-UB ngày 25 tháng 02
năm 2000 của ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ về việc kiện toàn tổ chức và hoạt động
hoà giải ở cơ sở trên địa bàn, để chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
6/- Đối với công tác tổ chức, cán bộ:
- Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước
trong công tác tư pháp; định kỳ báo cáo hoạt động tư pháp tại cơ quan, đơn vị
và địa phương cho cấp ủy; cán bộ, đảng viên phải tôn trọng hoạt động của các cơ
quan tư pháp, không được can thiệp, cản trở hoạt động tư pháp.
- Tăng cường đội ngũ cán bộ và sắp xếp bổ nhiệm
cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan tư pháp (Công an, Sở, Phòng, Ban Tư
pháp) gắn với triển khai thực hiện đề án sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần
Nghị quyết số 16/ 2000/NQ-CP của Chính phủ.
- Sở Tư pháp và Ban Tổ chức chính quyền tỉnh phối
hợp ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát đội ngũ cán bộ tư pháp để xác định biên
chế cho phù hợp với nhiệm vụ và xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững
mạnh, chống mọi biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công tác tư pháp.
7/- Tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo các điều
kiện làm việc cho các cơ quan tư pháp:
- Qui hoạch, giao đất xây dựng trụ sở các cơ
quan tư pháp (Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát
nhân dân, cơ quan Công an, Đội Thi hành án các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành A,
Vị Thủy...), các nhà tạm giữ ở cấp huyện. Hàng năm, bố trí kế hoạch đầu tư,
nâng cấp, sửa chữa và xây mới trụ sở, nhà làm việc của hệ thống cơ quan tư pháp
theo qui hoạch, qui mô, yêu cầu của ngành và kế hoạch chung của địa phương.
- Đầu tư trang thiết bị, đảm bảo kinh phí hoạt động
cho ngành tư pháp; giải quyết hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động cho Toà án nhân
dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Công an thực hiện các nhiệm vụ đột xuất trên địa
bàn.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài
chính Vật giá kiểm tra, cân đối kinh phí, bố trí đầu tư hàng năm để đảm bảo các
điều kiện vật chất, kỹ thuật cho hoạt động tư pháp ở địa phương.
III/- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Căn cứ nhiệm vụ đề ra tại Chương trình hành động
này, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch ủy ban nhân dân
các cấp có trách nhiệm chủ động trong các phần việc liên quan đến chức năng,
nhiệm vụ của ngành, địa phương để đề ra biện pháp thực hiện cụ thể; đồng thời,
phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp thực hiện các nhiệm vụ có liên quan
theo Chương trình hành động, Kế hoạch của Bộ, ngành Trung ương đề ra.
Giao Sở Tư pháp cùng Văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh
chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chương trình hành
động, định kỳ báo cáo và đề xuất ý kiến với ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp
chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động này./.