Chỉ thị 10/2002/CT-TTg thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 10/2002/CT-TTg |
Ngày ban hành | 19/03/2002 |
Ngày có hiệu lực | 03/04/2002 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2002/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2002 |
Ngày 02 tháng 01 năm 2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW về "Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới". Đây là Nghị quyết quan trọng, đề ra các chủ trương lớn, có tính đột phá nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách tư pháp; xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân trong tiến trình phát huy nội lực, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế.
Nội dung của Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị trực tiếp liên quan đến tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp. Vì vậy, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp cần chủ động nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết, xác định rõ những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình để tích cực triển khai thực hiện.
Để bảo đảm sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
a) Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can trong một số loại tội phạm, trình Chính phủ trong quý III năm 2002.
b) Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự trong lực lượng công an nhân dân; rà soát lại các vụ oan sai, các vụ trốn khỏi nơi giam giữ, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để giải quyết dứt điểm, đề phòng tái diễn.
c) Rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ của lực lượng bảo vệ và quản lý giam, giữ; điều kiện giam, giữ, ăn, ở, sinh hoạt của người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân ở các nhà tạm giữ, trại tạm giam, phân trại quản lý phạm nhân trong trại tạm giam và các trại giam. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan khác xây dựng Đề án trang bị phương tiện, cải tạo, nâng cấp các nhà tạm giữ, trại tạm giam và trại giam, trình Chính phủ trong quý III năm 2002.
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan khác khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động cải tạo phạm nhân; xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giam giữ, cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện cho các phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng sau khi mãn hạn cải tạo.
đ) Chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp xây dựng Đề án áp dụng thủ tục điều tra rút gọn đối với những vụ án đơn giản, phạm tội quả tang, chứng cứ rõ rằng, hậu quả ít nghiêm trọng đề xuất, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự.
e) Chủ trì, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng xây dựng đề án thay đổi việc tổ chức thi hành hình phạt tử hình, trình Chính phủ trong quý IV năm 2002.
g) Rà soát đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp trong lực lượng công an nhân dân, đặc biệt chú ý đội ngũ điều tra viên và Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; Bố trí những cán bộ có phẩm chất đạo đức, năng lực tổ chức, chỉ huy, nắm vững pháp luật, giỏi về nghiệp vụ điều tra giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan điều tra các cấp; đánh giá trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức để có phương hướng, nội dung và biện pháp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thích hợp, theo hướng nâng cao tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức và nghề nghiệp chuyên môn của các cán bộ này. Đối với các trường hợp chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo qui định, hạn chế về trình độ năng lực hoặc có biểu hiện sai phạm thì miễn nhiệm, điều chuyển công tác khác hoặc có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan khác sớm hoàn thành dự thảo Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự (sửa đổi) để Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong quý III năm 2002.
Đồng thời với việc hoàn chỉnh dự thảo Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự (sửa đổi), chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan khác xây dựng Đề án cụ thể về sáp nhập, sắp xếp, củng cố các cơ quan điều tra ở Bộ và cơ quan điều tra cấp tỉnh (cơ quan an ninh điều tra và cơ quan cảnh sát điều tra thuộc công an cấp tỉnh) theo hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị, trình Chính phủ trong quý IV năm 2002.
h) Chủ trì, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính xây dựng đề án thành lập lực lượng cảnh sát tư pháp, trình Chính phủ trong quý IV năm 2002.
i) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá - Thông tin, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan khác chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các cấp xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm ngay tại thôn, làng, bản, ấp, khu phố, cụm dân cư; đề xuất hình thức khen thưởng kịp thời, đồng thời phải có những biện pháp bảo vệ cho những người có công phát hiện, tố giác tội phạm, giúp đỡ cơ quan công an bắt giữ kẻ phạm tội.
k) Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ sở đào tạo đề xuất phương án đổi mới tổ chức, nội dung đào tạo cán bộ tư pháp trong lực lượng công an nhân dân và điều tra viên của Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tố cao; nghiên cứu đổi mới hệ thống chương trình, giáo trình bảo đảm tính thống nhất về nội dung trong các trường công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và phù hợp với chương trình đào tạo chung của Nhà nước.
l) Xây dựng kế hoạch hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực, đặc biệt là với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia trong đấu tranh chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma tuý, buôn lậu, sản xuất và lưu hành tiền giả, mua bán phụ nữ, trẻ em, trình Chính phủ trong quý III năm 2002.
a) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/CP ngày 04 tháng 6 năm 1993 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, trình Chính phủ trong quý IV năm 2002.
Phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư liên Bộ số 12/TTLT ngày 26 tháng 7 năm 1993 nhằm hoàn chỉnh mô hình, hệ thống tổ chức, kiện toàn, củng cố các cơ quan tư pháp từ Trung ương đến cơ sở.
Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và các cơ quan hữu quan khác soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP ngày 06 tháng 9 năm 1997 về tổ chức pháp chế Bộ, ngành và xây dựng tổ chức pháp chế ở các Sở, ngành địa phương và doanh nghiệp, trình Chính phủ trong quý II năm 2002 nhằm kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò của các tổ chức pháp chế ở Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp.
b) Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan khác thực hiện việc rà soát đội ngũ cán bộ tư pháp, trên cơ sở đó xây dựng Đề án tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ tư pháp nhằm khắc phục tình trạng "đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ năng lực, nghiệp vụ", trình Chính phủ trong quý IV năm 2002.
c) Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan khác khẩn trương xây dựng Đề án cải cách chế độ tiền lương, phụ cấp và chính sách đãi ngộ, khen thưởng phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của cán bộ tư pháp, trình Chính phủ trong quý III năm 2002.
d) Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân các cấp xây dựng Đề án luân chuyển cán bộ tư pháp giữa các cơ quan tư pháp với nhau; giữa các cơ quan tư pháp Trung ương và cơ quan tư pháp địa phương, trình Chính phủ trong quý III năm 2002.
đ) Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan khác xây dựng hệ tiêu chuẩn của các chức danh tư pháp theo hướng chú trọng tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức và nghề nghiệp chuyên môn, trình Chính phủ trong quý IV năm 2002.
e) Có giải pháp đồng bộ bảo đảm nghiêm chỉnh thi hành Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và nâng cao hiệu quả công công tác thi hành án dân sự. Đề cao vai trò của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự ở các cấp. Thực hiện đủ biên chế, nâng cao năng lực, trách nhiệm, điều kiện làm việc của cơ quan thi hành án dân sự. Khẩn trương sửa đổi các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về công tác thi hành án dân sự.