Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới do Bộ Chính trị ban hành

Số hiệu 08-NQ/TW
Ngày ban hành 02/01/2002
Ngày có hiệu lực 02/01/2002
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Bộ Chính trị
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ CHÍNH TRỊ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 08-NQ/TW

Hà Nội, ngày 2 tháng 1 năm 2002

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ “MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI”

I. Tình hình công tác tư pháp trong những năm qua

Trong những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm và các tranh chấp xảy ra nghiêm trọng, diẽn biến phức tạp, nhưng công tác tư pháp đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ tích cực công cuộc đổi mới; phần lớn cán bộ làm công tác tư pháp giữ vững phẩm chất chính trị, có tinh thần trách nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ, nhiều đồng chí đã tận tuỵ với công việc, có những trường hợp hy sinh cả tính mạng trong cuộc đấu tranh chống tội phạm.

Tuy nhiên, chất lượng công tác tư pháp nói chung chưa ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân; còn nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, vi phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp.

Những tồn tại, khuyết điểm nêu trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng trước hết là do một số nguyên nhân chủ quan cơ bản sau đây:

1- Công tác cán bộ của các cơ quan tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình hiện nay. Đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ và năng lực nghiệp vụ, một bộ phận tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, sa sút về phẩm chất đạo đức. Đây là vấn đề nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến kỷ cương, pháp luật , giảm hiệu lực của bộ máy nhà nước.

2- Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của các cơ quan tư pháp còn nhiều bất hợp lý nhưng chậm được đổi mới, kiện toàn cho phù hợp.

3- Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các cơ quan tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là ở cấp huyện nhiều nơi trụ sở còn rất chật chội, phương tiện làm việc vừa thiếu vừa lạc hậu; chính sách đối với cán bộ tư pháp chưa tương xứng với nhiệm vụ và chức trách được giao.

4- Pháp luật trong lĩnh vực tư pháp chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ và còn nhiều sơ hở. Công tác xây dựng, giải thích, hướng dẫn và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có pháp luật về lĩnh vực tư pháp còn nhiều bất cập và hạn chế.

5- Việc triển khai và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về cải cách tư pháp chưa nghiêm. Nhìn chung sự lãnh đạo của Đảng và sự quan tâm của Nhà nước đối với công tác tư pháp còn hạn chế, chưa có cơ chế cụ thể để chỉ đạo sự phối hợp hoạt động của các cơ quan tư pháp. Công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về lĩnh vực tư pháp chưa được chú ý đúng mức. Cơ quan tham mưu của cấp uỷ về lĩnh vực nội chính chậm được kiện toàn, chất lượng tham mưu yếu.

II- Quan điểm chỉ đạo và một số nhiệm vụ trong tâm công tác tư pháp trong thời gian tới.

Để trong thời gian tới công tác tư pháp có những chuyển biến mạnh mẽ, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần quán triệt một số quan điểm chỉ đạo và tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm dưới đây:

A. Quan điểm chỉ đạo

1- Công tác tư pháp phải thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, bám sát và phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế; giữ vững bản chất của Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

2- Công tác tư pháp phải ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm hình sự, đặc biệt là các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội tham nhũng và các loại tội phạm có tổ chức; bảo vệ trật tự, kỷ cương; bảo đảm và tôn trọng dân chủ, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

3- Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia vào công tác tư pháp. Các cơ quan tư pháp phải dựa vào nhân dân để hoạt động, đồng thời phải là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp.

4- Xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh và từng bước hiện đại, góp phần xây dựng, bảo vệ Đảng và Nhà nước.

B- Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới

1- Nâng cao chất lượng hoạt động và đề cao trách nhiệm của các cơ quan và cán bộ tư pháp.

a) Nâng cao chất lượng công tác điều tra, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách điều tra với các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để phục vụ tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can trong một số loại tội.

b) Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Hoạt động công tố phải được thực hiện ngày từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình tố tụng nhằm bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, xử lý kịp thời những trường hợp sai phạm của những người tiến hành tố tụng khi thi hành nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng công tố của kiểm sát viên tại phiên toà, bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sưư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác…

Tăng cường công tác kiểm sát việc bắt, giam, giữ, bảo đảm đúng pháp luật; những trường hợp chưa cần bắt, tạm giữ, tạm giam thì kiên quyết không phê chuẩn lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp oan, sai trong bắt, giữ. Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm về những oan sai trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam thuộc phạm vi thẩm quyền phê chuẩn của mình.

c) Khi xét xử, các toà án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn quy định.

d) Các cơ quan tư pháp co trách nhiệm tạo điều kiện để luật sưư tham gia vào quá trình tố tụng: tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên toà…

đ) Trên cơ sở tổng kết, đánh giá về công tác thi hành án, cần sớm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thi hành án, bảo đảm các quyết định, bản án của toàn án đã có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh. Xây dựng đề án thay đổi việc tổ chức thi hành hình phạt tử hình và nghiên cứu hạn chế án tử hình trong Bộ luật hình sự.

e) Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, không hữu khuynh hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử cần thực hiện đúng thời hạn tố tụng như luật định.

g) Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm chủ trì phối hợp các cơ quan tư pháp trong việc nghiên cứu cơ chế, chính sách và các biện pháp để đấu tranh, xử lý có hiệu quả các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các tội tham ô, tội hối lộ, tội nhận hối lộ.

[...]
10
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ