BỘ VĂN HÓA, THỂ
THAO
VÀ DU LỊCH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 755/QĐ-BVHTTDL
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 03 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT, BỘ CÔNG CỤ ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT NHANH THỰC TRẠNG
VÀ NHU CẦU VỀ GIÁO DỤC ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH PHỤC VỤ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA
VỀ GIÁO DỤC ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP
ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định số
670/QĐ-BVHTTDL ngày 11 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch về việc ban hành Kế hoạch xây dựng Chương trình Quốc gia về giáo dục đời
sống gia đình Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Gia
đình,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề cương chi tiết,
bộ công cụ điều tra, khảo sát nhanh thực trạng và nhu cầu giáo dục đời sống gia
đình phục vụ cho việc xây dựng Đề án quốc gia về giáo dục đời sống gia đình Việt
Nam giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây viết tắt là Đề cương).
Điều 2. Giao Vụ Gia đình chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện theo Đề cương. Kinh phí thực hiện
điều tra, khảo sát từ nguồn sự nghiệp Gia đình năm 2015 và các nguồn kinh phí hỗ
trợ hợp pháp khác.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài
chính, Vụ trưởng Vụ Gia đình và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có tên tại Điều
1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh (để báo cáo);
- Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái;
- Lưu: VT, GĐ, TVT.20.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Huỳnh Vĩnh Ái
|
ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT
ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT NHANH THỰC TRẠNG, NHU CẦU VỀ GIÁO DỤC ĐỜI SỐNG GIA
ĐÌNH PHỤC VỤ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN QUỐC GIA VỀ GIÁO DỤC ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH VIỆT NAM
GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TẠI LÂM ĐỒNG VÀ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG)
(Ban hành theo Quyết định số 755/QĐ-BVHTTDL ngày 17 tháng 3 năm 2015 của Bộ
trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
ĐẶT VẤN ĐỀ
Gia đình là thiết chế xã hội đặc biệt,
là tế bào của xã hội, nơi con người sinh ra và lớn lên, nơi các thành viên, thế
hệ trong gia đình thể hiện tình yêu thương, nơi thế hệ trẻ được chăm lo cả về
thể chất, trí tuệ, đạo đức và nhân cách để hội nhập vào cuộc sống cộng đồng xã
hội.
Trong quá trình thực hiện chức năng
xã hội hóa, gia đình là nơi quan trọng nhất cung cấp các kiến thức, kinh nghiệm,
kỹ năng sống để cá nhân hòa nhập vào xã hội. Do vậy, vai trò của giáo dục trong
gia đình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của con người là hết sức
quan trọng.
Giáo dục đời sống gia đình là những
hoạt động cung cấp cho các thành viên trong gia đình những kiến thức, kỹ năng,
kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi thành viên trong gia
đình nói riêng và gia đình nói chung. Giáo dục đời sống gia đình có thể do tổ
chức hoặc do chính gia đình thực hiện gắn liền với việc vận dụng những kiến thức
được học vào đời sống thực tiễn trong quá trình xã hội hóa cá nhân, đặc biệt là
giai đoạn từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành.
Trong xã hội truyền thống, giáo dục đời
sống gia đình thường được thực hiện thông qua các phong tục tập quán, gia
phong, (lối sống) của gia đình, dòng họ, trong mối quan hệ với làng xã cũng như
trong quá trình học việc cùng với cha mẹ, ông bà, anh, chị em trong gia đình
...
Trong bối cảnh công nghiệp hóa và hội
nhập quốc tế, bên cạnh những mặt thuận lợi mà quá trình hội nhập mang lại thì
những yếu tố tiêu cực như xu hướng đề cao chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, lối sống thực
dụng, tệ nạn xã hội... hiện đang tác động mạnh mẽ đến gia đình cả trên phương
diện cấu trúc cũng như những mối quan hệ nội tại trong gia đình. Rõ ràng là
trong khi gia đình đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn so với quá khứ
thì sự chuẩn bị về giáo dục đời sống gia đình cho mọi người, đặc biệt cho thế hệ
trẻ bị xem nhẹ. Trách nhiệm và vai trò giáo dục dường như “khoán trắng” cho nhà
trường và xã hội. Do vậy, cần thiết phải có sự đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục gia
đình, trách nhiệm của gia đình trong việc trang bị những kiến thức và kỹ năng
cơ bản cho các thành viên trong gia đình để thực hành thường xuyên và liên tục
để xây dựng và duy trì hạnh phúc gia đình.
Thực hiện Chỉ thị số 49/CT-TW ngày 21
tháng 12 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có nhiệm vụ “Tăng cường
công tác giáo dục đời sống gia đình. Cung cấp tới từng gia đình các kiến thức,
kỹ năng sống, như: kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong
gia đình với nhau và với cộng đồng. …..Trong giáo dục, phải kế thừa và phát huy
những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những
giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển”; Thực hiện nhiệm chủ
trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan “xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Đề án xây dựng Chương trình hành động Quốc gia về giáo dục đời sống
gia đình” trong năm 2015 tại Nghị quyết số 81/NQ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2012 về
ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo Kết luận số
26-TB/TW ngày 09 tháng 5 năm 2011 của Ban Bí thư về việc sơ kết Chỉ thị số
49-CT/TW ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Ban Bí thư (Khóa IX) về “xây dựng gia
đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch xây dựng Đề cương chi tiết đánh giá nhanh thực trạng, nhu cầu giáo dục
đời sống gia đình để làm cơ sở cho việc xây dựng Đề án quốc gia về giáo dục đời
sống gia đình Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 như sau:
I. TỔNG QUAN VẤN
ĐỀ GIÁO DỤC ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
1. Ở nước ngoài:
Hầu hết các quốc gia, dù là ở vùng địa
lý, văn hóa khác nhau nhưng đều thống nhất chung một quan điểm rằng gia đình có
một chức năng hết sức quan trọng là giáo dục và xã hội hóa cá nhân.
Trên thế giới, hiện nay có rất nhiều
công trình nghiên cứu, ấn phẩm đã được ra đời với nội dung giáo dục gia đình nhằm
cung cấp những kiến thức, kỹ năng cho các thành viên gia đình. Tác giả Lane. H.
Powell, Dawn Cassidy trong cuốn “Giáo dục đời sống gia đình: làm việc với gia
đình trong suốt chu kỳ đời sống gia đình, nhà xuất bản Waveland Press lần 2 năm
2001; tác giả David J. Bredehoft, Michael J. Walcheski, trong cuốn Giáo dục đời
sống gia đình: Kết hợp lý thuyết và thực hành, nhà xuất bản Ingram, 2002. Các
tác giả đều nêu bật sự quan trọng của giáo dục đời sống gia đình đối với từng
thành viên trong gia đình trong xây dựng một gia đình lành mạnh, mọi người tìm
thấy hạnh phúc khi có những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết.
Nội dung chủ yếu về giáo dục đời sống
gia đình hiện nay đều tập trung vào một số điểm chính như: kỹ năng làm cha mẹ;
chăm sóc sức khỏe sinh sản; ứng xử trong gia đình, kiềm chế nóng giận; quản lý
nguồn lực gia đình v.v...
2. Ở Việt Nam
Trong một vài năm gần đây đã có rất
nhiều các công trình nghiên cứu về nội dung giáo dục đời sống gia đình. Các
công trình nghiên cứu đều có chung nhận định giáo dục đời sống gia đình cùng với
giáo dục văn hóa ở nhà trường cùng giáo dục xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng
trong việc xây dựng con người phát triển một cách toàn diện và phù hợp với những
chuẩn mực giá trị của thời đại.Theo PGS.TS. Phạm Khắc Chương tại cuốn giáo dục
gia đình, Nhà xuất bản Giáo dục, 1998 thì “về nội dung giáo dục trong gia đình
hướng vào giáo dục đạo đức là số 1: 95%, giáo dục nghề nghiệp: 68%, giáo dục học
vấn cao: 31%. Nội dung cơ bản trong giáo dục gia đình đối với giáo dục hành vi
đạo đức. Hành vi đạo đức thường biểu hiện trong hành động đối nhân xử thế trong
nếp sống, trong phong cách, trong điệu bộ cử chỉ, trong lời ăn tiếng nói. Tác
giả Lê Thi đã nêu ra phương pháp giáo dục gia đình của người cha, người mẹ, đó
là cha mẹ phải “nêu gương qua lao động”, “lời nói đi đôi với việc làm”; quá
trình dạy thông qua trao đổi” là phương pháp thích hợp khơi dậy sự sáng tạo của
trẻ.
II. MỤC TIÊU CỦA
ĐÁNH GIÁ NHANH
1. Mục tiêu chung
Đánh giá nhanh thực trạng, nhu cầu
giáo dục đời sống gia đình tại 02 địa phương: Lâm Đồng và thành phố Hải Phòng
nhằm chuẩn bị cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Đề án quốc gia về giáo dục đời
sống gia đình Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.
2. Mục tiêu cụ thể
- Đánh giá thực trạng nhận thức của
công dân trong độ tuổi 20 - 60 về giáo dục đời sống gia đình trong thực hiện
giáo dục và xã hội hóa các thành viên trong gia đình đặc biệt là người từ 01 đến
18 tuổi.
- Xác định nhu cầu của các gia đình đối
với việc cung cấp nội dung giáo dục đời sống gia đình.
- Đề xuất các bước tiếp theo trong việc
xây dựng Đề án quốc gia về giáo dục đời sống gia đình Việt Nam giai đoạn 2016 -
2020 bao gồm nội dung cụ thể về giáo dục gia đình, khung chương trình, trách
nhiệm của cơ quan, đơn vị cung cấp loại hình giáo dục đời sống gia đình
v.v...phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế của gia đình hiện nay.
III. NHIỆM VỤ CỦA
ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT NHANH
1. Cơ sở lí luận của việc điều tra,
khảo sát nội dung giáo dục đời sống gia đình.
2. Phân tích thực trạng cung cấp nội
dung giáo dục đời sống gia đình của các gia đình và của các tổ chức tư nhân và
nhà nước tại hai địa bàn triển khai điều tra, khảo sát nhanh.
3. Tìm hiểu nhu cầu của các gia đình
đối với cung cấp nội dung giáo dục đời sống gia đình nhằm giúp gia đình thực hiện
tốt chức năng giáo dục và xã hội hóa các thành viên gia đình.
4. Đề xuất các bước tiếp theo trong
xây dựng Đề án quốc gia về giáo dục đời sống gia đình Việt Nam giai đoạn 2016 -
2020.
IV. ĐỐI TƯỢNG ĐÁNH
GIÁ
- Thực trạng và nhu cầu của công dân
trong độ tuổi từ 20 - 60 về giáo dục đời sống gia đình.
- Nhu cầu, quan điểm và nhận thức về
giáo dục đời sống gia đình của đại diện các ban, ngành đoàn thể có liên quan.
V. PHẠM VI VÀ ĐỊA
BÀN ĐÁNH GIÁ
- Phạm vi
Trong điều tra này, chúng tôi tập
trung vào thực trạng và nhu cầu cung cấp nội dung giáo dục đời sống gia đình của
các gia đình. Trên cơ sở kết quả điều tra này sẽ đề xuất các bước tiếp theo
trong xây dựng Đề án quốc gia về giáo dục đời sống gia đình Việt Nam giai đoạn
2016 - 2020.
- Địa bàn điều tra, khảo sát
Do điều kiện thời gian, khả năng kinh
phí và yêu cầu công việc nên điều tra, khảo sát này tập trung đánh giá tại 2 địa
phương: Lâm Đồng và Thành Phố Hải Phòng; mỗi tỉnh/thành phố chọn 1 huyện/quận,
mỗi huyện/quận chọn 01 xã/phường để điều tra, khảo sát.
VI. MỘT SỐ KHÁI NIỆM
CƠ BẢN:
- Khái niệm “gia đình”: Theo
Luật hôn nhân và gia đình được Quốc hội thông qua năm 2014 thì “gia đình là tập
hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ
nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định
của Luật này”.
Theo Từ điển triết học, Nhà xuất bản
Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002 thì “gia đình là một đơn vị xã hội (nhóm nhỏ
xã hội), hình thức tổ chức quan trọng nhất của sinh hoạt cá nhân, dựa trên hôn
nhân và quan hệ huyết thống, tức là quan hệ giữa vợ, chồng, giữa cha mẹ và con
cái, giữa anh chị em và những người thân khác cùng chung sống và có kinh tế
chung”.
- Khái niệm về “giáo dục”:
Giáo dục theo nghĩa chung là hình thức học tập, theo đó kiến thức, kỹ năng, và
thói quen của một nhóm người được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác
thông qua giảng dạy, đào tạo, hay nghiên cứu. Giáo dục thường diễn ra dưới sự
hướng dẫn của người khác, nhưng cũng có thể thông qua tự học. Bất cứ trải nghiệm
nào có ảnh hưởng đáng kể lên cách mà người ta suy nghĩ, cảm nhận, hay hành động
đều có thể được xem là có tính giáo dục. Giáo dục thường được chia thành các
giai đoạn như giáo dục tuổi ấu thơ, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, và
giáo dục đại học.
- Khái niệm về “giáo dục đời sống
gia đình”: Giáo dục đời sống gia đình là những hoạt động có tổ chức và nội
dung cụ thể nhằm cung cấp cho các thành viên trong gia đình những kiến thức, kỹ
năng, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi thành viên trong
gia đình nói riêng và gia đình nói chung.
VII. NỘI DUNG
Thực trạng giáo dục đời sống gia
đình:
- Hình thức giáo dục đời sống gia
đình ở Việt Nam và phương thức thực hiện hiện nay.
- Nội dung và thái độ tiếp nhận (chủ
động/bị động, tích cực/thờ ơ...) giáo dục đời sống gia đình giữa các vùng, dân
tộc, nghề nghiệp, giới tính...
- Tài liệu giáo dục đời sống gia đình
về: số lượng, chủng loại, lĩnh vực giáo dục, tính phù hợp của nội dung, mức độ
thuận tiện khi sử dụng.
Nhu cầu giáo dục đời sống gia
đình:
- Thành viên gia đình mong muốn được
cung cấp nội dung giáo dục đời sống gia đình gì, kỹ năng gì và được cung cấp dưới
hình thức nào.
- Những nhu cầu có tính truyền thống
và những nhu cầu có tính hiện đại cùng khả năng đáp ứng từ phía gia đình, tổ chức
xã hội khác.
- Những khó khăn, trở ngại, rào cản
tâm lý khi truyền tải các kiến thức về giáo dục đời sống gia đình.
- Khả năng thu nhận các kỹ năng, kiến
thức về hôn nhân gia đình từ các chủ thể truyền thống và các tổ chức tư vấn dịch
vụ hiện đại.
Định hướng giải pháp:
- Hướng đến phát huy ưu điểm, khắc phục
những nhược điểm của thực trạng giáo dục đời sống gia đình hiện nay.
- Xác định rõ đối tượng, nội dung thiết
yếu, các phương pháp truyền tải nội dung của giáo dục đời sống gia đình tới các
đối tượng có nhu cầu.
- Xây dựng các biện pháp, phương thức,
nội dung thích hợp đối với các vùng, các nhóm xã hội khó tiếp cận nhằm nâng cao
hiệu quả của giáo dục đời sống gia đình trên toàn xã hội.
- Xác định cơ quan/tổ chức giữ vai
trò chỉ đạo, phối hợp, điều hành thực hiện giáo dục đời sống gia đình, tiến tới
có những quy định có tính pháp lý với mô hình giáo dục này.
VIII. PHƯƠNG PHÁP,
MẪU VÀ XỬ LÝ SỐ LIỆU
1. Phương pháp điều tra, khảo sát
- Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi
(ankét)
Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi được
sử dụng nhằm phát hiện thực trạng và nhu cầu về giáo dục đời sống gia đình. Đối
tượng điều tra bằng bảng hỏi là các bậc cha mẹ, ông bà trong gia đình ở độ tuổi
20 - 60.
- Phương pháp phân tích tài liệu
Tổng hợp và phân tích hệ thống các
quan điểm, chính sách về giáo dục đời sống gia đình ở trên thế giới và Việt
Nam.
Tổng hợp và phân tích hệ thống các
công trình nghiên cứu, các kết quả điều tra khảo sát, các báo cáo tổng hợp về
tình hình kinh tế xã hội chung của địa bàn nghiên cứu.
- Phương pháp phỏng vấn sâu
Nhằm nghiên cứu sâu hơn các chủ đề về
thực trạng cung cấp nội dung giáo dục đời sống gia đình mà trong bảng hỏi không
có điều kiện đi sâu làm rõ. Đồng thời tìm hiểu về mong đợi của người được hỏi đối
với nội dung giáo dục đời sống gia đình có tính đại diện và điển hình. Bên cạnh
đó, tiến hành tìm hiểu quan điểm của các đối tượng như nhà quản lý, giáo viên về
nội dung, phương pháp giáo dục đời sống gia đình nhằm góp phần xây dựng gia
đình ngày càng phát triển bền vững.
- Phương pháp thảo luận nhóm
Phương pháp này được sử dụng nhằm hỗ
trợ cho phương pháp điều tra bằng bảng hỏi được tiêu chuẩn hóa, để tìm hiểu sâu
hơn những vấn đề nghiên cứu về nội dung giáo dục đời sống gia đình mà trong phiếu
điều tra bằng bảng hỏi chưa có điều kiện đi sâu.
2. Mẫu điều tra, khảo sát: 411
Địa bàn
|
Số địa bàn
|
Số mẫu
|
Tổng số
|
Bảng hỏi cho người dân
|
|
|
|
Cấp cộng đồng tại xã, phường
|
2
|
200
|
400
|
Thảo luận nhóm
|
|
|
4
|
Cấp Tỉnh/Thành phố
|
2
|
1
|
2
|
Cấp Xã/Phường
|
2
|
1
|
2
|
Phỏng vấn sâu
|
|
|
7
|
Cấp Trung ương
|
1
|
1
|
1
|
Cấp Tỉnh/Thành phố
|
2
|
1
|
2
|
Cấp Huyện/Quận
|
2
|
1
|
2
|
Cấp Xã/Phường
|
2
|
1
|
2
|
Cụ thể như sau:
- Phỏng vấn bằng bảng hỏi tại cộng đồng:
Tại mỗi tỉnh/thành phố chọn 01 quận
(thành phố/ thị xã)/01 huyện; mỗi quận chọn 01 phường và mỗi huyện chọn 01 xã:
Mỗi xã/phường chọn 200 đại diện hộ gia đình là những người cha/mẹ (25 nam-25 nữ)
trong độ tuổi 20 - 60.
- Thảo luận nhóm: Tại mỗi tỉnh/thành
phố; xã/phường thực hiện 01 thảo luận nhóm. Mỗi nhóm gồm 10 người là cán bộ quản
lý ngành giáo dục, phụ nữ, văn hóa, xã hội, y tế, cán bộ từ các tổ chức chính
trị xã hội.
- Phỏng vấn sâu: Ở mỗi cấp từ trung
ương tới xã/phường đều thực hiện phỏng vấn sâu. Phỏng vấn sâu: gồm 01 cán bộ quản
lý ngành giáo dục (nếu là cấp xã/phường thì chọn giáo viên cấp 2), 01 văn hóa
và 01 cán bộ phụ nữ tại địa bàn xã thực hiện bảng hỏi.
3. Xử lý số liệu
Các số liệu định lượng nghiên cứu
trong đề tài được xử lí theo chương trình SPSS For Windows 13.0 (Statistic
Package for Social Sience). Số liệu sau khi xử lí được biểu thị dưới dạng bảng
tần số và bảng tương quan, cùng một số chỉ số thống kê được rút ra theo yêu cầu
cần phân tích, lý giải của yêu cầu đánh giá. Các tư liệu định tính thu được qua
các cuộc phỏng vấn sâu và các cuộc tọa đàm được tổng hợp, phân tích.
IX. CÁC SẢN PHẨM
- Báo cáo kết quả điều tra, khảo sát
nhanh về nhu cầu giáo dục đời sống gia đình;
- 01 bộ số liệu từ kết quả khảo sát
(định lượng, định tính).
X. THỜI GIAN VÀ
TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
- Tháng 3: Xây dựng kế hoạch, đề
cương; Phê duyệt kế hoạch, đề cương, xây dựng bộ công cụ;
- Tháng 4: Thực hiện điều tra thực địa
tại tỉnh
- Tháng 5: Tổng hợp thông tin; Phân
tích thông tin; Báo cáo kết quả điều tra, khảo sát;
- Tháng 6: Họp góp ý kết quả điều
tra, khảo sát và nghiệm thu kết quả.
XI. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
Kinh phí thực hiện điều tra, khảo sát
từ nguồn kinh phí sự nghiệp Gia đình năm 2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
XII. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
- Đơn vị chủ trì, thực hiện: Vụ Gia
đình, Bộ VHTTDL.
- Đơn vị phối hợp: Văn phòng - Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch; các chuyên gia dịch thuật và tham gia viết chuyên đề.
- Lực lượng trực tiếp thực hiện đánh
giá:
+ Chỉ đạo chung: NCS.Ths.Trần Tuyết
Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình.
+ Chỉ đạo trực tiếp: NCS.Ths. Hoa Hữu
Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình.
+ Thư ký: CN.Trần Văn Thao, Chuyên
viên Vụ Gia đình.
+ Tham gia khảo sát: Ths. Hoàng Thị Nhung, Ths.
Nguyễn Thu Hà, Ths. Bùi Bích Hà, CN. Phạm Quốc Nhật, CN. Lê Thị Lan Anh, CN.
Nguyễn Xuân Thiệp.
- Vụ Gia đình chủ trì, phối hợp với
Văn phòng Bộ, các đơn vị thuộc Bộ, các chuyên gia liên quan tổ chức điều tra,
khảo sát nhằm đảm bảo về chất lượng chuyên môn, thời gian, tiến độ; kết quả điều
tra, khảo sát được nghiệm thu trước 30 tháng 8 năm 2015.
- Văn phòng Bộ phối hợp, hướng dẫn Vụ
Gia đình giải ngân kinh phí điều tra, khảo sát đảm bảo tiến độ và quy định hiện
hành.
- Các đơn vị, cá nhân liên quan phối
hợp với Vụ Gia đình triển khai thực hiện các hoạt động của kế hoạch điều tra,
khảo sát theo lĩnh vực phụ trách./.