ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CẦN THƠ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 74/2001/QĐ-UB
|
Cần Thơ, ngày 26
tháng 12 năm 2001
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT "KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC DINH
DƯỠNG" CỦA TỈNH CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2001-2010
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy
ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Quyết định 62/2000/QĐ-TTg ngày 06/6/2000
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã
hội tỉnh Cần Thơ từ nay đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 21/2001/QĐ-TTg ngày
22/2/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Quốc gia dinh dưỡng
giai đoạn 2001-2010;
Theo đề nghị của Trung tâm Bảo vệ bà mẹ trẻ
em và kế hoạch hóa gia đình tỉnh và Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 210/BMTE
ngày 13/11/2001,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay phê duyệt "Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược
dinh dưỡng" của tỉnh Cần Thơ giai đoạn 2001-2010 kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Y tế phối hợp với các Sở, Ban ngành tỉnh,
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện xây dựng kế hoạch
và triển khai thực hiện hàng năm "Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược
dinh dưỡng" của tỉnh Cần Thơ giai đoạn 2001-2010.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, các Giám đốc Sở,
Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị
Thanh và các huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế
- TT.TU.,TT.HĐND, TT.UBND tỉnh.
- Các Sở, ban ngành tỉnh.
- UBND TPCT, TXVT và các huyện
- UBMTTQ, các Đoàn thể tỉnh.
- Phòng
NCTH-NC-NV.
- Lưu VP(HC-LT).
|
TM.ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH CẦN THƠ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Thanh Mẫn
|
KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC DINH DƯỠNG CỦA TỈNH CẦN THƠ
GIAI ĐOẠN 2001-2010.
(Ban hành theo Quyết định số /2001/QĐ-UB ngày tháng năm 2001 của UBND tỉnh)
Căn cứ Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn
2001-2010 và Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Cần Thơ giai đoạn
2001-2005 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng "Kế hoạch hành động thực hiện
chiến lược dinh dưỡng" của tỉnh Cần Thơ giai đoạn 2001-2010 với nội dung cụ
thể như sau:
PHẦN I
THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH DINH DƯỠNG:
I/- Những kết quả đạt được:
1/- Tình hình chung tác động đến dinh dưỡng của
người dân:
Thực hiện các Nghị quyết của BCHTW Đảng, của Tỉnh
ủy và HĐND tỉnh, trên tinh thần tự lực, tự cường, phát huy nội lực, chủ động khắc
phục, tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, cố gắng hạn chế đà giảm
sút về kinh tế, duy trì nhịp độ tăng trưởng khá ở tốc độ tăng trưởng bình quân
thời kỳ 1996-2000 là 8,1%/năm. Sản xuất nông nghiệp liên tục phát triển (nhất
là lúa), giá trị sản xuất tăng bình quân 3,2%/năm. Sản lượng lúa đạt mục tiêu 2
triệu tấn vào năm 1999, bình quân lương thực quy thóc trên đầu người tăng từ
988 Kg/người năm 1995 lên 1.111 Kg/người năm 2000; đàn heo, gia cầm, thủy sản
tiếp tục phát triển.
Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận
nhân dân từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2000 là
5,051 triệu đồng, tương đương 354 USD (theo giá thực tế qui đổi 14.000đ/USD), gấp
1,73 lần năm 1995. Tỷ lệ lao động chưa có việc làm ổn định trong độ tuổi giảm từ
9% (năm 1995) xuống còn 5,95% (năm 2000). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,8%/năm 1995
xuống còn 4,12% năm 2000 (theo tiêu chí củ) hoặc 9,64% (theo tiêu chí mới).
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số - kế
hoạch hóa gia đình có nhiều tiến bộ. Chương trình y tế - bảo vệ sức khỏe nhân
dân được triển khai thường xuyên, khá đồng bộ, thu được nhiều kết quả, nhất là
trong các lĩnh vực y tế dự phòng, tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe trẻ em. Y tế cơ
sở được quan tâm chỉ đạo, các trạm y tế xã trong tỉnh đều có bác sĩ và ở ấp có
tổ y tế.
2/- Tình hình an ninh lương thực và bữa ăn của
người dân :
Sản xuất lương thực ngày một tăng, các loại thực
phẩm ngày càng đa dạng hơn. Bữa ăn của người dân cũng được cải thiện rõ rệt, lượng
Kcalo/người đã tăng lên hơn 2000 Kcal, trong bữa ăn có tăng hơn về lượng thịt,
cá, mỡ, tàu hũ .....
Tuy nhiên, ở một số địa phương tình hình an ninh
lương thực và bữa ăn của nhân dân còn bấp bênh, chưa ổn định nhất là vào mùa lũ
lụt, cơ cấu cây trồng chưa đổi mới theo yêu cầu, việc chế biến thực phẩm cũng
còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề thực phẩm trong từng hộ gia đình chưa ổn định,
việc đô thị hoá phát triển với tốc độ nhanh có phần nào ảnh hưởng đến những món
ăn "dân dã" nhưng giàu chất dinh dưỡng .
3/- Tình hình suy dinh dưỡng trẻ em và bà mẹ :
Trong 10 năm qua có thể nói thành tựu giảm nhanh
tỷ lệ suy dinh dưỡng là rất đáng ghi nhận, mỗi năm giảm trung bình hơn 2%. Nếu
năm 1991 tỷ lệ suy dinh dưỡng là 52%, giảm còn 28,5% năm 2000, như vậy mỗi năm
giảm suy dinh dưỡng hơn 4.000 trẻ. Tỷ lệ suy dinh dưỡng nặng đã giảm hẳn (dưới
1 %), chủ yếu là thể nhẹ và vừa.
Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em của tỉnh
còn ở mức cao so với một số tỉnh, tỷ lệ trẻ em thấp, bị còi xương còn cao. Tỷ lệ
suy dinh dưỡng cũng có sự khác biệt ở những vùng khác nhau trong tỉnh: ở các xã
vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, tỷ lệ cao hơn 30%; ở những thị xã, thành phố tỷ
lệ dưới 25%. Nhóm tuổi bị suy dinh dưỡng nhiều nhất là lứa tuổi từ 6-24 tháng
tuổi. Các nguyên nhân trực tiếp liên quan đến suy dinh dưỡng là: chế độ ăn chưa
đảm bảo chất lượng và cân đối, bệnh tật, sự nghèo đói, thiếu sự chăm sóc tốt,
trình độ học vấn của người dân mà đặc biệt là người phụ nữ còn thấp. Ở phụ nữ bị
thiếu năng lượng trường diễn (hơn 32%) dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng bào
thai .
4/- Tình hình thiếu vi chất dinh dưỡng :
4.1/- Thiếu Vitamin A:
Thành tựu nổi bật trong 5 năm qua là chúng ta đã
triển khai có hiệu quả chương trình Vitamin A trong toàn tỉnh, đẩy lùi được bệnh
mù do thiếu dinh dưỡng. Hàng năm có khoảng hơn 95% trẻ em trong độ tuổi từ 6 -
36 tháng tuổi được uống Vitamin A liều cao 6 tháng/lần.Tuy nhiên số trẻ em bị
thiếu Vitamin tiền lâm sàng còn cao từ 10% và hơn 50% ở bà mẹ đang cho con bú .
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu
Vitamin A là do trong khẩu phần ăn thiếu các loại thực phẩm giàu Vitamin A, sử
dụng lượng dầu ăn và chất béo còn thấp .
4.2/- Thiếu máu do thiếu sắt :
Đây là vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng quan trọng
hàng đầu hiện nay trong tỉnh, tập trung nhiều vào đối tượng phụ nữ trong độ tuổi
sinh đẻ và trẻ em (hơn 40% phụ nữ có thai, hơn 35% phụ nữ không có thai, hơn
60% trẻ em dưới 2 tuổi bị thiếu máu do thiếu sắt. Nguyên nhân chính của thiếu
máu là do khẩu phần ăn còn thiếu các thực phẩm giàu chất sắt (động vật). Do tỷ
lệ nhiễm giun khá cao. Tuy nhiên trong mấy năm gần đây trong tỉnh cũng đã triển
khai thí điểm được 3 huyện cấp viên sắt cho phụ nữ có thai đã góp phần hạ tỷ lệ
thiếu máu.
4.3/- Thiếu Iốt :
Trong những năm qua tỉnh đã triển khai tốt
chương trình phòng, chống thiếu Iốt . Hiện nay việc sử dụng muối Iốt trong dân
đã có những tiến bộ, có trên 61% dân số sử dụng muối Iốt. Tuy nhiên, số hộ có
chỉ số Iốt niệu thấp, khoảng hơn 30% (dưới 10mcg/dl).
4.4/- Tình hình chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ
em :
Các thai phụ của bà mẹ đã được chăm sóc tốt, tỷ
lệ thai phụ được quản lý tăng lên hơn 90%. Số thai phụ được thăm thai 3 lần
tăng đáng kể, 65% năm 1999. Sự tăng cân của các thai phụ cũng được cải thiện,
nhiều bà mẹ đã tăng trung bình từ 8-12 kg. Việc nuôi con bằng sữa mẹ được các
bà mẹ quan tâm nhiều hơn, nhất là vùng nông thôn, chiếm hơn 65%. Việc thực hành
nuôi con cũng có nhiều tiến bộ, nhiều bà mẹ đã biết chế biến thực phẩm phù hợp
với hoàn cảnh, gia đình, địa phương nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Số trẻ dưới 2
tuổi được theo dõi định kỳ hàng tháng đạt tỷ lệ hơn 90%, số trẻ dưới 5 tuổi được
quản lý và theo dõi qua biểu đồ tăng trưởng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới
5 tuổi có xu hướng giảm dần.
4.5/- Tình hình vệ sinh an toàn
thực phẩm :
Bước đầu có quản lý tốt, tuy nhiên hiện nay vẫn
còn gặp rất nhiều khó khăn do cơ chế thị trường, hàng hoá tiêu thụ nhiều, phong
phú kéo theo việc chế biến và bảo quản có những bất cập. Năm 2000, có 06 vụ ngộ
độc xảy ra trong địa bàn tỉnh, mỗi vụ có từ 05 cas mắc trở lên; việc kiểm tra
còn hình thức chưa thúc đẩy được nhiều đến việc hạn chế các món ăn không đảm bảo
vệ sinh.
4.6/- Các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng
:
Trong những năm gần đây do cuộc sống của người
dân đã được nâng lên đáng kể, bữa ăn cũng dồi dào dinh dưỡng hơn. Tuy nhiên,
trong một số bữa ăn mất cân đối, đôi khi quá nhiều so với nhu cầu cần thiết, dẫn
đến xuất hiện nhiều bệnh mãn tính liên quan đến chế độ dinh dưỡng và có chiều
hướng gia tăng đáng kể. Cụ thể đó là các bệnh như: béo phì, tiểu đường, tim mạch,
ung thư ...
II/- Những tồn tại chung:
- Tỷ lệ suy dinh dưỡng của nhân dân trong tỉnh
còn ở mức cao, nhất là ở những gia đình nghèo, đông con ở những vùng sâu, vùng
xa, vùng đồng bào dân tộc. Cơ cấu bữa ăn chưa đảm bảo lương thực và thực phẩm.
Kiến thức thực hành, chăm sóc dinh dưỡng còn hạn chế, còn nhiều người dân chưa
được tiếp cận về kiến thức dinh dưỡng. Thói quen ăn uống theo phong tục tập
quán củ còn cản trở đến việc giáo dục dinh dưỡng tại cộng đồng. Tỷ lệ hộ sử dụng
có hiệu quả các thức ăn tại cộng đồng còn ít, chưa được thường xuyên .
- Thiếu sự quan tâm giáo dục dinh dưỡng với các
đối tượng khác, lứa tuổi khác nhau, cũng như chế độ ăn theo bệnh lý trong các bệnh
viện .
III/- Nguyên nhân:
- Nhận thức của nhiều ngành, nhiều cấp và trong
nhân dân về tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng cũng như trách nhiệm của các lực
lượng khác trong xã hội đối với vấn đề cải thiện tình trạng dinh dưỡng chưa đầy
đủ .
- Sự phối hợp liên ngành còn chưa chặt chẽ, chưa
đồng bộ, thiếu các chính sách hỗ trợ cần thiết. Các cấp chính quyền chưa coi
đây là trách nhiệm thực sự để có sự chỉ đạo chặt chẽ. Các giải pháp can thiệp
và tổ chức triển khai, cơ chế điều hành chưa đồng bộ và chưa thích hợp ở từng địa
phương .
- Việc thiếu cán bộ tại cơ sở chưa được giải quyết,
chế độ bồi dưỡng còn quá thấp so với công việc của họ làm. Chưa động viên và
khuyến khích phong trào đi lên .
- Nguồn ngân sách của TW cũng như địa phương
chưa đáp ứng đủ cho chương trình, bên cạnh đó chưa phát huy sự tham gia của cộng
đồng cho công tác này .
PHẦN II
PHƯƠNG HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN
CHIẾN LƯỢC DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2001-2010
I/- Những thách thức:
- Mặc dù kinh tế có tăng trưởng, nhưng tình trạng
nghèo đói, sinh nhiều con ở một số vùng còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa;
chưa đáp ứng hết nhu cầu việc làm cho nhân dân. Một số gia đình vẫn còn trong
tình trạng phải trợ cấp xã hội hàng năm .
- Tình trạng an ninh lương thực ở một số vùng
trên địa bàn tỉnh chưa ổn định do bị ảnh hưởng của thiên tai, sản xuất chưa áp
dụng những kỹ thuật tiên tiến, môi trường sống còn nhiều bất cập.
- Sức ép tăng dân số còn tiếp tục trong nhiều
năm tới, theo dự báo trong 5 năm nữa tỉnh ta sẽ tăng ở mức gần 2 triệu người, số
người cao tuổi ngày càng gia tăng đòi hỏi sự chăm sóc tốt hơn .
- Các điều kiện hạ tầng đảm bảo cho chất lượng của
công tác chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng như nước sạch, hệ thống nhà trẻ, công
trình vệ sinh công cộng, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tập
quán canh tác... chưa đáp ứng kịp yêu cầu; sự hiểu biết, quan niệm về chăm sóc
trong cộng đồng còn hạn chế.
- Một số tập quán lạc hậu đã ảnh hưởng trực tiếp
đến sự nhận thức đúng về thực hành dinh dưỡng của bà mẹ còn tồn tại ở một số
vùng, nhất là ở vùng nông thôn trẻ em thường thiếu dinh dưỡng. Đối với thành phố
nhiều gia đình còn tình trạng sử dụng thừa dinh dưỡng dẫn đến tình trạng béo
phì và mắc một số bệnh mãn tính .
- Mạng lưới cán bộ dinh dưỡng còn thiếu ở nhiều
nơi .
- Nguồn kinh phí đầu tư còn hạn hẹp .
II/- Quan điểm và định hướng phát triển:
1/- Về quan điểm :
- Đầu tư cho dinh dưỡng là đầu tư cho nguồn nhân
lực có đủ sức khỏe, trí tuệ, có chất lượng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá,
hiện đại hoá đất nước, do đó cũng chính là sự đầu tư cho phát triển .
- Đầu tư cho dinh dưỡng nhằm góp phần đảm bảo sự
công bằng xã hội, nâng cao chất lượng dân số của tỉnh ta. Đầu tư cho dinh dưỡng
là thực hiện quyền trẻ em, thực hiện bình đẳng về giới, tạo cơ hội cho mọi người
cùng tham gia .
- Hoạt động cải thiện dinh dưỡng là hoạt động
liên ngành, đòi hỏi sự chỉ đạo và là trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tỉnh.
Là sự tham gia của mỗi người, mỗi gia đình và của toàn bộ xã hội .
2/- Các định hướng chính :
- Đưa hoạt động dinh dưỡng vào chỉ tiêu Nghị quyết
của HĐND, lấy hoạt động chính là giáo dục hiểu biết về dinh dưỡng và kỹ năng thực
hành dinh dưỡng .
- Giải quyết các vấn đề sức khỏe có liên quan đến
dinh dưỡng là nội dung quan trọng của chiến lược quốc gia về dinh dưỡng 2001 -
2010 .
- Công tác dinh dưỡng cần được xã hội hoá cao và
cần những nỗ lực liên tục và lâu dài. Có kế hoạch đào tạo cán bộ dinh dưỡng;
xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành có hiệu quả từ tỉnh đến huyện, xã.
- Các hoạt động can thiệp cần phải được xây dựng
rõ ràng, các giải pháp thực hiện cụ thể, phải phù hợp cho từng địa phương .
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thực hiện
chiến lược .
III/- Mục tiêu của kế hoạch:
1/- Mục tiêu tổng quát:
Đảm bảo đến năm 2010 tình trạng dinh dưỡng của
nhân dân được cải thiện rõ rệt. Các gia đình trước hết là trẻ em và bà mẹ phải
được chăm sóc tốt. Bữa ăn của người dân ở các vùng trong tỉnh đủ về số lượng và
chất lượng được nâng cao hơn. Bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hạn chế các
vấn đề sức khỏe mới nảy sinh có liên quan đến dinh dưỡng .
2/- Mục tiêu cụ thể:
2.1) Nâng cao về kiến thức và thực hành dinh dưỡng
hợp lý cho người dân:
- Tỷ lệ bà mẹ có kiến thức và thực hành dinh dưỡng
đúng cho trẻ ốm: 75% vào năm 2005 và đến 90 % vào năm 2010.
- Tỷ lệ bà mẹ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong
4 tháng đầu: 75% vào năm 2005 và đến 85 % vào năm 2010.
- Tỷ lệ nữ thanh niên được huấn luyện về dinh dưỡng
và kiến thức làm mẹ: 40 % vào năm 2005 và đến 70 % vào năm 2010.
2.2) Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và bà mẹ
:
- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng chung của trẻ em dưới
5 tuổi: dưới 23,5% vào năm 2005 và đến dưới 20% vào năm 2010. Lưu ý đến suy
dinh dưỡng cân nặng theo tuổi và chiều cao theo tuổi .
- Tỷ lệ trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2.500 gram: dưới
3,5% vào năm 2005 và đến dưới 3 % vào năm 2010.
- Tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi
sinh đẻ mỗi năm giảm 1%
- Tỷ lệ trẻ em thừa cân dưới 5 % .
2.3) Giải quyết về cơ bản tình trạng thiếu
Vitamin A, thiếu Iốt , thiếu máu:
- Tỷ lệ khô loét giác mạc do thiếu Vitamin A ở
trẻ dưới 5 tuổi luôn ở mức thấp hơn ngưỡng có ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng .
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi có hàm lượng Vitamin
A huyết thanh thấp dưới 8% vào năm 2005 và dưới 5 % vào năm 2010 .
- Giảm tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-12 tuổi dưới 5 %
vào năm 2005.
- Đảm bảo có hơn 85% số hộ gia đình có sử dụng
muối Iốt .
- Giảm tỷ lệ thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ có
thai dưới 30% vào năm 2005 và dưới 20 % vào năm 2010 .
2.4) Giảm tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn
vào thấp :
Giảm tỷ lệ hộ có mức năng lượng ăn vào bình quân
đầu người dưới 1.800 Kcal còn 10% vào năm 2005 và dưới 5% vào năm 2010 .
2.5) Bảo đảm vệ sinh an toàn thực
phẩm :
- Giảm 25% số vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt (có
trên 30 người mắc/vụ) vào năm 2005 và 50% vào năm 2010 (so với năm 2000) .
- Giảm 10% số ca tử vong do ngộ độc thực phẩm
vào năm 2005 và 20% vào năm 2010 (so với năm 2000) .
- Giảm tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật thức ăn đường
phố, thực phẩm chế biến sẵn .
IV/- Giải pháp:
1/- Các giải pháp can thiệp nhằm cải thiện dinh
dưỡng và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm:
1.1/- Giáo dục và phổ cập kiến thức dinh dưỡng
cho nhân dân trong tỉnh:
a) Huấn luyện, phổ cập dinh dưỡng :
- Huấn luyện cho mạng lưới cán bộ làm công tác
dinh dưỡng: kiến thức dinh dưỡng, biết cách lập kế hoạch, có kỹ năng hướng dẫn
thực hành dinh dưỡng, có kỹ năng giáo dục truyền thông, biết cách theo dõi sức
khỏe và quản lý tốt đối với trẻ em dưới 2 tuổi.
- Huấn luyện và hướng dẫn dinh dưỡng hợp lý cho
các đối tượng khác như: thanh nữ, người mẹ, nam giới, người cao tuổi, phụ nữ,
giáo viên, học sinh....
- Kết hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo đưa nội
dung giáo dục dinh dưỡng vào các trường học .
- Tổ chức các hoạt động dinh dưỡng hợp lý tại cộng
đồng cho nhiều đối tượng khác nhau chú ý đến chế độ ăn, dinh dưỡng bệnh lý,
dinh dưỡng người cao tuổi ...
b) Giáo dục truyền thông dinh dưỡng :
- Giáo dục đại chúng: xây dựng chuyên mục dinh
dưỡng trên các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo
chí, các tài liệu phổ cập khác, các loại tờ bướm ....., trong đó tập trung ở những
đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
- Tổ chức các hoạt động dinh dưỡng động viên
toàn xã hội tham gia: tổ chức "ngày vi chất dinh dưỡng", "tuần lễ
dinh dưỡng và phát triển", "tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ",
"ngày chăm sóc bà mẹ và phòng chống suy dinh dưỡng", câu lạc bộ xã có
tỷ lệ suy dinh dưỡng dưới 25%, "tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an
toàn thực phẩm", "ngày toàn dân dùng muối Iốt" .....
- Tiếp cận trực tiếp với từng gia đình, đối tượng
đưa thông tin đến với mọi người .
- Tổ chức bữa ăn gia đình hợp lý, tiết kiệm
nhưng phải đủ 4 nhóm: cơm, rau, món ăn giàu đạm (tàu hủ, mè, đậu phộng, thịt,
cá, trứng... ), món canh. Chú ý chế biến phù hợp với món ăn dân tộc nhiều người
ăn được, phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn, dùng thêm một số cây rau,
gia vị gây kích thích ăn ngon miệng.
- Hướng dẫn ăn uống hợp lý cho từng lứa tuổi,
chú ý những lứa tuổi có nguy cơ như trẻ em, bà mẹ, học sinh, người bị bệnh
.....
- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến
thức phổ cập xuống tận ấp, xã, hộ gia đình.
c) Đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học :
- Thường xuyên đào tạo lại cho cán bộ chuyên
trách, cộng tác viên, cán bộ đoàn thể trong tỉnh. Tập trung vào các vấn đề như
lập kế hoạch, quản lý chương trình, triển khai các hoạt động, theo dõi các hoạt
động, đánh giá các mục tiêu .
- Mở rộng các nghiên cứu về dinh dưỡng và thực
phẩm như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến, bảo quản và lưu thông thực
phẩm, mối liên quan giữa dinh dưỡng và bệnh tật, vấn đề DD trong thời kỳ chuyển
tiếp ....
1.2/- Đảm bảo an ninh thực phẩm ở cấp hộ gia
đình :
Đây là giải pháp quan trọng, nhất là những vùng
sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh, những vùng thường xuyên gặp lũ lụt,
đất đai cằn cỗi, nghèo nàn, dân số đông, nghèo đói quanh năm... Do vậy, chúng
ta phải tiếp cận các hộ bằng cách hướng dẫn các hộ gia đình phát triển theo mô
hình V.A.C. để có thể tự tạo ra các nguồn thực phẩm cho bản thân và gia đình.
Vận động sản xuất và sử dụng các sản phẩm có giá
trị dinh dưỡng cao như đậu, lạc, mè .... Bên cạnh đó nên phát triển nông nghiệp,
phát triển công nghệ chế biến tại chỗ .
1.3/- Phòng chống suy dinh dưỡng Protein - năng
lượng ở trẻ em và bà mẹ :
- Đây là một mục tiêu quan trọng trong các mục
tiêu về sức khoẻ và phải được nhân rộng trong cả nước .
- Tiếp cận việc chăm sóc trẻ em tại nhà theo
phương châm là dự phòng như việc chăm sóc, nuôi dưỡng bằng sữa mẹ cũng như chế
độ ăn theo tuổi. Chăm sóc cho trẻ lúc khỏe mạnh cũng như khi bị bệnh .
- Giáo dục cho các thanh nữ sắp đến tuổi lấy chồng
về kiến thức làm mẹ, cách chăm sóc con, thực hành dinh dưỡng .
- Chăm sóc bà mẹ trong thời kỳ có thai khi sinh
đẻ cũng như săn sóc sau khi đẻ, theo dõi sự tăng cân của bà mẹ trong khi mang
thai, tư vấn về việc nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc trẻ ... chế biến thực phẩm,
phục hồi dinh dưỡng dựa vào khả năng sẵn có của từng gia đình .
- Xây dựng mô hình mẫu về dinh dưỡng như: hệ
sinh thái vườn, ao, chuồng để giúp cho các gia đình học tập, xem như là nơi để
các cộng tác viên hướng dẫn về thực hành dinh dưỡng và là mô hình điểm có thể
nhân rộng ra trong từng địa phương.
- Nên chọn ưu tiên cho các hoạt động dinh dưỡng
tại cộng đồng, ở những vùng khó khăn có nhiều trẻ suy dinh dưỡng, tập trung vào
phục hồi dinh dưỡng là chủ yếu, phát triển mô hình V.A.C ....; ở những vùng ít
khó khăn, tập trung vào các hoạt động chăm sóc trẻ em, thực hành dinh dưỡng,
phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn .....
- Nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức
khỏe cho bà mẹ và trẻ em, giải quyết tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, thực
hiện tốt các chính sách đối với lao động nữ nhất là trong thời kỳ mang thai,
khi sanh đẻ .....
1.4/- Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng :
a) Phòng chống thiếu Vitamin A
:
- Phải làm lâu dài; trước mắt giải quyết bằng biện
pháp đa dạng hoá bữa ăn .
- Bổ sung Vitamin A liều cao
cho trẻ từ 6-24 tháng tuổi .
- Khuyến khích gia đình và cộng đồng tăng cường
việc sử dụng các thực phẩm giàu chất Vitamin A có sẵn tại địa phương của mình
như: trứng, củ cải đỏ, cà chua, bí đỏ, đu đủ, xoài .....
b) Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng :
- Bổ sung sắt/acid folic theo hướng dự phòng cho
phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhất là phụ nữ mang thai, trẻ SDD .
- Có kế hoạch tẩy giun định kỳ cho trẻ em nhất
là lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo .
- Bổ sung chất sắt vào thực phẩm hàng ngày như
trong các loại rau có màu xanh đậm như rau muống, bồ ngót, dền .... gan, tim,
.....
c) Phòng chống thiếu Iốt :
Vận động toàn dân sử dụng muối Iốt trong bữa ăn
hàng ngày cũng như vận động ăn một số thực phẩm có nguồn Iốt bổ sung như các loại
cá biển .
Tăng cường kiểm tra và giám sát việc chế biến,
phân phối sản phẩm muối Iốt đến tận vùng sâu, vùng xa trong tỉnh .
1.5/- Phòng chống các bệnh mạn tính liên quan đến
dinh dưỡng :
- Tổ chức giám sát tốt tình hình và xu hướng
phát triển của các bệnh liên quan đến dinh dưỡng như: béo phì, tim mạch, cao
huyết áp, tiểu đường và một số bệnh ung thư ......
- Xây dựng những lời khuyên ăn uống hợp lý cho
nhân dân, ưu tiên những đối tượng cần quan tâm như trẻ em, bà mẹ mang thai, học
sinh, người cao tuổi, người bệnh .....
- Chú ý chế độ ăn theo bệnh lý cho những bệnh
nhân ở các bệnh viện .
- Sản xuất và chế biến một số món ăn kiêng trong
bệnh viện cũng như thức ăn kiêng ngoài xã hội để phổ biến rộng rãi cho mọi người
thực hiện .
1.6/- Lồng ghép hoạt động dinh dưỡng trong chăm
sóc sức khỏe ban đầu:
- Thực hiện tốt việc tiêm chủng mở rộng .
- Tăng cường hiệu quả lồng ghép chăm sóc sức khỏe
trẻ em tại cộng đồng chú ý đến những bệnh mang tính chất phổ biến như tiêu chảy,
viêm phổi, giun sán, sốt xuất huyết ....
- Khuyến khích, vận động các bà mẹ tích cực thực
hiện việc nuôi con bằng sữa mẹ nhất là trong 4 tháng đầu. Cho trẻ ăn thức ăn bổ
sung từ tháng thứ 5 trở đi .
- Quan tâm chăm sóc đối với trẻ có hoàn cảnh khó
khăn .
- Lồng ghép việc chăm sóc sức khỏe sinh sản với
giáo dục dinh dưỡng .
- Giáo dục sức khoẻ sinh sản với giáo dục lối sống
lành mạnh .
1.7/- Đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực
phẩm :
Đây là chương trình và mục tiêu riêng và có sự hỗ
trợ từ nhà nước. Tuy nhiên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm có liên quan chặt
chẽ đến dinh dưỡng cần tập trung vào những điểm sau:
- Tăng cường công tác thanh kiểm tra về chất lượng
vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là thức ăn đường phố, cơ sở chế biến, các quán
ăn ....
- Giáo dục người tiêu dùng kiến thức cơ bản về vệ
sinh an toàn thực phẩm .
- Cần có sự tham gia tích cực từ phía các ban
ngành đoàn thể .
1.8/- Theo dõi , đánh giá, giám sát dinh dưỡng :
- Củng cố và có biện pháp cụ thể về việc giám
sát hỗ trợ cho tuyến trước, có kế hoạch kiểm tra định kỳ, theo dõi các hoạt động
dinh dưỡng tại cộng đồng .
- Đánh giá hoạt động của chương trình theo quý,
năm, cùng với y học dự phòng giám sát điểm tỷ lệ suy dinh dưỡng hàng năm .
- Tham mưu kịp thời với lãnh đạo cấp trên về các
hoạt động cũng như các chỉ tiêu phấn đấu hàng năm .
- Có kế hoạch cụ thể cho các tuyến y tế cơ sở
trong việc giám sát cũng như theo dõi, kiểm tra đôn đốc để tăng cường vai trò
quản lý điều hành của các cán bộ chương trình từ tỉnh đến huyện và xã .
1.9/- Xây dựng mô hình điểm để rút kinh nghiệm :
- Tiếp tục và nhân diện rộng mô hình V.A.C tại cộng
đồng, cố gắng mỗi xã có từ 2-3 mô hình điểm để hỗ trợ cho việc thực hành dinh
dưỡng tại chỗ cũng như là nơi để trao đổi học tập của các cộng tác viên cũng
như cán bộ chuyên trách, các ban ngành đoàn thể .
- Tiếp tục xây dựng câu lạc bộ dinh dưỡng nhân
ra trong cả tỉnh rút kinh nghiệm từ mô hình điểm của thành phố Cần Thơ. Cố gắng
mỗi huyện có từ 3 -5 câu lạc bộ phòng chống suy dinh dưỡng dưới 25%. Chú ý đến
những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc trong tỉnh để làm sao họ theo kịp với các
vùng khác trong tỉnh .
- Hàng năm vào những tháng lũ lụt nên tập trung
vào việc hướng dẫn thực hành dinh dưỡng, phục hồi dinh dưỡng cho các điểm trông
giữ trẻ .
2/- Các chính sách có liên quan chặt chẽ đến
dinh dưỡng:
- Đảm bảo an ninh lương thực quốc
gia :
- Thúc đẩy xoá đói giảm nghèo .
- Cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu cho
công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ em như: cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, hệ
thống nhà trẻ, nâng cấp các trạm y tế ở các xã khó khăn để thực hiện cho tốt việc
lồng ghép hoạt động giữa chăm sóc sức khoẻ ban đầu với chăm sóc dinh dưỡng .
3/- Các chính sách hỗ trợ cho dinh dưỡng:
- Đưa chỉ tiêu dinh dưỡng vào kế hoạch phát triển
kinh tế xã hội của địa phương. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội trong đó vai
trò quan trọng là cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phải chỉ đạo trực tiếp, hỗ
trợ tích cực, theo dõi, đầu tư và được đánh giá một cách nghiêm túc từng năm.
Phải có kế hoạch hoạt động cụ thể các biện pháp phù hợp với từng địa phương, từng
cấp, từng ngành.
- Hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho chăm sóc
dinh dưỡng, như: chế độ thai sản, chăm sóc cho trẻ bị suy dinh dưỡng, chính
sách hỗ trợ mạng lưới cán bộ, các hình thức thanh kiểm tra về vệ sinh an toàn
thực phẩm ....
- Xã hội hoá công tác dinh dưỡng, đây là một giải
pháp mang tính chiến lược, mang tính phối hợp liên ngành cao có sự tham gia
đông đảo của nhiều lực lượng xã hội tham gia . Điều đầu tiên phải nói đến sự
tham gia của các nhà lãnh đạo tại cộng đồng. Hoạt động liên ngành là việc làm
chủ yếu nhất trong việc xã hội hoá công tác dinh dưỡng. Phải có sự phân công cụ
thể đối với từng ngành trong việc hỗ trợ hoạt động dinh dưỡng. Ngoài ra phải
khuyến khích động viên các tầng lớp xã hội khác tham gia tích cực .
4/- Đầu tư để thực hiện chiến lược:
- Đầu tư từ ngân sách nhà nước, đây là nguồn
ngân sách chính cho các hoạt động dinh dưỡng để đảm bảo cho việc thực hiện các
chỉ tiêu đề ra. Phân bổ kinh phí một cách cụ thể cho các hoạt động dinh dưỡng,
ưu tiên cho cộng đồng .
- Phát huy nội lực và huy động cộng đồng: đây là
nguồn kinh phí rất quan trọng hỗ trợ cho các hoạt động của chương trình và cũng
là nguồn khích lệ cho phong trào mang tính bền vững lâu dài; đây cũng chính là
trách nhiệm chia xẻ của cộng đồng vào chương trình .
- Tăng cường sự hợp tác quốc tế: mở rộng hợp tác
quốc tế song phương, đa phương với các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ để tạo
thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động của chương trình .
PHẦN III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I/- Tiến độ thực hiện:
1/- Giai đoạn 2001-2005:
- Triển khai các hoạt động trọng tâm nhằm cải
thiện dinh dưỡng. Chú trọng công tác giáo dục, huấn luyện, phát triển nhân lực
và bổ sung các chính sách hỗ trợ cho các hoạt động dinh dưỡng. Tiếp tục triển
khai và thực hiện các chương trình mục tiêu. Đánh giá sau 5 năm rút kinh nghiệm
để chuyển qua giai đoạn 5 năm còn lại.
- Phấn đấu trong 5 năm này các chỉ tiêu dinh dưỡng
chủ yếu cơ bản phải đạt được giải quyết cơ bản tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở một số
xã trong tỉnh; các hoạt động dinh dưỡng tại cộng đồng được thực hiện thường
xuyên, có hiệu quả và làm thay đổi những hành vi, những tập tục lạc hậu trước
đây .
- Hệ thống mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng được
củng cố, hoạt động có hiệu quả và thành thạo trong các kỹ năng hướng dẫn và
chăm sóc .
-Sự tham gia của các ngành có liên quan trở nên
tích cực có tác dụng thúc đẩy chương trình và thực hiện tốt công tác xã hội hoá
.
2/- Giai đoạn 2006 - 2010:
- Tiếp tục các hoạt động của giai đoạn trước, thể
chế hoá việc chỉ đạo của các cấp trong công tác dinh dưỡng. Duy trì sự bền vững
của chương trình cũng như các hoạt động, các chỉ tiêu có tính chất chiến lược.
Đây là giai đoạn kết thúc 10 năm thực hiện chiến lược, phải đánh giá một cách
toàn diện các chỉ tiêu cũng như các hoạt động của chương trình .
II/- Phân công thực hiện:
1/- Sở Y tế: là cơ quan chủ trì triển khai thực
hiện Kế hoạch hành động của Chiến lược; có trách nhiệm làm đầu mối trong việc
phối hợp với Thủ trưởng Sở, Ban, ngành tỉnh, MTTQ, các tổ chức Đoàn thể, Chủ tịch
UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện trong việc xây dựng kế hoạch,
tổ chức hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, giám sát và tổng hợp tình hình thực hiện
Chiến lược hàng năm để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh; tổ chức sơ kết thực hiện Kế
hoạch hành động của Chiến lược vào năm 2005 và tổng kết việc thực hiện Chiến lược
vào năm 2010.
2/- Sở Kế hoạch và Đầu tư: là cơ quan Thường trực
Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu có trách nhiệm thường xuyên giám sát việc
thực hiện chương trình, hướng dẫn báo cáo và tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện
Kế hoạch hành động hàng quý, 6 tháng và cả năm để trình Chủ tịch UBND tỉnh và gửi
về các Bộ Quản lý chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo đúng
qui định.
3/- Sở Tài chính-Vật giá và Kho bạc Nhà nước tỉnh:
thực hiện kiểm soát, cấp phát và thanh toán kinh phí đảm bảo đầy đủ, kịp thời từ
nguồn kinh phí ngân sách Trung ương trợ cấp có mục tiêu cho đơn vị thực hiện mục
tiêu này theo cơ chế quản lý tài chính hiện hành; đồng thời hướng dẫn đơn vị quản
lý chương trình thực hiện báo cáo quyết toán theo qui định hiện hành của nhà nước.
4/- Sở Văn hóa-Thông tin, Báo, Đài PT-TH: có kế
hoạch tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật có liên quan đến vấn
đề dinh dưỡng trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhân "Tháng hành động
vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm" hàng năm. Ngoài ra cần tập trung
tuyên truyền vào các thời điểm: Tháng hành động quốc gia về dinh dưỡng, Tuần lễ
dinh dưỡng và phát triển, ngày Tết Trung thu, Tết Nguyên đán...
5/- Công an tỉnh: chỉ đạo lực lượng Công an các
cấp phối hợp với ngành Y tế và các ngành chức năng liên quan trong việc kiểm
tra và xử lý nghiêm các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống
vi phạm các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, kết hợp với việc
chấp hành Nghị định số 36/NĐ-CP ngày 29/5/1995 của Thủ tướng Chính phủ trong việc
lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để làm nơi buôn bán.
6/- Sở Thương mại, Sở Du lịch: chỉ đạo các cơ
quan quản lý thị trường chủ động phối hợp với ngành Y tế trong việc kiểm tra, xử
lý việc mua bán, tiêu thụ các loại thực phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe người
tiêu dùng, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về bao bì,
nhãn hiệu thực phẩm. Chỉ đạo cho các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và các
cơ sở dịch vụ ăn uống thuộc mình quản lý chấp hành nghiêm túc các quy định về
chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
7/- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: kết
hợp với ngành Y tế trong việc tổ chức phổ biến sâu rộng các yêu cầu và quy
trình sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc chuyên ngành sử dụng cho gia
súc, gia cầm ...có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo an toàn vệ
sinh thực phẩm; kiểm tra chất lượng các mặt hàng thủy sản tiêu thụ trong nước
và xuất khẩu. Đồng thời phổ biến sâu rộng các quy trình kỹ thuật đảm bảo chất
lượng thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất thuộc ngành mình quản lý.
8/- Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị
Thanh và các huyện: chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị thuộc mình phụ trách tích cực
hưởng ứng và tham gia Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược dinh dưỡng giai
đoạn 2001-2010 tại địa phương mình, định kỳ có báo cáo về Ban chỉ đạo tỉnh để
có uốn nắn, chỉ đạo kịp thời.
9/- Đề nghị UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh: cùng
tham gia thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược dinh dưỡng giai đoạn
2001-2010 của tỉnh Cần Thơ trong phạm vi hoạt động của đoàn thể mình.