ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
738/QĐ-UBND
|
Quảng
Ngãi, ngày 22 tháng 5 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN
NĂM 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ
ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;
Căn cứ Quyết định số
55/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ Công thương ban hành quy định, nội dung, trình
tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số
2052/QĐ-TTg ngày 10/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại
biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII và Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày
24/6/2011 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai
đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số
15/2010/NQ-HĐND ngày 13/12/2010 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015;
Căn cứ Nghị quyết số
15/2011/NQ-HĐND ngày 22/7/2011của HĐND tỉnh về đẩy mạnh phát triển Công nghiệp
tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số
199/QĐ-UBND ngày 07/10/2011 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án đẩy mạnh phát triển
Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Công
Thương tại Tờ trình số 566/TTr-SCT ngày 17/4/2012 về việc phê duyệt Dự án quy
hoạch phát triển Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt quy hoạch phát triển Công nghiệp tỉnh Quảng
Ngãi đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
I. Quan điểm,
mục tiêu, định hướng của phát triển công nghiệp đến năm 2020:
1. Quan điểm phát triển công
nghiệp:
- Phát triển công nghiệp với nhịp
độ cao, hiện đại và bền vững, thực sự là nhiệm vụ đột phá, tác động mạnh đến
phát triển, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của tỉnh; phù hợp
với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, vùng
kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
- Trong giai đoạn tới, tận dụng
lợi thế sẵn có như cảng nước sâu, vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực để phát triển.
- Phát triển mạnh các ngành công
nghiệp có lợi thế so sánh và có giá trị gia tăng cao, công nghiệp hỗ trợ, công
nghiệp sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; ưu tiên các ngành công nghiệp
có công nghệ tiên tiến, ít ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, các ngành
công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Phát triển công nghiệp tác động
mạnh mẽ cho phát triển đô thị và dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng
giai cấp công nhân, gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Phối hợp với các tỉnh trong
vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thực hiện quy hoạch phát triển vùng và tranh
thủ các nguồn lực phù hợp với yêu cầu phát triển.
- Phát triển công nghiệp trên cơ
sở tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, phát huy hiệu quả vốn đầu tư
của nhà nước kết hợp với khai thác các nguồn lực của các thành phần kinh tế,
thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài.
- Hạt nhân của quá trình phát
triển công nghiệp là Khu kinh tế Dung Quất cùng với tổ hợp lọc hóa dầu, tổ hợp
công nghiệp nặng Doosan, nhà máy đóng tàu và các dự án đầu tư quy mô lớn đã được
quy hoạch, xúc tiến đầu tư, đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, gia tăng
hàm lượng chế tạo, đa dạng hóa mặt hàng để gia tăng hiệu quả kinh tế và phát
triển bền vững, hình thành các cơ sở sản xuất vệ tinh, sản xuất hỗ trợ gắn với
phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và phát triển công nghiệp của
cả nước, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
- Song song với việc phát triển
các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp quy mô lớn các ngành công nghiệp khác
như chế biến thực phẩm, đồ uống, công nghiệp may mặc, da giầy, đặc biệt là công
nghiệp hạ tầng,... được chú ý tăng cường phát triển, nhằm hạn chế sự mất cân đối
về lực lượng lao động, về phân bố lực lượng sản xuất trên địa bàn, giảm bớt sự
chênh lệch thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng lãnh thổ.
2. Mục tiêu phát triển công
nghiệp:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên
địa bàn bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 14%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 là
12,5%/năm. Trong đó, tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng là 16,5%/năm. Tỷ
trọng giá trị công nghiệp trong GDP toàn tỉnh đến năm 2015 là 58,1% và đến năm
2020 ở mức 60,1%.
3. Định hướng phát triển công
nghiệp:
Tập trung mở rộng phát triển Khu
kinh tế Dung Quất tạo vùng động lực phát triển công nghiệp với các ngành công
nghiệp nặng, công nghiệp quy mô lớn, hình thành các vùng kinh tế công nghiệp
khác để tạo dựng mối liên kết giữa vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến. Tập
trung ưu tiên đầu tư vào nơi có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, nguồn
nguyên liệu và dịch vụ.
Giai đoạn 2016 - 2020 tập trung
phát triển mạnh các ngành công nghiệp lọc hoá dầu và sau hoá dầu, cơ khí chế tạo,
luyện kim, công nghiệp phục vụ kinh tế biển,... cùng với công nghiệp hạ tầng
như cung cấp điện, nước, gaz, dịch vụ xây dựng và một số ngành công nghiệp có lợi
thế cạnh tranh như công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, đồ uống, may mặc,
dày da... Xây dựng và phát triển một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có sức cạnh
tranh và có khả năng phát triển ổn định trong thị trường khu vực.
Phát triển các khu, cụm công
nghiệp đã được quy hoạch, tạo điều kiện phát triển tiểu thủ công nghiệp làng
nghề, thúc đẩy phát triển các khu vực khó khăn, tập trung phát triển ngành công
nghiệp nông thôn góp phần cải thiện đời sống kinh tế - xã hội về mọi mặt giữa
thành thị, nông thôn và miền núi, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia
phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển công
nghiệp của tỉnh gắn với thị trường trong nước và quốc tế.
Chuẩn bị một số khu, cụm công
nghiệp phát triển theo hướng quần thể công nghiệp - thương mại - dịch vụ - khu
dân cư.
II. Quy hoạch
các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020:
1. Công nghiệp lọc hóa dầu,
hóa chất:
Giá trị sản xuất công nghiệp của
ngành đến năm 2015 đạt 24.213 tỷ đồng và năm 2020 đạt 34.005 tỷ đồng. Tỷ trọng
của ngành trong toàn ngành công nghiệp đạt tương ứng là 60,5% và 53,1%. Tốc độ
tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 – 2015 đạt 11,8%/năm; giai đoạn 2016 -
2020 đạt 7,0%/năm. Cụ thể:
Xây dựng ngành công nghiệp lọc
hóa dầu (cùng với ngành cơ khí chế tạo và luyện kim) trở thành một trong ba
ngành mũi nhọn quyết định sự tăng trưởng nhanh, bền vững, công nghệ hiện đại và
thân thiện với môi trường. Tiếp tục phát triển, nâng công suất lọc dầu và các sản
phẩm hóa dầu, nhằm phát huy tối đa hiệu quả các cơ sở hạ tầng đã được đầu tư đến
giai đoạn hiện tại, nâng cao hiệu quả kinh tế của nhà máy lọc dầu hiện có, đồng
thời làm tiền đề cho việc phát triển các cơ sở sản xuất vệ tinh, sản xuất hỗ trợ
trên địa bàn.
Tiếp tục hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí
Việt Nam ổn định công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất 6,5 triệu tấn/năm. Triển
khai xây dựng giai đoạn mở rộng công suất trên 10 triệu tấn/năm. Ổn định phát
triển các doanh nghiệp sản xuất phân bón hiện có. Tập trung đầu tư, hiện đại
hóa ngành sản xuất phân bón nâng công suất lên hơn 30.000 tấn/năm. Xây dựng nhà
máy xử lý và phân phối khí tại Dung Quất và các nhà máy hóa chất khác.
2. Công nghiệp cơ khí, chế tạo
và luyện kim:
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt
tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015: 79,8%/năm; giai đoạn 2016 -
2020: 18,1%/năm. Cụ thể:
Tiếp tục mở rộng sản xuất nhà
máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất. Phấn đấu đạt 100% công suất thiết kế. Chuẩn
bị cơ sở vật chất để có thể đóng mới được tàu 320.000 DWT, sửa chữa được tàu
600.000 DWT vào năm 2015; Đầu tư chiều sâu phát triển sản xuất, đa dạng hóa sản
phẩm công nghiệp nặng của nhà máy Doosan Việt Nam; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng
nhà máy công nghiệp nặng KumWoo Dung Quất, nhà máy EASTAR-KIC VN; Hỗ trợ đẩy
nhanh tiến độ dự án nhà máy luyện cán thép công suất 7 triệu T/năm.
Tùy theo nhu cầu thị trường tiếp
tục đầu tư, phát triển sản xuất, phấn đấu các nhà máy đạt 100% công suất thiết
kế. Kêu gọi, thu hút đầu tư lắp ráp và sản xuất xe ô tô tải nhẹ, xe nâng hạ...,
trọng tải 0,5 - 3,5 tấn, công suất ban đầu khoảng 5.000 xe/năm.
3. Công nghiệp chế biến nông
sản, thực phẩm, đồ uống:
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giai
đoạn 2011 - 2015: 16,0%/năm; giai đoạn 2016 - 2020: 6,0%/năm.
a) Công nghiệp chế biến thủy sản,
súc sản:
- Đến năm 2015: Đầu tư chiều sâu
phát huy 100% công suất các nhà máy hiện có, phấn đấu đạt tiêu chuẩn vệ sinh
môi trường và xuất khẩu trực tiếp sang EU và Bắc Mỹ,... Phát triển nhà máy chế
biến thủy hải sản đông lạnh xuất khẩu tại KCN Quảng Phú; Xây dựng mới nhà máy
chế biến thủy sản hiện đại, công suất 5.000 tấn/năm và nhà máy chế biến súc sản
đông lạnh, thức ăn phối chế sẵn, đồ hộp,… công suất 5.000 tấn/năm.
- Giai đoạn 2016 - 2020: Đầu tư
xây dựng mới 2 nhà máy chế biến thủy sản hiện đại, công suất mỗi nhà máy 3.000
tấn/năm, sản phẩm chủ yếu là mặt hàng giá trị gia tăng cao cung cấp cho mạng lưới
siêu thị và mở rộng sản xuất nhà máy chế biến súc sản, đưa công suất lên 10.000
tấn/năm.
b) Công nghiệp chế biến thực phẩm,
đồ uống:
- Đến năm 2015: Ổn định sản xuất
nhà máy bia Sài Gòn - Quảng Ngãi, công suất lên 100 triệu lít/năm, nhà máy bia
Dung Quất công suất 50 triệu lít/năm; nhà máy sữa công suất 120 triệu lít/năm;
đồ uống đóng lon các loại khác.
- Giai đoạn 2016 - 2020: nâng
công suất nhà máy bia lên 150 - 200 triệu lít/năm; nhà máy nước khoáng 120 -
150 triệu lít/năm.
c) Công nghiệp chế biến nông sản
và mủ cao su:
- Đến năm 2015: Đầu tư nhà máy
chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 30.000 tấn/năm; nhà máy chế biến tinh bột
ngô, công suất 10.000 tấn/năm; Phát triển cơ sở chế biến mủ cao su với công suất
1.000 - 2.000 tấn/năm.
- Giai đoạn 2011 - 2020: đầu tư
nhà máy sản xuất bột dinh dưỡng từ ngô, lạc, đậu đỗ, bột sữa… công suất 10.000
tấn/năm.
d) Công nghiệp chế biến muối:
Vùng muối Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ)
có sản lượng hàng năm khoảng 7.500 - 8.000 tấn/năm. Phát triển mô hình sản xuất
muối sạch, tận dụng tối đa về thời tiết khí hậu của địa phương để phát triển
công nghiệp chế biến muối công nghiệp và muối ăn chất lượng cao. Thu hút đầu
tư, phát triển nhà máy sản xuất muối ăn và hóa chất từ muối, các sản phẩm oxit
magie, xút, soda... với sản lượng ban đầu khoảng 1.000-2.000 tấn/năm.
4. Công nghiệp khai thác và
chế biến khoáng sản:
Đưa năng lực khai thác đá của tỉnh
lên trên 1,8 triệu m3, 1,62 triệu m3 cát xây dựng vào năm 2015 và đạt 2,65 triệu
m3 đá xây dựng và 2,4 triệu m3 cát vào năm 2020.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng
giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011 - 2015: 8,0%/năm và giai đoạn 2016 -
2020: 5,0%/năm.
5. Công nghiệp sản xuất vật
liệu xây dựng:
Mục tiêu tốc độ tăng trưởng về
giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011 - 2015: 12,0%/năm và giai đoạn 2016 -
2020: 15,0%/năm.
Tập trung đầu tư mở rộng sản xuất
xi măng nghiền, vật liệu ốp lát, các sản phẩm VLXD hữu cơ từ sản phẩm và chế phẩm
dầu mỏ, các sản phẩm VLXD mới...
6. Công nghiệp chế biến gỗ,
giấy:
Đạt giá trị sản xuất công nghiệp
295 tỷ đồng (giá 1994) với tốc độ tăng trưởng ở giai đoạn 2011 - 2015 là
5%/năm. Đến năm 2020 đạt giá trị sản xuất công nghiệp 376 tỷ đồng (giá 1994). Tốc
độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 5%/năm. Cụ thể:
- Đến năm 2015: xây dựng một số
nhà máy chế biến đồ gỗ đã được cấp giấy phép đầu tư ở các khu công nghiệp với tổng
công suất 15.000 m3/năm; Phấn đấu hoàn thành và đi vào hoạt động nhà máy bột và
giấy công suất 130.000 tấn bột giấy và 200.000 tấn giấy
- Giai đoạn 2016 - 2020: đầu tư
nhà máy chế biến đồ gỗ từ gỗ ván nhân tạo, công suất 10.000 m3 SP/năm.
7. Công nghiệp may - da giày:
Đến năm 2015 đầu tư nhà máy may,
công suất 2 triệu SP/năm; nhà máy sản xuất giày thể thao, công suất 1 triệu
đôi/năm và giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư thêm 2 nhà máy may, công suất mỗi nhà
máy 2 triệu SP/năm; xây dựng nhà máy sản xuất xơ PE, công suất 100 ngàn tấn/năm.
8. Công nghiệp sản xuất và
phân phối điện, nước:
a) Công nghiệp sản xuất và phân
phối điện:
Tốc độ tăng trưởng điện thương
phẩm giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13-14%/năm, đến năm 2015: công suất cực đại Pmax
= 340MW, điện thương phẩm đạt khoảng 1,6 tỷ kWh, điện năng tiêu thụ bình quân đầu
người đạt 1.138kWh/người/năm và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,5-13,5%/năm, đến
năm 2020: công suất cực đại Pmax = 560MW, điện thương phẩm đạt khoảng 2 tỷ kWh,
điện năng tiêu thụ bình quân đầu người đạt 1.977kWh/người/năm.
- Về nguồn điện:
+ Vận hành ổn định các nhà máy
thủy điện đã hoàn thành (TĐ Hà Nang-11MW, TĐ Cà Đú - 2,6MW, Sông Riềng - 3MW);
đưa vào vận hành các nhà máy thủy điện đang thi công (Nước Trong - 16,5MW,
Đakđrinh - 125MW, Đakre – 60MW); thúc đẩy đầu tư các nhà máy thủy điện vừa và
nhỏ (Sơn Trà 1-48MW), Trà Khúc 1-36MW, Sơn Tây -18MW, ...).
+ Hình thành trung tâm điện lực
tại Khu kinh tế Dung Quất để kêu gọi đầu tư các dự án nhiệt điện chạy than
(công suất 1.200MW); dự án nhà máy điện Tuabin khí (công suất khoảng từ 450 -
1350MW) tiêu thụ khoảng 1,3 tỷ m3 khí/năm.
+ Kêu gọi đầu tư các dự án năng
lượng tái tạo (gió, mặt trời, địa nhiệt) công suất khoảng 10-15MW.
- Về lưới và trạm: Đến năm 2015
nâng công suất trạm 220kV Dung Quất từ (1x125)MVA lên (2x125)MVA. Xây mới 07 trạm
và nâng công suất 11 trạm 110KV với tổng dung lượng khoảng 375MVA. Xây dựng mới
622 km và cải tạo 782 km đường dây trung thế trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Giai
đoạn 2016 - 2020 nâng công suất trạm 500kV – 1x450 MVA thành 2x450 MVA Dốc Sỏi.
b) Quy hoạch phát triển ngành
phân phối nước:
- Đến năm 2015, tỷ lệ dân cư được
sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 90%.
Khảo sát nghiên cứu để chuẩn bị
xây dựng thêm một nhà máy nước cấp cho Khu kinh tế Dung Quất với công suất ban
đầu khoảng 15.000 m3/ngày đêm. Tiếp tục nâng công suất các hệ thống cấp nước hiện
có. Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước mới cho các khu, cụm công nghiệp đã quy
hoạch với công suất ban đầu khoảng 3.000 - 5.000m3/ngày/đêm với khu công nghiệp
và 500m3/ngày đêm với cụm công nghiệp. Nghiên cứu và đầu tư xây dựng 01 nhà máy
nước phục vụ dịch vụ nghề cá và dân sinh tại đảo Lý Sơn. Tiếp tục xây dựng bổ
sung mạng lưới phân phối nước cho thành phố và thị trấn Sơn Tịnh, La Hà đáp ứng
nhu cầu sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất; nhà máy nước Dung Quất giai đoạn II
lên 60.000m3/ngày.đêm.
- Giai đoạn 2016 - 2020: hoàn chỉnh
giai đoạn III nhà máy nước Dung Quất lên 100.000m3/ngày đêm; Cải tạo hệ thống cấp
nước và nâng công suất của nhà máy nước tại thành phố lên 60.000m3/ngày đêm.
III. Quy hoạch
phát triển công nghiệp hỗ trợ:
Công nghiệp hỗ trợ thúc đẩy phát
triển có hiệu quả cho những nhóm ngành công nghiệp chủ lực, chiếm tỷ trọng cao
trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh, đầu tư các nhà máy sản xuất phụ kiện cho
công nghiệp hóa dầu, công nghiệp nặng và sản xuất hỗ trợ trong vùng kinh tế trọng
điểm miền trung.
1. Công nghiệp hỗ trợ cho
ngành công nghiệp lọc hóa dầu:
Nhà máy lọc dầu và các tổ hợp
hóa dầu Dung Quất đã quy hoạch và xây dựng theo chu trình khép kín từ khâu lọc
dầu đến khâu chế biến sâu theo các công nghệ hóa dầu. Công nghiệp hỗ trợ cho
hóa dầu giai đoạn đến 2020 tập trung phát triển các lĩnh vực bảo trì cho các
công trình dầu khí; cung ứng vật tư phụ tùng thay thế, phục vụ cho công tác vận
hành bảo dưỡng.
Phát triển ngành cơ khí phục vụ
đầu tư xây dựng các tổng kho, hệ thống công nghệ cho các trạm nạp khí hóa lỏng,
các trạm dịch vụ xăng dầu. Đầu tư phát triển dịch vụ đào tạo và cung ứng nhân lực,
sản xuất các loại hoá chất phục vụ công nghệ hoá dầu và dịch vụ khảo sát ngầm.
2. Công nghiệp hỗ trợ cho
ngành công nghiệp nặng:
Tăng cường đầu tư chiều sâu tại
các cơ sở cơ khí chế tạo hiện có để nâng cao năng lực đúc, rèn, tạo phôi, nhiệt
luyện, xử lý bề mặt, cung cấp phụ tùng, phụ kiện cho ngành lắp ráp sản phẩm
hoàn chỉnh. Khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế đầu tư
phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Thu hút đầu tư nước ngoài vào
các quá trình sản xuất công nghệ cao, vào các khâu cơ bản Việt Nam còn hạn chế
về trình độ như: đúc, rèn, tạo phôi lớn, nhiệt luyện, xử lý bề mặt kim loại, sản
xuất chi tiết quy chuẩn chất lượng cao. Thu hút đầu tư một số nhà máy chuyên sản
xuất các chi tiết tiêu chuẩn, khuôn mẫu chính xác, vật liệu cắt gọt và gia công
áp lực… với mức độ trang thiết bị có độ chính xác cao, được điều khiển bằng
chương trình tự động.
IV. Định hướng
phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp:
1. Khu kinh tế Dung Quất:
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành
Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 20/01/2011 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Khu
kinh tế Dung Quất đến năm 2025 với tổng diện tích khoảng 45.332 ha. Định hướng
các khu công nghiệp được đầu tư mới và mở rộng và phát triển để đáp ứng nhu cầu
sử dụng đất của doanh nghiệp như sau:
- KCN Đông Dung Quất: Là khu
công nghiệp nặng, gồm các Cụm lọc dầu; Cụm hóa dầu và hóa chất; Cụm cơ khí; Cụm
luyện cán thép; Cụm đóng tàu; công nghiệp nặng Doosan; công nghiệp vật liệu xây
dựng và hậu cần cảng với quy mô diện tích đất công nghiệp: 2.122 ha.
- KCN Tây Dung Quất: Là khu công
nghiệp tổng hợp, bao gồm nhiều khu chức năng như: sản xuất công nghiệp (chủ yếu
loại hình công nghiệp nhẹ, đa ngành, ít ô nhiễm); kho tàng và dịch vụ công nghiệp,...
quy mô diện tích đất công nghiệp là 1.104 ha.
- KCN Dung Quất II: Đây là khu
công nghiệp nặng bao gồm công nghiệp hóa dầu, hóa chất, công nghiệp chế tạo,
luyện cán thép, nhiệt điện... gắn với cảng biển nước sâu. Diện tích quy hoạch:
3.500 ha.
- KCN Bình Hòa - Bình Phước: Là
khu công nghiệp nhẹ, bố trí các Cụm công nghiệp theo địa hình khai thác tận dụng
địa hình, địa mạo song phải gắn được với đô thị Vạn Tường - Châu Ổ gắn kết với
KCN Đông Dung Quất. Diện tích quy hoạch là 1.488 ha.
- KCN nhẹ Tịnh Phong: Quy mô diện
tích 600 ha trên cơ sở mở rộng khu công nghiệp Tịnh Phong. Với sự kêu gọi đầu
tư trong thời gian qua, Dự án phát triển các khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ,
hình thành khu Đô thị - Công nghiệp, phát triển mở rộng khu Công nghiệp Tịnh
Phong gắn với Quy hoạch tổng thể phát triển Khu kinh tế Dung Quất, quy mô diện
tích khoảng 1.370 ha.
2. Khu công nghiệp Quảng Phú
(thành phố Quảng Ngãi): tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và thu hút các
doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp. Xây dựng khu dân cư và dịch vụ khu
công nghiệp.
3. Khu công nghiệp Phổ Phong
(huyện Đức Phổ): đầu tư hạ tầng thiết yếu cho khu công nghiệp: giải phóng mặt
bằng, đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào, hệ thống hạ tầng dùng chung, cấp điện, cấp
nước... vận động đầu tư bằng nhiều hình thức linh hoạt, phấn đấu lấp đầy 30-50%
diện tích vào năm 2020.
Định hướng phát triển khu công
nghiệp Phổ Phong thành khu tổ hợp công nghiệp - thương mai - dịch vụ - nhà ở với
quy mô khoảng 600 ha.
Ngoài ra, nhằm tạo quỹ đất làm
cơ sở phát triển công nghiệp trong các giai đoạn sau và tùy theo điều kiện phát
triển cần nghiên cứu, quy hoạch và hình thành sau năm 2015 khu công nghiệp Ba Động
với diện tích 200 ha; Hành Thuận, diện tích từ 100 - 150 ha).
4. Phát triển các cụm công
nghiệp:
- Ổn định về quy mô diện tích
các cụm công nghiệp Bình Nguyên, diện tích 20 ha; Đồng Dinh, diện tích 10,8 ha;
La Hà, diện tích 50 ha; Thạch Trụ, diện tích 20 ha; Sa Kỳ, diện tích 7 ha và Thạch
Bích diện tích 5 ha.
- Tùy theo điều kiện và nhu cầu
đầu tư phát triển của doanh nghiệp, mở rộng quy mô diện tích các cụm công nghiệp
Tịnh Ấn Tây từ 25,7 ha lên 45,7 ha; Quán Lát từ 20 ha lên 34 ha; Cụm công nghiệp
Ba Động 75 ha.
- Rà soát và điều chỉnh giảm diện
tích các cụm, điểm công nghiệp có khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng
hoặc kém hiệu quả.
- Riêng đối với Cụm công nghiệp
Đồng Dinh, huyện Nghĩa Hành. Đây là cụm công nghiệp nằm ở ven thành phố Quảng
Ngãi, có điều kiện thuận lợi phát triển mở rộng quy mô để di dời các nhà máy,
cơ sở sản xuất công nghiệp ở cộng đồng dân cư tại thành phố Quảng Ngãi. Diện
tích mở rộng khoảng 50 ha.
V. Nhu cầu
lao động cho công nghiệp giai đoạn đến 2020: với nhu cầu lao động
hiện tại và tình hình đầu tư, ước tính nhu cầu lao động đến năm 2020 khoảng
353.000 người.
VI. Nhu cầu về vốn cho công
nghiệp giai đoạn 2011 - 2020:
Tổng vốn đầu tư cho công nghiệp
giai đoạn 2011 - 2015 là 80.947 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 115.557 tỷ đồng.
VII. Những giải
pháp và chính sách:
1. Tuyên truyền giáo dục: Thường
xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân
dân về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ đột phá và giải pháp về phát triển công
nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực
quản lý nhà nước đối với ngành công nghiệp:
- Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ,
quan hệ phối hợp, tổ chức bộ máy của các sở, ban ngành, UBND các địa phương
trong phối hợp đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp, trước hết tập trung giải
quyết các yêu cầu cho phát triển Khu kinh tế Dung Quất, các Khu công nghiệp, Cụm
công nghiệp.
- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng,
xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý các cấp ngang tầm với yêu cầu quản lý nhà nước
đối với ngành công nghiệp. Đào tạo bồi dưỡng, thu hút đội ngũ cán bộ chuyên môn
có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực thực tiễn để thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên
cứu, tham mưu cho các cấp chính quyền trong công tác quản lý ngành.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính,
nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư, kinh doanh, mở rộng thị trường,
trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, liên quan đến dự án đầu tư, đất đai,
thành lập doanh nghiệp.
3. Đổi mới, nâng cao chất lượng
quy hoạch và quy chế quản lý thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh:
Triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm
2020; lập các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm công nghiệp trọng yếu trên địa
bàn tỉnh như: quy hoạch cụm công nghiệp, điện, khoáng sản...; lập Quy hoạch chi
tiết các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất.
4. Xây dựng và thực hiện các cơ
chế, chính sách phát triển công nghiệp: Tăng cường khả năng áp dụng, cụ thể hoá
thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp của Trung ương; đồng thời
thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới một số cơ chế, chính
sách đặc thù khả thi, hấp dẫn để tác động mạnh đến sự phát triển công nghiệp. Tập
trung các cơ chế chính sách như: Chính sách xây dựng giai cấp công nhân, phát
triển nguồn nhân lực; chính sách về đất đai, bảo đảm an sinh xã hội; chính sách
về đầu tư, huy động các nguồn vốn đầu tư; chính sách về nghiên cứu, ứng dụng tiến
bộ khoa học và công nghệ; chính sách về thông tin, xúc tiến thương mại và đầu
tư; phát triển thị trường và hội nhập quốc tế; chính sách đặc thù về đầu tư xây
dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp đảm bảo đồng bộ, đáp ứng nhu cầu cho các dự án
đầu tư; chính sách phát triển vùng nguyên liệu; chính sách thu hút đầu tư phát
triển Khu kinh tế Dung Quất; chính sách tăng cường công tác bảo vệ môi trường;
chính sách bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự và an toàn xã hội.
Điều 2.
Tổ chức thực hiện:
1. Giám đốc Sở Công Thương chịu
trách nhiệm trực tiếp quản lý Dự án quy hoạch phát triển Công nghiệp tỉnh Quảng
Ngãi đến năm 2020 và chủ trì tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quy hoạch
được duyệt, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các cơ chế chính sách, chương
trình, dự án phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, đảm bảo đạt được các mục
tiêu đề ra.
2. Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển
Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 trên địa bàn lãnh thổ.
3. Thủ trưởng các sở, ban ngành
liên quan chịu trách nhiệm thực hiện các chức năng quản lý của ngành, phối hợp
thực hiện và giải quyết các vấn đề liên quan tạo điều kiện thuận lợi thực hiện
hoàn thành quy hoạch.
Trong quá trình triển khai thực
hiện quy hoạch, những vấn đề vướng mắc liên quan như: các quy hoạch, dự án khác
được tiếp tục điều chỉnh, giải quyết cụ thể trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương,
Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và
Công nghệ; Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Trưởng Ban Quản lý các Khu
công nghiệp Quảng Ngãi; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các sở,
ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.