Quyết định 72/HĐBT năm 1990 về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 72/HĐBT
Ngày ban hành 13/03/1990
Ngày có hiệu lực 28/03/1990
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 72-HĐBT

Hà Nội, ngày 13 tháng 3 năm 1990

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỤ THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN NÚI

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc miền núi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Căn cứ Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng số 22-NQ/TW ngày 27-11-1989 về chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi.

QUYẾT ĐỊNH:

Phần I –

ĐỔI MỚI CƠ CẤU KINH TẾ VÀ TỔ CHỨC SẢN XUẤT Ở MIỀN NÚI

Điều 1. Xây dựng cơ cấu kinh tế của miền núi theo hướng chuyển sang kinh tế hàng hóa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng tiểu vùng, từng dân tộc, phát huy các thế mạnh về lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, lương thực, chăn nuôi đại gia súc, phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, du lịch...; xây dựng kết cấu hạ tầng; mở rộng giao lưu kinh tế giữa miền núi với miền xuôi và với nước ngoài. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và củng cố an ninh, quốc phòng. Trong năm 1990, các bộ, tỉnh miền núi và tỉnh có miền núi cần đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, quy hoạch, phân vùng kinh tế, phân bố lực lượng sản xuất... trên từng địa bàn làm cơ sở để tổ chức lại sản xuất, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

I- VỀ LÂM - NÔNG - NGƯ NGHIỆP

Điều 2. Thực hiện mạnh mẽ chủ trương giao đất, giao rừng cho các gia đình đồng bào các dân tộc (kể cả gia đình cán bộ, công nhân và người Kinh sinh sống ở miền núi và các hộ tư nhân từ miền xuôi lên), các đơn vị kinh tế cơ sở, các cơ quan trường học, đơn vị quân đội. Đồng bào các dân tộc và các đơn vị, tổ chức nói trên có quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh bằng nhiều hình thức thích hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng như: vườn rừng, trại rừng, vườn cây công nghiệp, cây ăn quả, lương thực, thực phẩm, dược liệu kết hợp với cây rừng... đồng thời tranh thủ vốn đầu tư của nước ngoài nhằm từng bước hình thành các vùng rừng kinh tế, vùng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả tập trung quy mô lớn.

Đối với diện tích rừng, vườn cây công nghiệp và cây ăn quả hiện có, ao hồ do Nhà nước bỏ vốn đầu tư... cơ quan và đơn vị kinh tế phải tổ chức tốt việc kiểm kê, đánh giá đúng giá trị hiện còn và tiến hành việc giao khoán, đấu thầu một cách công khai, dân chủ, phù hợp với đặc điểm từng vùng và từng loại cây trồng.

Điều 3. Bộ Lâm nghiệp phối hợp với các tỉnh có biện pháp cụ thể chấn chỉnh ngày công tác quản lý, bảo vệ và khai thác rừng. Đưa việc khai thác gỗ và lâm sản khác vào quy hoạch, kế hoạch và bảo đảm quy trình kỹ thuật; tận dụng triệt để gỗ cành ngọn, khắc phục tình trạng gỗ đã khai thác để ứ đọng tại rừng; đẩy mạnh khâu chế biến gỗ, lâm sản; gỗ xuất khẩu phải qua chế biến. Đình chỉ khai thác gỗ và các khu rừng đầu nguồn xung yếu, rừng bảo vệ thiên nhiên và các khu rừng nghèo kiệt; cấm săn bắt chim, thú rừng quý, hiếm; nghiêm cấm việc khai thác lâm sản và săn bắn chim, thú ở vườn rừng quốc gia, rừng bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn nguồn gien và rừng giống. Cùng với các biện pháp quản lý về hành chính, cần có chính sách khuyến khích tiết kiệm tiêu dùng gỗ, khuyến khích phát triển vốn rừng và có kế hoạch điều hòa việc cung ứng gỗ trên phạm vi cả nước, nhằm bảo vệ vốn rừng, bảo vệ môi trường, sinh thái.

Trước mắt, cần đặc biệt coi trọng việc bảo vệ rừng, khoanh nuôi, để tái tạo lại rừng, mở rộng diện tích rừng trồng mới, nhất là trồng rừng phục vụ nhu cầu bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp, rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu, đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng trong nhân dân, phủ xanh đồi, núi trọc.

Điều 4. Bộ Lâm nghiệp phối hợp với các địa phương hoàn chỉnh quy hoạch, lập đề án cụ thể về quản lý, bảo vệ các loại rừng (đầu nguồn, đặc dụng, kinh tế...), khai thác rừng và thú rừng, xây dựng kế hoạch phát triển vốn rừng.

Bộ Lâm nghiệp cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kinh tế đối ngoại xây dựng các chính sách đầu tư vốn, thu hút vốn quốc tế và kinh doanh xuất, nhập khẩu lâm sản, đặc sản; chính sách khuyến khích nhân dân trồng cây gây rừng trình Hội đồng Bộ trưởng vào quý II năm 1990.

Điều 5. Lương thực, thực phẩm đang là nhân tố có ý nghĩa then chốt và ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát huy các thế mạnh của miền núi. Việc giải quyết vấn đề lương thực ở miền núi phải theo quan điểm kinh tế hàng hóa, gắn phát triển sản xuất lương thực với kinh doanh tổng hợp trong cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp thống nhất, để nâng cao hiệu quả kinh tế chung và cải thiện môi trường, sinh thái.

Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và các ngành có liên quan cùng với các địa phương tập trung lực lượng xác định quy hoạch, kế hoạch đổi mới cơ cấu sản xuất, quy trình kỹ thuật, mở rộng diện tích ở nơi có điều kiện, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất trên những diện tích ổn định, chắc ăn, có hiệu quả, kể cả lúa nước, lúa cạn, ngô và các loại màu khác. Tận dụng khả năng mở thêm vụ đông hoặc đông xuân, hè thu với các loại cây trồng thích hợp, các cây truyền thống như ngô, đại mạch, lúa mì, mạch hoa, khoai, sắn, bo bo, í dĩ, đậu đỗ các loại, rau, khoai tây... trên diện tích mới trồng một vụ. Thực hiện luân canh, thâm canh trên diện tích nương đã có, phấn đấu để khắc phục nhanh nạn phá và đốt rừng làm nương, rẫy mới.

Điều 6. Ở các vùng cao cần vận động và tổ chức quần chúng xây dựng ruộng, nương bậc thang để thâm canh và bảo vệ đất chống xói mòn. Ở nơi có điều kiện cân đối được lương thực tại chỗ thì nên chuyển những diện tích làm lương thực năng suất thấp và không ổn định sang kinh doanh các cây trồng khác như cây công nghiệp, rau quả, dược liệu... để có hiệu quả cao hơn về các mặt kinh tế và xã hội.

Điều 7. Bộ Thủy lợi cùng với các tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển thủy lợi phù hợp với từng địa bàn cụ thể của miền núi theo phương châm kết hợp đầu tư của Nhà nước với công sức và tiền của của nhân dân. Có biện pháp để khai thác tối đa các công trình thủy nông hiện có, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy nông đang xây dựng để sớm đưa vào sử dụng. Trong kế hoạch xây dựng công trình mới, đặc biệt coi trọng xây dựng các công trình quy mô vừa, nhỏ, công trình thủy lợi kết hợp thủy điện, bảo đảm đủ nước tưới ổn định cho diện tích trồng lương thực hiện có và những vùng mở mới trong những năm tới. Ngoài mục tiêu trọng điểm ưu tiên phục vụ sản xuất lương thực, chú trọng xây dựng công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, cây công nghiệp..., đầu tư có trọng điểm vào khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt ở những nơi có nhiều khó khăn về nguồn nước mặt, trước hết cho vùng cao, đồn biên phòng biên giới phía bắc và Tây Nguyên.

Điều 8. Khuyến khích phát triển mạnh đàn gia súc, gia cầm, ong mật, trước hết là trâu, bò, dê, ngựa.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh cần xóa bỏ ngay mọi hạn chế trong việc lưu thông trâu, bò giữa các vùng đối với tất cả các thành phần kinh tế. Khôi phục và mở thêm chợ trâu, bò ở các địa phương. Khuyến khích cán bộ kỹ thuật chăn nuôi, thú y và tư nhân tổ chức các dịch vụ truyền giống và phòng, chữa bệnh gia súc, gia cầm. Nhà nước trợ giá cho công tác truyền giống và phòng, trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm đối với vùng cao của miền núi. Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm cùng với Bộ Tài chính quy định cụ thể và công bố sớm.

Điều 9. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cải tạo các diện tích mặt nước sẵn có hoặc xây dựng hồ, ao mới để phát triển thủy sản, nuôi cá bè ở sông, suối, áp dụng rộng rãi mô hình vườn, ao, chuồng (VAC). Đối với diện tích mặt nước lớn, tùy theo điều kiện từng nơi có thể tổ chức đơn vị quản lý tập thể hoặc giao khoán đến hộ, nhóm hộ, hoặc tổ chức đấu thầu cho cá nhân để phát triển thủy sản. Chuyển các cơ sở quốc doanh thủy sản trên địa bàn miền núi sang sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ nuôi trồng thủy sản.

Điều 10. Công tác vận động định canh, định cư, xây dựng vùng kinh tế mới và phân bố lại lao động, dân cư phải gắn liền với việc trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn và việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là thủy lợi, giao thông, và y tế, giáo dục... theo chương trình, quy hoạch thích hợp từng địa bàn, từng dân tộc. Hướng chủ yếu là vận động đồng bào định canh, định cư tại chỗ; kết hợp chặt chẽ việc xây dựng cơ sở kinh tế mới với việc tổ chức hướng dẫn phát triển sản xuất, bố trí cơ cấu kinh tế hợp lý, đi ngay vào thâm canh, phát triển kinh tế vườn, làm nghề rừng, bảo vệ rừng, trồng cây công nghiệp, cây đặc sản... từng bước xóa bỏ tình trạng tự cung, tự cấp, du canh, du cư.

Đối với nơi mật độ dân cư quá đông, thiếu diện tích đất để sản xuất, đồng bào có nguyện vọng chuyển đến nơi sinh sống tốt hơn thì cần có biện pháp giúp đỡ thiết thực theo chính sách đối với đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Đối với đồng bào sống ở vùng cao, biên giới di cư do chiến tranh nay trở về quê cũ làm ăn được trợ cấp như đối với đồng bào vận động định canh, định cư.

Việc đầu tư cho công tác định canh, định cư phải tập trung hoàn chỉnh và dứt điểm theo từng dự án cụ tể được duyệt, sử dụng tổng hợp mọi nguồn vốn trên địa bàn như vốn định canh, định cư, vốn kinh tế mới, vốn trồng rừng, bảo vệ rừng, tiền nuôi rừng, vốn xây dựng cơ bản cho thủy lợi, thủy sản, nông nghiệp... Nhà nước cấp vốn ngân sách cho từng địa phương hoặc nông, lâm trường quốc doanh, các đơn vị bộ đội làm kinh tế được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác này (kể cả Trung ương và địa phương).

Đổi mới tổ chức quản lý công tác định canh, định cư từ Trung ương đến huyện theo hướng, gọn, nhẹ, có đủ năng lực giám sát, kiểm tra và giúp đỡ các địa phương, cơ sở thực hiện tốt kế hoạch được giao và các chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này. Bộ Lâm nghiệp phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị trình Hội đồng Bộ trưởng phương án đổi mới công tác định canh, định cư trong quý II năm 1990.

II - VỀ CÔNG NGHIỆP VÀ KẾT CẤU HẠ TẦNG

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ