Thông tư liên tịch 50/TT/LB năm 1995 hướng dẫn quản lý, cấp phát, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ dân tộc thiểu số, dân tộc Khơ Me, Chăm đặc biệt khó khăn do Bộ Tài chính và Uỷ ban Dân tộc và Miền núi ban hành

Số hiệu 50/TT/LB
Ngày ban hành 01/07/1995
Ngày có hiệu lực 01/01/1995
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Uỷ ban Dân tộc và Miền núi
Người ký Phan Thanh Xuân,Tào Hữu Phùng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

 

BỘ TÀI CHÍNH-UỶ BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI

********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 50/TT/LB

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 1995

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

SỐ 50/TT/LB CỦA BỘ TÀI CHÍNH VÀ UỶ BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, CẤP PHÁT, SỬ DỤNG NGUỒN VỐN HỖ TRỢ DÂN TỘC THIỂU SỐ, DÂN TỘC KHƠ ME, CHĂM ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN 

Thực hiện Nghị quyết số 22/NQTW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về một số chủ trương chính sách lớn về phát triển kinh tế xã hội Miền núi, Quyết định số 72/HĐBT ngày 13/5/1990 của Bộ đồng Bộ trưởng về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế xã hội Miền núi.

Để đảm bảo việc sử dụng vốn NSNN đầu tư hỗ trợ các dân tộc thiểu số Dân tộc Chăm, Khơ me đặc biệt khó khăn đúng mục đích, có hiệu quả; Liên Bộ Tài chính - Uỷ ban Dân tộc Miền núi hướng dẫn quản lý, cấp phát sử dụng nguồn vốn hỗ trợ các Dân tộc đặc biệt khó khăn như sau:

I/ NGUYÊN TẮC CHUNG:

1/ Vốn hỗ trợ các Dân tộc thiểu số, Dân tộc Chăm, Khơ me đặc biệt khó khăn là nguồn vốn Ngân sách Nhà nước đầu tư nhằm giúp các Dân tộc thiểu số, Dân tộc Chăm, Khơ me đặc biệt khó khăn ổn định đời sống, từng bước hoà nhập với cộng đồng dân cư trong khu vực phải được đầu tư trực tiếp cho hộ gia đình; nội dung hỗ trợ bao gồm:

- Hỗ trợ đời sống

- Hỗ trợ phát triển sản xuất dưới hình thức cho vay với lãi suất thấp hoặc không lãi.

2/ Vốn hỗ trợ các Dân tộc thiểu số, Dân tộc Chăm, Khơ me đặc biệt khó khăn hàng năm được cân đối vào ngân sách địa phương do Sở Tài chính - Vật giá tỉnh cấp phát qua hệ thống kho bạc Nhà nước cấp trực tiếp cho hộ gia đình và phải được quyết toán số kinh phí đã sử dụng theo quy định hiện hành.

3/ Uỷ ban Dân tộc và Miền núi có trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn hỗ trợ các Dân tộc đặc biệt khó khăn của các địa phương, đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, đúng chế độ quy định.

II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1/ Đối tượng, nội dung chi và mức chi:

Vốn hỗ trợ các Dân tộc thiểu số, Dân tộc Chăm, Khơ me có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm giúp các Dân tộc ổn định đời sống, từng bước hoà nhập với cộng đồng dân cư trong khu vực, bao gồm các nội dung chi chủ yếu và mức chi sau đây:

- Hỗ trợ đời sống cho các hộ đặc biệt khó khăn, không có đủ lương thực để ăn, không có đủ đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt như: quần áo, chăn màn, xoong, dao, cuốc... vốn hỗ trợ mỗi hộ từ 200.000đ đến 300.000đ/1 hộ.

- Hỗ trợ phát triển sản xuất bao gồm: hỗ trợ các loại cây giống, con giống, xây dựng vườn hộ, sản xuất chế biến nhỏ...

Để các hộ phát huy tốt số vốn được hỗ trợ đem lại hiệu quả thiết thực, vốn hỗ trợ sản xuất có thể áp dụng phương thức cho vay với lãi suất thấp (0,3%/tháng) hoặc không tính lãi.

+ Mức cho vay với lãi suất 0,3%/tháng không quá 1,5 triệu đồng/hộ, thời hạn trả không quá 2 năm.

+ Mức cho vay không tính lãi không quá 1 triệu đồng/1 hộ, thời hạn trả không quá 1 năm.

Đối tượng cho vay không tính lãi là các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có tư liệu để sản xuất.

Đối tượng được vay với lãi suất thấp là các hộ có tư liệu sản xuất nhưng không có vốn để đầu tư phát triển sản xuất.

2/ Lập kế hoạch, phân bổ vốn, tổ chức cấp phát vốn:

a) Lập kế hoạch, phân bổ vốn:

Hàng năm căn cứ vào tình hình cụ thể các Dân tộc thiểu số, Dân tộc Chăm, Khơ me có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Ban Dân tộc hoặc tổ chức phụ trách công tác Dân tộc và Miền núi tỉnh lập dự toán kinh phí hỗ trợ các Dân tộc đặc biệt khó khăn gửi Sở Tài chính - Vật giá, Uỷ ban Kế hoạch tỉnh để tổng hợp trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh duyệt gửi cho Uỷ ban Dân tộc và Miền núi; Uỷ ban Dân tộc và Miền núi tổng hợp, lập dự toán kinh phí hỗ trợ các Dân tộc thiểu số Dân tộc Chăm, Khơ me có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gửi cho Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để trình Thủ tướng Chính phủ duyệt và giao chỉ tiêu kế hoạch cùng với nhiệm vụ thu chi ngân sách hàng năm cho từng địa phương.

Trên cơ sở số vốn đầu tư hỗ trợ các dân tộc đặc biệt khó khăn được giao, Ban Dân tộc hoặc tổ chức phụ trách công tác Dân tộc và Miền núi tỉnh lập dự toán phân bổ chỉ tiêu kinh phí hỗ trợ cho từng huyện theo các nội dung trên gửi Sở Tài chính - Vật giá, Uỷ ban Kế hoạch tỉnh để tổng hợp trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt giao chỉ tiêu cho từng huyện.

b) Các căn cứ quy định cho việc cấp phát vốn:

- Đối với vốn hỗ trợ đời sống:

Việc xét hỗ trợ cho các hộ Dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần tổ chức bình xét trong dân, có ý kiến đề xuất của Uỷ ban Nhân dân xã, ý kiến của cơ quan Mặt trận Tổ quốc huyện và được Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện phê duyệt.

[...]