ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số
: 708/2006/QĐ-UBND
|
Huế,
ngày 10 tháng 3 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ở CHO HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật
Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về thu tiền sử
dụng đất;
Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số: 49/TTr-TN&MT-ĐK
ngày 06/02/2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về việc cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân”.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ
ngày ký và bãi bỏ các quy định trước đây trái với Quyết định này.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở: Tài nguyên và Môi
trường, Xây dựng, Tài chính; Cục trưởng Cục thuế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố Huế; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan có
liên quan và người sử dụng đất chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Thúy Hòa
|
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở CHO HỘ GIA
ĐÌNH, CÁ NHÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 708 /2006/QĐ-UBND ngày 10/3/2006 của UBND
tỉnh Thừa Thiên Huế)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này áp dụng cho các hộ
gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử
dụng đất ở chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây gọi tắt là
GCNQSDĐ) thì phải kê khai, đăng ký lập hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ tại Uỷ ban nhân
dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) nơi có đất để được cấp
GCNQSDĐ.
3. Đất vườn, ao trong cùng thửa
đất ở để xét cấp GCNQSDĐ ở phải là thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư, trừ trường
hợp mới được giao đất, trúng đấu giá quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng
quyền sử dụng đất.
4. Trình tự thực hiện cấp
GCNQSDĐ tại Điều 9 của bản quy định này chỉ áp dụng đối với trường hợp cấp
GCNQSDĐ đồng loạt; các trường hợp khác việc cấp GCNQSDĐ thực hiện theo qui
trình của UBND thành phố Huế và UBND các huyện.
5. Trước khi nhận GCNQSDĐ người
được cấp giấy chứng nhận phải nộp đầy đủ tất cả những bản chính giấy tờ có liên
quan đến thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận cho Trung tâm Nghiệp vụ Hành
chính công thành phố Huế hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện.
Điều 2. Hồ
sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Hộ gia đình, cá nhân nộp tại
UBND xã nơi có đất một (01) bộ hồ sơ gồm có:
1. Đơn xin cấp GCNQSDĐ (mẫu quy
định);
2. Bản chính và bản sao một
trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 3 quy định
này (nếu có);
3. Văn bản uỷ quyền xin cấp
GCNQSDĐ (nếu có).
(Hồ sơ cấp GCNQSDĐ được lưu tại
Trung tâm Nghiệp vụ hành chính công thành phố Huế, Phòng Tài nguyên và Môi trường
các huyện sau khi Uỷ ban nhân dân cùng cấp ký giấy chứng nhận).
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY
CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Điều 3.
Các giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất ở
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng
đất ở ổn định được UBND cấp xã xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các
loại giấy tờ sau đây thì được xét cấp GCNQSDĐ và không phải nộp tiền sử dụng đất:
1. Những giấy tờ về quyền sử dụng
đất đai trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực
hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách
mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa
Việt Nam;
2. GCNQSDĐ tạm thời được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa
chính;
3. Giấy tờ hợp pháp về thừa kế,
tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình
nghĩa gắn liền với đất;
4. Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử
dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất trước ngày 15/10/1993, nay được UBND cấp
xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993;
5. Quyết định giao đất của UBND
thành phố Huế và UBND các huyện trước ngày 15/10/1993 để hợp thức hoá việc chuyển
nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức bán thành quả lao động, kết quả đầu tư
trên đất theo Luật Đất đai năm 1987;
6. Giấy tờ mua bán nhà ở và chuyển
nhượng quyền sử dụng đất được UBND thành phố Huế, các huyện phê duyệt, đã nộp lệ
phí trước bạ và thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
7. Hợp đồng chuyển nhượng quyền
sử dụng đất đã hoàn tất nộp lệ phí trước bạ và thuế chuyển nhượng quyền sử dụng
đất;
8. Quyết định cho phép xây dựng
nhà ở kèm hoạ đồ vị trí xây dựng của UBND thành phố Huế và UBND các huyện hoặc
của UBND tỉnh trước ngày 08/01/1988 (ngày Luật Đất đai năm 1987 có hiệu lực thi
hành);
9. Quyết định công nhận quyền sở
hữu nhà ở; đơn xin công nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc đơn xin chuyển quyền sở hữu
nhà ở đã được UBND thành phố Huế và UBND các huyện phê duyệt trước ngày
15/10/1993;
10. Giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở
theo quy định của Thông tư 47/BXD-XDCBDT ngày 05/8/1989 và Thông tư 02/BXD ngày
29/4/1992 của Bộ Xây dựng từ trước ngày 15/10/1993 hoặc từ ngày 15/10/1993 đến
trước ngày 05/7/1994 (ngày Nghị định 61/CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành)
mà trong đó giá nhà đã tính giá đất ở của nhà đó;
11. Giấy tờ phân chia đất, giấy
tờ thanh lý nhà của Thủ trưởng cơ quan cho cán bộ công nhân viên trước ngày
05/7/1994 trên cơ sở quyết định giao đất của UBND tỉnh cho cơ quan đó làm nhà ở
tập thể mà người đang sử dụng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của
pháp luật tại thời điểm được chia đất;
12. Quyết định giao đất trước
ngày 15/10/1993 của Quân khu, Quân đoàn, Sư đoàn độc lập, Quân chủng, Binh chủng,
các Tổng cục, các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc của Bộ chỉ huy quân sự
tỉnh theo uỷ quyền của Quân khu mà trong đó không ghi những ràng buộc về quyền
sử dụng đất.
13. Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc
sở hữu Nhà nước theo quy định tại Nghị định 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ
về mua bán và kinh doanh nhà ở, mà người mua đã trả hết tiền cho nhà nước;
14. Quyết định giao đất của UBND
cấp có thẩm quyền mà người được giao đất đã thực hiện nghĩa vụ tài chính theo
quy định;
15. Văn bản công nhận kết quả
trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ
tài chính với Nhà nước;
16. Giấy tờ do cơ quan có thẩm
quyền chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất ở mà người đó vẫn sử dụng đất ổn định,
liên tục từ đó đến nay, không có tranh chấp và không thuộc diện đã giao cho người
khác sử dụng đất do thực hiện các chính sách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng
hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng
hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, gồm các loại sau:
a) Bằng khoán điền thổ, chứng
thư cấp quyền sở hữu;
b) Trích lục, trích sao, bản đồ
điền thổ, bản đồ phân chiết thửa do Văn phòng Chưởng khế, Ty Điền Địa, Nha trước
bạ cấp (có ghi tên người sử dụng đất ở thời điểm cấp giấy);
c) Giấy tờ mua bán sang nhượng đất
ở được chính quyền cấp xã trở lên xác nhận;
d) Đơn xin thuê đất ở của Nhà nước
được chính quyền đương thời xác nhận;
đ) Giấy của Ty Điền địa chứng nhận
đất ở do chế độ cũ cấp;
e) Giấy tờ về đấu giá đất công,
cấp đất công của Tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên;
g) Hợp đồng thuê, mua nhà kiến
thiết, nhà cư xá (nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước của chế độ cũ) có kèm theo chứng
từ đã thanh toán xong tiền thuê, mua nhà;
h) Chứng thư đoạn mãi, cho tặng,
thừa kế nhà ở, đất ở đã đăng ký sang tên tại Văn phòng Chưởng khế, Ty Điền địa
hoặc Nha trước bạ.
Điều 4. Các
giấy tờ về quyền sử dụng đất khác được xem xét để cấp GCNQSDĐ
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử
dụng đất có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 3 của
quy định này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác kèm theo giấy tờ về chuyển
quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan nhưng đến trước ngày
01/7/2004 chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của
pháp luật nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp thì được cấp
GCNQSDĐ và không phải nộp tiền SDĐ.
2. Hộ gia đình, cá nhân được sử
dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân, quyết định thi hành
án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành và đã thực hiện nghĩa vụ tài chính
theo quy định của pháp luật.
3. Hộ gia đình, cá nhân đang sử
dụng đất ở có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp,
lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn
là các xã nghèo quy định tại Quyết định số 42/2001/QĐ-TTg ngày 26/3/2001 của Thủ
tướng Chính phủ hoặc thuộc đối tượng phải di dời do thiên tai, nay được UBND xã
nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ở ổn định, không có tranh chấp thì
được cấp GCNQSDĐ và không phải nộp tiền sử dụng đất phần diện tích trong hạn mức
theo Quyết định số 3626/2005/QĐ-UBND ngày 20/10/2005 của UBND tỉnh.
Điều 5. Cấp
GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nhưng không có giấy tờ về quyền
sử dụng đất
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử
dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 3 và khoản 1,
2 Điều 4 của quy định này được xét cấp GCNQSDĐ khi có đủ các điều kiện sau:
a) Đất không có tranh chấp;
b) Đất đã được sử dụng trước thời
điểm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc
quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn được xét duyệt;
c) Trường hợp đất được sử dụng
sau thời điểm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng
đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn được xét duyệt thì phải
phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đó.
Thời điểm sử dụng đất ở do Hội đồng
Đăng ký đất đai cấp xã (do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã làm Chủ tịch Hội
đồng, cán bộ Địa chính, cán bộ Tư pháp, Công an, Hội Nông dân và đại diện Uỷ
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã làm thành viên) xác định, Chủ tịch UBND cấp xã
xác nhận thời điểm sử dụng đất ở và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật
về việc xác nhận đó.
2. Diện tích đất ở được cấp
GCNQSDĐ như sau:
a) Trường hợp sử dụng đất trước
ngày 15/10/1993 thì diện tích đất ở được công nhận bằng 01 lần hạn mức giao đất
ở quy định tại Điều 3 của Quyết định số 3626/2005/QĐ-UBND ngày 20/10/2005 của
UBND tỉnh và không phải nộp tiền sử dụng đất;
b) Trường hợp sử dụng đất từ
ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 (ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi
hành) thì diện tích đất ở được công nhận bằng 01 lần hạn mức giao đất ở nói tại
điểm a trên đây và phải nộp 50% tiền sử dụng đất.
Diện tích còn lại sau khi đã xác
định là đất ở, thì được xác định theo hiện trạng sử dụng đất.
Điều 6. Xử
lý một số vấn đề cụ thể trong việc giải quyết hồ sơ cấp GCNQSDĐ
1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng
đất ở mà trước đây Nhà nước đã có quyết định quản lý trong quá trình thực hiện
chính sách đất đai của Nhà nước nhưng trên thực tế Nhà nước chưa quản lý thì hộ
gia đình, cá nhân đó được tiếp tục sử dụng, được cấp GCNQSDĐ và không phải nộp
tiền sử dụng đất.
2. Không cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất cho trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có tên trong sổ
đăng ký ruộng đất, sổ địa chính nhưng đã đi kinh tế mới, không trực tiếp sử dụng
đất liên tục và hiện trên đất đã có người khác sử dụng.
3. Trường hợp thửa đất hoặc một
phần thửa đất thuộc quy hoạch sử dụng đất hoặc thuộc hành lang bảo vệ an toàn
công trình mà phải thu hồi, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và công bố
nhưng chưa có quyết định thu hồi thì việc cấp GCNQSDĐ được xử lý như sau:
a) Trường hợp người sử dụng đất
có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 3 và khoản
1, 2 Điều 4 của quy định này thì được cấp GCNQSDĐ cho cả phần diện tích đất nằm
trong quy hoạch đó nhưng phải thể hiện chỉ giới quy hoạch vào bản vẽ thửa đất
trên GCNQSDĐ và ở mục IV phần ghi chú của GCNQSDĐ ghi: "Thửa đất thuộc khu
vực quy hoạch phải thu hồi đất" (đối với trường hợp toàn bộ thửa đất nằm
trong quy hoạch) hoặc " … m2 đất thuộc khu vực quy hoạch phải thu hồi đất"
(đối với trường hợp một phần thửa đất nằm trong quy hoạch);
Trường hợp thửa đất hoặc một phần
thửa đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì ghi "Thửa đất thuộc
hành lang bảo vệ an toàn công trình... (ghi tên cụ thể của công trình)"
(hoặc " … m2 đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình..." );
b) Trường hợp người sử dụng đất ở
không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 3 và khoản 1, 2 Điều 4
của quy định này mà sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp trước ngày
01/7/2004 và trước thời điểm có quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
và công bố thì thực hiện như quy định tại điểm a Khoản 3 Điều này khi cấp
GCNQSDĐ.
c) Trường hợp người sử dụng đất
không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 3 và khoản 1, 2 Điều 4
của quy định này mà sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp trước ngày
01/7/2004 nhưng sau thời điểm có quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
và công bố thì chỉ cấp GCNQSDĐ cho phần diện tích đất nằm ngoài quy hoạch, phần
diện tích đất nằm trong quy hoạch không được cấp GCNQSDĐ.
Việc thực hiện nghĩa vụ tài
chính trước khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định
hiện hành.
Điều 7. Xác
định diện tích đất ở trong thửa đất có vườn, ao để cấp GCNQSDĐ
Hộ gia đình, cá nhân có một
trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 3 và khoản 1, 2 Điều 4
của quy định này, nếu sử dụng thửa đất ở có vườn, ao thì diện tích đất ở được cấp
GCNQSDĐ và không thu tiền sử dụng đất được xác định theo Quyết định số
3626/2005/QĐ-UBND ngày 20/10/2005 của UBND tỉnh về Quy định hạn mức giao đất ở;
hạn mức công nhận đất ở đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao cho hộ gia
đình, cá nhân.
Điều 8. Giải
quyết trường hợp đã được cấp GCNQSDĐ mà trên giấy chứng nhận ghi "đất ở và
đất vườn" hoặc "đất ở + vườn" hoặc "đất thổ cư"
Hộ gia đình, cá nhân đã được cấp
GCNQSDĐ trước ngày 01/7/2004 (ngày Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực) mà trên
GCNQSDĐ đã được cấp, có diện tích đất ghi mục đích sử dụng là "đất ở và đất
vườn" hoặc "đất ở + vườn" hoặc "đất thổ cư", thời gian
sử dụng là "lâu dài", thì toàn bộ diện tích đất đã được cấp GCNQSDĐ
đó được công nhận là đất ở khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Điều 9.
Trình tự thực hiện cấp GCNQSDĐ
Bước 1. Tổ công tác của xã tiến
hành rà soát các trường hợp chưa được cấp GCNQSDĐ trên địa bàn xã; thông báo và
hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân kê khai, đăng ký, lập hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ.
Thời gian thực hiện: Theo kế hoạch
của từng xã.
Bước 2. Hộ gia đình, cá nhân nộp
hồ sơ tại UBND xã (Tổ công tác).
Bước 3. Tổ công tác của xã phối
hợp với Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường hoặc Phòng Tài nguyên và
Môi trường huyện thực hiện:
Kiểm tra ranh giới sử dụng đất,
tình trạng tranh chấp đất đai, lập biên bản xác định ranh giới thửa đất; Trích
lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất (đối với nơi chưa có bản
đồ địa chính).
Tập hợp hồ sơ chuyển Hội đồng
đăng ký đất đai xã.
Thời gian thực hiện: 15 ngày làm
việc.
Bước 4. Hội đồng đăng ký đất đai
của xã và UBND xã.
Thẩm tra nguồn gốc và xác định
thời điểm sử dụng đất, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt
(đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất).
Xét duyệt và niêm yết công khai
các trường hợp đủ điều kiện và không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận QSDĐ tại
trụ sở UBND xã. Xác nhận vào đơn xin cấp GCNQSDĐ đối với trường hợp đủ điều kiện
cấp GCNQSDĐ ở và chuyển hồ sơ về Trung tâm Nghiệp vụ hành chính công thành phố
Huế, Trung tâm Giao dịch thủ tục cải cách hành chính huyện.
Thông báo cho hộ gia đình, cá
nhân liên quan biết về những trường hợp không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ có kèm
theo lý do, đồng thời gửi thông báo về Trung tâm Nghiệp vụ hành chính công
thành phố Huế, Trung tâm Giao dịch thủ tục cải cách hành chính huyện để theo
dõi.
Thời gian thực hiện: 7 ngày làm
việc (chưa kể 15 ngày niêm yết công khai).
Bước 5. Trung tâm Nghiệp vụ hành
chính công thành phố Huế, Trung tâm Giao dịch thủ tục cải cách hành chính huyện:
tiếp tục thực hiện theo trình tự cấp GCNQSDĐ đã được UBND thành phố và UBND huyện
ban hành.
Thời gian thực hiện các bước
công việc từ khi người sử dụng đất nộp hồ sơ cho đến khi nhận được giấy chứng
nhận không quá 35 ngày làm việc (không tính thời gian 15 ngày niêm yết công
khai danh sách các trường hợp đủ điều kiện và không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ tại
trụ sở UBND cấp xã và thời gian người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài
chính). Tùy theo đặc thù, tính chất của từng địa phương có thể quy định riêng về
thời gian cho từng bước tiến hành, nhưng tổng thời gian các bước tiến hành
không được vượt quá quy định này.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10.
Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất
Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất
có trách nhiệm chủ động lập hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ; đồng thời phải cung cấp
đầy đủ và toàn bộ các giấy tờ có liên quan về thửa đất đang sử dụng, tạo điều
kiện và phối hợp với các chủ sử dụng đất lân cận xác định rõ ràng mốc giới,
ranh giới sử dụng đất và tạo điều kiện trong việc đo đạc lập bản vẽ thửa đất.
Điều 11. Trách
nhiệm của các cơ quan Nhà nước
1. Cấp xã thành lập Hội đồng
Đăng ký đất đai và Tổ công tác thực hiện việc cấp GCNQSDĐ; Thành phần Hội đồng
Đăng ký đất đai xã gồm: Chủ tịch UBND xã (hoặc phó chủ tịch UBND xã) làm Chủ tịch
Hội đồng, Cán bộ địa chính làm thư ký và các thành viên là cán bộ Tư pháp, Hội
Nông dân, Công an xã, đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã ...Tổ công
tác gồm cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp và một số lao động do UBND xã trưng tập...
trong đó cán bộ địa chính xã làm tổ trưởng;
Phổ biến Luật Đất đai và những nội
dung của quy định này đến từng hộ gia đình sử dụng đất. Bố trí địa điểm kê khai
đăng ký cấp GCNQSDĐ. Xác nhận vào đơn xin cấp GCNQSDĐ của hộ gia đình, cá nhân
trong phạm vi địa phương mình quản lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những
ý kiến xác nhận đó; lập hồ sơ trình duyệt theo quy định.
2. Uỷ ban nhân dân thành phố Huế
và UBND các huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định này.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Cục Thuế có trách nhiệm hướng dẫn
chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện quy định này.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu
có vấn đề mới phát sinh, vướng mắc thì phản ánh kịp thời về UBND tỉnh (qua Sở
Tài nguyên và Môi trường) để xem xét, giải quyết ./.