UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
3626/2005/QĐ-UBND
|
Huế,
ngày 20 tháng 10 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH HẠN MỨC GIAO ĐẤT Ở; HẠN MỨC CÔNG NHẬN ĐẤT
Ở ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP THỬA ĐẤT Ở CÓ VƯỜN, AO CHO HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật
Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của chính phủ về bồi thường,
hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về thu tiền sử
dụng đất;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo quyết định này Quy định hạn mức giao đất
ở; hạn mức công nhận đất ở đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao cho hộ gia
đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ
ngày ký và thay thế Quyết định số 2894/2000/QĐ-UB ngày 31/10/2000 và Quyết định
số 85/2002/QĐ-UB ngày 08/01/2002 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Những quy định trước đây của
UBND tỉnh trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND Tỉnh; Giám đốc các sở: Tài nguyên và
Môi trường, Xây dựng, Tài chính; Cục trưởng Cục Thuế; Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố Huế; Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và người sử dụng đất chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Thúy Hòa
|
QUY ĐỊNH
HẠN MỨC GIAO ĐẤT Ở; HẠN MỨC CÔNG NHẬN ĐẤT Ở ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP
THỬA ĐẤT Ở CÓ VƯỜN, AO CHO HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo quyết định số: 3626/2005/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm
2005 của UBND tỉnh thừa Thiên Huế)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Hạn mức đất tại Quy định này áp
dụng cho các trường hợp sau :
1. Giao đất cho hộ gia đình, cá
nhân để làm nhà ở.
2. Xác định diện tích đất ở đối
với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao.
3. Bồi thường thiệt hại về đất
khi nhà nước thu hồi để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc
gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế đối với những trường hợp phải áp dụng
hạn mức đất.
4. Thu tiền sử dụng đất khi cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những trường hợp phải áp dụng hạn mức
đất.
Điều 2.
Đối tượng áp dụng
1. Hộ gia đình, cá nhân xin giao
đất để xây dựng nhà ở.
2. Hộ gia đình, cá nhân xin cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
3. Hộ gia đình, cá nhân đang sử
dụng đất bị nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi
ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế.
4. Tổ chức được giao đất, cho
thuê đất ; hộ gia đình, cá nhân được giao đất thông qua hình thức đấu giá
quyền sử dụng đất và các trường hợp đặc biệt khác do Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định,
không thuộc phạm vi áp dụng ủa Quy định này.
Chương II
HẠN MỨC GIAO ĐẤT Ở
Điều 3.
Hạn mức để giao dất ở (giao mới) cho mỗi hộ gia
đình hoặc cá nhân làm nhà ở theo khoản 2 Điều 83 và khoản 5 Điều 84 của Luật Đất
đai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được quy định như sau :
- 20 phường của thành phố Huế :
200 m2 ;
- Các thị trấn thuộc huyện và 5
xã thuộc thành phố Huế : 300 m2,
- Các xã đồng bằng : 400
m2 ;
- Các xã trung du, miền
núi : 500 m2 .
Chương III
HẠN MỨC CÔNG NHẬN ĐẤT Ở
Điều 4.
Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn ao trong cùng thửa
đất có nhà ở thuộc khu dân cư, được hình thành trước ngày 18/12/1980 và người
đang sử dụng thửa đất đó có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy
định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì được cấp giấy chứng
nhận trên toàn bộ diện tích đang sử dụng, trong đó diện tích đất ở được xác định
như sau:
1. Trường hợp trong hồ sơ địa
chính hoặc các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều
50 của Luật Đất đai nói trên có ghi nhận rõ ranh giới thửa đất ở (hoặc thổ cư)
thì toàn bộ diện tích đất đó (kể cả đất vườn, ao) được xác định là đất ở.
2. Trường hợp ranh giới thửa đất
chưa được xác định trong hồ sơ địa chính hoặc trên các giấy tờ về quyền sử dụng
đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai nói trên thì diện
tích đất ở được xác định bằng 5 lần hạn mức giao đất ở quy định tại Điều 3 của
Quy định này.
Khi cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 50 của Luật
Đất đai 2003 thì không phải nộp tiền sử dụng đất; riêng thuộc các trường hợp
quy định tại khoản 5 Điều 50 Luật Đất đai 2003 thì phải thực hiện nghĩa vụ tài
chính theo quy định.
Điều 5.
Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn ao trong cùng thửa
đất có nhà ở thuộc khu dân cư, được hình thành từ ngày 18/12/1980 đến trước
ngày 01/7/2004 (ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành) và người đang
sử dụng thửa đất đó có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định
tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì được cấp giấy chứng nhận
trên toàn bộ diện tích đang sử dụng, trong đó diện tích đất ở được xác định như
sau:
1. Trường hợp trong giấy tờ về
quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai nói
trên có ghi rõ diện tích đất ở, đất thổ cư thì diện tích đất ở được xác định
theo diện tích ghi trên giấy tờ đó.
2. Trường hợp trong giấy tờ về
quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai nói
trên không ghi rõ diện tích đất ở, đất thổ cư thì diện tích đất ở được công nhận
theo số lượng nhân khẩu trong hộ gia đình như sau:
- Hộ gia đình từ một đến bốn
nhân khẩu: bằng một lần hạn mức đất ở quy định tại Điều 3 của Quy định này;
- Hộ có từ năm nhân khẩu trở
lên: thì ngoài một lần hạn mức đất ở nói trên, cứ mỗi nhân khẩu tăng thêm được
tính thêm 0,25 lần hạn mức đất ở quy định tại Điều 3 của Quy định này. Nhưng, tổng
diện tích đất ở được công nhận không quá năm lần hạn mức quy định tại Điều 3 của
Quy định này.
- Số lượng nhân khẩu trong hộ
gia đình nói tại khoản 2 Điều này phải là người có tên trong sổ hộ khẩu đến trước
ngày Quy định này có hiệu lực thi hành và được chính quyền cấp xã xác nhận. Trường
hợp có tên trong sổ hộ khẩu, nhưng cắt chuyển đi nơi khác (đi học, nghĩa vụ
quân sự…) có xác nhận thì được tính nhân khẩu để hưởng hạn mức đất ở; trường hợp
cắt chuyển do lập gia đình hoặc chuyển ở ổn định nơi khác thì không được tính để
công nhận hạn mức đất ở; trường hợp trong cùng thửa đất có nhiều thế hệ cùng
chung sống (đã tách hộ khẩu) thì số lượng nhân khẩu được tính trên cơ sở những
người có tên trong các sổ hộ khẩu tại thửa đất đó.
Khi cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 50 của Luật
Đất đai 2003 thì không phải nộp tiền sử dụng đất; riêng thuộc các trường hợp
quy định tại khoản 5 Điều 50 Luật Đất đai 2003 thì phải thực hiện nghĩa vụ tài
chính theo quy định.
Điều 6.
Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao trong cùng thửa
đất có nhà ở thuộc khu dân cư mà người đang sử dụng không có một trong các loại
giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất
đai; nhưng thửa đất đó đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 48 Nghị
định số 181/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai thì được
cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên toàn bộ diện tích đang sử dụng,
trong đó diện tích đất ở được xác định như sau:
1. Trường hợp thửa đất đã được sử
dụng làm nhà ở ổn định từ trước ngày 15/10/1993, thì diện tích đất ở được xác định
bằng một lần hạn mức đất ở quy định tại Điều 3 của Quy định này và không phải nộp
tiền sử dụng đất.
2. Trường hợp thửa đất đã được sử
dụng làm nhà ở từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004, thì diện tích đất ở
được xác định bằng một lần hạn mức đất ở qui định tại Điều 1 Quyết định này và
phải nộp 50% tiền sử dụng đất.
Điều 7.
Những quy định chung khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất ở đối với thửa đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân
cư:
1. Thửa đất được cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất phải có ranh giới sử dụng đất ổn định, không tranh chấp.
Nếu có tranh chấp, khiếu nại thì phải giải quyết xong việc tranh chấp, khiếu nại
đó theo quy định của pháp luật trước khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
2. Diện tích công nhận đất ở được
quy định tại các Điều 4, 5, 6 của Quy định này không vượt quá diện tích thửa đất
mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng.
3. Nếu diện tích thửa đất mà hộ
gia đình, cá nhân đang sử dụng nhỏ hơn diện tích được xác định là đất ở theo hạn
mức quy định tại các Điều 4, 5, 6 của Quy định này thì diện tích đất ở được xác
định là toàn bộ thửa đất.
4. Nếu diện tích thửa đất mà hộ
gia đình, cá nhân đang sử dụng lớn hơn diện tích được xác định là đất ở theo hạn
mức quy định tại các Điều 4, 5, 6 của Quy định này, khi cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất thì diện tích đất ở được xác định bằng hạn mức công nhận theo quy định
và diện tích còn lại được xác định ghi theo hiện trạng sử dụng đất. Khi chuyển
phần diện tích này sang đất ở thì được giải quyết theo quy định về chuyển mục
đích sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
5. Nếu phần diện
tích đất đã xây dựng nhà ở hoặc công trình phụ mà vượt diện tích được xác định
là đất ở theo hạn mức quy định tại các Điều 4, 5, 6 của Quy định này, thì phần
diện tích vượt hạn mức đó được xác định là đất ở và phải nộp 100% tiền sử dụng
đất nếu phù hợp quy hoạch khu dân cư.
6. Trường hợp sử dụng đất ở có
nguồn gốc do Nhà nước giao đất ở khi thực hiện Luật Đất đai năm 1993, Luật sửa
đổi bổ sung một số điều Luật Đất đai năm 1998, năm 2001 khi cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải hoàn tất nghĩa vụ tài chính theo
quy định.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Cục
thuế tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Huế và các sở, ngành có liên
quan theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện Quy định
này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các sở, ngành, địa phương báo
cáo kịp thời Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết/./
PHỤ LỤC
(Ban
hành kèm Quyết định số: 3626 /2005/QĐ-UBND ngày 20/10/2005 của Uỷ ban nhân dân
tỉnh Thừa Thiên Huế)
NHỮNG ĐIỀU LUẬT VIỆN DẪN TRONG BẢN QUY ĐỊNH
I. Khoản 1, 2
Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 quy định:
“1. Hộ gia đình cá nhân đang sử
dụng đất ổn định, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp
mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:
a) Những giấy tờ về quyền được sử
dụng đất đai trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong
quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt nam dân chủ cộng hoà,
Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt nam và Nhà nước Cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Giấy giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất tạm thời được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ
đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;
c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế,
tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình
nghĩa gắn liền với đất;
d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử
dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay
được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10
năm 1993;
đ) Giấy tờ về thanh lý, hoá giá
nhà ở gắn liền với đất ở theo qui định của pháp luật;
e) Giấy tờ do cơ quan có thẩm
quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử
dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy
tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có
chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi
hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật,
nay được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp
thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.”
II. Khoản 5
Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 quy định:
“5. Hộ gia đình, cá nhân được sử
dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân, quyết định thi hành
án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.”
III. Khoản 2
Điều 83 Luật Đất đai
“2. Căn cứ vào quỹ đất của địa
phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền
xét duyệt, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định hạn mức
giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn phù hợp với điều
kiện và tập quán tại địa phương.”
IV. Khoản 5
Điều 84 Luật Đất đai
“5. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương căn cứ vào quy hoạch xây dựng đô thị và quỹ đất của địa
phương quy định hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà
ở đối với trường hợp chưa đủ điều kiện để giao đất theo dự án đầu tư xây dựng
nhà ở.”
V. Khoản 2 Điều
48 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của chính phủ quy định:
“2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử
dụng đất mà toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất không có một trong các loại
giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật
Đất đai được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất
không có giấy tờ khi có đủ các điều kiện sau:
a) Đất không có tranh chấp;
b) Đất đã được sử dụng trước thời
điểm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc
quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn được xét duyệt; trường hợp đất được sử
dụng sau thời điểm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây
dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn được xét duyệt thì phải
phù hợp với quy hoạch hoặc kế hoạch đó. Thời điểm sử dụng đất do Ủy ban nhân
dân xã, phường, thị trấn nơi có đất xác nhận;
c) Trường hợp sử dụng đất từ
ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì phải nộp tiền
sử dụng đất theo quy định của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất.”