Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 696/2001/QĐ-UB ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải ở cơ sở do tỉnh Bến Tre ban hành

Số hiệu 696/2001/QĐ-UB
Ngày ban hành 15/02/2001
Ngày có hiệu lực 15/02/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Huỳnh Văn Be
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 696/2001/QĐ-UB

Bến Tre, ngày 15 tháng 02 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

“V/V BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Pháp lệnh số 09/1998/PL-UBTVQH10 ngày 25/12/1998 về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở;

- Căn cứ Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 29, ngày 07/02/2001,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế về tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban MTTQ tỉnh, các đoàn thể, Thủ trưởng các ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các cấp và Tổ hòa giải ở cơ sở tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.

Điều 3. Các ông Chánh VP.UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn và Tổ hòa giải chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
 CHỦ TỊCH




Huỳnh Văn Be

 

QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ HOÀ GIẢI Ở CƠ SỞ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 696/QĐ-UB ngày 15/02/2001 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Hoà giải ở cơ sở là việc tổ hoà giải hoặc các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở khóm, ô, ấp, tổ dân phố, cụm dân cư hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.

Điều 2. Tổ hoà giải ở cơ sở là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở ô, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác như chợ cố định, tụ điểm du lịch, vui chơi giải trí…(nơi diễn ra hoạt động chung của cộng đồng có tính chất ổn định thường xuyên) để thực hiện hoặc tổ chức thực hiện việc hoà giải.

            Tổ hoà giải có tổ trưởng và các tổ viên. Mỗi tổ hoà giải có từ 3 tổ viên trở lên, số lượng tổ hoà giải ở mỗi xã, phường, thị trấn do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn quyết định.

Điều 3. Tổ hoà giải chịu sự quản lý Nhà nước của UBND xã, phường, thị trấn về quyết định công nhận hay miễn nhiệm tổ viên tổ hoà giải, về điều kiện hoạt động, bồi dưỡng nghiệp vụ; sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng.

Ban Tư pháp có trách nhiệm bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải, cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho tổ hòa giải. Tham mưu cho UBND cấp xã trong việc quản lý hoạt động của tổ hoà giải.

Điều 4. Việc hoà giải được tiến hành theo các nguyên tắc:

1- Phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân;

2- Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp phải tiến hành hòa giải;

3- Khách quan, công minh, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên tranh chấp; tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

[...]