Bộ luật tố tụng hình sự 1988

Số hiệu 7-LCT/HĐNN8
Ngày ban hành 28/06/1988
Ngày có hiệu lực 09/07/1988
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Võ Chí Công
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 7-LCT/HĐNN8

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 1988

 

BỘ LUẬT

TỐ TỤNG HÌNH SỰ CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

LỜI NÓI ĐẦU

Bộ luật tố tụng hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

Thấu suốt tư tưởng "lấy dân làm gốc", Bộ luật đáp ứng yêu cầu bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý kiên quyết và triệt để mọi hành vi phạm tội.

Kế thừa và phát triển pháp luật tố tụng hình sự của Nhà nước ta từ Cách mạng tháng Tám đến nay, với tinh thần đổi mới trên mọi mặt của đời sống xã hội, Bộ luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng, đề cao vai trò của các tổ chức xã hội và công dân trong việc tham gia tố tụng, kết hợp sức mạnh của pháp chế xã hội chủ nghĩa với sức mạnh của quần chúng nhân dân trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

Việc thi hành nghiêm chỉnh Bộ luật tố tụng hình sự là nhiệm vụ chung của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và của toàn thể nhân dân.

Phần thứ nhất:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Chương 1:

NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

Điều 1. Nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự.

Bộ luật tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng và của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân, nhằm phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Bộ luật góp phần bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giáo dục công dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và tôn trọng quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa.

Điều 2. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự.

Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.

Điều 3. Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân.

Khi tiến hành tố tụng, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời huỷ bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó, nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa.

Điều 4. Bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật.

Tố tụng hình sự tiến hành theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam nữ, dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật.

Điều 5. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân.

Không ai có thể bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát. Việc bắt và giam giữ người phải theo đúng quy định của Bộ luật này.

Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.

Điều 6. Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự và nhân phẩm.

Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự và nhân phẩm của công dân đều bị xử lý theo pháp luật.

Điều 7. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.

Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.

[...]