Quyết định 687/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Sơn La theo hướng đồng bộ giai đoạn 2026-2030

Số hiệu 687/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/04/2024
Ngày có hiệu lực 13/04/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 687/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 13 tháng 4 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG TỈNH SƠN LA THEO HƯỚNG ĐỒNG BỘ GIAI ĐOẠN 2026-2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Công văn số 4948-CV/TU ngày 29/3/2024 của Tỉnh ủy Sơn La về việc cho ý kiến đối với Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Sơn La theo hướng đồng bộ, giai đoạn 2026-2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1044/TTr-SGTVT ngày 04 tháng 4 năm 2024,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Sơn La theo hướng đồng bộ giai đoạn 2026-2030 (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chính như sau:

1. Quan điểm

- Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cần ưu tiên “đi trước một bước” nhằm mục tiêu kết nối, mở rộng không gian, hành lang phát triển, tạo động lực thu hút đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh theo hướng nhanh, xanh và bền vững.

- Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông không phải là nhiệm vụ riêng của Ngành GTVT, Chủ đầu tư mà cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt, đồng lòng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và toàn thể Nhân dân trong tỉnh, nhất là sự chủ động của các địa phương nơi được hưởng lợi trực tiếp từ các dự án hạ tầng giao thông.

- Tiếp tục ưu tiên nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên xóa bỏ các điểm nghẽn, nâng cao năng lực khai thác, khả năng kết nối và bảo đảm an toàn giao thông. Việc bố trí vốn và triển khai đầu tư cần bảo đảm tính tập trung, mục tiêu rõ ràng, khẩn trương, quyết liệt, hoàn thành dứt điểm các dự án để đưa vào khai thác theo phương châm “làm đúng - làm nhanh - làm tốt”; tránh đầu tư manh mún, dàn trải, kéo dài, làm giảm hiệu quả nguồn vốn.

- Việc đầu tư các dự án giao thông cần tính toán phân kỳ theo hướng các yếu tố hình học đạt cấp quy hoạch, bề rộng mặt đường phân kỳ đầu tư theo nhu cầu hiện trạng, ưu tiên sử dụng kết cấu mặt đường bê tông nhựa đối với các trục đường chính yếu để bảo đảm êm thuận và nâng cao tốc độ thông hành của các tuyến đường.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Sơn La theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, trong đó ưu tiên xóa bỏ các điểm nghẽn, tăng cường khả năng kết nối liên tỉnh, liên huyện, các khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch, cửa khẩu, kết hợp với từng bước nâng cấp, mở rộng nâng cao năng lực khai thác hệ thống hạ tầng giao thông; xây dựng một số công trình đầu mối giao thông; cứng hóa đường đến trung tâm bản; nâng cao chất lượng công tác bảo trì đường bộ… góp phần rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển, giảm chi phí vận tải, bảo đảm an toàn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Về đường bộ

- Cao tốc: Hoàn thành đưa vào khai thác tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua tỉnh Sơn La dài 32,3km và khởi công xây dựng đoạn cao tốc Mộc Châu - TP. Sơn La dài khoảng 105km theo quy mô phân kỳ 02 làn xe.

- Quốc lộ: Xây dựng cầu Vạn Yên; cải tạo, nâng cấp khoảng 95km quốc lộ đạt tiêu chuẩn cấp IV-IIImn; sửa chữa, thảm BTN, mở rộng mặt đường đến mép rãnh khoảng 213km quốc lộ; xử lý 100% điểm đen và từng bước xử lý các điểm tiềm ẩn TNGT; kiểm định 17 cầu yếu, hạn chế tải trọng khai thác.

- Đường tỉnh: Nâng cấp thêm 15% chiều dài đường tỉnh đạt quy mô cấp III-IVmn (02 làn xe), trong đó ưu tiên các tuyến phục vụ du lịch, kết nối liên tỉnh, liên vùng, liên huyện, khu công nghiệp…; sửa chữa, thảm BTN khoảng 50km đường tỉnh; xử lý 100% điểm đen và từng bước xử lý các điểm tiềm ẩn TNGT; kiểm định 36 cầu yếu để quản lý bảo trì.

- Đường huyện: Xóa bỏ các điểm nghẽn liên huyện (Mộc Châu - Yên Châu, Mai Sơn - Thuận Châu; Sông Mã - Sốp Cộp; Bắc Yên - Phù Yên; Mộc Châu - Bắc Yên; Yên Châu - Phù Yên); mở mới một số tuyến đường kết nối liên xã; tiếp tục nâng cấp, cứng hóa các tuyến đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp Vmn, ưu tiên các đoạn tuyến kết nối các khu đông dân cư, điểm du lịch cộng đồng.

- Đường đô thị: Đầu tư xây dựng khoảng 30km đường trục chính đô thị để kết nối và mở rộng không gian, động lực phát triển các đô thị, trong đó tiếp tục ưu tiên trục đô thị TP. Sơn La - Mai Sơn.

- Đường GTNT: Phát động phong trào xây dựng đường GTNT trên địa bàn tỉnh gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030, trong đó ưu tiên cứng hóa 60-70% hệ thống đường xã và 90% đường đến trung tâm bản; đầu tư xây dựng 10% cầu dân treo sinh.

- Kết cấu hạ tầng hỗ trợ dịch vụ vận tải đường bộ: Kêu gọi đầu tư hệ thống bến xe khách, nhà chờ xe buýt, bãi đỗ xe tĩnh nơi có nhu cầu lớn như: Thành phố Sơn La, Mộc Châu, Bắc Yên, Phù Yên, Vân Hồ, Thuận Châu…

[...]