Quyết định 668-TTg năm 1997 về phương hướng, biện pháp giảm nhẹ thiên tai và những chương trình chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh ven biển miền Trung do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 668-TTg
Ngày ban hành 22/08/1997
Ngày có hiệu lực 06/09/1997
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 668-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

 VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, BIỆN PHÁP GIẢM NHẸ THIÊN TAI VÀ NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC TỈNH VEN BIỂN MIỀN TRUNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thuỷ sản, Công nghiệp, Giao thông vận tải, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và các kiến nghị trong Hội nghị "Phòng chống lụt bão, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh ven biển miền Trung" tổ chức tại thành phố Huế từ ngày 20-22 tháng 6 năm 1997,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hoá đến Bình Thuận cần đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế so sánh và những khó khăn của mình, từ đó có giải pháp khắc phục, phòng tránh và thích nghi với thiên tai, tận dụng thời cơ, tổ chức chỉ đạo thực hiện để khai thác cho được tiềm năng, lợi thế tự nhiên và con người nhằm từng bước ổn định và phát triển cùng với các vùng trong cả nước, đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Lợi thế nổi bật của các tỉnh ven biển miền Trung trong thời kỳ công nghiệp hoá là có địa hình và hệ sinh thái đa dạng; điều kiện địa chất, thổ nhưỡng phù hợp cho việc phát triển nhiều ngành công nghiệp; là điểm giao lưu giữa các vùng kinh tế trong nước; là đầu mối giao thông với các nước trong khu vực; có hệ thống cảng biển, đường bộ, đường sắt, sân bay đã và đang tiếp tục được xây dựng; có nguồn lao động đồi dào.

Bên cạnh những lợi thế đó, nhìn chung các tỉnh ven biển miền Trung có điểm xuất phát thấp so với một số vùng khác trong cả nước. Điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, lụt, bão, hạn hán... xẩy ra thường xuyên, diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, tới phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh ven biển miền Trung từ nay đến năm 2000 là đạt cho được nhịp độ tăng trưởng kinh tế (GDP) hàng năm từ 10-12%; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đa dạng hoá các sản phẩm, bảo đảm môi trường sinh thái bền vững, xử lý tốt các vấn đề xã hội trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực tại chỗ, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lực ngoài vùng và nước ngoài.

Điều 2. Phương hướng phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai là "Chủ động phòng tránh, giảm nhẹ và thích nghi", bảo đảm an toàn cho đời sống của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của nhân dân; nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, từng bước thích nghi với tiên tai để phát triển kinh tế.

Trên cơ sở tổng kết công tác phòng chống lụt bão ở các tỉnh miền Trung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cần hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ với các tỉnh để:

- Có các qui định, hướng dẫn cụ thể về các giải pháp trong những tình huống khác nhau nhằm ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Tiếp tục hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng hiện có và xây dựng các công trình mới sao cho các công trình này tạo thành hệ thống góp phần ngăn chặn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, đồng thời không bị thiên tai lặp đi lặp lại tàn phá gây lãng phí.

- Bố trí cơ cấu cây trồng, chuyển đổi mùa vụ sản xuất để né tránh, thích nghi với bão lũ, lụt lội.

Điều 3. Một số chương trình phát triển kinh tế chủ yếu, giảm nhẹ và hạn chế dần do thiên tai gây ra.

1. Chương trình trồng rừng và bảo vệ rừng:

Rừng ở các tỉnh ven biển miền Trung nhất là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển có vai trò quyết định ngăn chặn và hạn chế tác hại của lụt bão, giữ nước, chống sói mòn sa mạc hoá đất đai, bảo vệ đê biển, giảm nhẹ thiên tai và cân bằng môi trường sinh thái ổn định để phát triển.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2000 phải đạt cho được độ che phủ của rừng và các cây công nghiệp là trên 40% bằng cách phát triển 650.000 ha rừng mới gồm: khoanh nuôi phục hồi 200.000 ha rừng hiện có, trồng mới trên đất trống đồi núi trọc 450.000 ha rừng và các cây công nghiệp lâu năm có độ che phủ tốt. Đến năm 2010 độ che phủ của rừng và cây công nghiệp lâu năm đạt 60-65%, nhằm nâng cao năng lực phòng hộ, cân bằng môi trường sinh thái, góp phần hạn chế thiên tai.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh phải tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và thường xuyên kiểm điểm việc thực hiện Chỉ thị số 286/TTg ngày 02 tháng 5 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm cùng các Bộ ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh sớm hoàn thành việc giao đất, giao rừng ổn định lâu dài cho tổ chức cá nhân và hộ gia đình theo Nghị định số 02/CP ngày 05 tháng 01 năm 1994 của Chính phủ và theo đúng tinh thần Chỉ thị 286/TTg ngày 02 tháng 5 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ. Từng tỉnh phải nắm chắc quỹ đất các loại và tình hình sử dụng đất trên địa bàn để có quy hoạch, kế hoạch sử dụng và điều chỉnh hợp lý. Nhất thiết phải đảm bảo các hộ nông dân có đủ đất để trồng cây ngắn ngày đáp ứng nhu cầu lương thực, có đất để trồng cây ăn quả, làm kinh tế vườn, chăn nuôi gia súc. Đây chính là điều kiện tiên quyết, là giải pháp cơ bản để đồng bào định cư, định canh, không phá rừng để trồng cây lương thực mà tham gia bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng mới rừng trên diện tích đất và rừng được giao.

2. Chương trình chuyển đổi cơ cấu và chuyển đổi mùa vụ sản xuất nông nghiệp.

Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phải theo hướng sản xuất hàng hoá có giá trị phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, phát huy cho được tiềm năng, lợi thế về đất đai, hệ sinh thái, tập quán, kinh nghiệm sản xuất của từng địa phương để phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Cần tập trung giải quyết thuỷ lợi để tăng quỹ đất canh tác, chọn các giống có năng suất, chất lương; bố trí mua vụ hợp lý, phấn đấu đến năm 2000 đạt sản lượng lương thực 4,2 - 4,5 triệu tấn, cùng các vùng sản xuất lúa trọng điểm trong cả nước bảo đảm an toàn lương thực quốc gia, tăng kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh cây lúa, cần có quy hoạch, kế hoạch và chính sách giải pháp cụ thể huy động cho được mọi nguồn nhân lực để phát triển cây công nghiệp có giá trị, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng;

- Cần gắn nhà máy chế biến đường với phát triển vùng nguyên liệu, nhân nhanh các giống mía mới có năng suất và hàm lượng đường cao, đảm bảo đến năm 2000 toàn vùng định hình trồng khoảng 100.000 ha mía và có đủ các cơ sở chế biến đường góp phần đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Có quy hoạch, kế hoạch phát triển các cây cao su, cà phê, bông, tiêu, ca cao... ở những nơi có điều kiện; cây nho, thanh long ở Bình Thuận, Ninh Thuận, gắn liền với việc xây dựng các cơ sở chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả, đảm bảo cho nông dân yên tâm sản xuất lâu dài.

- Khai thác triệt để tiềm năng và thế mạnh của vùng để phát triển chăn nuôi đàn gia súc, đặc biệt là bò, cứu, dê. Giải quyết tốt về giống và phòng, chống các dịch bệnh gia súc, đặc biệt là bệnh lở mồm, long móng. Sớm có quy hoạch đất đồng cỏ cho hộ gia đình hoặc cho nông dân thuê để chăn nuôi bò theo quy mô trang trại.

Các tỉnh ven biển miền Trung có lợi thế, tiềm năng lớn về đất đai, nước biển, thời tiết và lao động để sản xuất muối đáp ứng đủ nhu cầu dân sinh, nhu cầu công nghiệp, tiến tới xuất khẩu. Tổng cục Địa chính cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh cần đánh giá và quy hoạch vùng có điều kiện đất đai để chuyển sang sản xuất muối công nghiệp có hiệu quả nhất. Riêng hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, trong năm 1997 phải hoàn thành các thủ tục khảo sát, xây dựng và phê duyệt dự án khả thi các đồng muối Phương Cựu, Quán Thẻ; mở rộng đồng muối Cà Ná để khởi công xây dựng trong năm 1998. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bảo đảm vốn cho các dự án phát triển muối công nghiệp này.

[...]