Quyết định 66/2009/QĐ-UBND duyệt Quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến khu vực thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 66/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/09/2009
Ngày có hiệu lực 24/09/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thành Tài
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 66/2009/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 9 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI ĐƯỜNG THỦY VÀ CẢNG, BẾN KHU VỰC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 16/2000/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải Đường sông Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 27/2005/QĐ-BGTVT ngày 17 tháng 5 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về quản lý đường thủy nội địa;
Căn cứ Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 01 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chế quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa;
Căn cứ Quyết định số 68/2005/QĐ-BGTVT ngày 09 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc công bố đường thủy nội địa quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 49/2007/QĐ-BGTVT ngày 12 tháng 9 năm 2007 của Bộ Giao thông vận tải về việc công bố vùng nước cảng biển thuộc địa phận thành phố Hồ Chí Minh và khu vực quản lý của Cảng vụ hàng hải thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Tờ trình số 32/SGTVT-GTT ngày 02 tháng 6 năm 2009 và Công văn số 247/SGTVT-GTT ngày 10 tháng 8 năm 2009 của Sở Giao thông vận tải; ý kiến của Sở Tư pháp (Công văn số 2191/STP-VB ngày 30 tháng 7 năm 2009),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Duyệt Quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến khu vực thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến năm 2020 với những nội dung chính sau:

1. Phạm vi quy hoạch:

- Phạm vi phục vụ trực tiếp: Khu vực thành phố Hồ Chí Minh.

- Phạm vi phục vụ gián tiếp: Các tỉnh phụ cận, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

2. Mục tiêu quy hoạch:

- Làm cơ sở để đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống mạng lưới đường thủy và cảng - bến khu vực thành phố Hồ Chí Minh một cách hợp lý và đồng bộ, có quy mô phù hợp với từng khu vực, hình thành những trung tâm kết nối giữa vận tải thủy nội địa với các phương thức vận tải khác.

- Tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch ngành và quy hoạch xây dựng các công trình trong phạm vi có liên quan đến bờ và lòng sông, kênh, rạch thành phố Hồ Chí Minh.

- Làm cơ sở khuyến khích đầu tư và phát triển các công trình liên quan trực tiếp đến hệ thống sông, kênh, rạch, phát triển năng lực giao thông vận tải đường thủy, hỗ trợ hữu hiệu cho vận tải đường bộ và phục vụ vận tải đường biển.

- Góp phần phát triển kinh tế xã hội và cải tạo cảnh quan môi trường đô thị của thành phố.

3. Quan điểm và nội dung quy hoạch:

3.1. Quan điểm quy hoạch:

- Quy hoạch mạng lưới giao thông thủy thành phố được quy hoạch theo quan điểm duy trì và cải tạo các luồng tuyến giao thông thủy hiện có, đồng thời tìm kiếm những luồng tuyến mới có khả năng khai thác vận tải thủy.

- Quy hoạch xây dựng các cảng hàng hóa đường sông: theo quan điểm tiếp cận thuận lợi với hệ thống cảng biển thành phố Hồ Chí Minh, đối lưu hàng hóa giữa thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh phụ cận, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hỗ trợ hữu hiệu cho vận tải đường bộ và vận tải đường biển.

- Phát triển cảng hành khách và cảng du lịch đường sông.

3.2. Quy hoạch mạng lưới các tuyến đường thủy:

- Các tuyến đường thủy nội địa (gọi tắt là ĐTNĐ) địa phương khu vực thành phố Hồ Chí Minh sau quy hoạch, bao gồm: 87 tuyến với tổng chiều dài là 574,1 km; được phân cấp như sau:

Tuyến ĐTNĐ địa phương cấp I : 03 tuyến - L= 23 km.

Tuyến ĐTNĐ địa phương cấp II : 01 tuyến - L= 1,2 km.

Tuyến ĐTNĐ địa phương cấp III : 02 tuyến - L= 24,2 km.

Tuyến ĐTNĐ địa phương cấp IV : 21 tuyến - L= 137,2 km.

Tuyến ĐTNĐ địa phương cấp V : 20 tuyến - L= 181,6 km.

Tuyến ĐTNĐ địa phương cấp VI : 41 tuyến - L= 206,9 km.

(Chi tiết danh mục các tuyến đường thủy nội địa địa phương khu vực thành phố Hồ Chí Minh được nêu tại phụ lục 1).

[...]