Quyết định 65/2006/QĐ-UBND về quy chế hòa giải viên ở cơ sở do tỉnh Bình Định ban hành

Số hiệu 65/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/07/2006
Ngày có hiệu lực 15/07/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Vũ Hoàng Hà
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 65/2006/QĐ-UBND

Quy Nhơn, ngày 05 tháng 7 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HÒA GIẢI VIÊN Ở CƠ SỞ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày 25/12/1998; Căn cứ Nghị định 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hòa giải viên ở cơ sở.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các hòa giải viên ở cơ sở chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Vũ Hoàng Hà

 

QUY CHẾ

HÒA GIẢI VIÊN Ở CƠ SỞ
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 65/2006/QĐ-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2006 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và áp dụng

Quy chế này được áp dụng đối với hòa giải viên ở cơ sở thuộc tỉnh Bình Định nhằm cụ thể hóa các quy định của Pháp lệnh hòa giải ở cơ sở và Nghị định 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ. Các quy định trong Quy chế này không áp dụng đối với hoạt động hòa giải trong tố tụng của Tòa án nhân dân và của trọng tài kinh tế.

Điều 2. Hòa giải viên ở cơ sở

1. Hòa giải viên ở cơ sở là người được nhân dân tín nhiệm bầu ra và được Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn quyết định công nhận.

2. Thuật ngữ “cơ sở” theo quy chế này là: thôn, xóm, làng, khối phố, khu vực, tổ dân phố và các cụm dân cư khác như các chợ cố định, tụ điểm du lịch, vui chơi giải trí.

3. Hòa giải viên ở cơ sở có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, đồng thời hướng dẫn giúp đỡ thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ, nhằm giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Điều 3. Yêu cầu hòa giải ở cơ sở của hòa giải viên

Việc hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

1. Phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân;

2. Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp phải tiến hành hòa giải;

3. Khách quan, công minh, có lý, có tình, giữ bí mật thông tin đời tư của các bên tranh chấp; tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

[...]