Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 64/2001/QĐ-TTg về Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 64/2001/QĐ-TTg
Ngày ban hành 26/04/2001
Ngày có hiệu lực 11/05/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Mạnh Cầm
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 64/2001/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 64/2001/QĐ-TTG NGÀY 26 THÁNG 4 NĂM 2001 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài (gọi tắt là PCP).

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 28/1999/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quyết định này.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Thủ trưởng cơ quan Trung ương của các đoàn thể và các tổ chức nhân dân chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Mạnh Cầm

(Đã ký)

 

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ)

Điều 1. Quy chế này điều chỉnh mọi hoạt động thu hút, quản lý sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài (sau đây gọi tắt là viện trợ PCP).

Viện trợ PCP đề cập trong Quy chế này được hiểu là viện trợ không hoàn lại và trợ giúp không vì mục đích lợi nhuận của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức khác và cá nhân người nước ngoài, kể cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là Bên tài trợ) hỗ trợ cho các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức nhân dân (bao gồm các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và một số tổ chức khác) của Việt Nam (sau đây gọi tắt là Bên Việt Nam) thực hiện các mục tiêu nhân đạo và phát triển dành cho Việt Nam.

Viện trợ PCP bao gồm các hình thức chủ yếu sau đây:

- Viện trợ thông qua các chương trình, dự án.

- Viện trợ phi dự án (bao gồm cả khoản cứu trợ khẩn cấp).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Chương trình" là một tập hợp các dự án liên quan đến nhau, liên quan đến nhiều ngành kinh tế kỹ thuật, nhiều vùng lãnh thổ, nhiều chủ thể khác nhau, cần được thực hiện thông qua phương pháp tiếp cận liên ngành, thời hạn thực hiện tương đối dài và phương tiện để thực hiện cần được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, theo nhiều phương thức khác nhau.

2. "Dự án" là một tập hợp các hoạt động có liên quan đến nhau nhằm đạt một hoặc một số mục tiêu cụ thể được thực hiện trong một thời hạn nhất định, dựa trên những nguồn lực xác định.

3. "Thoả thuận về viện trợ PCP" là văn bản ghi nhận ý định ban đầu (không ràng buộc về pháp lý) về các khoản viện trợ PCP giữa đại diện của Bên Việt Nam và Bên tài trợ.

4. "Văn kiện chương trình, dự án viện trợ PCP" là tài liệu chính thức thể hiện cam kết giữa đại diện của Bên Việt Nam và đại diện của Bên tài trợ về một chương trình hoặc một dự án cụ thể, trong đó xác định rõ: mục tiêu, các hoạt động, các kết quả cần đạt được, nguồn lực được sử dụng, thời hạn và kế hoạch thực hiện, nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của các bên có liên quan.

5. "Viện trợ phi dự án" là các khoản viện trợ không thuộc chương trình,dự án, cung cấp viện trợ dưới dạng hiện vật (hàng hoá, vật tư, thiết bị), tiền mặt hoặc chuyên gia (kể cả chuyên gia tình nguyện) cho các mục đích nhân đạo, từ thiện (sau đây gọi chung là nhân đạo).

6. "Cứu trợ khẩn cấp": là khoản viện trợ thuộc viện trợ phi dự án được thực hiện khẩn trương ngay sau khi xảy ra các trường hợp khẩn cấp (thiên tai, hoặc các tai họa khác) và kéo dài tối đa là 2 tháng sau khi các trường hợp khẩn cấp chấm dứt. Sau thời hạn trên, nếu khoản cứu trợ này vẫn được tiếp tục thì được coi là viện trợ khắc phục hậu quả sau khẩn cấp.

Điều 3. Viện trợ PCP được sử dụng để thực hiện các mục tiêu nhân đạo và hỗ trợ thực hiện các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong từng thời kỳ.

Điều 4. Công tác vận động viện trợ PCP được tiến hành thường xuyên, theo định hướng và có tổ chức:

1. Việc vận động viện trợ PCP cho các chương trình, dự án được thực hiện trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cụ thể, chương trình đầu tư công cộng, quy hoạch và kế hoạch thu hút và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ bên ngoài của nhà nước hoặc từng ngành, địa phương trong từng thời kỳ; năng lực tiếp nhận (kể cả nguồn vốn đối ứng)...

[...]