Quyết định 6286/QĐ-BCT năm 2011 ban hành Kế hoạch triển khai tiêu chí 4 (điện nông thôn) và tiêu chí 7 (chợ nông thôn) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 6286/QĐ-BCT
Ngày ban hành 30/11/2011
Ngày có hiệu lực 30/11/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Hoàng Quốc Vượng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6286/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TIÊU CHÍ SỐ 4 (ĐIỆN NÔNG THÔN) VÀ TIÊU CHÍ SỐ 7 (CHỢ NÔNG THÔN) THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Nghị định số 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 189/2007/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện tiêu chí số 4 (điện nông thôn) và tiêu chí số 7 (chợ nông thôn) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Công Thương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- BCĐTƯ Chương trình MTQGNTM (để b/c);
- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (để b/c);
- Ban Chỉ đạo CT MTQGNTM tỉnh, thành phố;
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam (để thực hiện);
- Các Cục, Vụ TCNL;
- Lưu. VT, CNĐP (3).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Quốc Vượng

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TIÊU CHÍ SỐ 4 (ĐIỆN NÔNG THÔN) VÀ TIÊU CHÍ SỐ 7 (CHỢ NÔNG THÔN) THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6286/QĐ-BCT ngày 30 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Thực hiện Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình), Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành kế hoạch thực hiện tiêu chí số 4 (điện nông thôn) và tiêu chí số 7 (chợ nông thôn) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 như sau:

Phần 1.

ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG ĐIỆN NÔNG THÔN VÀ CHỢ NÔNG THÔN

I. THỰC TRẠNG VỀ ĐIỆN NÔNG THÔN (tiêu chí số 4)

Đến  ngày 30/9/2011, trên địa bàn cả nước có tổng số 9.063 xã (giảm 21 xã so với số liệu của Tổng cục thống kê tháng 31/12/2010 là 9.084 xã, do thay đổi số đơn vị hành chính của các tỉnh Bình Dương, Quảng Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu). Cả nước, hiện có 3.545 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 39,12%; có 5.959 xã, chiếm 65,75% đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; có 5.398 xã, chiếm tỷ lệ 59,56% đạt chỉ tiêu về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện.

Phân theo khu vực: (1) Khu vực Trung du miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh, có tổng số 2.274 xã; trong đó: có 668 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 29,38%; đây là một trong hai vùng có tỷ lệ đạt tiêu chí thấp nhất toàn quốc; nguyên nhân chủ yếu do vùng có diện tích rộng, đồi núi hiểm trở, địa bàn khó khăn, dân cư thưa thớt, suất đầu tư lớn, hiệu quả kinh doanh thấp (như tỉnh Điện Biên chỉ có 12/98 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 12,24% tổng số xã của tỉnh). Trong khu vực có 1.270 xã, chiếm 55.85% đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; có 1.615 xã, chiếm tỷ lệ 71,02% đạt chỉ tiêu về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. (2) Khu vực Đồng bằng Sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố, có tổng số 1.942 xã, trong đó có 896 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 46,14%. Trong khu vực có 1.508 xã, chiếm 77,65% đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; có 1.031 xã, chiếm tỷ lệ 53,09% đạt chỉ tiêu về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. (3) Khu vực Bắc Trung Bộ gồm 06 tỉnh, có tổng số 1.625 xã, trong đó có 477 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 29,35%; đây là khu vực đạt tiêu chí số 4 thấp nhất cả nước, vẫn còn một số xã chưa có điện như Nghệ An (có 03 xã); có 1.284 xã, chiếm 79,02% đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; có 596 xã, chiếm tỷ lệ 36,68% đạt chỉ tiêu về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. (4) Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ gồm 08 tỉnh, thành phố, có tổng số 849 xã, trong đó có 424 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 49,94%. Trong khu vực có 650 xã, chiếm 76,59% đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; có 474 xã, chiếm tỷ lệ 55,83% đạt chỉ tiêu về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. (5) Khu vực Tây Nguyên gồm 05 tỉnh, có tổng số 598 xã, trong đó có 398 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 66,56%; có 361 xã, chiếm 60,37% đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; có 523 xã, chiếm tỷ lệ 87,46% đạt chỉ tiêu về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. (6) Khu vực Đông Nam Bộ gồm 06 tỉnh, thành phố, có tổng số 471 xã, trong đó có 208 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 44,16%; có 208 xã, chiếm 44,16% đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; có 266 xã, chiếm tỷ lệ 56,48% đạt chỉ tiêu về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. (7) Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố, có tổng số 1.304 xã, trong đó có 474 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 36,35%; có 678 xã, chiếm 51,99% đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; có 983 xã, chiếm tỷ lệ 68,48% đạt chỉ tiêu về hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện.

Phần lớn hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn cả nước được xây dựng từ khá lâu, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau và được quản lý kinh doanh theo quy định của Luật Điện lực năm 2004. Mặc dù hiện nay, các hộ sử dụng điện vẫn được đảm bảo thường xuyên, nhưng hệ thống điện chưa đảm bảo kỹ thuật, tổn thất lớn, chất lượng điện áp kém, làm giảm chất lượng sử dụng điện của nhân dân. Nhất là các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc, và Bắc Trung bộ tỷ lệ số hộ có điện còn thấp, số thôn bản, số hộ chưa có điện chủ yếu là các thôn bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có điều kiện địa hình giao thông vô cùng khó khăn, nằm xa lưới điện, dân cư phân tán nên việc cung cấp điện cho khu vực này đạt được tiêu chí số 4 là rất tốn kém và cực kỳ khó khăn với chi phí rất cao và suất đầu tư lớn. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù, điện là “mặt hàng” thiết yếu liên quan trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất của đại bộ phận nhân dân, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên hệ thống kỹ thuật điện nói chung, điện nông thôn nói riêng luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp và cải tạo để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân (Số liệu chi tiết tại Biểu số 01).

II. THỰC TRẠNG VỀ CHỢ NÔNG THÔN (tiêu chí số 7)

Theo báo cáo của Sở Công Thương 63 tỉnh, thành phố, đến ngày 30/10/2011, hiện trên địa bàn cả nước có 6.572 xã có chợ, chiếm 72,51% số xã, trong đó có 1.343 xã có chợ đạt tiêu chí số 7, chiếm 14,82%, còn 2.491 xã chưa có chợ, chiếm 27,49%.

Chi tiết theo từng vùng như sau: Khu vực Trung du miền núi phía Bắc có 1.189 xã có chợ, chiếm 52,29% số xã, trong đó có 296 xã có chợ đạt tiêu chí số 7, chiếm 13,02%, còn 1.085 xã chưa có chợ, chiếm 47,71%; Khu vực Đồng bằng Sông Hồng có 1.454 xã có chợ, chiếm 74,87%, trong đó có 232 xã có chợ đạt tiêu chí số 7, chiếm 11,93%, còn 488 xã chưa có chợ chiếm 25,13%; Khu vực Bắc Trung bộ có 1.220 xã có chợ, chiếm 75,08%, trong đó có 297 xã có chợ đạt tiêu chí số 7, chiếm 18,28%, còn 405 xã chưa có chợ, chiếm 24,92%; Khu vực Duyên hải Nam Trung bộ có 789 xã có chợ, chiếm 92,93%, trong đó có 62 xã có chợ đạt tiêu chí số 7, chiếm 7,30%, còn 60 xã chưa có chợ, chiếm 7,07%; Khu vực Tây Nguyên có 249 xã có chợ, chiếm 41,64%, trong đó có 113 xã có chợ đạt tiêu chí số 7, chiếm 18,90%, còn 349 xã chưa có chợ, chiếm 58,36%; Khu vực Đông nam Bộ có 443 xã có chợ, chiếm 94,06%, trong đó có 115 xã có chợ đạt tiêu chí số 7, chiếm 24,42%, còn 28 xã chưa có chợ, chiếm 5,94%; Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 1.228 xã có chợ, chiếm 94,17%, trong đó có 228 xã có chợ đạt tiêu chí số 7, chiếm 17,48%, còn 76 xã chưa có chợ chiếm 5,83%.

Theo đánh giá của các địa phương, đa số các chợ khu vực nông thôn là những chợ tạm, công tác quản lý, phát triển chợ nông thôn theo các quy định tại Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 và Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 gặp rất nhiều khó khăn do phong tục, tập quán của người dân khu vực nông thôn, do nhận thức, hiểu biết, điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn lực còn nhiều hạn chế … (Số liệu chi tiết tại Biểu số 02).

Phần 2.

[...]