Quyết định 6236/QĐ-UBND năm 2013 về Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hà Nội”

Số hiệu 6236/QĐ-UBND
Ngày ban hành 15/10/2013
Ngày có hiệu lực 15/10/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Vũ Hồng Khanh
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 6236/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN “THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25 tháng 03 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”;

Thực hiện Quyết định số 1531/QĐ-BTP ngày 24 tháng 06 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc chọn các địa phương mở rộng thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành phố, Giám đốc Công an Thành phố tại Tờ trình liên ngành số 1932/TTrLN/TP-TA-VKS-THADS-CA ngày 01 tháng 08 năm 2013 về việc đề nghị phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hà Nội”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để t/h);
- VPCP;
- Bộ Tư pháp;
- TT TU, TT HĐND TP;
- BCĐ CCTP TP;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
- Ban Nội chính (TU);
- Các PCT UBND TP;
- Các cơ quan tại Phần VIII Đề án;
- VPUB: CVP, PVP: N.V.Hoạt, TH, NC, TNMT;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Hồng Khanh

 

ĐỀ ÁN

THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6236/QĐ-UBND ngày 15/10/2013 của UBND thành phố Hà Nội)

I. CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG, PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC VỀ THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM THỪA PHÁT LẠI

Chủ trương xã hội hóa hoạt động tư pháp được đề cập trong các văn kiện của Đảng, như: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong giai đoạn tới; Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đặc biệt Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định rõ: “Tiếp tục hoàn thiện thủ tục tố tụng dân sự. Nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình... từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”; “Nghiên cứu chế định Thừa phát lại (thừa hành viên); trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”.

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TW đã ban hành Kế hoạch số 05-KH/CCTP ngày 22/02/2006, tại Điểm 4c, Mục C, Phần II, có nêu rõ: “Nghiên cứu mô hình tổ chức Thừa phát lại, trước mắt tổ chức thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh (hoàn thành việc nghiên cứu trong năm 2006 để có thể tổ chức thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007).

Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp cùng Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh thực hiện”.

Như vậy, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương và giải pháp cụ thể về xã hội hóa một số nội dung trong hoạt động tư pháp nói chung và thi hành án nói riêng. Trong đó, đối với hoạt động tố tụng, phải phát triển các loại hình dịch vụ để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đối với hoạt động thi hành án, việc xã hội hóa tập trung ở hoạt động thi hành án dân sự mà trọng tâm là giao cho cá nhân, tổ chức phi nhà nước thực hiện một số công việc về thi hành án. Thừa phát lại là tổ chức để thực hiện các công việc đó.

Để sớm triển khai thực hiện chủ trương trên, tại Quyết định số 1325/QĐ-BTP ngày 25/06/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động của ngành tư pháp triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, đã xác định việc triển khai thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố là một nội dung quan trọng của ngành Tư pháp.

Thực hiện Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội về thi hành Luật Thi hành án dân sự, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, Ngành và Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện thí điểm chế định này tại thành phố Hồ Chí Minh.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ THỰC TIỄN VỀ THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI

1. Cơ sở pháp lý để xây dựng Đề án:

- Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/07/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, trong đó tại khoản 1 Điều 49 của Nghị định có quy định “Các quy định của Nghị định này cũng được áp dụng khi thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác”.

- Thông tư số 03/2009/TT-BTP ngày 30/09/2009 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/07/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

- Thông tư liên tịch số 12/2010/TTLT-BTP-TANDTC-BTC ngày 24/06/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung liên quan đến chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại và chế độ tài chính đối với Văn phòng Thừa phát lại.

[...]