Thông báo 6038/TB-BTP năm 2013 Kết luận của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại Hội nghị Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 36/2012/QH13 và Quyết định 510/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”

Số hiệu 6038/TB-BTP
Ngày ban hành 22/08/2013
Ngày có hiệu lực 22/08/2013
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Trần Tiến Dũng
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6038/TB-BTP

Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2013

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG HÀ HÙNG CƯỜNG TẠI HỘI NGHỊ HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 36/2012/QH13 NGÀY 23/11/2012 CỦA QUỐC HỘI VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 510/QĐ-TTG NGÀY 25/3/2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TIẾP TỤC THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI”

Ngày 02 tháng 8 năm 2013, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại” do Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Trưởng Ban Chỉ đạo Hà Hùng Cường chủ trì với sự tham gia của Thành viên Ban Chỉ đạo; Thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; đại diện Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Tư pháp Quốc hội; Đại diện Tỉnh/Thành ủy, Ủy ban nhân dân, và Lãnh đạo Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Cục Thi hành án dân sự 13 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long, Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của đại diện Lãnh đạo Viện Kiểm sát tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bình Định, Tiền Giang, ý kiến của đại diện Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và ý kiến của đại diện các cơ quan tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Trưởng Ban Chỉ đạo Hà Hùng Cường thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại kết luận một số vấn đề lớn mà Hội nghị đã thống nhất như sau:

1. Hội nghị đã quán triệt và đạt được sự thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của chủ trương tiếp tục và mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ nay đến năm 2015

Tại Hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương đều thống nhận thức rằng việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại là một chủ trương, giải pháp đúng đắn và quan trọng nhằm xã hội hóa một số hoạt động tư pháp nói chung và thi hành án dân sự nói riêng theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020. Tại Hội nghị của Bộ Tư pháp tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và tại buổi làm việc của Chủ tịch nước- Trưởng Ban Chỉ đạo CCTPTW với Bộ Tư pháp vào ngày 31/7/2013, một trong những điểm sáng thành tựu được khẳng định của CCTP chính là việc Bộ Tư pháp đã mạnh dạn, kiên trì từng bước vững chắc thực hiện xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp như công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản và bước đầu thí điểm thành công Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhờ đó đã đem lại một diện mạo mới, một đời sống mới sôi động của việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xã hội chủ động, tích cực cùng với Nhà nước hỗ trợ người dân tiếp cận tư pháp bình đẳng, an toàn.

Tuy nhiên, những thành công đó mới chỉ là bước đầu, cải cách càng đi vào chiều sâu thì những khó khăn, thách thức mới lại xuất hiện nhiều hơn, đòi hỏi phải có sự quyết tâm hơn, bền bỉ hơn để khắc phục những non nớt, sai sót và tiếp tục phát triển bền vững các kết quả cải cách. Thành công thí điểm chế định Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh là tiền đề quan trọng và là sự khích lệ to lớn để chúng ta vững bước đi tiếp con đường cải cách đúng đắn với quyết tâm thực hiện thành công việc mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh thành, phố trực thuộc Trung ương, đáp lại niềm tin của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân. Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp rất hoan nghênh sự quan tâm, hưởng ứng chung đối với việc thực hiện chủ trương này từ phía các Bộ, ban, ngành, các cấp ủy và chính quyền địa phương, từ đó đã giúp cho Ban Chỉ đạo lựa chọn được 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia thực hiện thí điểm Thừa phát lại giai đoạn 2012-2015 theo đúng bốn tiêu chí Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Kết quả cuối cùng của giai đoạn thí điểm này sẽ là căn cứ thực tiễn quan trọng nhất để các cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền quyết định tương lai của nghề Thừa phát lại ở Việt Nam. Với trọng trách lịch sử như vậy, với quyết tâm và nhận thức chung thống nhất của các Bộ, ban, ngành và địa phương thể hiện tại Hội nghị, chúng ta có quyền tin tưởng rằng, việc thí điểm nhất định sẽ thành công, nghề Thừa phát lại sẽ khẳng định được vị trí, vai trò là người bạn đồng hành, hỗ trợ hữu ích cho các cơ quan tư pháp và mọi người dân, tổ chức trong nền tư pháp dân chủ, vì dân. Hy vọng nhận thức và quyết tâm này của Hội nghị sẽ tiếp tục được quán triệt và lan tỏa đến tất cả các Bộ, ban, ngành và địa phương liên quan, không chỉ trong nội bộ từng cơ quan, tổ chức của mỗi ngành, mỗi địa phương mà còn tạo thành sự hiểu biết, ủng hộ rộng rãi của xã hội.

2. Hội nghị đã trao đổi, thống nhất về chương trình, kế hoạch, các giải pháp và trách nhiệm của mỗi Bộ, ban, ngành, địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội và Đề án của Chính phủ về thí điểm chế định Thừa phát lại từ nay đến cuối năm 2015, tập trung cao độ cho những việc phải hoàn thành ngay trong năm 2013

Hội nghị đã nghe Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Bộ, ban, ngành liên quan cũng như đại diện của một số Tỉnh ủy, Thành ủy, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp một số tỉnh, thành phố báo cáo về những công việc đã làm trong thời gian 09 tháng qua để triển khai Nghị quyết của Quốc hội. Đó là các việc rất quan trọng tạo cơ sở cho cả quá trình thí điểm như xây dựng và trình ban hành Đề án của Chính phủ, thống nhất để lựa chọn các địa phương tham gia thí điểm, hoàn thiện một bước thể chế về Thừa phát lại, xây dựng đề án triển khai của các địa phương thí điểm và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ Thừa phát lại tương lai. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, một số công việc chúng ta làm chậm, có việc rất chậm so với tiến độ yêu cầu (khoảng 01 tháng so với Đề án của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt) một phần do lúng túng về quy trình, thủ tục nhưng một phần do sự phối kết hợp giữa các ngành và giữa các ngành với địa phương chưa thật nhịp nhàng, chặt chẽ nên có những việc phải chờ đợi lâu hoặc phải làm đi làm lại mới có được sự hiệp thương thống nhất... Điều đó cũng cho thấy rõ hơn tính chất phức tạp của cơ chế phối hợp đa ngành, đa cấp trong việc triển khai một chủ trương cải cách mới. Tuy nhiên, quan trọng hơn là qua đó chúng ta đã rút ra được những kinh nghiệm cần thiết cho việc triển khai các công việc sắp tới sao cho suôn sẻ hơn, hiệu quả hơn. Cụ thể là, từ nay đến cuối năm 2013, cần tập trung cao độ hoàn thành những việc lớn sau đây:

2.1. Xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án, Kế hoạch thực hiện thí điểm Thừa phát lại phù hợp với trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.

Về phía các cơ quan Trung ương: Trên cơ sở Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Kế hoạch chung, tổng thể của Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại ở Trung ương, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để chỉ đạo triển khai trong các ngành các công việc phù hợp với trách nhiệm được Quốc hội, Chính phủ giao. Trong các kế hoạch và khi triển khai kế hoạch đó, chúng ta cần đặc biệt coi trọng sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và kịp thời giữa các Bộ, ban, ngành, vì đó là điều kiện rất quan trọng bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ của Trung ương đối với việc thực hiện thành công việc thí điểm ở các địa phương như kinh nghiệm của Lãnh đạo Tỉnh ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định.

Về phía địa phương : Ngay sau Hội nghị, các Tỉnh ủy, Thành ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm cần tập trung cao độ cho việc khẩn trương hoàn thiện Đề án thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại địa phương mình để Bộ Tư pháp và các ngành phê duyệt. Việc này cần hoàn thành trong tháng 8/2013. Trách nhiệm tham mưu chính trong việc xây dựng, hoàn thiện Đề án theo đúng yêu cầu và triển khai kịp thời Đề án thuộc về các cơ quan Tư pháp, Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân ở địa phương.

2.2. Hoàn thành việc soạn thảo, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện thêm một bước cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động thí điểm chế định Thừa phát lại

Đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm ký ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 8/2013. Đồng thời, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì cùng với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Bộ, ngành có liên quan trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại trong giai đoạn thí điểm. Kinh nghiệm của giai đoạn thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy đây là công việc thường bị kéo dài, nhất là đối với các thông tư liên tịch. Vì thời gian còn lại khá ngắn nên rất mong các Bộ, ngành, đặc biệt là Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính... quan tâm, tập trung cao nguồn lực chuyên trách và hợp tác chặt chẽ với Bộ Tư pháp để hoàn thành đúng thời hạn công việc này, đảm bảo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động Thừa phát lại ở các địa phương.

Cần thống nhất về mặt nhận thức: Thừa phát lại là công lại, giống như Công chứng viên, được Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật… để thực hiện dịch vụ công; Văn phòng Thừa phát lại được thành lập theo mô hình doanh nghiệp nhưng bản chất không phải là doanh nghiệp, không mang tính chất kinh doanh thương mại, Thừa phát lại không phải là doanh nhân vì vậy các Văn phòng Thừa phát lại không thể nay thành lập, mai giải thể mà sẽ được duy trì, kế thừa như một sản nghiệp. Điều đó càng đòi hỏi sự chặt chẽ khi xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm các Thừa phát lại.

Đồng thời, chúng ta cũng phải thống nhất: Thời điểm báo cáo Quốc hội là tháng 10/2015, không có nghĩa các Văn phòng Thừa phát lại sẽ chấm dứt hoạt động vào tháng 10/2015. Tương tự như Thành phố Hồ Chí Minh, các Văn phòng Thừa phát lại sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội có chủ trương mới. Đồng thời, vào tháng 10/2015, Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ báo cáo Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh nội dung xây dựng Luật Thừa phát lại để giải quyết những vướng mắc, bất cập của giai đoạn thí điểm hiện nay.

2.3. Hoàn tất các thủ tục bổ nhiệm thừa phát lại, đăng ký hoạt động, ổn định tổ chức và nhân sự của các Văn phòng Thừa phát lại để có thể đi vào hoạt động theo quy định của pháp luật

Ngay sau khi các lớp tập huấn nguồn bổ nhiệm Thừa phát lại kết thúc (trong tháng 8/2013) và Bộ Tư pháp sẽ làm các thủ tục để bổ nhiệm Thừa phát lại theo quy định của pháp luật, chậm nhất trong tháng 9/2013, các địa phương phải hoàn tất việc thành lập, đăng ký để các Văn phòng Thừa phát lại đi vào hoạt động ngay trong năm 2013.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục củng cố tổ chức và hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã thành lập từ trước đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện để các Văn phòng Thừa phát lại mới được thành lập nhanh chóng ổn định tổ chức và đi vào hoạt động ngay.

3. Đề nghị các Bộ, ban, ngành, địa phương, theo trách nhiệm của mình, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại trong ngành, địa phương mình với những trọng tâm sau:

3.1. Đối với các Bộ, ban, ngành Trung ương

- Kiến nghị Ban Chỉ đạo CCTPTW, Ban Nội chính Trung ương cử đại diện tham gia Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, đồng thời, quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với Ban Cán sự Đảng các Bộ, ban, ngành và các cấp ủy địa phương trong việc triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra; đồng thời tiếp tục khẳng định chủ trương này trong định hướng CCTP sau khi tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW (phát triển, bổ sung cho giai đoạn tiếp theo).

- Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tổ chức quán triệt và chỉ đạo các đơn vị chức năng, các Tòa án nhân dân địa phương nơi triển khai thí điểm thực hiện tốt việc chuyển giao, bố trí kinh phí và hướng dẫn Thừa phát lại thực hiện chức năng tống đạt văn bản của Tòa án, kể cả việc tiếp tục triển khai hiệu quả công tác này tại thành phố Hồ Chí Minh; xem xét, sử dụng vi bằng trong việc xét xử của Tòa án.

- Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân địa phương và các đơn vị chức năng thực hiện tốt vai trò kiểm sát đối với hoạt động của Thừa phát lại, kịp thời phát hiện, xử lý theo đúng quy định của pháp luật các vi phạm pháp luật trong hoạt động của Thừa phát lại.

Các nội dung này đã được đại diện Ban Chỉ đạo CCTPTW, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu ý kiến đồng tình tại Hội nghị.

- Đề nghị các cơ quan báo chí Trung ương, ngành, nhất là Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (với tôn chỉ vì nhà nước pháp quyền, vì cải cách tư pháp) tăng cường tuyên truyền, quảng bá cho hoạt động Thừa phát lại để nhân dân có thêm nhận thức và ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước về chế định này.

3.2. Đối với các ban, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương

Đề nghị các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện thí điểm chế định này tại địa phương mình, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ban, ngành trong việc hướng dẫn, hợp tác, tạo điều kiện cho Thừa phát lại hoạt động, phát huy vai trò của mình trong đời sống xã hội. Trong thời gian trước mắt, tổ chức tốt bằng nhiều hình thức quán triệt chủ trương, giải pháp, trách nhiệm thực hiện thí điểm đối với các ngành, các cấp tại địa phương. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thông tin, truyền thông, phổ biến rộng rãi trong nhân dân tại địa bàn về ý nghĩa, vai trò của hoạt động Thừa phát lại trong việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trong đời sống dân sự và khi tham gia vào các hoạt động tư pháp. Lãnh đạo của cấp ủy, Ban Chỉ đạo CCTP, Ban Nội chính các tỉnh, thành phố, các cơ quan chức năng, đặc biệt là của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và nhân dân tăng cường kiểm tra, giám sát là một đảm bảo để các Văn phòng Thừa phát lại hoạt động đúng hướng, đúng pháp luật. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, trước hết thông qua Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm tại địa phương để đảm bảo việc triển khai thực hiện thí điểm đúng hướng.

[...]
8
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ