BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 601/QĐ-LĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 04 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM NĂM 2013
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP
ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo
vệ, chăm sóc trẻ em,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì
trẻ em năm 2013 (Kế hoạch kèm theo).
Điều 2. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm
sóc trẻ em và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Lãnh đạo Bộ LĐTBXH;
- Lưu: VT, BVCSTE(2b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Doãn Mậu Diệp
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM NĂM 2013
(Kèm theo Quyết định số 601/QĐ-LĐTBXH ngày 12 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
I. MỞ ĐẦU
Thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW ngày 05
tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Chương trình
hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 theo Quyết định số 1555/QĐ-TTg
ngày 17 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, Tháng hành động vì trẻ em tiếp
tục trở thành đợt truyền thông, vận động xã hội lớn thực hiện đường lối của Đảng,
pháp luật, chính sách, mục tiêu của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ
em và thực hiện quyền trẻ em.
Trong những năm qua, Nhà nước đã ban
hành nhiều chính sách trợ giúp cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,
trẻ em dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... Các chính sách có độ bao phủ rộng,
khá toàn diện, nhờ đó cuộc sống và các quyền của trẻ em được đảm bảo thực hiện
tốt hơn.
Tuy nhiên, vẫn đang có sự bất cập, bất
bình đẳng đối với nhóm trẻ em trong gia đình thu nhập thấp, trẻ em là người dân
tộc thiểu số trong việc tiếp cận với các dịch vụ công có chất lượng như y tế,
giáo dục...; vẫn còn nhiều trẻ em nghèo, trẻ em vùng dân tộc, vùng khó khăn thiếu
cơm ăn, áo mặc, ít có cơ hội được hưởng đầy đủ các quyền của mình. Bên cạnh đó,
Tháng hành động vì trẻ em năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất
nước đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động, ảnh hưởng của khủng hoảng
kinh tế và lạm phát toàn cầu có nguy cơ làm gia tăng số lượng trẻ em nghèo, trẻ
em có hoàn cảnh đặc biệt không được hưởng những quyền cơ bản của trẻ em. Để
thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành và toàn thể
xã hội trong việc xây dựng và triển khai một cách có hiệu quả các chính sách trợ
giúp trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; huy động toàn xã hội chung tay, góp
sức về vật chất và tinh thần cho trẻ em để trẻ em ở mọi miền đất nước đều có cơ
hội phát triển bình đẳng như nhau, năm 2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em từ ngày 01 tháng 6 đến
ngày 30 tháng 6 với chủ đề “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo và
trẻ em dân tộc thiểu số”.
II. MỤC ĐÍCH
1. Thu hút sự quan tâm của các cấp ủy,
chính quyền, các ngành, gia đình và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng và các mục
tiêu cần đạt được của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cũng như
phòng ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực đến trẻ em trong tình hình mới.
2. Thực hiện hiệu quả hơn các chính
sách, chương trình; vận động xã hội góp sức tích cực hơn nhằm cải thiện điều kiện
sống, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo, trẻ em miền núi, trẻ em
dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
3. Tạo điều kiện để mọi trẻ em, đặc
biệt trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có một
kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh. Hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị tai nạn
thương tích, rơi vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, bị bóc lột sức lao động
trong dịp nghỉ hè do thiếu sự quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ của gia đình,
nhà trường và các cơ quan chức năng.
III. CÔNG TÁC CHỈ
ĐẠO
- Các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ,
ngành, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc phổ biến, quán triệt, triển
khai xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính
trị trong Tháng hành động vì trẻ em và năm công tác 2013.
- Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định số 1555/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ; xây dựng kế hoạch, lồng ghép các mục tiêu, hoạt động, giải pháp của
Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020 trong chương
trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương theo chức
năng, nhiệm vụ.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã
hội có liên quan xây dựng kế hoạch, hướng dẫn nội dung, hoạt động Tháng hành động
vì trẻ em năm 2013.
- Các ban, ngành ở địa phương phối hợp
xây dựng và ký kết các kế hoạch liên ngành triển khai Tháng hành động vì trẻ em
và hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có
hoàn cảnh đặc biệt được vui chơi trong hè, được tiếp tục đi học trong năm học mới.
- Đánh giá, kiểm tra, thanh tra việc thực
hiện chính sách và sử dụng các nguồn lực vận động xã hội dành cho trẻ em nghèo,
có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em miền núi và trẻ em dân tộc thiểu số.
IV. NỘI DUNG HOẠT
ĐỘNG
1. Tổ chức các
sự kiện và các hoạt động truyền thông, vận động xã hội
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
phối hợp với Ủy ban nhân tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì
trẻ em năm 2013 với chủ đề “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em
nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số” dự kiến vào ngày 01/6/2013.
- Căn cứ điều kiện và tình hình thực
tế, các địa phương tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em cấp tỉnh (trong
các tuần thứ tư của tháng 5 đến tuần đầu tháng 6 năm 2013) một cách thiết thực,
tiết kiệm để tạo sự ủng hộ và đồng thuận của xã hội đối với chủ trương, chính
sách và đóng góp nguồn lực thực hiện các chương trình, mục tiêu vì trẻ em; hỗ
trợ trẻ em nghèo, trẻ em miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh
đặc biệt.
- Lồng ghép trong các hoạt động nhân Năm
gia đình Việt Nam, Phong trào Thanh niên tình nguyện và Chiến dịch thanh niên
tình nguyện hè năm 2013, Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6, Lễ vào hè, Ngày Gia đình
Việt Nam 28-6... tổ chức gặp mặt, biểu dương trẻ em nghèo, trẻ em miền núi, trẻ
em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tiêu biểu về tinh thần vượt
khó vươn lên; biểu dương những tập thể, cá nhân gương mẫu, tận tụy đóng góp, cống
hiến cho công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội gặp gỡ, tìm hiểu
nguyện vọng, biểu dương, thăm hỏi, tặng quà, tặng học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ
em miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khai
trương, triển khai các công trình dành cho trẻ em.
- Tăng cường thông tin, mở các diễn
đàn đối thoại, bình luận, định hướng về đường lối của Đảng, pháp luật, chính
sách của Nhà nước; trách nhiệm của các ban, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân có
chức năng chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; các bài học, kinh nghiệm, sáng kiến;
các thách thức, cản trở đối với công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và
thực hiện quyền trẻ em trong tình hình mới; đặc biệt về các chủ trương, chính
sách, các nguồn vận động xã hội, các công trình phúc lợi cho trẻ em nghèo, trẻ
em miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để tạo cơ
hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em.
- Tổ chức các sự kiện hoặc đợt vận động,
kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực cho Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp để
xây dựng các công trình phúc lợi, đặc biệt là các công trình trường, lớp học,
nhà ở bán trú, cơ sở vật chất, thiết bị vui chơi giải trí, sân chơi cho trẻ em
tại cộng đồng, trường học; tổ chức cho các nhà tài trợ tặng quà, trao học bổng
cho trẻ em nghèo, trẻ em miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh
đặc biệt; hỗ trợ phẫu thuật, chỉnh hình cho trẻ em khuyết tật; khai trương, triển
khai các công trình dành cho trẻ em.
2. Tổ chức các
hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi và mùa hè an toàn, lành mạnh.
- Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành
Giáo dục - Đào tạo, Đoàn Thanh niên, Lao động - Thương binh và Xã hội và các
ban, ngành có liên quan khác thực hiện việc giao, nhận, xác định trách nhiệm bảo
vệ, chăm sóc, giáo dục học sinh, đặc biệt học sinh gia đình nghèo, học sinh miền
núi, học sinh dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh có nguy
cơ vi phạm pháp luật trong kỳ nghỉ hè.
- Tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ
em kỹ năng tự bảo vệ mình, phòng, tránh rơi vào tệ nạn xã hội; các nguy cơ bị
xâm hại, bạo lực, bị bóc lột lao động; phòng tránh tai nạn thương tích (đặc biệt
các tai nạn giao thông, đuối nước), tham gia giao thông an toàn, học bơi, sơ cứu
người bị tai nạn, thương tích...
- Căn cứ điều kiện và tình hình thực
tế, các địa phương tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp để trẻ em hưởng ứng Diễn đàn
trẻ em cấp khu vực và quốc gia năm 2013. Duy trì và phát triển các mô hình hoạt
động của Đội thiếu niên tiền phong trên địa bàn dân cư, các Câu lạc bộ, các
nhóm trẻ em. Giáo dục, hướng dẫn trẻ em kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham
gia, làm việc nhóm, bày tỏ ý kiến phù hợp với lứa tuổi.
- Tạo nhiều sân chơi, các hình thức
sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, thể thao đa dạng, thiết thực tại cộng đồng,
trường học, nhà văn hóa, thư viện, công viên... và trên các kênh truyền thông đại
chúng trong Tháng hành động vì trẻ em và dịp nghỉ hè. Tạo điều kiện để trẻ em
nghèo, trẻ em miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
được tham quan, du lịch, tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao. Định hướng,
giáo dục trẻ em gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; có bản lĩnh
và kiến thức để tiếp thu có chọn lọc văn hóa hiện đại, văn hóa nhập ngoại;
không sử dụng, chơi trò chơi, đồ chơi phản văn hóa, bạo lực, khiêu dâm, có chất
độc hại và không thân thiện với môi trường.
- Tổ chức các hoạt động giao lưu, văn
nghệ, thể thao giữa trẻ em nghèo, trẻ em miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số và
trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với các trẻ em khác để tăng cường sự tự tin, hỗ trợ
các em hòa nhập cộng đồng.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội
1.1. Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em
- Hướng dẫn triển khai Tháng hành động
vì trẻ em.
- Xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí
triển khai Tháng hành động vì trẻ em.
- Phối hợp với Văn phòng Bộ tổ chức họp
báo nhân Tháng hành động vì trẻ em.
- Tổ chức công tác phối hợp với các
đơn vị liên quan triển khai các hoạt động Tháng hành động vì trẻ em.
- Xây dựng thông điệp, cung cấp thông
tin để phục vụ họp báo và tuyên truyền nhân Tháng hành động vì trẻ em; xây dựng
phóng sự, thông điệp tuyên truyền về Tháng hành động vì trẻ em trên các phương
tiện thông tin.
- Theo dõi, giám sát quá trình thực
hiện kế hoạch và báo cáo tổng kết Tháng hành động vì trẻ em.
1.2. Văn phòng Bộ
- Sắp xếp lịch làm việc để Lãnh đạo Bộ
tham gia các hoạt động nhân Tháng hành động vì trẻ em.
- Phối hợp với Cục Bảo vệ, chăm sóc
trẻ em tổ chức họp báo và tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Tháng hành động
vì trẻ em.
1.3. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam
- Phối hợp với Văn phòng Bộ, Cục Bảo
vệ, chăm sóc trẻ em chuẩn bị cho các đoàn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo
Bộ đi thăm, tặng quà cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có
hoàn cảnh đặc biệt nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em.
- Phối hợp với các đơn vị có liên
quan tổ chức cuộc gặp mặt của Chủ tịch nước với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.
- Vận động các nhà tài trợ hỗ trợ quà
tặng cho trẻ em tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và các trẻ em có
hoàn cảnh đặc biệt khác.
1.4. Trung tâm Thông tin, Tạp chí
Gia đình và Trẻ em, Báo Lao động - Xã hội, Tạp chí Lao động và Xã hội
Phối hợp với Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ
em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phản ánh kịp thời thông tin về triển khai Tháng
hành động vì trẻ em tại Trung ương và địa phương trên trang thông tin điện tử của
Bộ, Tạp chí Gia đình và Trẻ em, Báo Lao động - Xã hội và Tạp chí Lao động và Xã
hội.
2. Các bộ, ngành có liên quan
Để các hoạt động trong Tháng hành động
vì trẻ em năm 2013 được triển khai đồng bộ, hiệu quả từ Trung ương tới cơ sở, Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch
hoạt động về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong phạm vi chức năng, nhiệm
vụ của Bộ, ngành, đoàn thể và chỉ đạo triển khai theo hệ thống ngành dọc thực
hiện có hiệu quả Tháng hành động vì trẻ em năm 2013.
3. Địa phương
- Tổ chức công tác phối hợp với các
ban, ngành liên quan triển khai các hoạt động Tháng hành động vì trẻ em năm
2013.
- Tổ chức các sự kiện và các hoạt động
truyền thông, vận động xã hội:
+ Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động
vì trẻ em năm 2013 với chủ đề “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em
nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số”. Thời gian: Từ tuần thứ tư của
tháng 5 đến tuần đầu tháng 6 năm 2013.
+ Tặng quà, tặng học bổng cho trẻ em
nghèo, trẻ em miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;
khai trương, triển khai các công trình dành cho trẻ em.
+ Tổ chức các diễn đàn đối thoại,
bình luận về các chủ trương, chính sách, các nguồn vận động xã hội, các công
trình phúc lợi cho trẻ em nghèo, trẻ em miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ
em có hoàn cảnh đặc biệt để tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em.
- Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể
thao, vui chơi và mùa hè an toàn, lành mạnh.
+ Tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp để
trẻ em hưởng ứng Diễn đàn trẻ em cấp khu vực và quốc gia; tổ chức Mùa hè an
toàn, lành mạnh cho trẻ em, đặc biệt quan tâm đến trẻ em nghèo, trẻ em miền
núi, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
+ Tổ chức các lớp kỹ năng sống, kỹ
năng thực hiện quyền tham gia, các lớp dạy bơi cho trẻ em.
+ Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải
trí cho trẻ em thông qua các hình thức như: thi các trò chơi dân gian, các giải
bóng đá, cầu lông, đá cầu, bóng bàn... nhằm thu hút và phát huy quyền tham gia
của trẻ em, góp phần hạn chế trẻ em sa đà vào các trò chơi mang tính bạo lực,
tham gia các vụ việc gây mất trật tự nơi công cộng và các tệ nạn xã hội khác.
+ Phối hợp với Đoàn Thanh niên cộng sản
Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động giao lưu, văn nghệ, thể thao giữa trẻ em
nghèo, trẻ em miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
với các trẻ em khác để tăng cường sự tự tin, hỗ trợ các em hòa nhập cộng đồng.
VI. THÔNG TIN,
ĐÁNH GIÁ, GIÁM SÁT THỰC HIỆN
- Các sở và phòng Lao động - Thương
binh và Xã hội tỉnh, thành phố, huyện, quận chủ trì, phối hợp với các ban,
ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu
quả Tháng hành động vì trẻ em năm 2013, tránh phô trương, hình thức.
- Phân công cụ thể trách nhiệm chủ
trì, phối hợp, giám sát cụ thể của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong từng hoạt
động, nhóm hoạt động.
- Biểu dương, khen thưởng và nhắc nhở
kịp thời các tổ chức, cá nhân tích cực, có thành tích cũng như thực hiện chưa hết,
chưa đúng trách nhiệm trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2013.
- Thường xuyên trao đổi thông tin, kế
hoạch phối hợp, lồng ghép giữa các Bộ, ngành, tổ chức, đơn vị đầu mối ở cấp
trung ương cũng như địa phương; tổng kết kết quả triển khai Tháng hành động Vì
trẻ em năm 2013.
- Kế hoạch và báo cáo tổng kết gửi về:
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em), số 35 Trần
Phú, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội trước ngày 10/7/2013.
Điện thoại: 04.3747.84.23 hoặc
04.3747.56.28
Fax: 04.3747.87.19.
Email:
phongphattrienthamgia@gmail.com
KHẨU HIỆU VÀ THÔNG ĐIỆP THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM NĂM 2013
1. Tạo cơ hội cho trẻ em nghèo, trẻ
em dân tộc thiểu số đến trường.
2. Trẻ em - niềm hạnh phúc của mỗi
gia đình.
3. Tình nguyện vì trẻ em - vì hiện tại
và tương lai.
4. Đầu tư cho trẻ em để phát triển bền
vững.
5. Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo
vệ trẻ em bằng hành động.
6. Chung tay góp sức vì sự no ấm của
trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc.
7. Hướng tới một xã hội không có trẻ em
nghèo khó và thất học.
8. Vì tương lai của đất nước hãy chăm
lo cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc.