QUY CHẾ
TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 60/2012/QĐ-UBND, ngày 19 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Tây Ninh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về thi tuyển, xét
tuyển, các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng và chế độ tập sự của công chức
xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là công chức cấp xã).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với đơn vị thực
hiện tuyển dụng công chức cấp xã và người dự tuyển vào chức danh công chức cấp
xã được quy định trong Nghị định số 112/2011/NĐ-CP, ngày 05/12/2011 của Chính
phủ về công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Nghị định số
112/2011/NĐ-CP).
Điều 3. Căn cứ tuyển dụng
Việc tuyển dụng công chức cấp xã phải
căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, tiêu chuẩn chức danh và số lượng chỉ tiêu biên chế
theo từng chức danh được Ủy ban nhân dân tỉnh giao và hướng dẫn của Sở Nội vụ.
Điều 4. Điều kiện đăng ký dự tuyển
1. Người có đủ các điều kiện sau đây không
phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức:
a) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;
b) Đủ 18 tuổi trở lên;
c) Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng;
d) Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với chức danh dự tuyển;
đ) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;
e) Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ;
g) Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.
Các điều kiện khác của chức danh công chức cần tuyển dụng do Ủy ban nhân
dân cấp huyện xây dựng gắn với chuyên ngành đào tạo, các kỹ năng, kinh nghiệm
theo yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.
2. Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển công chức:
a) Không cư trú tại Việt Nam;
b) Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
c) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành
xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị
áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
3. Ngoài các điều kiện đăng ký dự tuyển quy định tại khoản 1 Điều này, chức
danh Chỉ huy Trưởng Quân sự cấp xã, Trưởng Công an xã phải đáp ứng đủ các tiêu
chuẩn tuyển chọn theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP.
Điều 5. Hình thức tuyển dụng
1. Đối với các chức danh văn phòng - thống kê, địa chính - xây dựng - đô
thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây
dựng và môi trường (đối với xã), tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, văn
hóa - xã hội:
a) Thực hiện xét tuyển đối với các xã biên giới;
b) Thực hiện thi tuyển đối với các xã, phường, thị trấn nội địa.
2. Đối với chức danh Chỉ huy Trưởng Quân sự cấp xã, Trưởng Công an xã:
Thực hiện việc xét tuyển và bổ nhiệm đối với người có đủ điều kiện theo
quy định tại Điều 4 Quy chế này và theo quy định của Luật Dân quân tự vệ, Pháp
lệnh Công an xã. Quy trình thực hiện theo hướng dẫn của Sở Nội vụ.
3. Phòng Nội vụ cấp huyện là đơn vị tham mưu đối với công tác tuyển dụng
công chức cấp xã.
Điều 6. Ưu tiên trong tuyển dụng
Ưu tiên trong tuyển dụng công chức cấp xã áp dụng theo
quy định tại Điều 8 của Nghị định số 112/2011/NĐ-CP.
Điều 7. Thẩm quyền tuyển dụng
1. Việc tuyển dụng công chức cấp xã do Hội đồng tuyển dụng công chức cấp
huyện thực hiện, Hội đồng tuyển dụng công chức cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp huyện quyết định thành lập.
2. Trường hợp số lượng người đăng ký dự tuyển trong một kỳ thi tuyển dụng
công chức cấp xã trên địa bàn 01 huyện, thị xã dưới 20 người thì Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp huyện không thành lập Hội đồng tuyển dụng. Sau khi có ý kiến
thống nhất của Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ cấp huyện giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp huyện thực hiện việc tuyển dụng công chức cấp xã. Khi tổ chức tuyển dụng
công chức cấp xã vẫn phải thành lập các Ban giúp việc theo quy định của Quy chế
này.
Điều 8. Tài liệu ôn tập tuyển dụng công chức cấp xã
Tài liệu ôn tập trong tuyển dụng công chức cấp xã là tài liệu để ôn thi
trong thi tuyển hoặc phỏng vấn trong xét tuyển do Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp
Trường Chính trị tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã biên soạn, ban hành
thống nhất sử dụng trong toàn tỉnh.
Chương II
TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC CẤP XÃ
Mục 1. THI TUYỂN CÔNG CHỨC CẤP XÃ
Điều 9. Hội đồng thi tuyển và các Ban
thuộc Hội đồng thi tuyển
1. Hội đồng thi tuyển công chức cấp xã (sau
đây viết tắt là Hội đồng thi) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định
thành lập, thực hiện nhiệm vụ trong kỳ thi tuyển và tự giải thể sau khi hoàn
thành nhiệm vụ.
2. Hội đồng thi được sử dụng con dấu của
Ủy ban nhân dân cấp huyện (hoặc Phòng Nội vụ) trong thời gian tổ chức tuyển dụng
công chức cấp xã; được sử dụng kinh phí hoạt động từ lệ phí tuyển dụng theo quy
định hiện hành.
3. Hội đồng thi có 05 hoặc 07 thành
viên, bao gồm:
- Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Phó Chủ tịch Hội đồng là Trưởng Phòng
Nội vụ;
- Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là công
chức Phòng Nội vụ;
- Ủy viên là công chức Sở Nội vụ do Giám
đốc Sở Nội vụ cử tham gia;
- Các Ủy viên khác là đại diện lãnh đạo
một số cơ quan chuyên môn cấp huyện có liên quan.
4. Hội đồng thi có các Ban giúp việc:
Ban đề thi, Ban coi thi, Ban phách, Ban chấm thi và Ban phúc khảo.
5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi; các Ban thuộc Hội đồng thi
và trình tự tổ chức thi tuyển, nội quy kỳ thi tuyển thực hiện theo hướng dẫn của Sở Nội vụ.
Điều 10. Đề thi, môn thi và thời gian
thi
1. Đề thi
a) Đề thi do Trưởng Ban đề thi trình Chủ
tịch Hội đồng thi bốc thăm, lựa chọn. Trường hợp không thành lập Hội đồng thi
thì do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định lựa chọn.
b) Đề thi phải căn cứ tài liệu hướng dẫn
ôn tập do Sở Nội vụ ban hành.
2. Môn thi
a) Môn kiến thức chung: Thi viết, thời
gian 120 phút;
b) Môn chuyên ngành: Thi viết, thời gian
120 phút và thi trắc nghiệm, thời gian 30 phút;
c) Môn tin học văn phòng: Thi trắc nghiệm
hoặc thực hành, thời gian 30 phút.
Hình thức thi trắc nghiệm hoặc thi thực
hành do đơn vị tuyển dụng quyết định.
Người đăng ký dự thi có bằng tốt nghiệp
từ chuyên ngành công nghệ thông tin (Trung cấp tin học) trở lên được miễn thi
môn tin học văn phòng.
Điều 11. Cách tính điểm
1. Bài thi được chấm theo thang điểm 100.
2. Điểm các môn thi được tính như sau:
a) Môn kiến thức chung: Tính hệ số 1;
b) Môn nghiệp vụ chuyên ngành: Bài thi viết tính hệ số 2, bài thi trắc
nghiệm tính hệ số 1;
c) Môn tin học văn phòng là môn điều kiện: Tính hệ số 1 và không tính vào
tổng số điểm thi.
3. Kết quả thi tuyển là tổng số điểm của các bài thi môn kiến thức chung
và môn nghiệp vụ chuyên ngành tính theo quy định của khoản 2 của Điều này cộng
với điểm ưu tiên (nếu có) quy định tại Điều 6 của Quy chế này.
Điều 12. Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển
1. Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển là người phải thi đủ các bài của
các môn thi, có điểm mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên (điểm bài thi viết môn
nghiệp vụ chuyên ngành chưa nhân hệ số 2) và có kết quả thi tuyển cao hơn lấy từ
cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu được tuyển đối với từng chức danh công chức.
2. Trường hợp từ 02 người trở lên có tổng số điểm bằng nhau ở chức danh
công chức cần tuyển thì xác định người trúng tuyển như sau: Người có điểm bài
thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành cao hơn là người trúng tuyển; nếu điểm bài
thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành bằng nhau thì người có điểm thi trắc nghiệm
môn chuyên ngành cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn chưa xác định được người
trúng tuyển thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định người trúng tuyển.
3. Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức cấp xã, nếu có kết
quả của từng môn thi đạt từ 50 điểm trở lên, nhưng do cạnh tranh không được
trúng tuyển tại kỳ thi thì được bảo lưu kết quả thi tuyển. Thời gian được bảo
lưu kết quả này đến trước thời gian có thông báo kỳ thi tuyển dụng công chức cấp
xã lần sau liền kề.
Điều 13. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và phúc khảo trong thi tuyển
1. Thời hạn nhận đơn xin phúc khảo và khiếu nại, tố cáo: Trong vòng 15
ngày kể từ ngày niêm yết công khai kết quả thi.
Không giải quyết phúc khảo đối với đơn xin phúc khảo và khiếu nại, tố cáo
sau thời hạn trên và những đơn gửi bằng hộp thư điện tử, fax.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả chấm phúc khảo,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải phê duyệt và công khai kết quả tuyển dụng.
Mục 2. XÉT TUYỂN CÔNG CHỨC CẤP XÃ
Điều 14. Hội đồng xét tuyển và các
Ban thuộc Hội đồng xét tuyển
1. Hội đồng xét tuyển công chức cấp xã
(sau đây viết tắt là Hội đồng xét tuyển) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
quyết định thành lập, thực hiện nhiệm vụ trong kỳ xét tuyển và tự giải thể sau
khi hoàn thành nhiệm vụ.
2. Hội đồng xét tuyển được sử dụng con dấu
của Ủy ban nhân dân cấp huyện (hoặc Phòng Nội vụ) trong thời gian tổ chức tuyển
dụng công chức cấp xã; được sử dụng kinh phí hoạt động từ lệ phí tuyển dụng
theo quy định hiện hành.
3. Hội đồng xét tuyển có 05 hoặc 07
thành viên, bao gồm:
- Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Phó Chủ tịch Hội đồng là Trưởng Phòng
Nội vụ;
- Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là công
chức Phòng Nội vụ;
- Một Ủy viên là công chức Sở Nội vụ, do
Giám đốc Sở Nội vụ cử tham gia;
- Các Ủy viên khác là đại diện lãnh đạo
một số cơ quan chuyên môn cấp huyện có liên quan.
4. Hội đồng xét tuyển có các Ban giúp việc:
Ban kiểm tra sát hạch và Ban phúc khảo.
5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng xét tuyển, các Ban thuộc Hội đồng
xét tuyển và trình tự tổ chức xét tuyển thực hiện theo hướng dẫn của Sở Nội vụ.
Điều 15. Nội dung xét tuyển
Áp dụng nội dung xét tuyển đối với các chức danh: văn phòng - thống kê, địa
chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường, tài chính - kế toán; tư pháp - hộ
tịch, văn hóa - xã hội, nội dung xét tuyển gồm:
1. Xét kết quả học tập của trình độ chuyên môn người dự tuyển;
2. Phỏng vấn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo tài liệu ôn tập.
Điều 16. Cách tính điểm trong xét tuyển
1. Điểm học tập được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn học
trong toàn bộ quá trình học tập của người xét tuyển ở trình độ chuyên môn, nghiệp
vụ theo yêu cầu của chức danh công chức dự tuyển, được quy đổi theo thang điểm
100 và tính hệ số 2.
2. Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng các bài thi tốt nghiệp
hoặc điểm bảo vệ luận văn của người dự tuyển, được quy đổi theo thang điểm 100
và tính hệ số 1.
3. Điểm phỏng vấn được tính theo thang điểm 100 và tính hệ số 1.
4. Kết quả xét tuyển là tổng số điểm học tập, điểm tốt nghiệp, điểm phỏng
vấn tính theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và điểm ưu tiên (nếu
có) quy định tại Điều 6 của Quy chế này.
Điều 17. Xác định người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển
1. Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển các chức danh công chức quy định tại
Điều 15 của Quy chế này phải đủ các điều kiện sau:
a) Có điểm học tập, điểm tốt nghiệp và điểm phỏng vấn, mỗi loại đạt từ 50 điểm
trở lên (điểm học tập chưa nhân hệ số 2).
b) Có kết quả xét tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm
vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng chức danh công chức.
2. Trường hợp từ 02 người trở lên có kết quả xét tuyển bằng nhau ở cùng chức
danh công chức cần tuyển thì xác định người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên:
Người có kết quả điểm học tập cao hơn là người trúng tuyển; nếu kết quả học tập
bằng nhau thì người có kết quả điểm tốt nghiệp cao hơn là người trúng tuyển; nếu
vẫn chưa xác định được người trúng tuyển thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
quyết định người trúng tuyển.
3. Người không trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức cấp xã, nếu có điểm
học tập, điểm tốt nghiệp và điểm phỏng vấn, mỗi loại đạt từ 50 điểm trở lên (điểm
học tập chưa nhân hệ số 2) nhưng do cạnh tranh không được trúng tuyển thì được
bảo lưu kết quả xét tuyển. Thời gian được bảo lưu kết quả này đến trước thời
gian có thông báo kỳ xét tuyển dụng công chức cấp xã lần sau liền kề.
Điều 18. Giải quyết khiếu nại tố cáo và phúc khảo
trong xét tuyển
1. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày niêm yết công khai kết quả xét tuyển, nếu
thấy có sơ sót của Hội đồng xét tuyển trong việc tính điểm học tập, điểm tốt
nghiệp thì người dự tuyển có quyền gửi đơn đề nghị phúc khảo đến Hội đồng xét
tuyển.
Không giải quyết phúc khảo đối với đơn xin phúc khảo sau thời hạn trên và
những đơn gửi bằng hộp thư điện tử, fax.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả chấm phúc khảo,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải phê duyệt và công khai kết quả tuyển dụng.
Mục 3. TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT TRONG TUYỂN DỤNG
Điều 19. Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức cấp xã
1. Điều kiện, tiêu chuẩn để xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển với các
trường hợp sau:
a) Người tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên trong nước và đạt loại khá
trở lên ở nước ngoài có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh công chức cần
tuyển dụng và đủ điều kiện đăng ký dự tuyển tại Điều 2 của Quy chế này.
b) Người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có ít nhất 05 năm công
tác (không kể thời gian tập sự, thử việc) trong ngành, lĩnh vực cần tuyển, đáp ứng
được ngay yêu cầu của chức danh công chức cấp xã cần tuyển dụng và đủ điều kiện
đăng ký dự tuyển tại Điều 2 của Quy chế này.
2. Trường hợp người được tuyển dụng vào công chức cấp xã theo quy định tại
Điều này đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chưa nhận
trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, được bố trí chức danh theo đúng chuyên ngành
đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời
gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính để làm căn cứ xếp
lương phù hợp với chức danh công chức được tuyển dụng (trừ thời gian tập sự, thử
việc theo quy định), thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nếu đứt
quãng thì được cộng dồn.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khi tiếp nhận các trường hợp quy định
tại khoản 1 hoặc xếp lương theo quy định tại khoản 2 Điều này phải có văn bản
thỏa thuận với Giám đốc Sở Nội vụ.
Chương III
TẬP SỰ ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC CẤP XÃ
Điều 20. Tập sự
1. Quy định đối với người tập sự, công
nhận hoàn thành tập sự và hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với người tập sự thực
hiện theo Điều 22, Điều 25 và Điều 26 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Quy định đối với hướng dẫn tập sự và thực hiện chế độ chính sách đối với
người hướng dẫn tập sự thực hiện theo Điều 23, Điều 24 của Nghị định số 112/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 21. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thi tuyển, xét tuyển
công chức cấp xã theo đúng Quy chế này.
2. Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau quá trình tổ chức thi
tuyển, xét tuyển.
Trường hợp Hội đồng thi tuyển,
xét tuyển hoặc Ủy ban nhân dân cấp
huyện thực hiện không đúng quy
trình các điều khoản trong Quy chế này thì bị hủy bỏ kết quả thi tuyển,
xét tuyển.
3. Trong quá trình thực hiện nếu đơn vị, cá nhân nào vi phạm Quy chế tuyển dụng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xử lý kỷ luật hành
chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành.
4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc
chưa phù hợp thì Ủy ban nhân dân huyện, thị xã phản ánh về Sở Nội vụ xem xét
thống nhất thực hiện hoặc ghi nhận để kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung.
Điều 22. Các quy định khác
Các quy định khác liên quan đến tuyển dụng
công chức cấp xã không quy định trong Quy chế này thì được thực hiện theo quy định
của Nghị định số 112/2011/NĐ-CP, ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về
công chức xã, phường, thị trấn, Thông tư số 06/2012/TT-BNV, ngày 30 tháng 11
năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu
chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn./.