UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
---------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
60/2008/QĐ-UBND
|
Thủ
Dầu Một, ngày 22 tháng 10 năm 2008
|
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Thị Kim Vân
|
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH VÀ HỖ TRỢ
PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BÒ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2008 - 2012
(Ban hành kèm theo Quyết định số 60/2008/QĐ-UBND ngày 22/10/2008 của Uỷ ban
nhân dân tỉnh Bình Dương)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Bản Quy định này áp dụng một số chính sách nhằm khuyến
khích, huy động mọi nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển
chăn nuôi bò trong vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh Bình
Dương; góp phần tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo
thêm nhiều sản phẩm, việc làm và tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2012 toàn tỉnh có
47.000 con bò, trong đó bò sữa là 6.990 con.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh
Phạm vi điều chỉnh của bản Quy định này bao gồm
các hoạt động đầu tư sau:
1. Đầu tư thành lập mới hoặc nâng cấp mở rộng
quy mô cơ sở sản xuất bò giống và cơ sở chăn nuôi bò sữa, bò thịt tập trung,
quy mô trang trại thuộc các thành phần kinh tế.
2. Đầu tư xây dựng và khai thác các cơ sở nghiên
cứu: Phòng thí nghiệm, trại thí nghiệm nhằm ứng dụng công nghệ mới vào chăn
nuôi.
Điều 3. Đối tượng áp dụng
Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết
định này gồm: Các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các chủ trang trại, các hộ gia
đình (gọi chung là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân) trực tiếp chăn nuôi bò sữa
ngoại, bò cái nền lai Zebu, bò lai hướng thịt, bò lai hướng sữa.
Điều 4. Điều kiện và các địa bàn ưu đãi
Dự án đầu tư đáp ứng các điều kiện sau đây được
ưu đãi đầu tư:
1. Điều kiện ưu đãi đầu tư: Đầu tư vào các ngành
nghề theo quy định tại Điều 2 bản Quy định này.
2. Địa bàn ưu đãi đầu tư: Nằm trong vùng quy hoạch
chăn nuôi tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006 - 2015 và tầm nhìn đến 2020 đã được
phê duyệt tại Quyết định số 330/QĐ-UBND ngày 26/10/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Chương II
CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH
VÀ HỖ TRỢ
Điều 5. Về đất đai
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia chăn
nuôi bò sữa, bò thịt được cấp có thẩm quyền ưu tiên giao quyền sử dụng hoặc cho
thuê đất ổn định, lâu đài (ít nhất là 30 năm) để lập trang trại chăn nuôi bò.
Quy mô đất được giao hoặc cho thuê căn cứ vào quỹ đất và khả năng phát triển
chăn nuôi bò của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhưng không quá hạn mức quy định
của Luật Đất đai.
- Trang trại chăn nuôi được hưởng chính sách đất
đai nêu tại điểm a khoản 3 Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của
Chính phủ về kinh tế trang trại.
Điều 6. Về giống bò
1. Đối với giống bò sữa
- Nhà nước đầu tư tinh bò sữa cao sản (trên
10.000 lít sữa/chu kỳ 305 ngày), trang thiết bị, vật tư kỹ thuật để lai tạo giống
bò sữa, với định mức cho 01 con bê sinh ra như sau:
+ Nitơ bảo quản tinh bò: 2 lít
+ Tinh bò sữa: 2 liều
+ Dụng cụ truyền tinh: 2 bộ
+ Hỗ trợ 50% tiền công phối giống
- Đào tạo cán bộ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho
bò
- Các tổ chức, cá nhân có bò cái nền (lai Zebu)
có trọng lượng từ 220 kg trở lên, đủ tiêu chuẩn giống đều được hưởng sự hỗ trợ
này.
2. Đối với bò thịt và bò sinh sản (lai Zebu).
- Gieo tinh nhân tạo: Nhà nước cấp 50% kinh phí
và vật tư phối giống bò thịt, với định mức cho 01 con bê sinh ra như sau:
+ Tinh bò thịt: 02 liều/con
+ Nitơ bảo quản tinh bò: 2 lít
+ Dụng cụ truyền tinh: 2 bộ
+ Hỗ trợ 50% tiền công phối giống
- Phối giống trực tiếp: Hỗ trợ mua bò đực giống
nhóm Zebu để nhảy trực tiếp ở những vùng chưa có điều kiện thực hiện thụ tinh
nhân tạo. Mức hỗ trợ 40% giá trị con giống tại thời điểm mua (40 bò cái sinh sản
được hỗ trợ mua 01 bò đực giống). Thời gian sử dụng bò đực giống không quá 5
năm.
- Hỗ trợ giống đối với tổ chức, cá nhân nuôi dưỡng
bò đực giống (theo Thông tư liên tịch số 148/2007/TTLT-BTC-NN&PTNT ngày
13/12/2007 của Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn
chế độ đặt hàng sản xuất và cung ứng sản phẩm giống vật nuôi).
- Nhà nước hỗ trợ 100% số tai, phiếu cá thể và
kinh phí để quản lý giống bò.
Điều 7. Về thú y, phòng
ngừa dịch bệnh
- Nhà nước chỉ đạo xây dựng vùng an toàn dịch bệnh
(thực hiện theo dự án an toàn dịch đã được duyệt).
- Hỗ trợ 100% kinh phí vắc xin tiêm phòng bệnh lở
mồm long móng và tụ huyết trùng trâu bò cho những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ (hộ
chăn nuôi trâu bò có quy mô đàn từ 10 con trở xuống).
- Nhà nước tổ chức tuyên truyền hướng dẫn, phổ
biến rộng rãi việc phòng trị bệnh đối với bò sữa, bò thịt và vệ sinh thú y đối
với sản phẩm sữa.
- Tổ chức đào tạo chuyên sâu cho cán bộ kỹ thuật
chuyên ngành.
Điều 8. Về khuyến nông
Ngân sách tỉnh chi cho hoạt động khuyến nông:
- Đào tạo chuyên sâu cho cán bộ kỹ thuật chăn
nuôi - thú y cơ sở về quy trình chăn nuôi, khai thác, bảo quản sữa, điều trị và
phòng ngừa các bệnh xảy ra đối với bò thịt, bò sữa.
- Tổ chức tập huấn chuyên môn cho người chăn
nuôi về quy trình chăn nuôi bò, cách chế biến thức ăn, kỹ thuật thâm canh và
xây dựng đồng cỏ trồng, phòng dịch bệnh cho bò sữa, khai thác, bảo quản sữa…
- Xây dựng các mô hình trình diễn về:
+ Quy trình kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc bò sữa.
+ Khai thác bảo quản sữa tươi.
+ Cách chế biến phụ phế phẩm nông nghiệp để làm
thức ăn cho chăn nuôi bò.
+ Trồng và thâm canh các giống cỏ cao sản để
chăn nuôi bò.
- Hỗ trợ các hộ - trang trại chăn nuôi thành lập
hợp tác xã.
Điều 9. Chính sách về
thuế
- Các chính sách ưu đãi thuế thực hiện theo Nghị
định số 108/2006/NĐ-CP ngày 20/9/2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
- Miễn các loại phí kiểm dịch vận chuyển bò giống.
Thuế suất bằng không đối với nhập khẩu bò giống, nhập tinh phôi, giống cỏ chăn
nuôi, các thiết bị thụ tinh nhân tạo bò, vật tư, thiết bị chăn nuôi và các thiết
bị đồng cỏ.
- Các ưu đãi về thuế theo chính sách thuế hiện
hành.
Điều 10. Chính sách về
tín dụng
- Nhà nước dành quỹ tín dụng ưu đãi từ Quỹ Đầu
tư phát triển và các nguồn vốn khác để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có dự
án vay tiền mua giống, đầu tư xây dựng trang trại, trồng cỏ và phát triển chăn
nuôi bò, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi bò.
- Mức cho vay đối với hộ chính sách được vay với
số tiền đủ mua 01 con bò cái tơ (bò thịt hoặc bò sữa) vay theo hình thức tín chấp,
thời gian vay là 05 năm.
- Điều kiện để được đầu tư: Đầu tư cho vay thông
qua các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi.
- Mức cho vay đối với đầu tư trang trại, doanh
nghiệp chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bò thì tùy thuộc điều
kiện cụ thể của dự án được duyệt, hình thức vay thế chấp, thời gian là 05 năm.
- Điều kiện để được đầu tư: Quy mô chăn nuôi từ
50 con trở lên (bò nuôi thịt hoặc bò giống sinh sản), 20 con trở lên đối với bò
sữa; có dự án sản xuất, kinh doanh khả thi (ngành nông nghiệp thẩm định về mặt
kỹ thuật; ngân hàng thẩm định về hiệu quả kinh tế của dự án).
- Ngân hàng chính sách: Cho vay trực tiếp có bảo
lãnh bằng tín chấp của các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội.
Điều 11. Về chính sách
cán bộ
Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã được hợp đồng
dài hạn mỗi huyện, thị xã 01 cán bộ kỹ thuật chăn nuôi thú y để thực hiện
chương trình phát triển chăn nuôi bò tại huyện. Nguồn kinh phí trả lương do
ngân sách huyện cân đối hàng năm cho chương trình phát triển chăn nuôi bò của
huyện, thị xã.
Điều 12. Nhu cầu về vốn
đầu tư
- Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2008 - 2012 ước tính
40,41 tỷ đồng.
- Nguồn vốn đầu tư: Từ nguồn vốn ngân sách Nhà
nước, vốn vay và vốn tự có của người chăn nuôi.
+ Vốn ngân sách Nhà nước 12,12 tỷ đồng.
+ Vốn vay 12,93 tỷ đồng.
+ Vốn tự có của người chăn nuôi 15,36 tỷ đồng.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Các Sở, ban,
ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của mỗi ngành, mỗi cấp có trách nhiệm tổ chức phổ biến, hướng dẫn các
trình tự thủ tục về đầu tư phát triển chăn nuôi bò và các chính sách một cách
thuận tiện, kịp thời, đúng pháp luật:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp
với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ quy hoạch, xây dựng vùng giống và
chăn nuôi bò sữa, bò thịt; triển khai các dự án phát triển chăn nuôi bò theo chủ
trương của tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm quản lý,
hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đề nghị ưu đãi đầu tư trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết
định cấp ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư.
3. Sở Tài chính phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn cân đối ngân sách hàng năm, đảm bảo kinh phí để thực hiện
dự án phát triển chăn nuôi bò và chính sách khuyến khích chăn nuôi bò đã ban
hành.
4. Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ quốc gia giải quyết
việc làm, Quỹ xóa đói giảm nghèo hướng dẫn các thủ tục cho vay ưu đãi để phát
triển chăn nuôi bò.
5. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn triển khai thực hiện dự án phát triển đàn bò ở địa phương mình; hàng năm
cân đối từ ngân sách địa phương để hỗ trợ triển khai, thực hiện các chính sách.
- Chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra các ngành, các cấp
thuộc huyện, thị xã trong việc triển khai và tổ chức thực hiện dự án ở địa
phương.
6. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện,
thị xã phổ biến, hướng dẫn và triển khai thực hiện Quy định này; định kỳ hàng
quý, 6 tháng, năm báo cáo kết quả thực hiện cho Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng
mắc phát sinh Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo Uỷ ban
nhân dân tỉnh để chỉ đạo, xử lý, sửa đổi và bổ sung kịp thời./.