Quyết định 579/QĐ-BNN-TT năm 2015 phê duyệt quy hoạch phát triển ngành điều đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 579/QĐ-BNN-TT
Ngày ban hành 13/02/2015
Ngày có hiệu lực 13/02/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Lê Quốc Doanh
Lĩnh vực Thương mại

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 579/QĐ-BNN-TT

Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỀU ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và PTNT;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 3993/QĐ-BNN-TT ngày 18/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành điều Việt Nam đến năm 2020;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành điều đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH

1. Quy hoạch ngành điều phải dựa trên nhu cầu thị trường và lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội để phát triển ngành điều theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả và bền vững.

2. Phát triển ngành điều cần tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng những thành tựu khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cho người trồng điều.

3. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ điều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng rộng rãi nhu cầu của thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu.

4. Phát huy mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế và sự hỗ trợ của nhà nước để đầu tư phát triển ngành điều bền vững.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Đến năm 2020

- Diện tích trồng điều cả nước ổn định ở quy mô 300.000 ha; năng suất bình quân đạt 1,5 tấn/ha. ở vùng trồng điều tập trung thuộc vùng trọng điểm đạt trên 2 tấn/ha; sản lượng hạt điều đạt khoảng 400.000 tấn.

- Tỷ lệ chế biến sâu sản phẩm nhân điều đạt 20%, chế biến dầu từ vỏ hạt điều đạt tỷ lệ 50%.

- Tồng giá trị kim ngạch xuất khẩu điều đạt khoảng 2,5 tỷ USD.

2. Định hướng đến năm 2030

Tiếp tục ổn định diện tích trồng điều, nhưng cần tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, đảm bảo ngành điều phát triển bên vững.

Định hướng đến năm 2030, năng suất điều bình quân cả nước đạt 2 tấn/ha, ở vùng sản xuất điều tập trung thuộc vùng trọng điểm đạt trên 2,5 tấn/ha; tỷ lệ chế biến sâu sản phẩm nhân điều đạt 40-50%, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD.

III. QUY HOẠCH ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030

1. Quy hoạch vùng trồng điều

- Vùng trồng điều trọng điểm, diện tích khoảng 200.000 ha ở 4 tỉnh: Bình Phước: 135.000 ha, Đồng Nai: 40.000 ha, Bình Thuận (huyện Đức Linh, Tánh Linh và Hàm Tân): 17.000 ha, Bà Rịa - Vung Tàu (huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Tân Thành): 8.000 ha.

- Các vùng khác khoảng 100.000 ha, gồm các tỉnh: Gia Lai 27.000 ha, Đắk Lắk 21.500 ha, Đắk Nông 9.000 ha, Lâm Đồng 9.000 ha, các huyện còn lại của tỉnh Bình Thuận 9.000 ha, Bình Định 15.000 ha, Phú Yên 3.000 ha, Khánh Hòa 3.500 ha, Ninh Thuận 2.000 ha, 3 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh) khoảng 1.000 ha.

2. Quy hoạch chế biến điều

- Rà soát quy hoạch các nhà máy, cơ sở chế biến nhân điều theo hướng giảm những cơ sở chế biến nhỏ, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; khuyến khích mở rộng những cơ sở chế biến quy mô lớn, sử dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến.

[...]