Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 3993/QĐ-BNN-TT năm 2014 phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành điều Việt Nam đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 3993/QĐ-BNN-TT
Ngày ban hành 18/09/2014
Ngày có hiệu lực 18/09/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Lê Quốc Doanh
Lĩnh vực Thương mại

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3993/QĐ-BNN-TT

Hà Nội, ngày 18 tháng 09 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH ĐIỀU VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành điều Việt Nam đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu của đề án

1. Mục tiêu chung

Phát triển ngành điều bền vững, theo hướng hiện đại, đồng bộ, sản xuất hàng hóa lớn với các sản phẩm đa dạng có chất lượng mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và kinh doanh điều.

2. Muc tiêu cụ thể đến năm 2020

- Ổn định diện tích điều khoảng 300 nghìn ha, năng suất 15 tạ hạt/ha, sản lượng 400 nghìn tấn hạt điều.

- Nâng tỷ lệ chế biến sâu sản phẩm nhân điều lên 20 % và dầu vỏ hạt điều lên 50 %.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu điều trên năm đạt 2,5 tỷ USD.

II. Nội dung của đề án

1. Đối với sản xuất

1.1. Rà soát quy hoạch phát triển điều

Rà soát, điều chỉnh vùng quy hoạch trồng điều phù hợp với điều kiện tự nhiên, kết hợp thâm canh và xen canh, trồng tái canh bằng giống điều mới, đáp ứng yêu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Đến năm 2020, tổng diện tích điều cả nước ổn định khoảng 300 nghìn ha, trong đó:

- Vùng trọng điểm phát triển điều gồm 4 tỉnh, khoảng 200 nghìn ha: Bình Phước 135 nghìn ha, Đồng Nai 40 nghìn ha, Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Tân Thành) 8 nghìn ha và Bình Thuận (huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân) 17 nghìn ha.

- Các vùng khác khoảng 100 nghìn ha: Gia Lai 27 nghìn ha, Đắk Lắk 21,5 nghìn ha, Đắk Nông 9 nghìn ha, Lâm Đồng 9 nghìn ha, các huyện còn lại của Bình Thuận 9 nghìn ha, Bình Định 15 nghìn ha, Phú Yên 3 nghìn ha, Khánh Hòa 3,5 nghìn ha, Ninh Thuận 02 nghìn ha; 03 tỉnh ĐBSCL (An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh) khoảng 01 nghìn ha.

Rà soát, phân loại diện tích điều già cỗi, năng suất thấp để trồng tái canh, trồng dặm, ghép cải tạo bằng giống điều mới khoảng 60 nghìn ha tại Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Gia Lai, Bình Định.

1.2. Xây dựng vùng sản xuất điều thâm canh

Xây dựng vùng sản xuất điều tập trung trong vùng quy hoạch áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh khoảng 150 nghìn ha ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Tân Thành) và Bình Thuận (huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân), trong đó:

- Khoảng 60 % diện tích áp dụng kỹ thuật tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả nhất là ở vùng chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu.

- Khoảng 50 % diện tích điều dưới 20 năm tuổi nhưng cây sinh trưởng kém, năng suất thấp do thiếu dinh dưỡng được chăm sóc phục hồi.

1.3. Trồng cải tạo thay thế giống điều

Diện tích điều trong vùng quy hoạch, tùy điều kiện cụ thể áp dụng trồng tái canh, trồng dặm và ghép cải tạo bằng giống mới khoảng 60 nghìn ha, tại tỉnh Bình Phước 30 nghìn ha, Đồng Nai 10,8 nghìn ha, Bà Rịa- Vũng Tàu 2 nghìn ha, Bình Thuận 12,5 nghìn ha; Đắk Nông 0,7 nghìn ha, Gia Lai 4 nghìn ha, trong đó:

[...]