QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TRONG TỈNH ĐẾN
NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15
tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển
thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Thương mại và Du lịch tại
Công văn số 59/TTr-STMDL ngày 07 tháng 12 năm 2007 về việc phê duyệt Đề án thương
mại nội địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
1. Phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh trước
hết phải gắn với việc tổ chức tiêu thụ hàng hoá sản xuất trong tỉnh và đáp ứng
ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng hàng hoá của các tầng lớp dân cư trong xã hội.
2. Phát triển thương mại trong tỉnh phải gắn với
đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại và phát triển nhiều loại hình doanh nghiệp
thuộc các thành phần kinh tế, đồng thời thiết lập các kênh lưu thông hàng hoá tạo
điều kiện cho thương mại phát triển ổn định, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển
sản xuất và đời sống.
3. Phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh gắn với
việc xây dựng nền thương mại văn minh, hiện đại trong bối cảnh đất nước hội nhập
ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Phát triển
thương mại trong tỉnh một cách bền vững với cấu trúc thị trường đa thành phần,
đa phương thức kinh doanh. Định hình tổ chức các kênh phân phối với nhiều thành
phần kinh tế tham gia kinh doanh.
Khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng kinh
doanh, đổi mới phương thức hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện
kỹ thuật hiện đại nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản
xuất kinh doanh. Phát triển nền thương mại của tỉnh ngày càng văn minh hiện đại,
phục vụ tốt nhu cầu phát triển sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, góp phần
phát triển xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng tưởng kinh tế.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Tốc độ tăng trưởng thương mại trong tỉnh hàng
năm giai đoạn đến 2010 là 18%/năm; giai đoạn 2011 - 2020 là 15%/năm. Tổng mức
lưu chuyển hàng hoá bán lẻ năm 2010 đạt 21.000 tỷ đồng, năm 2020 đạt 85.000 tỷ
đồng.
- Hình thành mạng lưới kinh doanh thương mại với
nhiều loại hình kinh doanh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và
nhu cầu tiêu dùng ở từng địa phương trong tỉnh.
- Xây dựng kết cấu hạng tầng thương mại văn minh
hiện đại ở các khu đô thị, khu công nghiệp; hoàn thành việc xây dựng và nâng cấp
hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh.
- Phát triển nguồn nhân lực thương mại có kỹ
năng, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh doanh trong điều kiện
hội nhập kinh tế quốc tế.
- Thiết lập mối quan hệ giữa nhà sản xuất và
doanh nghiệp thương mại nhằm định hình các kênh phân phối.
- Đổi mới hoạt động và nâng cao hiệu lực quản lý
nhà nước tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
1. Phát triển nhiều loại hình doanh nghiệp với
nhiều quy mô khác nhau từ nhỏ đến lớn, tăng về số lượng, đổi mới về phương thức
hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại phù hợp với tốc độ phát triển kinh
tế – xã hội và nhu cầu đòi hỏi của thị trường. Khuyến khích và tạo điều kiện
cho thương nhân thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật, với
các hình thức sau đây:
- Loại hình công ty thương mại tổng hợp:
Xây dựng chính sách ưu đãi và tạo điều kiện thuận
lợi cho thương nhân vay vốn đầu tư cơ sở vật chất, thành lập công ty thương mại
kinh doanh tổng hợp vừa tổ chức bán buôn vừa tổ chức hệ thống cửa hàng bán lẻ.
- Loại hình công ty phân phối (bán lẻ).
Các công ty này có mạng lưới bán lẻ bao gồm các
siêu thị, quầy hàng ở các chợ, cửa hàng tiện lợi ở các thị trấn, xã, phường.
Đây là loại hình công ty chuyên làm nhiệm vụ tổng đại lý tiêu thụ cho các nhà sản
xuất, các nhà phân phối đa quốc gia, tập đoàn đa ngành nghề.
- Các hộ kinh doanh.
Các hộ kinh doanh cá thể tuy có quy mô nhỏ nhưng
luôn luôn chiếm tỷ trọng rất lớn về số lượng và giá trị trong cơ cấu tổng mức
hàng hoá bán lẻ của tỉnh. Nhà nước cần quy định những tiêu chí tối thiểu (diện
tích, trang thiết bị, chế độ hạch toán, công cụ quản lý…) đối với các cửa hàng
kinh doanh độc lập của các hộ kinh doanh, thực hiện nếp sống văn minh thương mại,
hướng các hộ kinh doanh gắn trách nhiệm với người sản xuất, người tiêu dùng và
nghĩa vụ với Nhà nước.
- Công ty kinh doanh dịch vụ logistic: Là loại
hình công ty tổ chức hoạt động các dịch vụ hậu cần thương mại một cách chuyên
nghiệp. Loại hình công ty dịch vụ logistic có thể hoạt động độc lập và cũng có
thể là công ty thành viên thực hiện dịch vụ cho tổng công ty, tập đoàn…
- Công ty quản lý, kinh doanh khai thác chợ. Cần
nhanh chóng chuyển đổi mô hình Ban quản lý chợ sang loại hình doanh nghiệp hoặc
hợp tác xã quản lý, kinh doanh khai thác chợ theo tinh thần Nghị định
02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ… Riêng
đối với các chợ nông thôn, vùng sâu nếu đủ điều kiện thì chuyển đổi; nếu chưa hội
đủ điều kiện thì thực hiện theo cơ chế tài chính quy định tại Nghị định
43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.
- Hợp tác xã thương mại và dịch vụ nông thôn đảm
nhận các dịch vụ cung ứng “đầu vào” cho sản xuất nông nghiệp như: Giống, phân
bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, thú y, vật tư nông nghiệp… và tổ
chức “đầu ra” cho các hộ nông dân như: Thu mua, tổ chức tiêu thụ các loại nông
sản cho nông dân theo cơ chế giá thị trường góp phần ổn định thị trường, giá cả
trên địa bàn nông thôn.
2. Phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng
thương mại phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng
địa bàn.
- Trung tâm thương mại, siêu thị: Khuyến khích
và tạo điều kiện thuận lợi các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng các trung tâm
thương mại, siêu thị ở thị xã, thị trấn, khu dân cư tập trung, các khu công
nghiệp.
- Trung tâm logistic, tổng kho: Quy hoạch phát
triển trung tâm logistic và tổng kho tại các khu công nghiệp và vùng sản xuất
nông sản tập trung.
- Các cửa hàng chuyên doanh, tổng hợp: Khuyến
khích các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh xây dựng các cửa hàng chuyên doanh
hoặc kinh doanh tổng hợp tại các khu dân cư, các tụ điểm thương mại.
- Chợ các loại: hình thành hệ thống chợ nông
thôn, nâng cấp các chợ đô thị đạt tiêu chuẩn.
3. Phát triển các kênh phân phối trên thị
trường nội địa.
3.1. Kênh thu mua tiêu thụ hàng nông sản, thực
phẩm:
Hình thành và phát triển mối liên doanh, liên kết
giữa doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản thực phẩm với các hộ nông dân, trang
trại, các hợp tác xã thương mại – dịch vụ, các cơ sở giết mổ, chế biến… một
cách lâu dài và ổn định. Từ đó tạo ra các kênh liên kết dọc cho từng sản phẩm từ
khi bắt đầu sản xuất cho đến khi kết thúc vòng đời sản phẩm. Trong sự liên kết
này doanh nghiệp thương mại dự báo nhu cầu của thị trường, định hướng đầu tư
cho nhà sản xuất về quy mô, chất lượng và thời vụ của từng loại sản phẩm cụ thể,
đồng thời cung ứng giống, vật tư kỹ thuật theo yêu cầu để tạo ra sản phẩm thích
ứng với đòi hỏi của thị trường nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
Ngoài việc tổ chức chợ trung tâm xã để tiêu thụ
sản phẩm tại chỗ, cần chú trọng xây dựng chợ đầu mối nông sản nhằm thu gom hàng
nông sản để tổ chức phát luồng hoặc cung ứng cho các trung tâm logistics tổ chức
tiêu thụ trên thị trường nội địa hoặc xuất khẩu.
3.2. Tổ chức phân phối hàng công nghiệp tiêu
dùng:
Căn cứ vào nhu cầu tiêu dùng, tính chất của hàng
hoá và trình độ của sản xuất, thiết lập mối quan hệ giữa nhà sản xuất với nhà
phân phối theo mối quan hệ dọc (nhà sản xuất, nhập khẩu – bán buôn – bán lẻ –
người tiêu dùng) hoặc liên kết ngang (giữa các doanh nghiệp thương mại xuất nhập
khẩu, bán buôn và bán lẻ).
Thiết lập các kênh phân phối hàng công nghiệp tiêu
dùng thông qua mối quan hệ dọc giữa các đại lý với tổng đại lý, giữa các cửa
hàng độc lập với công ty thương mại hoặc giữa công ty bán buôn với các trung
tâm thương mại, siêu thị, chuỗi siêu thị của công ty hoặc tổng công ty.
IV. NỘI DUNG PHÁT TRIỂN THƯƠNG
MẠI TRONG TỈNH
1. Đổi mới phương thức kinh doanh, tổ chức
các kênh phân phối, cung ứng và tiêu thụ hàng hoá
a) Tổ chức kênh lưu thông hàng nông sản, thực phẩm
- Đối với nhóm nông sản phải qua chế biến công
nghiệp: Xây dựng mối liên kết:
+ Giữa hộ nông dân, chủ trang trại với hợp tác
xã thương mại – dịch vụ hoặc doanh nghiệp thương mại để đưa nông sản đến cơ sở
chế biến;
+ Giữa cơ sở chế biến với doanh nghiệp thương mại
để đưa hàng hoá tiếp tục trở lại khâu lưu thông đi đến địa chỉ tiêu thụ.
b) Kênh lưu thông hàng công nghiệp tiêu dùng
- Hàng hoá đi thẳng từ doanh nghiệp sản xuất qua
mạng lưới phân phối, bán buôn, bán lẻ của chính doanh nghiệp sản xuất, hoặc qua
hệ thống đại lý tiêu thụ do doanh nghiệp sản xuất tự tổ chức đến với người tiêu
dùng, hoặc xuất khẩu.
- Hàng hoá từ các doanh nghiệp sản xuất chuyển
sang doanh nghiệp thương mại hoặc các trung tâm logistic để tổ chức tiêu thụ
thông qua hệ thống đại lý, các cửa hàng độc lập, trung tâm thương mại, các siêu
thị… hoặc xuất khẩu.
Các doanh nghiệp thương mại liên kết với doanh
nghiệp sản xuất tổ chức các tổng kho đầu mối, các cụm kho trung chuyển, các
trung tâm logistic để thực hiện việc phát luồng, phân phối hàng công nghiệp
tiêu dùng.
c) Tổ chức lưu thông các ngành hàng thuộc diện đặc
thù
Phát triển các cửa hàng lưu thông các ngành hàng
này theo quy hoạch ngành hàng của tỉnh. Đối với những mặt hàng kinh doanh có điều
kiện chủ hộ kinh doanh phải tự nguyện đăng ký và cam kết thực hiện nghiêm chỉnh
các quy định của Nhà nước.
d) Thiết lập các kênh lưu thông hàng hoá theo địa
bàn
- Các huyện Tân Uyên, Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú
Giáo: Tại các vùng sản xuất nông sản tập trung thành lập các hợp tác xã thương
mại dịch vụ. Mỗi xã có một chợ dân sinh, có ít nhất 01 cửa hàng vật tư nông nghiệp,
01 cửa hàng thu mua nông sản. Tại các thị trấn huyện thành lập các doanh nghiệp
thương mại kinh doanh tổng hợp.
- Các huyện Thuận An, Dĩ An: Tại các thị trấn,
huyện lỵ khuyến khích thương nhân thành lập doanh nghiệp thương mại chuyên
doanh hàng nông sản, thực phẩm; cung ứng hàng hoá cho các chợ, siêu thị, trung
tâm thương mại. Doanh nghiệp thương mại chuyên phân phối hàng công nghiệp tiêu
dùng với các chuỗi cửa hàng tổng hợp ở các chợ và cụm dân cư.
Tại các xã xây dựng mỗi xã 01 chợ trung tâm và
các chợ vệ tinh tại các cụm dân cư công nghiệp. Hệ thống cửa hàng tổng hợp, đại
lý tiêu thụ, cửa hàng chuyên doanh tại các khu dân cư đô thị mới.
- Tại địa bàn thị xã Thủ Dầu Một: Nhà nước tạo
điều kiện thuận lợi cho thương nhân thành lập các doanh nghiệp kinh doanh hàng
nông sản, thực phẩm tươi sống để khai thác nguồn hàng trong và ngoài tỉnh, tạo
hệ thống phân phối hàng thực phẩm tươi sống cho các chợ, siêu thị trong thị xã,
phát luồng cho các chợ trung tâm và siêu thị ở các huyện;
Có chính sách ưu đãi khuyến khích thương nhân
thành lập công ty chuyên doanh lương thực; hình thành kênh phân phối theo quan
hệ dọc tỉnh, huyện, xã nhằm đáp ứng nhu cầu và đảm bảo an ninh lương thực cho tỉnh.
Sở Thương mại và Du lịch phối hợp với UBND thị
xã Thủ Dầu Một xây dựng quy hoạch phát triển thương mại – dịch vụ trên địa bàn
thị xã, trong đó cần chú ý quy hoạch phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm
thương mại, các dãy phố chuyên doanh, các cụm, tụ điểm thương mại nhằm định hướng
và đưa hoạt động thương mại của thị xã từng bước đi vào nề nếp.
Xây dựng trung tâm thông tin thương mại; hội chợ,
triển lãm; trung tâm đấu giá hàng hoá; sàn giao dịch điện tử, buôn bán hàng hoá
qua mạng.
- Tại các khu công nghiệp:
Mô hình công ty kinh doanh dịch vụ logistics được
thành lập tùy thuộc khả năng và điều kiện cụ thể, có thể là công ty thành viên
làm dịch vụ cho các công ty của tổng công ty, tập đoàn, công ty mẹ – con và
cũng có thể được tổ chức theo dạng công ty độc lập làm dịch vụ cho các doanh
nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã…
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dịch vụ đầu
tư sản xuất chế biến suất ăn công nghiệp, phục vụ cho các khu công nghiệp để kiểm
soát vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng nhằm bảo đảm sức khỏe cho
công nhân.
- Tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối: Cần
tạo điều kiện và khuyến khích các ngân hàng mở loại hình dịch vụ tín dụng, chuyển
tiền, thanh toán nhằm giúp thương nhân hoàn thành nhanh các thủ tục thanh toán;
mua, bán hàng hoá.
2. Xây dựng các dự án, chương
trình phát triển thương mại – dịch vụ trên địa bàn tỉnh
- Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương
mại, dịch vụ: Xây dựng 14 siêu thị, 16 trung tâm thương mại, nâng cấp và xây mới
52 chợ các loại, 6 - 9 trung tâm logistic.
- Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ và phổ cập kiến
thức pháp luật, kinh doanh cho thương nhân.
- Chương trình xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn
chất lượng (ISO): Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng
thương hiệu, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế (ISO).
- Chương trình xây dựng nếp sống văn hoá, văn
minh thương mại.
3. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất thương mại
trên địa bàn tỉnh: Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển cơ sở
vật chất thương mại, mở rộng quy mô kinh doanh và địa bàn hoạt động, quan tâm đầu
tư xây dựng chợ nông thôn.
4. Đổi mới công tác quản lý nhà nước về thương mại
trên địa bàn tỉnh: Phổ biến kiến thức pháp luật cho cán bộ quản lý thương mại;
phổ biến, tuyên truyền hướng dẫn cho thương nhân về pháp luật kinh doanh thương
mại, kiểm tra giám sát các hoạt động thương mại theo quy định pháp luật.
5. Cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện
thuận lợi và khuyến khích các loại hình doanh nghiệp phát triển.
V. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN
THƯƠNG MẠI TRONG TỈNH
A. Giải pháp mang tính chất vĩ mô
1. Hoàn thiện việc quy hoạch tổng thể phát triển
thương mại đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Tiến hành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể
phát triển thương mại cho phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển
đến năm 2020. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển thương mại, Sở Thương mại
và Du lịch phối hợp với UBND các huyện, thị xã xây dựng quy hoạch chi tiết hệ
thống kết cấu hạ tầng thương mại gắn với quy hoạch đô thị, phát triển dân cư
trên từng địa bàn.
Căn cứ vào quy hoạch chi tiết kết cấu hạ tầng
thương mại các địa phương xác định vị trí, chuẩn bị quỹ đất để lập dự án mời gọi
các nhà đầu tư xây dựng các công trình thương mại trọng điểm như: Trung tâm
thương mại, siêu thị, chợ, kho, cảng, bến bãi…
2. Hoàn thiện và công khai các quy định của Nhà
nước về kinh doanh và đầu tư các công trình thương mại.
Trước hết cần hoàn thiện hệ thống các văn bản
pháp quy về thương mại. Thực hiện việc tiêu chuẩn hoá các loại hình kinh doanh.
Tiến hành cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh
doanh thương mại.
Quy hoạch vị trí có nhiều lợi thế để phát triển
thương mại, ưu tiên dùng quỹ đất để tạo vốn đầu tư phát triển chợ, đặc biệt là
chợ nông thôn.
Tạo điều kiện và khuyến khích các thành phần
kinh tế đầu tư xây dựng các công trình thương mại trên địa bàn tỉnh.
3. Chuyển đổi mô hình quản lý tổ chức kinh doanh
và quản lý chợ:
Đối với các chợ ở xã, phường đang thực hiện chế
độ khoán thu theo tinh thần Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ,
tiếp tục tạo điều kiện cho chợ hoạt động ổn định và tăng cường nếp sống văn
minh thương mại, những chợ có khả năng phát triển thì chuyển sang mô hình doanh
nghiệp quản lý, kinh doanh khai thác chợ.
Đối với chợ thị trấn, thị xã, chợ đầu mối… đang
hoạt động theo mô hình ban quản lý thì cần sớm chuyển đổi sang mô hình doanh
nghiệp quản lý, kinh doanh, khai thác chợ theo quy định của Nhà nước.
4. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các
thành phần kinh tế kinh doanh thương mại.
Xúc tiến nghiên cứu việc tiêu chuẩn hoá các loại
hình kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh, các đối tượng kinh doanh phải được
học tập để nắm vững các quy định của pháp luật về kinh doanh thương mại. Khuyến
khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực
thương mại, dịch vụ được học tập nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ kinh doanh dưới
nhiều hình thức đào tạo.
5. Đổi mới nội dung quản lý nhà nước về thị trường
và hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức và hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước
các cấp về thương mại, có sự phân cấp trách nhiệm rõ ràng, cụ thể. Thực hiện tốt
chức năng hướng dẫn và giám sát thương nhân hoạt động kinh doanh, dịch vụ
thương mại trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Phối hợp với các cơ quan
liên quan xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin
phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường
đảm bảo cho hoạt động kinh doanh thương mại lành mạnh, ngăn chặn kịp thời các
hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, kinh doanh trái phép.
Xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa cơ quan quản
lý nhà nước với thương nhân; tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ thương nhân thực
hiện tốt các quy định của Nhà nước và phát triển kinh doanh.
B. Giải pháp đối với doanh nghiệp
1. Nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm
hàng hoá.
Đối với sản phẩm nông sản, thực phẩm: Cần nghiên
cứu xác định các loại cây, con cho phù hợp theo hướng tăng năng suất, đảm bảo
chất lượng; tăng cường kiểm soát dịch bệnh, đầu tư (kho, công nghệ…) cho công
tác bảo quản chế biến sau thu hoạch để giảm bớt hao hụt và bảo quản chất lượng
sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Đối với sản phẩm công nghiệp tiêu dùng: Tích
cực đổi mới công nghệ, đưa công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch thay thế dần
công nghệ cũ, lạc hậu để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, giá thành hạ, kiểu
dáng đẹp, tiện dụng, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Phát triển sản phẩm mới
phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Doanh nghiệp cần tích cực đầu tư xây dựng, quảng
bá thương hiệu của đơn vị và sản phẩm hàng hóa của mình trên thị trường.
2. Đẩy mạnh việc xây dựng quy trình quản lý chất
lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO).
Đầu tư xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo
tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện tốt việc đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch cho
doanh nghiệp và hàng hoá.
3. Tích cực thực hiện việc đổi mới doanh nghiệp,
khuyến khích doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ:
Cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng hàng
hoá, chất lượng phục vụ và hạ giá thành sản phẩn, để nâng cao năng lực cạnh
tranh.
Tích cực đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin
vào các hoạt động của doanh nghiệp: Quảng cáo, chào hàng, mua, bán, thanh toán,
quản lý… chuẩn bị tốt các điều kiện để thương mại điện tử trở thành một trong
những phương thức kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư,
hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thành lập các trung tâm logistic trong các
khu công nghiệp, các vùng sản xuất nông sản tập trung…
4. Thực hiện tốt mối liên kết giữa doanh nghiệp
thương mại với người sản xuất.
Cần thiết phải thiết lập mối quan hệ gắn bó giữa
doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại – dịch vụ với nông dân trong quan hệ phát
triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp thương mại
với nhà sản xuất công nghiệp trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhằm
tăng khả năng cạnh tranh, đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp.
5. Thành lập các hội, hiệp hội trong lĩnh vực
thương mại.
Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho
thương nhân thành lập hội, hiệp hội và hoạt động theo quy định của pháp luật. Tổ
chức của hội, hiệp hội theo nhiều dạng khác nhau, có thể theo ngành hàng, theo
loại hình kinh doanh, theo quy mô tổ chức, trên nguyên tắc tự nguyện và được
pháp luật công nhận.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Sở Thương mại và Du lịch phối hợp với các ngành
có chức năng của tỉnh, UBND các huyện, thị tổ chức triển khai Đề án; xây dựng kế
hoạch và biện pháp để thực hiện có hiệu quả Đề án theo từng giai đoạn cụ thể.
Xây dựng các giải pháp huy động các nguồn vốn,
thu hút đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu
tư, kinh doanh trên lĩnh vực thương mại;
UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm xây dựng kế
hoạch và biện pháp triển khai thực hiện Đề án phát triển thương mại phù hợp với
chủ trương chính sách của Nhà nước, định hướng phát triển thương mại của tỉnh
và điều kiện thực tế tại địa phương.
Sở Thương mại – Du lịch theo dõi tình hình thực
hiện Đề án, định kỳ tổ chức sơ kết đánh giá việc phát triển thương mại trên địa
bàn tỉnh, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để giải quyết những vướng mắc, khó khăn và
đề xuất giải pháp nhằm thực hiện Đề án có hiệu quả.