BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5475/QĐ-BNN-TCLN
|
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT DỰ ÁN “TRANG BỊ GHI ÂM, GHI HÌNH CÓ ÂM THANH TRONG ĐIỀU TRA
HÌNH SỰ CỦA CƠ QUAN KIỂM LÂM, KIỂM NGƯ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ"
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP
ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 1172/QĐ-TTg
ngày 11 tháng 9 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án về cơ sở vật
chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh việc
hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng
cục Lâm nghiệp và Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Dự án “Trang bị ghi âm, ghi hình có âm
thanh trong điều tra hình sự của cơ quan Kiểm lâm, Kiểm ngư theo quy định của Bộ
luật Tố tụng hình sự”, gồm các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU
1. Bảo đảm hoạt động điều tra hình sự
của cơ quan Kiểm lâm, Kiểm ngư được tuân thủ theo quy đúng quy định của Bộ luật
tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP hướng
dẫn trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, sử dụng, bảo
quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều
tra, truy tố, xét xử: bảo đảm việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra
hình sự của cơ quan Kiểm lâm, Kiểm ngư: chống sai oan, bảo vệ quyền con người,
quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
2. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp
vụ, hiệu quả trong công tác điều tra hình sự và xử lý vi phạm hành chính của cơ
quan Kiểm lâm, Kiểm ngư.
II. NỘI DUNG THỰC
HIỆN
1. Cải tạo,
nâng cấp phòng làm việc kết hợp sử dụng làm phòng hỏi cung bị can, lấy lời khai
ghi âm, ghi hình có âm thanh
1.1 Nguyên tắc cải tạo, nâng cấp
Việc cải tạo nâng cấp phải tận dụng tối
đa phòng làm việc và cơ sở vật chất hiện có, tiết kiệm chi phí đầu tư, trên cơ
sở kết hợp vừa làm việc, vừa sử dụng làm phòng hỏi cung, lấy lời khai của những
người có liên quan khi cần thiết; không xây dựng phòng hỏi cung mới (trừ trường
hợp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt xây dựng trụ sở mới có thiết kế phòng
hỏi cung bị can, lấy lời khai đương sự, người làm chứng riêng).
1.2. Yêu cầu về kỹ thuật sau khi được
cải tạo, nâng cấp
- Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đối
tượng tham gia buổi hỏi cung, lấy lời khai;
- Có đủ diện tích phù hợp cho việc bố
trí bàn ghế cho những người tham gia hỏi cung và đối tượng bị hỏi cung, lấy lời
khai: có chỗ đặt máy ghi hình có âm thanh cơ động ghi được đầy đủ hình ảnh, âm
thanh trong suốt quá trình hỏi cung, lấy lời khai;
- Bảo đảm điều kiện về nhiệt độ, ánh
sáng, cách âm phù hợp không làm ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh, âm thanh
trong quá trình hỏi cung và chống lộ, lọt thông tin.
- 1.3. Phương án cải tạo, nâng cấp
a) Đối với cơ quan Kiểm lâm
- Đối với cơ quan Kiểm lâm ở trung
ương;
+ Tại Cục Kiểm lâm: cải tạo, nâng cấp
01 phòng làm việc vừa để sử dụng làm việc, khi cần thiết sử dụng làm phòng hỏi
cung, lấy lời khai ghi âm, ghi hình có âm thanh
+ Tại 04 Chi cục Kiểm lâm vùng: Mỗi
Chi cục cải tạo, nâng cấp 01 phòng vừa để sử dụng làm việc, khi cần thiết sử dụng
làm phòng hỏi cung, lấy lời khai ghi âm, ghi hình có âm thanh.
+ Tại 06 Hạt Kiểm lâm thuộc 6 Vườn Quốc
gia thuộc Tổng cục Lâm nghiệp: Mỗi Hạt cải tạo, nâng cấp 01 phòng vừa để sử dụng
làm việc, khi cần thiết sử dụng làm phòng hỏi cung, lấy lời khai ghi âm, ghi
hình có âm thanh.
- Đối với cơ quan Kiểm lâm ở địa
phương:
+ Tại Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh: Căn
cứ vào yêu cầu thực tế trong hoạt động điều tra hình sự của Chi cục Kiểm lâm để
cải tạo, nâng cấp 01 phòng vừa để sử dụng làm việc, khi cần thiết sử dụng làm
phòng hỏi cung, lấy lời khai ghi âm, ghi hình có âm thanh.
+ Tại các Hạt Kiểm lâm: Căn cứ vào
yêu cầu thực tế trong hoạt động điều tra hình sự của Chi Hạt Kiểm lâm để cải tạo,
nâng cấp 01 phòng vừa để sử dụng làm việc, khi cần thiết sử dụng làm phòng hỏi
cung, lấy lời khai ghi âm, ghi hình có âm thanh.
b) Đối với cơ quan Kiểm ngư
- Tại Cục Kiểm ngư: cải tạo, nâng cấp
01 phòng vừa để sử dụng làm việc, khi cần thiết sử dụng làm phòng hỏi cung, lấy
lời khai ghi âm, ghi hình có âm thanh.
- Tại Chi cục Kiểm ngư Vùng 1, Trạm
Kiểm ngư Bạch Long Vỹ, Trạm Kiểm ngư Phú Quốc: tùy theo yêu cầu thực tế trong hoạt
động điều tra hình sự tại các Chi cục, Trạm cải tạo, nâng cấp 01 phòng vừa để sử
dụng làm việc, khi cần thiết sử dụng làm phòng hỏi cung, lấy lời khai ghi âm,
ghi hình có âm thanh.
- Tại 10 tàu Kiểm ngư: tùy theo yêu cầu
thực tế trong hoạt động điều tra hình sự để cải tạo, nâng cấp 01 phòng vừa để sử
dụng làm việc, khi cần thiết sử dụng làm phòng hỏi cung, lấy lời khai ghi âm,
ghi hình có âm thanh.
2. Trang bị hệ thống
thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh cơ động
2.1. Nguyên tắc trang bị
Việc trang bị phương tiện, thiết bị
ghi âm, ghi hình có âm thanh cơ động phải căn cứ vào yêu cầu thực tế trong hoạt
động điều tra hình sự để xác định số lượng cho phù hợp, tiết kiệm kinh phí đầu
tư, tránh lãng phí.
2.2. Yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống
thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh cơ động
- Hệ thống thiết bị ghi âm, ghi hình
có âm thanh cơ động phải bảo đảm theo dõi, giám sát đầy đủ quá trình hỏi cung,
lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đối chất tại trụ sở cơ quan Kiểm lâm, Kiểm
ngư hoặc tại các địa điểm khác khi có yêu cầu ghi âm, ghi hình:
- Hệ thống thiết bị ghi âm, ghi hình
có âm thanh cơ động phải bảo đảm cung cấp âm thanh, hình ảnh chất lượng cao; được
áp dụng công nghệ hiện đại, vận hành đơn giản, thuận tiện, có cấu hình mở; có
chế độ lưu trữ, trích xuất khi cần thiết để phục vụ cho việc điều tra, truy tố,
xét xử và kiểm tra giám sát.
- Cấu hình thiết bị ghi hình có âm
thanh cơ động phải bảo đảm chức năng cơ bản sau:
+ Bộ thiết bị bao gồm: máy trạm di động
cài đặt sẵn phần mềm quản lý, camera tích hợp micro có độ phân giải và độ nhạy
cao, có hộp đựng (nằm gọn trong 1 vali di động);
+ Giao diện người dùng: giao diện phần
mềm trực quan với người sử dụng, có mật khẩu bảo vệ cho từng người khi đăng nhập,
phân quyền cấu hình cho từng người dùng, không giới hạn tạo các nhóm người
dùng;
+ Có chức năng bảo mật, chức năng tìm
kiếm các phiên hỏi cung, lấy lời khai, chức năng phát lại, trích xuất dữ liệu
ghi âm, ghi hình.
- Thiết bị ghi âm cơ động phải có các
chức năng như: bộ nhớ trong lớn, micro thu âm có độ nhạy cao, có khả năng chống
ồn thông minh: có thẻ nhớ gắn ngoài để tăng thời lượng ghi âm; có cổng nối để
sao lưu, chuyển kết quả ghi âm: thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng.
- Tủ bảo quản thiết bị và lưu trữ kết
quả ghi âm, ghi hình có âm thanh phải bảo đảm có hệ thống chống ẩm, mốc để lưu
trữ dữ liệu được lâu dài, có khóa bảo mật theo quy định.
2.3. Phương án trang bị
a) Đối với cơ quan Kiểm lâm
- Đối với cơ quan Kiểm lâm ở trung
ương:
+ Tại Cục Kiểm lâm trang bị 01 bộ thiết
bị ghi hình có âm thanh cơ động, 01 bộ thiết bị ghi âm cơ động, 01 tủ bảo quản
thiết bị và lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình.
+ Tại 04 Chi cục Kiểm lâm vùng: Mỗi
Chi cục trang bị 01 bộ thiết bị ghi hình có âm thanh cơ động, 01 bộ thiết bị
ghi âm cơ động, 01 tủ bảo quản thiết bị và lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình.
+ Tại 06 Hạt Kiểm lâm thuộc 6 Vườn Quốc
gia thuộc Tổng cục Lâm nghiệp: Mỗi Hạt trang bị 01 bộ thiết bị ghi hình có âm
thanh cơ động, 01 bộ thiết bị ghi âm cơ động, 01 tủ bảo quản thiết bị và lưu trữ
kết quả ghi âm, ghi hình.
- Đối với cơ quan Kiểm lâm ở địa
phương:
+ Tại Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh: Căn
cứ vào yêu cầu thực tế trong hoạt động điều tra hình sự của Chi cục để đề xuất
nhu cầu trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh cho phù hợp.
+ Tại các Hạt Kiểm lâm: Căn cứ vào
yêu cầu thực tế trong hoạt động điều tra hình sự của Hạt Kiểm lâm, Chi cục Kiểm
lâm đề xuất nhu cầu trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh cơ động cho
phù hợp.
b) Đối với cơ quan Kiểm ngư:
- Tại Cục Kiểm ngư trang bị 01 bộ thiết
bị ghi hình có âm thanh cơ động, 01 bộ thiết bị ghi âm cơ động, 01 tủ bảo quản
thiết bị và lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình.
- Tại Chi cục Kiểm ngư Vùng 1, Trạm
Kiểm ngư Bạch Long Vỹ, Trạm Kiểm ngư Phú Quốc: Mỗi đơn vị trang bị 01 bộ thiết
bị ghi hình có âm thanh cơ động, 01 bộ thiết bị ghi âm cơ động, 01 tủ bảo quản
thiết bị và lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình.
- Tại 10 tàu Kiểm ngư: tùy theo yêu cầu
thực tế trong hoạt động điều tra hình sự để đề xuất nhu cầu trang bị thiết bị
ghi âm, ghi hình có âm thanh cho phù hợp.
3. Kiện toàn bộ
máy cán bộ
3.1. Nguyên tắc bố trí cán bộ
- Cán bộ được phân công làm công tác
điều tra, quản lý và sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh phải có lập
trường chính trị vững vàng, đạo đức tốt; có năng lực, am hiểu nghiệp vụ về điều
tra hình sự, có chứng chỉ đã được tập huấn nghiệp vụ về điều tra hình sự.
- Việc bố trí cán bộ được phân công
làm công tác điều tra, quản lý và sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh
được sử dụng từ nguồn cán bộ hiện có, không phát sinh thêm biên chế.
- Cán bộ được phân công làm công tác
điều tra, quản lý và sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh thuộc cơ
quan Kiểm lâm trung ương do Cục trưởng Cục Kiểm lâm phê duyệt; thuộc cơ quan Kiểm
lâm địa phương do Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh phê duyệt; thuộc cơ
quan Kiểm ngư do Cục trưởng cục Kiểm ngư phê duyệt.
3.2. Phương án bố trí cán bộ
a) Đối với cơ quan Kiểm lâm
- Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, cơ
quan kiểm lâm các cấp phân công cán bộ làm công tác điều tra, quản lý và sử dụng
thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh cho phù hợp.
- Tại Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm
cấp tỉnh tùy theo yêu cầu cụ thể bố trí 01 cán bộ kiêm nhiệm làm công tác quản
lý, xử lý sự cố kỹ thuật và theo dõi việc sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình có
âm thanh thuộc phạm vi quản lý của đơn vị.
- Thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm các cấp
khi thực hiện hoạt động điều tra chịu trách nhiệm quản lý trang thiết bị, tính
bảo mật, lưu trữ tài liệu ghi âm, ghi hình có âm thanh theo quy định của pháp
luật.
b) Đối với cơ quan Kiểm ngư
- Căn cứ vào yêu cầu thực tế trong hoạt
động điều tra hình sự, cơ quan Kiểm ngư phân công cán bộ làm công tác điều tra,
quản lý và sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh cho phù hợp.
- Tại Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư
Vùng 1. Trạm Kiểm ngư Bạch Long Vỹ, Trạm Kiểm ngư Phú Quốc tùy theo yêu cầu cụ
thể bố trí 01 cán bộ kiêm nhiệm làm công tác quản lý, xử lý sự cố kỹ thuật và
theo dõi việc sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh thuộc phạm vi quản
lý của đơn vị.
- Thủ trưởng cơ quan Kiểm ngư các cấp
khi thực hiện hoạt động điều tra chịu trách nhiệm quản lý trang thiết bị, tính
bảo mật, lưu trữ tài liệu ghi âm, ghi hình có âm thanh theo quy định của pháp
luật.
4. Tổ chức tập huấn
nghiệp vụ
4.1. Đối tượng
tham gia tập huấn:
- Cán bộ được phân công làm công tác
điều tra, quản lý và sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh của cơ quan
Kiểm lâm, Kiểm ngư các cấp phải tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ về quản lý, sử
dụng thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh.
- Dự kiến số lượng cán bộ tham gia tập
huấn của cơ quan Kiểm lâm là 500 người, của cơ quan Kiểm ngư là 100 người.
4.2. Nội dung tập huấn
- Triển khai Thông tư liên tịch số
03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC- TANDTC-BQP;
- Công tác quản lý, sử dụng thiết bị
ghi âm, ghi hình có âm thanh.
4.3. Thời gian thực hiện: năm 2021.
4.4. Đơn vị tổ chức tập huấn:
- Cục Kiểm lâm tổ chức tập huấn cho
công chức Kiểm lâm.
- Cục Kiểm ngư tổ chức tập huấn cho
công chức Kiểm ngư.
III. KẾ HOẠCH THỰC
HIỆN
1. Năm 2020
- Hoàn thành phê duyệt dự án;
- Kiện toàn bộ máy, cán bộ được phân
công làm công tác điều tra, quản lý và sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình có âm
thanh.
2. Năm 2021
- Quý I, II:
+ Tập huấn cho cán bộ được phân công
lâm công tác điều tra, quản lý và sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh
của cơ quan Kiểm lâm, Kiểm ngư các cấp;
+ Cải tạo, nâng cấp phòng làm việc kết
hợp làm phòng hỏi cung bị can; mua sắm thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh tại
cơ quan Kiểm lâm, Kiểm ngư các cấp.
- Quý III, IV: Tiếp tục triển khai cải
tạo, nâng cấp cơ sở vật chất; mua sắm thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh tại
cơ quan Kiểm lâm, Kiểm ngư các cấp có yêu cầu thực hiện các hoạt động điều tra.
3. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 thống
nhất thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động điều tra của
cơ quan Kiểm lâm, Kiểm ngư trong phạm vi toàn quốc.
IV. KINH PHÍ
1. Kinh phí trung ương
1.1. Khái toán kinh phí năm 2021 và
kinh phí vận hành hàng năm:
Khái toán kinh phí thực hiện dự án tại
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là: 12.333.950.000 đồng (Mười hai tỷ, ba
trăm ba mươi ba triệu, chín trăm năm mươi nghìn đồng chẵn); trong đó:
- Kinh phí thực hiện của cơ quan Kiểm
lâm ở trung ương là: 8.120.180.000 đồng.
- Kinh phí thực hiện của cơ quan Kiểm
ngư là: 4.213.770 đồng.
(Biểu
dự toán toán kinh phí kèm theo)
1.2. Nguồn kinh phí: Chi thường xuyên
(Nguồn sự nghiệp kinh tế).
2. Kinh phí địa phương
Trên cơ sở Dự án này, Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương xác định nhu cầu kinh phí thực hiện Dự án.
3. Quản lý và sử dụng kinh phí
Kinh phí thực hiện Dự án do ngân sách
nhà nước đảm bảo và được sử dụng trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương theo quy định về phân cấp
ngân sách nhà nước hiện hành. Việc quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà
nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và
các văn bản hướng dẫn thi hành.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các cơ quan trực thuộc Bộ
a) Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy
sản chủ trì, chỉ đạo Cục Kiểm lâm, Cục Kiểm ngư tổ chức thực hiện đúng tiến độ;
quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí được giao theo đúng quy định của
pháp luật;
b) Vụ Tài chính phân bổ, giao dự toán
cho các đơn vị để thực hiện các nội dung của dự án.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương
a) Trên cơ sở Dự án này, giao Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm) xây dựng kế hoạch, dự toán
chi tiết trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai
thực hiện;
b) Chỉ đạo các Sở, Ngành có liên quan
phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện dự án.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục
Lâm nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Thủ trưởng các đơn vị liên quan
trực thuộc thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (báo cáo);
- Lưu VT, TCLN.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hà Công Tuấn
|