Quyết định 54/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công Thương tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2025

Số hiệu 54/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/01/2011
Ngày có hiệu lực 13/01/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Bùi Đức Lợi
Lĩnh vực Thương mại

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 13 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG THƯƠNG TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2011-2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;

Căn cứ Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ Công Thương về ban hành Quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BCT, ngày 5/5/2010 của Bộ Công Thương về Ban hành quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thương mại;

Xét đề nghị của Sở Công thương tại Tờ trình số 60/TT-SCT ngày 28/12/2010 về việc phê duyệt Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công Thương giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến 2025 (kèm theo Biên bản thẩm định ngày 16/12/2010 của Hội đồng thẩm định được thành lập tại Quyết định số 829/QĐ-UBND ngày 16/8/2010 của UBND tỉnh),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công Thương tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025 (kèm theo Dự án Quy hoạch do Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp - Bộ Công thương đơn vị tư vấn lập), với các nội chủ yếu sau:

I. Quan điểm quy hoạch:

1. Về công nghiệp

- Đảm bảo tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, có giá trị gia tăng lớn làm động lực cho quá trình phát triển các ngành kinh tế quốc dân khác.

- Huy động mọi nguồn lực, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư và sản xuất công nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến.

- Chú trọng phát triển thuỷ điện, công nghiệp chế biến nông-lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản. Tập trung thu hút đầu tư vào các khu cụm công nghiệp tập trung đã được quy hoạch trên địa bàn.

- Từng bước phục hồi và phát triển các nghề truyền thống có giá trị tôn vinh bản sắc dân tộc, đặc thù của các dân tộc Tây Nguyên. Phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp ở những nơi có điều kiện nhất để làm động lực, lan toả ra diện rộng, chú trọng vào các khu đô thị, khu tập trung dân cư và các khu vực kinh tế, công nghiệp.

2. Về thương mại

- Khuyến khích đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các loại hình dịch vụ, nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại và đóng góp tỷ trọng cao nhất trong GDP của tỉnh.

- Phát triển xuất khẩu của tỉnh trên cơ sở phát huy lợi thế về vị trí địa - kinh tế, là cầu nối quan trọng của ba nước vùng biên và khu vực Tây Nguyên, thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, xây dựng - dịch vụ và nông lâm nghiệp, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

- Chú trọng phát triển thương mại nội địa, đưa hoạt động thương mại từ đô thị tới các vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng thị trường nông thôn và khu vực các vùng sâu, vùng cao, đảm bảo cung cấp đầy đủ mặt hàng chính sách xã hội.

- Phát huy nội lực, kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài để phát triển ngành thương mại trở thành ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Kon Tum và bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng.

- Tăng cường xây dựng cơ chế điều tiết, khống chế và ứng phó khẩn cấp, đảm bảo cho thị trường ổn định và có trật tự.

II. Mục tiêu quy hoạch:

1. Mục tiêu tổng quát:

1.1. Về công nghiệp

Trong những năm tới, mục tiêu phát triển công nghiệp Kon Tum vẫn là tiếp tục phát triển với tốc độ cao, bền vững, thân thiện với môi trường và hỗ trợ tối đa cho các ngành nông nghiệp và dịch vụ phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân Kon Tum, đưa nền kinh tế của Kon Tum lên một bước phát triển mới.

Giá trị sản xuất công nghiệp trong giai đoạn đến 2015 tăng bình quân 21%/năm, đạt khoảng 3.550 tỷ đồng (giá 94); bình quân 2016-2020 tăng 16%/năm, đạt 7.460 tỷ đồng đến 2020 . Từ 2021-2025 tăng bình quân khoảng 14%, đạt 14.400 tỷ đồng vào 2025.

1.2. Về thương mại

[...]