Quyết định 54/2006/QĐ-UBND phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu giai đoạn 2006-2010, tầm nhìn 2020

Số hiệu 54/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 15/08/2006
Ngày có hiệu lực 15/08/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Lò Văn Giàng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/2006/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 15 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN MƯỜNG TÈ GIAI ĐOẠN 2006-2010, TẦM NHÌN 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 87/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lai Châu thời kỳ 2006 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 865/QĐ-UB ngày 30/9/2004 của UBND tỉnh Lai Châu về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Tè giai đoạn 2006-2010, tầm nhìn 2020;

Xét đề nghị của UBND huyện Mường Tè tại Tờ trình số 63/TTr-UBND ngày 03/12/2005, văn bản số 122/UBND-TH ngày 12 tháng 7 năm 2006 V/v đề nghị phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường tè giai đoạn 2006 -2010, tầm nhìn 2020 và văn bản thẩm định số 168/TĐ-KHĐT ngày 4 tháng 8 năm 2006 của Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Tè giai đoạn 2006-2010, tầm nhìn 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu chung:

Tận dụng tối đa tiềm năng và lợi thế so sánh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp. Cải thiện rõ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; có cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển và các doanh nghiệp tham gia đầu tư trên địa bàn; phát triển các ngành công nghiệp có ưu thế; mở rộng ngành nghề truyền thống và phát triển các mô hình HTX dịch vụ tổng hợp. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, ổn định dân cư, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho mọi tầng lớp lao động; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; gắn phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Giai đoạn 2006 - 2010, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đưa Mường Tè thoát khỏi huyện đặc biệt khó khăn, tạo nền tảng để đến năm 2020 Mường Tè thoát khỏi huyện kém phát triển. Góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ Quốc gia.

2. Các mục tiêu cụ thể:

- Về kinh tế: Đến năm 2010, GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 5,7 triệu đồng (tăng 2,1 lần so với năm 2005, bằng 81% bình quân cả tỉnh), đến năm 2020 đạt 20,9 triệu đồng (tăng 3,1 lần so với năm 2010, bằng 84% bình quân là tỉnh).

Tốc độ tăng trưởng bình quân

Thời kỳ 2006 - 2010

Thời kỳ 2006 - 2020

GDP

12-13%

12,1%

Nông - lâm nghiệp, thuỷ sản

6-7%

6,51%

Công nghiệp - xây dựng

19-20%

17%

Dịch vụ

17-18%

15,2%

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp:

Cơ cấu kinh tế

Năm 2010

Năm 2020

Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản

40-45%

25-30%

Công nghiệp, xây dựng

29-34%

40-45%

Dịch vụ

25-30%

30-35%

- Về xã hội: Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống dưới 2,01% vào năm 2010 và dưới 2% vào năm 2020. Đến năm 2010 không còn hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 40% vào năm 2010 và dưới 10% vào năm 2020. Củng cố và tăng cường các kết quả giáo dục, y tế, giải quyết việc làm,

- Về môi trường: Bảo vệ diện tích rừng hiện có, nâng độ che phủ đạt trên 55% vào năm 2010 và đạt 65-74% vào năm 2020.

- Về quốc phòng, an ninh: Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với hệ thống phòng thủ vững chắc từ thôn bản đến huyện, tỉnh, đảm bảo tính cơ động, sẵn sàng chiến đấu, chủ động đối phó với mọi tình huống.

3. Phương hướng phát triển các ngành và lĩnh vực xã hội:

3.1. Về nông - lâm nghiệp: Tận dụng và phát huy các điều kiện về tài nguyên thiên nhiên, con người, đầu tư có trọng điểm, thực hiện đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện các vùng kinh tế, có thị trường tiêu thụ theo hướng sản xuất hàng hoá. Hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng xuất khẩu, tạo nên cơ cấu hợp lý trong nội bộ ngành nông nghiệp. Từng bước chuyển những diện tích cây trồng hiệu quả kinh tế thấp như lúa nương sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, xây dựng nền nông nghiệp của huyện theo hướng sinh thái bền vững.

- Nông nghiệp: Phấn đấu đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, áp dụng rộng rãi công nghệ giống và kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất và sản lượng. Khuyến khích phát triển những cây công nghiệp ngắn ngày thích hợp với điều kiện của huyện như lạc, đậu tương, bông,… Phát triển các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị cao như đào, cam, lê, mận, vải thiều, nhãn, thảo quả, cao su,… hình thành vùng trồng cây ăn quả hàng hoá tập trung ở các xã vùng thấp. Cung ứng giống có chất lượng cao trong chăn nuôi, làm tốt công tác thú y, vận động đồng bào chuyển đổi tập quán chăn thả truyền thống sang chăn nuôi theo các trang trại.

- Thuỷ sản: Phát triển nuôi trồng thuỷ sản, khai thác diện tích nước mặt hồ hiện có, phát triển thêm ao, hồ; tiến tới nuôi trồng tập trung, quy mô lớn khi hồ thuỷ điện Lai Châu hoàn thành.

- Lâm nghiệp: Bảo vệ và phát triển vốn rừng với cơ cấu cây trồng có lựa chọn, nâng độ che phủ rừng lên 55% vào năm 2010 và 74% vào năm 2020 để phát huy chức năng rừng phòng hộ đầu nguồn, điều tiết nguồn nước cho các công trình thuỷ điện và tạo vùng nguyên liệu cho nhà máy giấy Lai Châu và làng nghề truyền thống Bum Nưa. Giai đoạn 2006 - 2010 phấn đấu trồng mới 1.250 ha rừng và khoanh nuôi bảo vệ tái sinh tự nhiên cho 30.703 ha rừng, giai đoạn 2011 - 2020 trồng mới 3.204,8 ha rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên cho 36.609 ha rừng.

3.2. Công nghiệp - xây dựng: Tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có ưu thế như công nghiệp thuỷ điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông - lâm đặc sản, sản xuất hàng tiêu dùng và các ngành nghề truyền thống nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế, làm động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

- Công nghiệp năng lượng: Cùng với việc xây dựng nhà máy thuỷ điện Lai Châu với công suất 1.200MW, đẩy mạnh xây dựng phát triển đưa lưới điện quốc gia về huyện bằng đường dây 110 KV theo trục giao thông Pa Tần – Hua Bum – Trung tâm thị trấn Mường Tè. Khảo sát, xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ.

- Công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng: Đa dạng hoá hình thức đầu tư và sản phẩm, lựa trọn quy mô sản xuất thích hợp, công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến, kết hợp giữa thiết bị nhập ngoại và thiết bị sản xuất trong nước đồng thời phải phù hợp với đặc thù, thói quen sử dụng và sức mua của người dân trong vùng. Quản lý tốt công tác khai thác đá, cát, sỏi và đẩy mạnh xây dựng một số dây truyền sản xuất như gạch Tuynel, ngói xi măng loại 13 viên/1m2, gạch không nung 6 triệu viên/năm…

[...]