Quyết định 87/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu thời kỳ 2006 – 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 87/2006/QĐ-TTg
Ngày ban hành 20/04/2006
Ngày có hiệu lực 15/05/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
************

Số: 87/2006/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH LAI CHÂU THỜI KỲ 2006 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu tại tờ trình số 578/TTr-UBND ngày 12 tháng 10 năm 2005, văn bản số 10/UBND-TH ngày 9 tháng 1 năm 2006 và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 1532/BKH/TĐ&GSĐT ngày 10 tháng 3 năm 2006 về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu thời kỳ 2006 – 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu thời kỳ 2006 – 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

Khai thác tối đa các nguồn nội lực, kết hợp với sự hỗ trợ của Trung ương và cả nước, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, từng bước rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển so với các tỉnh trong khu vực và phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phát triển sản xuất hàng hóa; phát huy tối đa lợi thế kinh tế cửa khẩu; lấy thủy điện, khoáng sản, xi măng, bột giấy, chè, cao su, thảo quả, dược liệu, chăn nuôi đại gia súc làm sản phẩm hàng hóa chủ lực và lâu dài. Tổ chức tốt việc di dân. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, chăm sóc bảo vệ rừng đầu nguồn của lưu vực sông Đà nhằm bảo vệ nguồn nước cho các công trình thủy điện lớn của quốc gia.

Phát triển kinh tế phải kết hợp hài hòa với giải quyết các vấn đề bức xúc về xã hội như xóa đói, giảm nghèo, định canh định cư, nâng cao dân trí, đào tạo cán bộ, đặc biệt là cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc ít người, cán bộ nữ thực hiện tốt chính sách dân tộc, giúp đỡ đồng bào các dân tộc ít người ổn định cuộc sống, thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Gắn các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh với việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược của quốc gia trên địa bàn là: xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước gắn với xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác ổn định lâu dài.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế; cải thiện rõ rệt hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; phát huy lợi thế về cửa khẩu, các tài nguyên khoáng sản, thủy điện, đất đai, khí hậu để phát triển các ngành kinh tế; tập trung xóa đói, giảm nghèo, hoàn thành cơ bản định canh định cư; bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; bào đảm quốc phòng – an ninh, ổn định chính trị, bào vệ vững chức chủ quyền biên giới quốc gia.

Giai đoạn 2006 – 2010 đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đưa Lai Châu cơ bản ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh trong vùng và trong cả nước. Đến năm 2020 thoát khỏi tình trạng tỉnh kém phát triển.

2. Định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực

a) Các ngành, lĩnh vực kinh tế

- Về kinh tế: đến năm 2010 GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 7 triệu đồng (tăng 2 lần so với năm 2005, bằng 45% bình quân cả nước), đến năm 2020 đạt 24,8 triệu đồng (bằng 50 – 65% bình quân cả nước).

Tốc độ tăng trưởng bình quân

Thời kỳ 2006 – 2010

Thời kỳ 2006 – 2020

GDP

14 – 15%

12,6%

Nông – lâm nghiệp, thủy sản

5 – 6%

6,13%

Công nghiệp – xây dựng

26 – 27%

18%

Dịch vụ

17 – 18%

13,7%

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, giảm giá trị nông, lâm nghiệp:

Cơ cấu kinh tế

Năm 2010

Năm 2020

Nông, lâm nghiệp, thủy sản – công nghiệp – dịch vụ

32 – 35 – 33%

20 – 45 – 35%

Tăng htu ngân sách trên địa bàn, phấn đấu đến 2010 thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 165 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt trên 500 tỷ đồng.

Tăng nhanh giá trị hàng xuất khẩu, đến năm 2010 tổng giá trị hàng xuất khẩu sản xuất tại địa phương đạt 10 triệu USD/năm, đến năm 2020 đạt trên 30 triệu USD/năm.

- Về nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội bộ ngành nông nghiệp, lựa chọn một số cây, con có ưu thế để tập trung phát triển, chuyển sang sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến và các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu.

+ Trồng trọt:

Phát triển sản xuất lương thực: phấn đấu đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, áp dụng rộng rãi công nghệ giống và kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất cao ở những khu vực có điều kiện. Đến năm 2010, tổng sản lượng lương thực đạt trên 150.000 tến, lương thực bình quân đầu người đạt khoảng 400kg/người/năm, đến năm 2020 đạt trên 165.000 tấn, bình quân đầu người khoảng 370kg/người/năm.

Phát triển cây chè theo hướng thâm canh tăng năng suất, đến năm 2010 diện tích chè đạt 4.500 ha, trong đó trồng mới 500 ha, đến năm 2020 đạt 5.500 ha, trong đó có 4.500 ha chè kinh doanh, trồng mới cây cao su trên địa bàn các xã biên giới diện tích từ 3.000 – 5.000 ha. Phát triển cây thảo quả, đến năm 2010 đạt 3.000 ha, trong đó trồng mới 1.000 ha, năm 2020 đạt 5.000 ha. khuyến khích phát triển những cây công nghiệp ngắn ngày thích hợp với điều kiện của tỉnh như: bông, lạc, đậu tương… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện đời sống dân cư. Nghiên cứu tổ chức mạng lưới thu mua và tiêu thụ sản phẩm của thương nghiệp quốc doanh.

[...]