Quyết định 539/QĐ-UBND năm 2006 phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 539/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/11/2006
Ngày có hiệu lực 24/11/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Lê Thị Quang
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 539/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 14 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29/6/2001; Luật Giao thông đường thủy ngày 15/6/2004; Nghị Quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng, tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tuyên Quang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Điều 2. Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Thị Quang

 

ĐỀ ÁN

CÁC GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 539/2006/QĐ-UBND ngày 14/11/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. Thực trạng tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh

1. Tình hình trật tự an toàn giao thông từ năm 2003 đến nay:

Thực hiện Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19-11-2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông đã được kiềm chế, năm sau liên tục giảm hơn năm trước đối với cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương.

Trong điều kiện còn khó khăn về nguồn lực đầu tư để cải thiện hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, trong khi tốc độ gia tăng về phương tiện giao thông, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao thì những kết quả đã đạt được là sự cố gắng của Ban An toàn giao thông, của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và quan trọng là đã có sự tham gia, ủng hộ của đại đa số nhân dân.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong thời gian qua chưa vững chắc, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao, nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông vẫn rất đáng lo ngại.

2. Nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông:

Nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, sự vi phạm của người tham gia giao thông chiếm tỷ lệ 85,7% trên tổng số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn.

Phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật vẫn tham gia giao thông. Số lượng phương tiện tăng nhanh, chủ yếu là mô tô, xe máy, ô tô làm tăng mật độ lưu thông trên đường.

Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Một số công trình giao thông bị hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa kịp thời. Một số đoạn đường tầm nhìn bị che khuất gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Các tuyến đường mới cải tạo, nâng cấp nhưng tai nạn giao thông lại có chiều hướng gia tăng (Quốc lộ 2) do tâm lý chủ quan, phóng nhanh vượt ẩu, thiếu tập trung khi điều khiển phương tiện; một số vị trí trên đường đã tạo ra “điểm đen” gây tai nạn giao thông.

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa thường xuyên, chưa phù hợp với từng đối tượng tham gia giao thông.

 Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng tuy đã được củng cố, tăng cường, nhưng chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế hiện nay; chưa tập trung kiểm tra, xử lý mạnh có trọng tâm, trọng điểm vào các đối tượng thường xuyên vi phạm trật tự an toàn giao thông; sự phối hợp của các lực lượng chức năng chưa thường xuyên, thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Một số cơ quan thành viên Ban an toàn giao thông chưa quan tâm đúng mức đến công tác an toàn giao thông, chủ yếu còn giao phó cho lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông; chưa thường xuyên thực hiện việc báo cáo, phân tích, đánh giá tình hình TTATGT để kịp thời đề ra giải pháp khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức điều hành.

[...]