Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 21/KH-UBND năm 2016 nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực nông thôn đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 21/KH-UBND
Ngày ban hành 08/03/2016
Ngày có hiệu lực 08/03/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Phạm Minh Huấn
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 08 tháng 3 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG KHU VỰC NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020

Những năm gần đây, mạng lưới đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được đầu tư mạnh mẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, tuy nhiên tình hình tai nạn giao thông ở khu vực nông thôn lại có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do hiểu biết pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của người dân khu vực nông thôn còn hạn chế, chưa tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, tỷ lệ người vi phạm TTATGT vẫn còn ở mức cao, nhất là người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; đường giao thông nông thôn mặc dù được cải tạo mở rộng, nâng cấp bê tông hóa nhưng còn thiếu hệ thống biển báo và thiết bị bảo đảm an toàn giao thông, tầm nhìn tại các điểm giao cắt bị che khuất bởi nhà cửa, cây trồng; trong khi đó, nhận thức trách nhiệm của lãnh đạo, chính quyền địa phương còn chưa đầy đủ, chưa huy động được các lực lượng bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn.

Nhằm hạn chế tình trạng tai nạn giao thông gia tăng ở khu vực nông thôn và thực hiện hiệu quả Quyết định số 4251/QĐ-BGTVT ngày 01/12/2015 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đến năm 2020”; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực nông thôn đến năm 2020, với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác đảm bảo TTATGT khu vực nông thôn; huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, đồng thời huy động các lực lượng bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn giao thông trong nhân dân; nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật TTATGT của người dân khu vực nông thôn khi tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông khu vực nông thôn.

3. Các hoạt động được triển khai thống nhất trong toàn tỉnh để tạo sự chuyển biến trong hoạt động bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

II. CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN NÔNG THÔN

1. Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền vận động người dân khu vực nông thôn tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT, thực hiện các biện pháp phòng, tránh tai nạn giao thông.

2. Bảo đảm an toàn phương tiện, loại bỏ 100% xe ô tô và phương tiện thủy nội địa quá niên hạn sử dụng, xe công nông và xe tự chế; nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông cho người dân ở nông thôn.

3. Huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông nông thôn, tăng cường biện pháp tổ chức giao thông và các điều kiện bảo đảm an toàn đường giao thông nông thôn.

4. Huy động các lực lượng tham gia bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn, nòng cốt là lực lượng Công an huyện, Công an xã.

5. Tăng cường thực hiện công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số.

6. Xây dựng các Tổ sơ cấp cứu tai nạn giao thông ở mỗi xã, với lực lượng nòng cốt là nhân lực và trang thiết bị của trạm y tế xã và sự tham gia của các tổ chức đoàn thể ở địa phương.

7. Tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, nâng cao năng lực về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho các cán bộ cấp huyện, cấp xã, thôn, bản bao gồm: Cán bộ phụ trách về giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông, Công an xã, Dân phòng, Đoàn thanh niên, các tổ chức đoàn thể xã, Trưởng thôn và các chức sắc tôn giáo ở địa phương.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Ban An toàn giao thông tỉnh

- Là cơ quan đầu mối tổng hợp, hướng dẫn và phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác chỉ đạo về bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn; triển khai thực hiện các Chương trình phối hợp về bảo đảm TTATGT đã ký với các tổ chức đoàn thể; xây dựng và phát hành cẩm nang điều khiển phương tiện giao thông an toàn cho người dân khu vực nông thôn.

- Tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tập trung kiểm tra tại địa bàn nông thôn có tai nạn giao thông tăng cao.

- Phối hợp Sở Tài chính đề xuất kinh phí để hỗ trợ cho các sở, ngành và đoàn thể tỉnh trong công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT trên địa bàn nông thôn, tập trung triển khai các mô hình ở các địa phương trọng điểm, có hiệu quả và thiết thực.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Sơ kết 03 năm và Tổng kết 05 năm công tác triển khai thực hiện Kế hoạch này.

2. Công an tỉnh

- Hỗ trợ và chỉ đạo Công an các huyện, thành phố huy động các lực lượng, xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng công an xã tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm ở các tuyến đường giao thông nông thôn thường xảy ra tai nạn; duy trì tập huấn công tác đảm bảo TTATGT cho lực lượng Công an xã, đồng thời phân công mỗi cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông huyện, thành phố phụ trách xã, thị trấn để nắm tình hình, hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ Công an xã tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

- Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm phải kết hợp với công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho người dân.

- Xử lý nghiêm các trường hợp xe ô tô và phương tiện thủy nội địa hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế lưu hành tham gia giao thông theo quy định.

3. Sở Giao thông vận tải

- Tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn.

[...]