Quyết định 53/2014/QĐ-UBND về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Long An

Số hiệu 53/2014/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/10/2014
Ngày có hiệu lực 08/11/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Long An
Người ký Nguyễn Thanh Nguyên
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/2014/QĐ-UBND

Long An, ngày 29 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT CỦA NGƯỜI DÂN TẠI CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở;

Căn cứ Nghị quyết số 133/2014/NQ-HĐND ngày 21/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số mức chi bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Long An;

Xét đề nghị của Liên sở: Tài chính - Tư pháp tại tờ trình số 3303/TTrLS- STC-STP ngày 17/10/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; kinh phí phục vụ hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật các cấp; các Chương trình, Đề án, Kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở (sau đây gọi là công tác phổ biến giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật).

2. Quyết định này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật

1. Kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và được bố trí trong dự toán của các cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ và theo các quy định tại quyết định này.

Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước do ngân sách nhà nước bảo đảm và huy động từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Nguồn kinh phí xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật thực hiện theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.

Điều 4. Nội dung chi

1. Chi hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật các cấp, Ban chỉ đạo các Chương trình Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật, bao gồm:

a) Chi tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ, các phiên họp định kỳ, đột xuất, phiên họp tư vấn của Hội đồng, Ban chỉ đạo;

b) Chi văn phòng phẩm và biên soạn tài liệu phục vụ các hoạt động của Hội đồng, Ban chỉ đạo;

c) Chi các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra;

d) Chi sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng.

2. Chi thực hiện công tác thông tin, truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm:

a) Xây dựng chương trình, chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật, thực hiện truyền thông trên báo, tạp chí, đài phát thanh, đài truyền hình, tập san, bản tin, thông tin lưu động, triển lãm chuyên đề, làm bảng thông tin và hộp tin;

b) Thực hiện thông cáo báo chí, bao gồm: Chi biên soạn tài liệu và văn phòng phẩm phục vụ hoạt động thông cáo báo chí; chi tổ chức họp báo, phát hành, đăng tải thông cáo báo chí trên các phương tiện thông tin đại chúng;

c) Thông qua băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích và các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác;

d) Thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, bao gồm: biên soạn tin, bài phục vụ việc phát thanh; thù lao cho phát thanh viên; hỗ trợ trang bị hoặc thuê trang thiết bị phục vụ việc phát thanh tin, bài phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật.

[...]