Quyết định 53/2006/QĐ-UBND ban hành Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Kế hoạch 15-KH/TU về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Quảng Bình đến năm 2020

Số hiệu 53/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/12/2006
Ngày có hiệu lực 28/12/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Nguyễn Văn Giàu
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/2006/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 18 tháng 12 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 15-KH/TU, NGÀY 26 THÁNG 7 NĂM 2006 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50/CT-TW ngày 04 tháng 3 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số  461/TT-SKHCN, ngày 20 tháng 10 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Kế hoạch số 15-KH/TU ngày 26 tháng 7 năm 2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Quảng Bình đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Vănphòng Chính phủ;
- Bộ Khoa học và Công nghệ; B/c
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy, các ban Đảng của Tỉnh ủy;
- Văn phòng HĐND, các ban của HĐND tỉnh;
- Báo Quảng Bình; Đài PT-TH Quảng Bình;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT, KTTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hoài

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 15-KH/TU NGÀY 26 THÁNG 7 NĂM 2006 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 53/2006/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

A. MỤC TIÊU

I. Mục tiêu chung

- Phấn đấu đến năm 2020, công nghệ sinh học (CNSH) ở Quảng Bình phát triển ngang mức trung bình của cả nước, thực hiện "Đi tắt, đón đầu" ở một số sản phẩm, lĩnh vực. Từng bước phát triển kinh tế tri thức.

- Nghiên cứu, tiếp nhận và ứng dụng có chọn lọc các thành tựu CNSH trong và ngoài nước phục vụ có hiệu quả sự phát triển bền vững nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường nhằm phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ cao, bền vững.

- Đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nghiên cứu, ứng dụng CNSH đạt trình độ tiên tiến có khả năng nghiên cứu, tiếp nhận và ứng dụng CNSH phục vụ sản xuất và đời sống.

II. Mục tiêu cụ thể

1. Giai đoạn từ 2006 đến năm 2010

Tiếp cận và làm chủ được một số lĩnh vực CNSH để ứng dụng trong điều kiện cụ thể của tỉnh, xây dựng tiềm lực CNSH bao gồm việc đào tạo, tuyển dụng đội ngũ cán bộ chuyên ngành về CNSH và đầu tư xây dựng, hoàn thiện các phòng thí nghiệm ứng dụng CNSH.

Ứng dụng rộng rãi CNSH trên các lĩnh vực đã có thành tựu nghiên cứu như sử dụng ưu thế giống lai, công nghệ chiết ghép, giâm hom, nuôi cấy mô tế bào để tạo ra giống cây trồng, cây lâm nghiệp, nấm ăn; các vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; nuôi trồng và chế biến thủy sản; phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, bộ KIT chẩn đoán bệnh, vacxin cho vật nuôi, chế phẩm vi sinh xử lý chất thải… phục vụ nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra sản phẩm hàng hóa; bảo tồn và nhân giống các nguồn gen quý hiếm ở địa phương; bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường... Ứng dụng có hiệu quả một số loại vacxin phòng chống bệnh xã hội; công nghệ y sinh học phục vụ cho chẩn đoán, điều trị bệnh. Đẩy mạnh việc ứng dụng CNSH trong bảo vệ môi trường, bảo quản và chế biến nông lâm thủy sản.

2. Giai đoạn từ 2010 đến 2020

Phát triển mạnh CNSH, đi vào chuyên sâu một số lĩnh vực. Ứng dụng rộng rãi các thành tựu của CNSH vào địa phương tiến tới nghiên cứu và sản xuất được một số chế phẩm, sản phẩm sinh học quan trọng.

Tiếp tục đào tạo nâng cao và đào tạo bổ sung lực lượng cán bộ chuyên ngành CNSH; đào tạo tiến sỹ và thạc sỹ theo chương trình của các bộ, ngành Trung ương về CNSH. Nâng cấp và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, các cơ sở nghiên cứu về CNSH.

Đẩy mạnh việc lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao từ các nguồn gen quý hiếm của địa phương; ứng dụng đưa vào sản xuất đại trà một số loại giống biến đổi gen; ứng dụng các thành tựu CNSH để phát triển ngành công nghiệp sinh học nhằm sản xuất đại trà các giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa và chế biến phục vụ xuất khẩu, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị các bệnh hiểm nghèo, bảo vệ và khắc phục có hiệu quả ô nhiễm, suy thoái môi trường.

B. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

[...]