Quyết định 513/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 513/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/04/2011
Ngày có hiệu lực 06/04/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Nguyễn Xuân Huế
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 513/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 06 tháng 4 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020 CỦA TỈNH QUẢNG NGÃI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 -2020;

Căn cứ Quyết định số 1305/QĐ-LĐTBXH ngày 22/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2015,

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 11/2011/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 26/01/2011 của Liên bộ: Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020;

Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 19/TTr- SLĐTBXH ngày 10/3/2011 về việc đề nghị quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 tỉnh Quảng Ngãi,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi (có bản Kế hoạch kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp; Thủ trưởng các Hội, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các Sở, Ban ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020 CỦA TỈNH QUẢNG NGÃI
(Kèm theo Quyết định số: 513/QĐ-UBND ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến 2020 của tỉnh Quảng Ngãi, với nội dung chủ yếu như sau:

I- MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Cùng với cả nước, tỉnh Quảng Ngãi phát triển công tác xã hội trở thành một nghề, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với việc hình thành và phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội ngày một tốt hơn trên địa bàn của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2010 - 2015:

- Triển khai, hướng dẫn áp dụng về mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội; tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội; tiêu chuẩn, quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội theo hướng dẫn của Trung ương để thực hiện trên địa bàn của tỉnh đối với những Sở, Ban, ngành, đoàn thể và địa phương có nhu cầu sử dụng cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội;

- Tham gia xây dựng, ban hành và triển khai các văn bản có liên quan theo thẩm quyền của địa phương nhằm tạo môi trường đồng bộ, thống nhất để phát triển nghề công tác xã hội;

- Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội trong cả tỉnh, phấn đấu đến năm 2015 ở tỉnh có đội ngũ cán bộ kể cả quản lý nhà nước và sự nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu quản lý; mỗi huyện có một cán bộ chuyên trách nghề công tác xã hội; mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 01 đến 02 cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội với mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định;

- Xây dựng mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội cấp tỉnh trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, phối hợp với các ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho ít nhất 50% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn; các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và cán bộ thuộc hệ thống của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội;

[...]