THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
509/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 4 năm 2001
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC ĐẦU TƯ DỰ ÁN NHÀ MÁY XI MĂNG SÔNG GIANH, TỈNH QUẢNG BÌNH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP
ngày 08 tháng 7 năm 1992 của Chính phủ ban hành kèm theo Quy chế Quản lý đầu tư
và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ
về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ Xây dựng
(công văn số 2323/BXD-KHTK ngày 15 tháng 12 năm 2000; số 541/BXD-KHTK ngày 09
tháng 4 năm 2000) và Tổng công ty Xây dựng miền Trung (số 2304/TCT-DAXM ngày 06
tháng 11 năm 2000), báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số
1004 BKH/VPTĐ ngày 22 tháng 02 năm 2001; số 2084 BKH/VPTĐ ngày 09 tháng 4 năm
2001), ý kiến của Bộ Tài chính (công văn số 64 TC/ĐT ngày 03 tháng 01 năm 2001),
Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình (công văn số 247/UB ngày 22 tháng 3 năm 2001),
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Đầu tư dự án Nhà
máy xi măng Sông Gianh với những nội dung chính như sau:
1. Tên dự án: Nhà máy xi măng
Sông Gianh.
2. Chủ đầu tư: Tổng công ty Xây
dựng miền Trung.
3. Hình thức quản lý dự án: Chủ
đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện dự án.
4. Địa điểm và diện tích đất được
sử dụng cho mặt bằng nhà máy: 33 ha, tại xã Tiến Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng
Bình.
5. Quy mô nhà máy và thiết bị
công nghệ:
Công suất thiết kế: 4.000 tấn
Clinker/ngày, tương ứng 1.275.000 tấn xi măng và 225.000 tấn Clinker/năm. Công
suất khai thác năm thứ nhất 70%, năm thứ hai 85%, từ năm thứ ba 100%.
Sản phẩm chính: xi măng PCB-30,
PCB-40, PC-50 (theo tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 6260-1997) và các loại xi măng đặc
chủng khác, đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng loại, bảo đảm yêu cầu tiêu thụ trong nước
và xuất khẩu.
Thiết bị công nghệ:
- Sản xuất xi măng bằng công nghệ
lò quay, theo phương pháp khô, nhập thiết bị hiện đại, đồng bộ của các hãng
tiên tiến trên thế giới, tiêu chuẩn kỹ thuật Châu Âu. Các thiết bị phi tiêu chuẩn,
kết cấu thép, sản xuất tại Việt Nam.
- Các chỉ số về độ ồn, bụi, khói
thải, nước thải, đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ
môi trường của Việt Nam.
6. Nguồn nguyên liệu chính:
- Đá vôi: khai thác tại mỏ đá Tiến
Hoá, xã Tiến Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình.
- Đất sét: khai thác tại mỏ sét
Mai Hoá, xã Mai Hoá và mỏ sét Phong Hoá, xã Phong Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng
Bình.
- Quặng sắt: sử dụng mỏ sắt Sen
Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.
Khi khai thác đá vôi, đất sét và
quặng sắt phải tuân thủ các quy định hiện hành về bảo vệ các di tích lịch sử,
văn hóa, môi trường, cảnh quan.
- Ba zan: Quỳ Hợp - Nghệ An.
- Đá cao silic: nghiên cứu sử dụng
mỏ Đức Hoá, huyện Tuyên Hoá tỉnh Quảng Bình và vùng lân cận nhà máy này.
- Nhiên liệu sử dụng: than cám 3
và 4A.
- Các nguyên liệu khác phục vụ sản
xuất được mua từ các nguồn trong nước, chỉ mua từ nước ngoài những nguyên liệu
trong nước không sản xuất được.
7. Điện, nước:
- Điện: được cấp từ lưới điện quốc
gia theo tuyến 110 KV.
- Nước: dùng nguồn nước mặt từ
sông Trổ (nhánh của sông Gianh).
8. Cấp công trình và kết cấu xây
dựng:
Công trình được xây dựng kiên cố
với kiến trúc công nghiệp hiện đại, phù hợp với yêu cầu lắp đặt thiết bị và yêu
cầu sử dụng của từng hạng mục công trình, đảm bảo độ bền vững và các tiêu chuẩn
kỹ thuật xây dựng.
- Cấp công trình: cấp II (TCVN).
- Bậc chịu lửa:
Bậc I (TCVN) đối với các hạng mục
công trình dễ có nguy cơ cháy nổ.
Bậc II (TCVN) đối với các công
trình còn lại.
9. Về vận tải:
Xây dựng đường bộ và cầu ngoài
nhà máy, nạo vét luồng lạch ngoài khối lượng đã tính trong báo cáo nghiên cứu
khả thi để đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ. Chủ đầu tư có trách nhiệm
cùng Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình và Bộ Giao thông Vận tải thống nhất hình
thức đầu tư, không tính trong vốn đầu tư của nhà máy xi măng.
10. Bảo vệ môi trường:
Chủ đầu tư có trách nhiệm thực
hiện các giải pháp có hiệu quả để giảm thiểu các tác động về bụi, tiếng ồn, nhiệt,
chất thải, bảo đảm môi trường sinh thái theo quy định hiện hành của pháp luật
Việt Nam.
11. Tổng mức đầu tư:
Tổng mức đầu tư: 2.877 tỷ đồng,
tương đương 201,23 triệu USD (với tỷ giá 1 USD =
14.300 đồng) trong đó nội tệ 1.247 tỷ đồng, ngoại tệ 114 triệu USD.
Bao gồm:
Xây lắp
715 tỷ đồng,
Thiết bị
1.362 tỷ đồng,
Chi phí khác
314 tỷ đồng,
Lãi vay trong thời gian xây dựng
248 tỷ đồng,
Dự phòng
167 tỷ đồng,
Vốn lưu động
71 tỷ đồng.
12. Nguồn vốn:
- Vốn vay của Quỹ Hỗ trợ phát
triển, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và cá Ngân hàng thương mại khác.
- Vốn tự huy động của Chủ đầu
tư.
13. Phương thức thực hiện dự án:
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm
thành lập Ban Quản lý dự án có đủ thẩm quyền và năng lực để trực tiếp quản lý dự
án theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng,
Quy chế đấu thầu và các quy định liên quan khác, bảo đảm tiến độ xây dựng, chất
lượng và hiệu quả đầu tư.
14. Thời gian xây dựng: 3,5 năm.
15. Quy định khác đối với dự án:
Dự án Nhà máy xi măng Sông Gianh
được hưởng các chế độ ưu đãi về đầu tư theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08
tháng 7 năm 1999 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Khuyến khích
đầu tư trong nước.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
- Chủ đầu tư phải đào tạo và tuyển
dụng đủ cán bộ, công nhân để đảm bảo sản xuất của nhà máy, chịu trách nhiệm lâu
dài về hiệu quả đầu tư dự án không được chuyển đổi cho các đơn vị khác khi chưa
hoàn trả vốn đầu tư. Chủ đầu tư trình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình
triển hai dự án và những việc phân cấp trong Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng,
trong Quy chế đấu thầu; thực hiện đúng nội dung quyết định, đảm bảo thời gian,
chất lượng, nếu vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật.
- Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng
Bình phối hợp với Chủ đầu tư giải quyết các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt
bằng, đền bù, di dân và tái định cư.
- Bộ Giao thông Vận tải, Uỷ ban
nhân dân tỉnh Quảng Bình, tạo điều kiện và phối hợp với Chủ đầu tư thực hiện
các dự án giao thông ngoài hàng rào, đảm bảo hoạt động của nhà máy.
- Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý
nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng luật pháp nhà nước.
- Tổng công ty Xi măng Việt Nam
có trách nhiệm giúp Chủ đầu tư về kỹ thuật chuyên ngành sản xuất xi măng.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Quỹ
Hỗ trợ phát triển, xem xét và cân đối vốn vay cho dự án theo quy định.
- Bộ Công nghiệp cấp phép khai
thác nguyên liệu, Tổng công ty Điện lực Việt Nam xây dựng hệ thống cấp điện
ngoài hàng rào, cung cấp nguồn điện, đảm bảo sản xuất của nhà máy.
- Các cơ quan liên quan giải quyết
những vấn đề có liên quan trong quá trình triển khai dự án.
Điều 3. Bộ trưởng các Bộ:
Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tài chính, Quốc
phòng, Công nghiệp, Giao thông vận tải, Văn hóa - Thông tin, Thương mại, Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính, Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Đầu tư và Phát
triển Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Xi măng Việt Nam,
Tổng công ty Xây dựng miền Trung chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|