Quyết định 5080/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án “Phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025”

Số hiệu 5080/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/12/2021
Ngày có hiệu lực 24/12/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Hoàng Nghĩa Hiếu
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5080/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 24 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN CHUỖI CUNG CẤP THỰC PHẨM NÔNG, LÂM, THỦY SẢN AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2021-2025”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12;

Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Quyết định số 20/QĐ- TTg ngày 04/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 194/QĐ-UBND ngày 22/01/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành chương trình công tác năm 2021 của UBND tỉnh Nghệ An;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 3893/TTr-SNN-QLCL ngày 21/10/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025”, với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tạo ra sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng tốt, truy xuất được nguồn gốc, được giám sát chất lượng tất cả các công đoạn sản xuất ban đầu, sơ chế, bảo quản, chế biến và phân phối thị trường; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh Nghệ An đủ điều kiện để hội nhập, cạnh tranh các thị trường trong nước và quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Tập huấn, đào tạo 5.000 lượt người lao động; 920 lượt cán bộ quản lý an toàn thực phẩm, hoạt động xúc tiến thương mại nông sản cấp tỉnh, huyện, xã.

- Xây dựng 03 mô hình điểm chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, gồm: (1) Mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm thịt động vật an toàn; (2) Mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm rau, củ, quả an toàn; (3) Mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm trái cây an toàn.

- Phát triển 16 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn (02 chuỗi lúa gạo, 01 chuỗi lạc, 02 chuỗi rau, củ, quả; 02 chuỗi trái cây; 02 chuỗi chè; 01 chuỗi dược liệu; 03 chuỗi thịt động vật trên cạn; 01 chuỗi trứng gia cầm; 02 chuỗi thủy sản nuôi).

- Tỷ lệ sản lượng sản phẩm nông lâm thủy sản sản xuất theo chuỗi thực hiện Đề án được kiểm soát an toàn thực phẩm: Sản lượng thịt (bò, lợn, gà) đạt 2,1%; sản lượng lúa đạt 1,1%; sản lượng lạc đạt 1,6%; sản lượng rau các loại đạt 1,4%; sản lượng quả các loại đạt 12,0%; sản lượng chè đạt 12,1%; sản lượng dược liệu đạt 3,3%; sản lượng tôm, cá nuôi đạt 0,5%.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ ĐỀ ÁN

1. Thực hiện thông tin, tuyên truyền, tập huấn kiến thức cho cán bộ, chủ cơ sở và người lao động.

Thông tin, truyền thông để người tiêu dùng biết được sản phẩm sản xuất từ chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ thực hiện quản lý an toàn thực phẩm; xúc tiến thương mại từ cấp tỉnh đến huyện, xã; nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người lao động sản xuất, chế biến, kinh doanh tham gia liên kết chuỗi.

2. Xây dựng mô hình điểm chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn đối với 03 nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh.

a) Xây dựng mô hình điểm chuỗi cung cấp thực phẩm thịt động vật trên cạn an toàn (thịt lợn, bò, gia cầm,...):

- Hỗ trợ chứng nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP cho 100 hộ, trang trại nuôi lợn; 50 hộ, trang trại nuôi bò; 100 hộ, trang trại nuôi gia cầm. Liên kết giữa hộ chăn nuôi với doanh nghiệp giết mổ, bảo quản, chế biến tham gia thực hiện theo chuỗi.

- Thu hút 01 doanh nghiệp đầu tư nhà máy giết mổ, bảo quản và cung cấp thịt mát; chế biến một số sản phẩm từ thịt, với quy mô 5 tấn thịt/ngày.

- Thực hiện giám sát chất lượng sản phẩm sản xuất theo chuỗi; thực hiện xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn và dán tem an toàn theo quy định.

[...]