BỘ CÔNG THƯƠNG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 5078/QĐ-BCT
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT "QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM VÙNG ĐỒNG BẰNG
SÔNG CỬU LONG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030"
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP
ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP
ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số
04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một
số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thị
trường trong nước,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển thương mại Vùng
kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm
2030” với những nội dung chủ yếu như sau:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
1. Phát triển thương mại Vùng kinh tế
trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm thành phố Cần
Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau (sau đây gọi là Vùng) dựa trên cơ
sở khai thác và phát huy lợi thế so sánh, huy động tối đa mọi nguồn lực của xã
hội, trước hết và chủ yếu là thông qua chính sách khuyến khích tích tụ và tập
trung nguồn lực của doanh nghiệp để phát triển nhanh, bền vững; tạo sự đột phá
và làm nòng cốt thúc đẩy phát triển thương mại.
2. Phát triển thương mại Vùng theo hướng
đa dạng về loại hình thương nhân, tổ chức và phương thức kinh doanh. Thúc đẩy
quá trình phát triển nhanh một số doanh nghiệp thương mại lớn có hệ thống phân
phối hiện đại, làm nòng cốt trong việc tổ chức thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa
sản xuất với tiêu dùng.
3. Phát triển thương mại của Vùng gắn
với bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính
trị và bảo đảm an sinh xã hội.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu chung
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng
thương mại ở mức độ cao, trên cơ sở khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi
thế của các địa phương trong Vùng, phù hợp với yêu cầu thị trường trong và
ngoài nước; thúc đẩy quá trình mở rộng và tăng cường các mối liên kết thương mại
giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng với thị trường bên ngoài.
2. Mục tiêu cụ thể
Tốc độ tăng trưởng GDP ngành thương mại
của Vùng tăng bình quân 17,1%/năm giai đoạn 2013 - 2020 và 14,0% giai đoạn 2021
- 2030.
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu
của Vùng giai đoạn 2013 - 2020 tăng bình quân 13,5%/năm và 12,0% giai đoạn 2021
- 2030.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu
dịch vụ tiêu dùng của Vùng đến năm 2020 tăng bình quân 15,5%/năm và 13,0% trong
giai đoạn 2021 - 2030. Phấn đấu đưa tỷ trọng bán lẻ của các loại hình bán lẻ hiện
đại trong tổng mức bán lẻ đạt khoảng 30 - 35% vào năm 2020.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
1. Từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ
tầng thương mại theo hướng khuyến khích đầu tư phát triển các loại hình thương
mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistics... Tiếp tục
củng cố, đầu tư phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ hiện có trên địa bàn. Xây
dựng hệ thống kho chứa và bảo quản nông, thủy sản. Phát triển mạng lưới trung
tâm thông tin thương mại.
2. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công
tác tìm kiếm và phát triển thị trường xuất khẩu mới. Tập trung thực hiện các
chương trình sản xuất hàng xuất khẩu; thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào sản
xuất hàng xuất khẩu bằng việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, chính sách
phù hợp, hấp dẫn. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu hàng nhập khẩu theo hướng gia
tăng các nhóm hàng công nghệ mới, máy móc thiết bị hiện đại phục vụ phát triển
công nghiệp.
3. Phát triển mạnh thương mại biên giới
thông qua hoạt động của các khu kinh tế cửa khẩu, các chợ trong khu kinh tế cửa
khẩu và chợ biên giới.
4. Phát triển hình thức mua, bán, tiêu
thụ sản phẩm hàng hóa thông qua phương thức mua bán theo hợp đồng. Phát triển
nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế để chủ động tham gia vào mạng
phân phối toàn cầu.
5. Phát triển mạng lưới thương mại ở
nông thôn, trên cơ sở phát triển các chợ và các khu thương mại - dịch vụ tại thị
tứ, thị trấn. Tổ chức tốt thị trường nông thôn nhằm tạo thuận lợi cho nông dân
bán nông sản, mua vật tư cho sản xuất và hàng hóa cho tiêu dùng.
IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC
HỆ THỐNG THỊ TRƯỜNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2030
1. Thị trường hàng công nghiệp tiêu
dùng
a) Ở khu vực thành thị:
Hình thành cấu trúc cân đối, hợp lý
giữa các khu thương mại - dịch vụ ở trung tâm các tỉnh, thành phố và các thị xã
trong Vùng để hình thành mạng lưới các khu thương mại - dịch vụ của từng tỉnh,
thành; trong đó, hạt nhân là các loại hình như trung tâm thương mại, siêu thị,
chợ hạng I, chợ hạng II.
Khuyến khích việc phát triển các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình chuỗi.
Điều chỉnh, sắp xếp và nâng cấp mạng lưới
thương mại truyền thống thông qua việc khống chế quy mô và số lượng của loại
hình này ở từng khu vực.
Cải tạo đường phố thương mại để cùng
với chợ truyền thống trở thành hạt nhân ở các khu thương mại - dịch vụ, đảm bảo
các yêu cầu văn minh, hiện đại và mang bản sắc văn hóa
kinh doanh truyền thống.
Phát triển mạng lưới kinh doanh hàng
vật liệu xây dựng, đồ dùng gia đình, đồ điện gia dụng, cung ứng thực phẩm theo
hướng phát triển kinh doanh chuỗi, quy mô vừa và tổng hợp.
Phát triển phương thức bán hàng hiện
đại và từng bước áp dụng thương mại điện tử.
b) Ở khu vực nông thôn:
Phát triển các loại hình thương mại
phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng địa phương nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp
thời nhu cầu tiêu dùng, vật tư phục vụ sản xuất cho nhân dân. Từng bước xây dựng
và phát triển kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành và củng
cố các vùng sản xuất chuyên canh.
Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại phát triển hệ thống cửa hàng để trở thành
kênh phân phối chủ yếu hàng công nghiệp tiêu dùng ở thị trường nông thôn.
Nâng cấp mạng lưới chợ bán lẻ ở địa
bàn các xã, lấy chợ làm hạt nhân để phát triển các cửa hàng chuyên doanh, tổng
hợp xung quanh khu vực chợ, hình thành khu thương mại - dịch vụ.
Phát triển thị trường nông thôn gắn với
việc tổ chức tốt mạng lưới chợ cụm xã và các khu thương mại - dịch vụ tại các
trung tâm dân cư, vừa đảm bảo kinh doanh và phục vụ hàng hóa tiêu dùng, vừa kết
hợp hoạt động thương mại với giao lưu văn hóa của nhân dân.
2. Thị trường hàng tư liệu sản xuất
Phát triển hệ thống thị trường hàng
tư liệu sản xuất như: thị trường giao dịch kỳ hạn, các trung tâm bán buôn, các
doanh nghiệp bán buôn lớn, cung ứng trực tiếp từ sản xuất đến tiêu dùng cuối
cùng.
Phát triển đa dạng các hình thức bán
buôn theo hướng khuyến khích đấu thầu mua sắm các sản phẩm chủ yếu, khối lượng
lớn và cung ứng hàng hóa trực tiếp để giảm chi phí.
Khuyến khích và hỗ trợ giao dịch giữa các hệ thống theo mạng.
3. Thị trường hàng nông sản
Khuyến khích và hỗ trợ các trung tâm
thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm ở thành thị
mua hàng trực tiếp của các cơ sở sản xuất ở địa bàn nông thôn.
Khuyến khích phát triển phương thức
mua bán hàng nông sản thông qua hợp đồng giữa thương nhân và nông dân.
Phát triển mạng lưới các chợ bán buôn
nông sản hiện đại theo hướng mua bán chuyên nghiệp, gắn kết doanh nghiệp quản
lý và kinh doanh chợ với các nhà sản xuất nông sản.
Hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại,
các nhà sản xuất hàng nông sản tham gia thị trường giao dịch kỳ hạn thông qua
các sở giao dịch hàng hóa.
Phát triển các loại hình thị trường
khác như: Hội chợ - triển lãm, triển lãm - bán hàng, chợ thời vụ, khu trưng bày
hàng mẫu và đặt hàng,...
V. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG
KẾT CẤU HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI CHỦ YẾU
1. Mạng lưới chợ đầu mối nông sản và chợ
hạng I
a) Đến năm 2020, có 13 chợ đầu mối
nông sản trên địa bàn Vùng, trong đó có 4 chợ đầu mối nông sản tổng hợp, 3 chợ
đầu mối lúa gạo, 2 chợ đầu mối rau quả và 5 chợ đầu mối thủy sản.
b) Đến năm 2020, trên địa bàn Vùng có
23 chợ bán buôn, bán lẻ tổng hợp hạng I; trong đó có 6 chợ giữ nguyên, cải tạo,
nâng cấp 5 chợ và xây mới 12 chợ.
c) Đến năm 2020,
tổng số chợ biên giới, chợ cửa khẩu trên địa bàn là 21 chợ, trong đó có 6 chợ cửa
khẩu và 15 chợ biên giới.
d) Đến năm 2030: tiếp tục hoàn thiện
hệ thống chợ đầu mối nông sản theo hướng hiện đại hóa các dịch vụ tại chợ.
2. Mạng lưới trung tâm thương mại,
siêu thị
a) Đến năm 2020,
trên địa bàn Vùng sẽ có 37 trung tâm thương mại; trong đó có 4 trung tâm thương
mại hạng I, 10 trung tâm thương mại hạng II và 23 trung tâm thương mại hạng
III.
b) Đến năm 2020, trên địa bàn Vùng sẽ
có 52 siêu thị, trong đó có 4 siêu thị hạng I, 15 siêu thị hạng II và 33 siêu
thị hạng III.
c) Đến năm 2030,
đẩy mạnh thu hút đầu tư vào mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại theo
hướng chuyển hóa dần các chợ tại khu vực đô thị sang loại hình thương mại hiện
đại.
3. Mạng lưới trung tâm hội chợ triển
lãm
Đến năm 2020, trên địa bàn Vùng sẽ có
4 trung tâm hội chợ triển lãm, trong đó trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế tại
thành phố Cần Thơ có quy mô cấp Vùng và 3 trung tâm hội chợ
triển lãm cấp tỉnh.
4. Mạng lưới trung tâm logistics
a) Đến năm 2020,
trên địa bàn Vùng sẽ có 4 trung tâm logistics, trong đó trung tâm logistics tại
thành phố Cần Thơ có quy mô cấp Vùng và 3 trung tâm logistics
cấp tỉnh.
b) Đến năm 2030: tiếp tục hoàn thiện
các trung tâm logistics theo hướng hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ việc lưu
trữ, bảo quản và phân loại hàng hóa.
5. Mạng lưới kho hàng công
Đến năm 2020, trên địa bàn Vùng sẽ có
4 kho hàng công, trong đó kho hàng công tại thành phố Cần
Thơ có quy mô cấp Vùng.
6. Mạng lưới trung tâm thông tin
thương mại
Đến năm 2020, hình thành Trung tâm
thông tin thương mại của Vùng tại thành phố Cần Thơ và 3
chi nhánh tại 3 tỉnh: An Giang, Kiên Giang và Cà Mau.
VI. NHU CẦU SỬ DỤNG ĐẤT
Nhu cầu sử dụng đất phát triển kết cấu
hạ tầng thương mại chủ yếu đến năm 2020 là 1.757.070 m2, trong đó:
1. Nhu cầu đối với mạng lưới chợ là
940.502 m2, bằng 53,53% tổng nhu cầu sử dụng đất;
2. Nhu cầu đối với mạng lưới trung
tâm thương mại, siêu thị là 454.068 m2, bằng 25,84% tổng nhu cầu sử
dụng đất;
3. Nhu cầu đối với các trung tâm hội
chợ triển lãm, trung tâm logistics và kho hàng công là 362.500 m2, bằng
20,63% tổng nhu cầu sử dụng đất.
VII. DANH MỤC DỰ ÁN KẾT CẤU HẠ
TẦNG THƯƠNG MẠI ƯU TIÊN ĐẦU TƯ ĐẾN NĂM 2015 (chi tiết tại
Phụ lục kèm theo)
VIII. GIẢI PHÁP TỔNG THỂ VỀ
CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG
1. Giải pháp kỹ thuật:
- Đảm bảo các tiêu chuẩn của Việt Nam
về thiết kế chợ, siêu thị, trung tâm thương mại,...
- Nghiên cứu, lựa chọn các phương án
thiết kế xây dựng các công trình thương mại phù hợp với
yêu cầu bảo vệ môi trường và có khả năng ứng phó tốt với biến đổi khí hậu do nước
biển dâng;
- Nghiên cứu, ban hành và áp dụng các
tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hệ thống thu gom, xử lý chất thải trong các công
trình thương mại;
- Khuyến khích các chủ đầu tư áp dụng
các công nghệ mới, công nghệ hiện đại trong việc thu gom, xử lý chất thải;
- Xây dựng phương án và đầu tư năng lực
ứng cứu sự cố môi trường, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh các mặt hàng có
nguy cơ ô nhiễm môi trường và cháy, nổ cao.
2. Giải pháp về quản lý:
- Đối với các cơ quan quản lý nhà nước:
nâng cao năng lực thẩm định về tác động môi trường của dự án thương mại; quy định
về phân công trách nhiệm, phối hợp quản lý giữa các ban, ngành, tổ chức trong
việc chỉ đạo, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường và tổ chức thực hiện các
văn bản quy phạm pháp luật về môi trường.
- Đối với các doanh nghiệp thương mại:
cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về hoạt động bảo vệ môi trường;
xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm; thực hiện các giải pháp giảm thiểu
chất thải,...
- Đối với các tổ chức xã hội, nhân
dân: tuyên truyền nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ
môi trường; khuyến khích người bán và người mua sử dụng bao gói thân thiện với
môi trường.
IX. GIẢI PHÁP VÀ CHÍNH SÁCH
CHỦ YẾU
1. Giải pháp phát triển thương mại để
thúc đẩy sản xuất, cung ứng hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng trong nước
Ưu tiên cho việc thiết lập các mối
liên kết giữa thị trường Vùng với thị trường các vùng, các tỉnh khác dựa trên hệ
thống giao thông đường bộ, đường sông, đường thủy và đường hàng không nhằm nâng
cao vị thế kinh tế - thương mại của Vùng trên thị trường trong nước. Củng cố
vai trò đầu tàu của Vùng đối với cả Vùng đồng bằng sông Cửu Long trong việc duy
trì và mở rộng các mối liên kết với các tỉnh phụ cận cũng như các tỉnh và địa
phương khác trong cả nước để tăng thêm nguồn lực cho phát triển thương mại và hạn
chế rủi ro khi có biến động lớn ở thị trường trong nước. Do vậy, cần tập trung
thực hiện một số biện pháp sau:
a) Tổ chức nghiên cứu thị trường và
hoạt động xúc tiến thương mại với các thị trường trọng điểm, thị trường các tỉnh
lân cận để xác định lợi thế so sánh và khả năng liên kết trong thương mại, trên
cơ sở đó có hướng điều chỉnh phù hợp cơ cấu sản xuất và thương mại của Vùng.
b) Lựa chọn một số dự án phát triển kết
cấu hạ tầng thương mại có vai trò tạo ra động lực trong phát triển thương mại của
Vùng, từ đó có các chính sách khuyến khích ưu đãi để thu hút các nguồn vốn đầu
tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương có mối quan hệ liên kết thương mại
với Vùng.
c) Tiến hành trao đổi, ký kết các thỏa thuận cấp Vùng với các vùng hoặc địa
phương khác về mua bán sản phẩm hàng hóa cụ thể, như cung ứng các sản phẩm
có thế mạnh của Vùng là nông sản, thủy sản, trái cây và tiêu thụ
các hàng hóa mà thị trường của Vùng có nhu cầu.
2. Giải pháp, chính sách phát triển xuất khẩu
a) Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch phát triển ngành khác, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành trong Vùng có kế hoạch thu hút vốn đầu
tư vào những khu, cụm công nghiệp, khu sản xuất, chế biến, để tăng nguồn hàng
cho xuất khẩu.
b) Triển khai thực hiện tốt các nội
dung định hướng, giải pháp và chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất
nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 -
2020, tầm nhìn đến năm 2030 (theo Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12
năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ).
c) Đổi mới chính sách hỗ trợ phát triển xuất khẩu; tận dụng các thỏa thuận ưu
đãi về xuất nhập khẩu hàng hóa mà Việt Nam đã ký kết với các nước và các tổ chức
trên thế giới.
d) Các Sở Công Thương: thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau phối hợp trong việc: giới thiệu
doanh nghiệp và tìm kiếm bạn hàng thông qua tổ chức các đoàn doanh nghiệp trong
nước giao thương với bạn hàng nước ngoài và ngược lại; thường xuyên giới thiệu
và cung cấp thông tin thị trường trong nước và nước ngoài cho doanh nghiệp; tổ
chức, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm thương mại.
đ) Xây dựng hệ thống thông tin thương
mại để cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
cho phát triển thương mại
a) Thu hút nguồn nhân lực chất lượng
cao: các doanh nghiệp thương mại có quy mô lớn cần mở rộng tìm kiếm nguồn nhân
lực quản trị cấp cao thông qua cơ chế đãi ngộ phù hợp.
b) Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực: có
chính sách hỗ trợ về bồi dưỡng mở rộng kiến thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp
cho người lao động phù hợp với cơ chế thị trường. Mở các lớp
bồi dưỡng nhằm phổ biến cơ chế chính sách và pháp luật về thương mại cho các
cán bộ quản lý nhà nước và thương nhân. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà
quản lý doanh nghiệp được tham quan, học tập kinh nghiệm ở các cơ sở trong nước
và nước ngoài...; có kế hoạch và biện pháp cụ thể trong việc đào tạo nguồn nhân
lực đáp ứng được yêu cầu của hội nhập thương mại khu vực và quốc tế.
4. Giải pháp phát triển khoa học công
nghệ hỗ trợ quản lý và kinh doanh thương mại
a) Thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật quản
lý kinh doanh hiện đại, nâng cao khả năng áp dụng các phương thức kinh doanh hiện
đại.
b) Thực thi có hiệu quả các chính
sách của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ.
5. Giải pháp, chính sách phát triển
thị trường trong nước, đặc biệt là phát triển thương mại vùng sâu, vùng xa
a) Tập trung đầu tư nâng cấp mạng lưới
thương mại nông thôn; thu hút vốn đầu tư vào thương mại nông thôn, đặc biệt là ở
vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn bằng các chính sách hỗ trợ
đầu tư.
b) Nhân rộng các mô hình thí điểm
tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trên cơ sở hoàn thiện mô hình
hoạt động có hiệu quả tại An Giang và một số tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Cửu
Long theo Quyết định 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ
về việc phê duyệt Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và
định hướng đến năm 2020.
c) Khuyến khích mở rộng các hình thức
dịch vụ về vốn cho người sản xuất, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp giải
quyết vốn cho dân dưới hình thức ứng vốn trước cho người sản xuất và thu hồi lại
bằng sản phẩm.
d) Hỗ trợ kinh phí để tổ chức các
chuyến hàng lưu động đưa hàng hóa phục vụ nhân dân ở vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh
chương trình đưa hàng Việt về nông thôn nhằm góp phần thực hiện tốt cuộc vận động
của Bộ Chính trị: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
6. Giải pháp tăng cường năng lực quản
lý nhà nước đối với thương mại
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện có
hiệu quả các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, pháp luật, cơ chế,
chính sách phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại
như: chợ, trung tâm thương mại, siêu thị,... và các loại hình kết cấu hạ tầng
thương mại khác.
b) Làm tốt công tác xây dựng tiêu chuẩn,
quy chuẩn và thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của Nhà nước.
c) Xây dựng, tổng hợp, xử lý và dự báo tốt các thông tin thị trường để tạo điều kiện thuận
lợi cho thương nhân trong hoạt động thương mại.
d) Nâng cao chất lượng và hiệu quả
công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại; thực hiện
nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người
tiêu dùng.
đ) Khuyến khích chuyển đổi mô hình tổ
chức quản lý chợ theo loại hình doanh nghiệp hoặc HTX chợ theo các phương thức
sau: (1) Phương thức giao quyền khai thác kinh doanh chợ cho một doanh nghiệp
nhà nước; (2) Phương thức đấu thầu: bằng cách tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn
vị có phương án khai thác, kinh doanh hiệu quả nhất; (3) Phương
thức lập công ty cổ phần kinh doanh chợ: số vốn của Nhà nước đã đầu tư xây dựng
chợ giao cho ban quản lý sử dụng để tham gia vào cổ phần của công ty; (4)
Phương thức giải thể ban quản lý chợ và thành lập doanh nghiệp mới: Mô hình quản
lý có thể là công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty tư nhân hoặc Hợp tác xã.
e) Hàng năm, bố trí ngân sách bảo đảm
việc nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật, xây dựng đội ngũ giáo viên và nội
dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng về phát triển và quản lý hoạt động thương
mại cho hệ thống các trường dạy nghề, cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương. Mở rộng
hình thức đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản
lý nhà nước về thương mại tại các địa phương.
7. Giải pháp ứng phó với tình trạng
biến đổi khí hậu toàn cầu ảnh hưởng đến phát triển thương mại
Khi xây dựng các công trình thương mại,
cần chú ý đến cao độ của khu vực xây dựng để tránh ngập lụt khi nước biển dâng.
8. Giải pháp, chính sách về vốn đầu
tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại
a) Chính sách hỗ trợ vốn đầu tư chợ từ
ngân sách nhà nước
Thực hiện có hiệu quả Nghị định số
114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản
lý chợ, Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính
phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng
biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia và Quyết định số 60/QĐ-TTg
ngày 30 tháng 9 năm 2010 về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức
phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước
giai đoạn 2011 - 2015; theo đó ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ đầu tư các chợ
sau:
Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng của chợ đầu
mối chuyên doanh hoặc tổng hợp bán buôn hàng nông sản, thực phẩm để tiêu thụ hàng
hóa ở các vùng sản xuất tập trung về nông sản, lâm sản, thủy sản; nhất là các
chợ quy mô lớn, có khả năng tiêu thụ nông sản cho nhiều tỉnh, hoặc cho toàn
Vùng.
Hỗ trợ đầu tư các chợ biên giới, chợ
dân sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó
khăn.
Trong tổng số nguồn ngân sách Trung
ương hỗ trợ các địa phương hàng năm, Ủy ban nhân dân thành
phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau cần
dành một phần để hỗ trợ đầu tư phát triển chợ trên địa
bàn.
b) Nguồn vốn phát triển mạng lưới
trung tâm thương mại, siêu thị, kho hàng công, trung tâm thông tin thương mại,
trung tâm hội chợ triển lãm huy động từ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần
kinh tế, Nhà nước có thể hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
9. Giải pháp, chính sách khuyến
khích, ưu đãi để thu hút các chủ thể tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại
Căn cứ các chính sách quy định tại
Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, Nghị định số
61/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp
đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính
phủ về phê duyệt đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015
và định hướng đến năm 2020” và Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm
2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách
khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt
Nam - Campuchia, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau cụ thể hóa thành các
chính sách của địa phương (nhất là các chính sách về đất đai, thuế, tín dụng,...)
để việc khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư
phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn; trong đó ưu tiên cho các dự
án có quy mô cấp Vùng.
Vận động các chủ thể sản xuất, kinh
doanh trong chợ (nhất là các hộ kinh doanh) góp vốn với chính quyền địa phương
để cải tạo, nâng cấp chợ theo quy hoạch.
Điều 2. Tổ chức thực
hiện
1. Trách nhiệm của
các bộ, ngành
1.1. Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ
trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện quy hoạch này, trong đó tập
trung vào những công việc chủ yếu sau đây:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng rà soát, điều chỉnh, bổ
sung hoặc xây dựng mới quy hoạch phát triển thương mại phù hợp với Quy hoạch
này và các quy hoạch có liên quan.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng triển khai thực hiện quy
hoạch, trong đó có các các dự án kết cấu hạ tầng thương mại thuộc danh mục ưu
tiên đầu tư đến năm 2020.
c) Rà soát cơ chế, chính sách và pháp
luật có liên quan đến phát triển, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại để
sửa đổi, bổ sung và ban hành theo thẩm quyền hoặc thống nhất với các bộ, ngành
liên quan trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.
d) Phối hợp với các tỉnh, thành phố
trong Vùng tổ chức phổ biến, tuyên truyền về cơ chế, chính sách, pháp luật về
phát triển thương mại cho các cán bộ quản lý nhà nước và thương nhân trên địa
bàn.
1.2. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài
chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên
và Môi trường, Giao thông vận tải, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và
Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan khác theo chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách trong
quy hoạch này.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trong Vùng:
Chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với
các cơ quan có liên quan thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
a) Đối với các địa phương đã có quy
hoạch phát triển thương mại trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi
hành, tiến hành rà soát, nếu chưa phù hợp với quy định của Quyết định này phải
tiến hành điều chỉnh quy hoạch phát triển thương mại trên
địa bàn, trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong
Vùng phê duyệt.
b) Đối với các địa phương chưa có quy
hoạch phát triển thương mại cần khẩn trương xây dựng quy
hoạch phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của
địa phương và quy hoạch này.
c) Trong quá
trình tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển thương mại
Vùng, các địa phương căn cứ vào định hướng và quy hoạch quy định tại Quyết định
này và danh mục các dự án kết cấu hạ tầng thương mại ưu tiên đầu tư đến năm
2020 tại Phụ lục kèm theo để lập kế hoạch triển khai (có
thứ tự ưu tiên và lộ trình thực hiện) phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội
trên địa bàn từng tỉnh. Danh mục dự án kết cấu hạ tầng thương mại ưu tiên đầu tư đến năm 2020 có thể được điều
chỉnh để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển thương mại
của từng địa phương, tuy vậy, trước khi quyết định điều chỉnh, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng cần trao đổi và thống nhất
với Bộ Công Thương.
d) Tham mưu cho Ủy ban nhân tỉnh, thành trong việc xây dựng, thẩm định và hướng dẫn thực
hiện các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại
trên địa bàn theo quy hoạch và kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
đ) Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng ban
hành các giải pháp nhằm huy động, khai thác các nguồn lực của địa phương (nhất
là nguồn lực của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế) và các tổ chức,
cá nhân khác để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn.
e) Định kỳ hàng năm, báo cáo Bộ Công
Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng
tình hình và kết quả thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng và các tổ chức, cá nhân có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/c);
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng
Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và thành phố Cần Thơ;
- Bộ Công Thương: các Thứ trưởng và
Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ;
- Viện Nghiên cứu Thương mại;
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, TTTN (4).
|
BỘ TRƯỞNG
Vũ Huy Hoàng
|
PHỤ LỤC
DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ ĐẾN NĂM
2015
(Kèm theo Quyết định sổ 5078/QĐ-BCT ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
TT
|
Danh
mục đầu tư
|
Tỉnh/thành
phố
|
Diện
tích (ha)
|
1.
|
04 chợ đầu mối nông sản tổng hợp
|
Thành
phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau
|
220
|
2.
|
03 chợ đầu mối lúa gạo
|
Thành
phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang
|
321
|
3.
|
02 chợ đầu mối rau quả
|
Tỉnh
An Giang
|
30
|
4.
|
05 chợ đầu mối thủy sản
|
Thành
phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau
|
77
|
5.
|
17 chợ hạng I
|
Thành
phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau
|
193
|
6.
|
21 chợ biên giới, chợ cửa khẩu
|
An
Giang và Kiên Giang
|
42
|
7.
|
Trung tâm Logistics cấp Vùng
|
Thành
phố Cần Thơ
|
50
|
8.
|
Trung tâm Thông tin thương mại
|
Thành
phố Cần Thơ
|
0,1
|
9.
|
04 kho hàng công
|
Thành
phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau
|
140
|
10.
|
02 trung tâm hội chợ triển lãm
|
Kiên
Giang, An Giang
|
40
|
Tổng
số
|
|
1.113,1
|