Quyết định 498/QĐ-UBND.HC năm 2009 phê duyệt Đề án “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn, nông dân tỉnh Đồng Tháp giai đọan 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020”

Số hiệu 498/QĐ-UBND.HC
Ngày ban hành 06/05/2009
Ngày có hiệu lực 06/05/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Lê Vĩnh Tân
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 498/QĐ-UBND.HC

Thành phố Cao Lãnh, ngày 6 tháng 5 năm 2009

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN, NÔNG DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2009 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 09 tháng 12 năm 2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa VIII, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 138/QĐ-UBND.HC, ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Đống Tháp đến năm 2020;

Thực hiện Thông báo số 51-TB/TU, ngày 13 tháng 4 năm 2009 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp về việc thông qua Đề án “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn, nông dân tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020”,

1. Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn, nông dân tỉnh Đồng Tháp giai đọan 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020”, với những nội dung trọng tâm sau:

1.1. Mục đích và yêu cầu:

- Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh giai đoạn 2009 - 2020.

- Đề án đề ra các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của Tỉnh giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

1.2. Phạm vi, đối tượng của Đề án: Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn thông qua đào tạo và bồi dưỡng tập huấn cho các đối tượng:

- Cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân, nhân viên làm việc cho các hợp tác xã, trang trại và các tổ chức kinh tế khác ở nông thôn.

- Nông dân và con em nông dân trong độ tuổi lao động.

1.3. Mục tiêu cụ thể của Đề án:

a) Giai đoạn 2009 - 2015:

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 đạt 40% lao động toàn Tỉnh; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp đến năm 2010 còn 50%.

- Nâng thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt trên 500 USD năm 2010

- 100% xã, phường, thị trấn có kỹ sư trồng trọt và chăn nuôi; 40% xã có kỹ sư thủy sản và kỹ sư hoặc trung cấp thủy lợi.

b) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68% lao động toàn Tỉnh; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp đến năm 2020 là 40%.

- 100% xã, thị trấn có kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, kỹ sư hoặc trung cấp thủy lợi và các kỹ sư chuyên ngành khác để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp.

- 90% lao động nông nghiệp được qua các khoá khuyến nông, ngư và 35 - 45% lao động được qua các lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn về kỹ năng nông ngư nghiệp.

2. Nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn của Tỉnh.

2.1. Nhu cầu đào tạo.

a) Đào tạo cán bộ quản lý, chuyên môn kỹ thuật: Các ngành học được đào tạo gồm: Phát triển nông thôn, Nuôi trồng thuỷ sản, Chăn nuôi thú y, Trồng trọt, Công nghệ sinh học, Quản lý môi trường, Quản trị kinh doanh, Luật, Tài chính kế toán, Nông học. Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành của các đơn vị trực tiếp quản lý sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản để đáp ứng yêu cầu xã hội.

- Giai đoạn 2009 - 2015: Đào tạo 1.500 người; trong đó: Sau đại học là 120 người, đại học là 800 người, trung cấp là 580 người.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Đào tạo 900 người; trong đó: Sau đại học là 150 người, đại học là 550 người, trung cấp là 200 người.

b) Đào tạo nghề cho nông dân:

* Đào tạo cho 16.000 người có trình độ từ trung cấp trở lên các ngành như: Trồng trọt, Chăn nuôi thú y, Nuôi trồng thủy sản, Phát triển nông thôn, Cơ khí nông nghiệp, Tài chính kế toán,... để bổ sung lực lượng vào hợp tác xã nông nghiệp, trang trại, tổ hợp tác; vào các Hội cơ sở của Hội làm vườn, Hội nông dân, Hiệp hội thủy sản và sử dụng lực lượng vào các dịch vụ nông nghiệp nông thôn.

[...]