Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Kế hoạch 96/KH-UBND năm 2016 nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 96/KH-UBND
Ngày ban hành 09/09/2016
Ngày có hiệu lực 09/09/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lý Vinh Quang
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 09 tháng 9 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Căn cứ Quyết định số 1323/QĐ-BNN-TCCB ngày 17/6/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2014- 2020;

Căn cứ Quyết định số 70/QĐ-UBND ngày 20/01/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020”; Quyết định số 953/QĐ-UBND ngày 11/6/2016 về việc ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 02/8/2016 về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2017-2020;

Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 với các nội dung sau:

I. Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT)

1. Thực trạng đội ngũ công chức, viên chức ngành NN&PTNT

1. 1. Thực trạng đội ngũ công chức:

a) Quy mô số lượng:

Cán bộ, công chức toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tính đến 31/12/2015 là 611 người, trong đó: công tác tại cấp tỉnh là 309 người, cấp huyện là 89 người, cấp xã là 213 người.

b) Cơ cấu chức danh và trình độ:

- Theo trình độ chuyên môn: Tiến sỹ: 01 người, chiếm 0,16%; Thạc sỹ: 28 người, chiếm 4,58%; Đại học: 386 người, chiếm 63,17%; Cao đẳng 42 người, chiếm 6,87%; Trung cấp, sơ cấp: 154 người, chiếm 25,2%.

- Theo trình độ lý luận chính trị: Cao cấp: 47 người, chiếm 7,7%; Trung cấp: 57 người chiếm 9,3% trong tổng số công chức toàn ngành;

- Về trình độ quản lý nhà nước: Chuyên viên cao cấp: 04 người, chiếm 1,0%; Chuyên viên chính hoặc tương đương: 46 người, chiếm 11,6%; Chuyên viên hoặc tương đương: 205 người, chiếm 51,5%; Chưa qua bồi dưỡng quản lý nhà nước: 143 người chiếm 35,9%;

- Công chức xã phụ trách lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy lợi: 213 người.

1.2. Thực trạng đội ngũ viên chức:

Tính đến 31/12/2015, toàn ngành có 272 người, về cơ bản trong những năm qua trình độ chuyên môn của đội ngũ viên chức trong ngành được nâng lên rõ rệt, hiện tại có 239 người có trình độ đại học trở lên chiếm 87% (trong đó 17 người có trình độ thạc sĩ), còn lại 33 người có trình độ từ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp chiếm 23%.

Viên chức đã được đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị là 16 người, trong đó cao cấp và cử nhân là 06 người chiếm 2,2% tổng số viên chức, trung cấp là 10 người chiếm 3,6%.

Theo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý, số viên chức còn thiếu tiêu chuẩn về lý luận chính trị là 46 người đối với các vị trí lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo các phòng, trạm trực thuộc đơn vị.

1.3. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức giai đoạn 2010-2015

Trong 05 năm đã có 329 lượt công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, cụ thể:

Đào tạo trình độ chuyên môn đại học, sau đại học: 131 lượt người (24 thạc sĩ, 117 đại học); Đào tạo lý luận chính trị trong đó: cao cấp 23 người, trung cấp 27 người; Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước: chuyên viên cao cấp 2 người, chuyên viên chính 24 người, chuyên viên và tương đương 112 người.

Năm 2016 đang được thực hiện theo kế hoạch của tỉnh đã phê duyệt.

(Chi tiết theo biểu 01, 02 đính kèm)

1.4. Đánh giá chung về đội ngũ công chức, viên chức

Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành NN&PTNT nhìn chung có bản lĩnh chính trị vững vàng; có kiến thức trình độ và năng lực, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn; có tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật, đoàn kết; khắc phục khó khăn để học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, văn hóa, kiến thức về kinh tế thị trường, quản lý nhà nước, pháp luật, nghiệp vụ hành chính, ngoại ngữ, tin học trình độ của cán bộ, công chức, viên chức ngày được nâng cao. Tuy nhiên bên cạnh đó còn bộc lộ một số hạn chế đó là:

- Chất lượng công chức, viên chức hiện nay vẫn chưa đồng đều, một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới. Mặc dù công tác đào tạo, bồi dưỡng được chú trọng, số lượng công chức qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng tăng lên qua các năm, nhưng nhìn chung số lượng còn ít, việc vận dụng kiến thức về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế vào thực tế chỉ đạo, điều hành thực thi công việc còn một số mặt chưa phù hợp.

- Trình độ ngoại ngữ nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu, tính đến thời điểm hiện nay số cán bộ công chức, viên chức có thể sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp, tham gia các hội nghị, hội thảo còn rất ít; chỉ khoảng 5% công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ đạt trình độ trung cấp, về trình độ tin học chủ yếu có chứng chỉ tin học văn phòng.

[...]