Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Quyết định 496/QĐ-BKHCN năm 2011 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 496/QĐ-BKHCN
Ngày ban hành 09/03/2011
Ngày có hiệu lực 09/03/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Nguyễn Quân
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 496/QĐ-BKHCN

Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 09/01/2011 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2011

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09/01/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011;
Xét đề nghị của các ông Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính và Chánh Văn phòng Bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09/01/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng (b/c và chỉ đạo);
- Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT (phối hợp);
- Các đơn vị trong Bộ, Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thực hiện);
- Lưu: VT, Vụ KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Quân

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 09/01/2011 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 496/QĐ-BKHCN ngày 09/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

Ngày 09/01/2011 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP, về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011. Để triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Chương trình hành động với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

I. MỤC TIÊU

Nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học, năng lực sáng tạo và đổi mới công nghệ; phát triển tiềm lực KH&CN quốc gia; tăng tỷ trọng đóng góp của KH&CN trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nhằm đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế trong năm 2011, tạo đà cho những năm tiếp theo.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ

a) Xây dựng Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2020 bám sát mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Hướng dẫn triển khai thực hiện các giải pháp của Chiến lược; Xây dựng khung theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược.

b) Tập trung triển khai các nội dung của Kế hoạch phát triển KH&CN 5 năm 2011-2015 và các Chương trình trọng điểm: Phát triển sản phẩm quốc gia; Nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đến 2020; Phát triển công nghệ cao giai đoạn 2011-2020; Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ 2011-2015; Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi. Khẩn trương hoàn thành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2011-2020 và Chương trình Phát triển thị trường công nghệ.

c) Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, rà soát và xác định các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để tháo gỡ và quyết tâm thực hiện thành công quá trình chuyển đổi. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang cơ chế tự chủ và hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp.

d) Đổi mới cơ bản cơ chế tài chính và đầu tư cho khoa học – công nghệ. Thúc đẩy đầu tư của toàn xã hội cho khoa học và công nghệ, đặc biệt là từ khu vực doanh nghiệp. Tập trung đầu tư ngân sách nhà nước cho việc nhập khẩu, làm chủ công nghệ, mua sáng chế và thuê chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Tăng cường hiệu quả hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia; thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.

đ) Rà soát hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) chuyên ngành hiện hành; lập kế hoạch xây dựng TCVN, QCVN nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền các TCVN và QCVN mới ban hành tới các tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng, khuyến khích doanh nghiệp công bố hợp chuẩn, hợp quy, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

2. Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và doanh nghiệp

a) Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Hoàn thiện cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Triển khai thực hiện Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi.

b) Đẩy mạnh ứng dụng và đổi mới công nghệ trong công nghiệp; tăng cường nhập khẩu công nghệ kết hợp với nâng cao năng lực nghiên cứu, giải mã, làm chủ, bản địa hóa công nghệ.

c) Thúc đẩy nghiên cứu tiếp thu, phát triển ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ mới phù hợp để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa các ngành, các lĩnh vực trong nước và hướng tới xuất khẩu. Phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao.

d) Xác định danh mục sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Lựa chọn và hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực áp dụng các giải pháp ứng dụng, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng phù hợp với đặc thù của ngành, địa phương và doanh nghiệp.

[...]