Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 494/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án phát triển cây xanh đô thị thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đến năm 2035

Số hiệu 494/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/04/2023
Ngày có hiệu lực 14/04/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Thị Minh Thúy
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 494/QĐ-UBND

An Giang, ngày 14 tháng 4 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÂY XANH ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ LONG XUYÊN, TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2035

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/03/2010 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị;

Căn cứ Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị;

Căn cứ Thông tư số 20/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 về hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị;

Căn cứ Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 29/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh An Giang;

Căn cứ Quyết định số 475/QĐ-UBND ngày 24/3/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành danh mục cây xanh cấm và hạn chế trồng trong phạm vi đô thị trên địa bàn tỉnh An Giang;

Căn cứ Quyết định số 2575/QĐ-UBND ngày 24/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đến năm 2035;

Căn cứ Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 27/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt đề cương lập Đề án phát triển cây xanh đô thị thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đến năm 2035;

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Công văn số 5139/SXD-QLN&HTKT ngày 30 tháng 12 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển cây xanh đô thị thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đến năm 2035, với các nội dung sau:

1. Mục tiêu lập đề án phát triển cây xanh thành phố Long Xuyên

1.1. Mục tiêu chung: xây dựng thành phố Long Xuyên trở thành “Thành phố xanh, sinh thái” trong tương lai, với chiến lược phát triển hệ thống cây xanh đô thị phù hợp, có bản sắc riêng, đặc trưng vùng miền và thích ứng với điều kiện tự nhiên, góp phần vào công cuộc phát triển chung của toàn thành phố. Chỉnh trang diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo không gian đô thị hấp dẫn đối với du khách. Ngoài ra, đề án còn đưa ra những định hướng phát triển mạng lưới cây xanh nhằm đảm bảo chỉ tiêu cây xanh đô thị phù hợp với các quy định, quy phạm hiện hành, góp phần cải thiện môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Làm cơ sở cho việc lập quy hoạch chi tiết và triển khai các dự án đầu tư về cây xanh đô thị, các kế hoạch phát triển cây xanh chi tiết tại các khu vực quan trọng trên địa bàn thành phố.

- Từng bước tăng tỷ lệ diện tích cây xanh/người đạt tiêu chuẩn đô thị loại I bằng nhiều hình thức.

- Cụ thể hóa các Đồ án quy hoạch phần không gian cây xanh trên địa bàn thành phố Long Xuyên.

- Cải tạo, trồng bổ sung hệ thống cây xanh công viên, đường phố; lựa chọn thiết kế và đầu tư các tuyến trục cảnh quan, tăng tính thẩm mỹ cho đô thị.

2. Chiến lược tổng thể

- Phát huy những không gian xanh lớn, không gian nông nghiệp bên ngoài thành phố bằng cách cải tạo cảnh quan, bố trí các loại hình dịch vụ, để biến khu vực này thành những không gian có giá trị khai thác và bổ trợ cho thành phố. Có thể là các khu vực công viên sinh thái nông nghiệp có thiết kế đường đi xe đạp, đi bộ, dừng chân ngắm cảnh và một vài công trình dịch vụ; các farmstay (trang trại) gắn với du lịch trải nghiệm...

- Phát huy các không gian ven sông Hậu: đa dạng cảnh quan cây xanh ven sông bằng sự thay đổi thiết kế không gian, khu vực kè cứng, khu vực trung tâm nhộn nhịp nhà hàng, khách sạn, khu vực cảnh quan tự nhiên với các công trình nhà ven sông,...

- Kết nối hành lang xanh giữa sông Hậu và các không gian xanh lớn phía Tây. Các hành lang được xác định gồm: hệ thống đường giao thông kết nối hướng Đông Tây và hệ thống kênh rạch nối từ phía Tây thành phố đổ ra sông Hậu (Rạch Cần Xây, rạch Trà Ôn, kênh Rạch Giá – Long Xuyên, rạch Cái Sơn, rạch Tầm Bót, sông Cái Sao, rạch Cái Dung, rạch Cái Sắn Sâu...).

- Tận dụng mọi không gian xanh ít ỏi trong thành phố, tích hợp nhiều công năng: cảnh quan, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, che bóng v.v... Đặc biệt nên kết hợp các không gian xanh trong khu vực trung tâm đô thị hiện hữu thành không gian giáo dục đào tạo cho trẻ em về nông nghiệp, các cây cối bản địa.

- Tổ chức và thiết kế những không gian xanh quan trọng trong thành phố thành ví dụ thực tiễn, mô hình về giải pháp thiết kế cây xanh thông minh cho người dân trải nghiệm, để họ có thể học tập và nhân rộng ở gia đình.

- Phát huy tính đa dạng của hệ thống cây xanh và mối liên hệ hữu cơ giữa từng cây xanh đô thị và người dân, xã hội hoá một phần việc trồng và chăm sóc cây đô thị.

[...]