BẢN QUY ĐỊNH
VỀ PHÂN CÔNG QUẢN LÝ VÀ PHÂN CẤP DUYỆT
GIÁ BÁN, CHI PHÍ THU GIỮ VÀ TIÊU THỤ LÂM SẢN THU QUA XỬ LÝ VI PHẠM.
(Ban hành kèm theo quyết định số 48/1999/QĐ-UB ngày
15/04/1999 của UBND tỉnh Lâm Đồng)
Chương
I
NGUYÊN TẮC
CHUNG
Điều
1: Lâm sản thu
qua xử lý vi phạm nói trong quy định này là các loại lâm sản (trừ động vật rừng
còn sống), sản phẩm chế biến từ lâm sản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt
vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm
sản theo quy định tại Nghị định 77/CP ngày 29/11/1997 ra quyết định tịch thu
sung công quỹ Nhà nước hoặc xác lập sở hữu Nhà nước.
Điều
2: Tất cả các trường
hợp quản lý, tiêu thụ lâm sản thu qua xử lý vi phạm trong phạm vi tỉnh Lâm Đồng
đều áp dụng chế độ phân công quản lý và phân cấp duyệt giá bán, chi phí thu giữ
và tiêu thụ tại bản Quy định này. Việc tổ chức bán đấu giá lâm sản thu qua xử
lý vi phạm thực hiện theo quy định tại Quy chế đấu giá bán gỗ tròn ban hành kèm
theo quyết định số 765/QĐ-UB ngày 14/08/1995 của UBND tỉnh Lâm Đồng trừ những
nội dung không phù hợp với bản Quy định này.
Điều
3: Thẩm quyền xét
duyệt giá bán, chi phí thu giữ và tiêu thụ lâm sản được xác định trên cơ sở khối
lượng, giá trị, chủng loại, phẩm chất lâm sản và cấp ra quyết định tịch thu,
thu hồi. Khối lượng, giá trị lâm sản làm căn cứ để xác định thẩm quyền xét duyệt
giá bán, chi phí thu giữ được tính cho mỗi lần ra quyết định xử lý tịch thu,
thu hồi.
Chương
II
NHỮNG QUY ĐỊNH
CỤ THỂ
Điều
4: Lâm sản là tang
vật vi phạm hành chính, sau khi đã có quyết định tịch thu, thu hồi thì cơ quan
ra quyết định xử lý hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tiếp tục
bảo quản cho đến khi cơ quan Tài chính cùng cấp tiếp nhận tài sản. Trường hợp
cơ quan Tài chính có ủy quyền bảo quản cho đến khi hoàn tất việc xử lý thì thực
hiện theo sự thỏa thuận giữa hai bên.
Điều
5: Sau thời hạn 10
ngày, cơ quan ra quyết định hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định
xử lý tịch thu, thu hồi lâm sản phải có thông báo bằng văn bản cho cơ quan Tài
chính cùng cấp và lập hồ sơ trình duyệt giá bán, chi phí thu giữ trình cơ quan
có thẩm quyền xét duyệt; đồng thời chuẩn bị hồ sơ bàn giao tài sản theo quy
định hiện hành. Việc lập hồ sơ theo hướng dẫn của sở Tài chính Vật giá.
Điều
6: Việc xét duyệt
giá bán, chi phí thu giữ và tiêu thụ lâm sản thu qua xử lý vi phạm do Hội đồng
định giá và bán đấu giá lâm sản các cấp thực hiện:
1/ Hội đồng định giá
và bán đấu giá lâm sản cấp tỉnh: Do đại diện Sở Tài chính vật giá làm Chủ tịch,
đại diện cơ quan ra quyết định hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền xử lý tịch
thu, thu hồi lâm sản làm Phó chủ tịch; đại diện Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại các
doanh nghiệp làm thành viên.
2/ Hội đồng định giá
và bán đấu giá lâm sản của các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt (dưới
đây gọi tắt là Hội đồng định giá và bán đấu giá cấp huyện): Do đại Phòng Tài
chính sở tại làm Chủ tịch, đại diện cơ quan ra quyết định xử lý tịch thu, thu
hồi làm Phó chủ tịch; đại diện Hạt kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn sở tại làm thành viên.
3/ Hội đồng định giá và
bán đấu giá lâm sản cấp nào do UBND cấp đó quyết định thành lập, hoạt động theo
hình thức kiêm nhiệm, ổn định: có nhiệm vụ xét duyệt giá bán, chi phí thu giữ
(nếu có), tổ chức tiêu thụ lâm sản thu qua xử lý vi phạm và thu nộp Ngân sách
tiền bán lâm sản theo quy định.
Điều
7: Các trường hợp
thuộc thẩm quyền duyệt giá bán, chi phí thu giữ và tiêu thụ lâm sản thu qua xử
lý vi phạm của Hội đồng định giá và bán đấu giá lâm sản cấp tỉnh để tổ chức bán
đấu giá gồm:
1/ Gỗ, lâm sản quý
hiếm hoặc sản phẩm chế biến từ gỗ quý hiếm là gỗ, lâm sản thuộc danh mục ban
hành kèm theo Nghị định số 18/HĐBT ngày 17/01/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay
là Chính phủ) có phẩm chất từ 50% trở lên.
2/ Gỗ, lâm sản quý
hiếm hoặc lâm sản chế biến từ gỗ, lâm sản quý hiếm kém phẩm chất dưới 50% nhưng
có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên.
3/ Gỗ thông thường và
lâm sản khác (trừ các loại dễ hư hỏng, dễ mất phẩm chất quy định tạo điều 10
dưới đây) có giá trị tương đương 20m3 gỗ tròn lớn nhóm 4 (tương
đương giá trị từ 20 triệu đồng trở lên).
4/ Các sản phẩm chế
biến từ gỗ và lâm sản khác (trừ các loại dễ hư hỏng, dễ mất phẩm chất) có giá
trị từ 20 triệu đồng trở lên.
Các trường hợp trên
đây, Hội đồng định giá và bán đấu giá lâm sản cấp tỉnh xác định giá bán, chi
phí thu giữ, tiêu thu thông báo và trực tiếp tổ chức bán đấu giá khối lượng lâm
sản thu giữ và xử lý có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên hoặc có giá trị từ 20
triệu đồng trở lên nhưng do cơ quan cấp tỉnh thu giữ, xử lý; trường hợp lâm sản
do các cơ quan cấp huyện thu giữ và xử lý có giá trị dưới 50 triệu đồng thì sau
khi tổ chức định giá bán, chi phí thu giữ, tiêu thụ Hội đồng định giá và bán
đấu giá lâm sản cấp tỉnh ủy quyền cho Hội đồng định giá và bán đấu giá lâm sản
cấp huyện tổ chức bán đấu giá và nộp tiền bán lâm sản vào Ngân sách Nhà nước
theo quy định.
Điều
8: Các trường hợp
thuộc thẩm quyền duyệt giá bán, chi phí thu giữ và tiêu thụ lâm sản thu qua xử
lý vi phạm của Hội đồng định giá và bán đấu giá lâm sản cấp tỉnh hoặc Hội đồng
định giá và bán đấu giá lâm sản cấp huyện duyệt giá để tổ chức bán đấu giá:
1/ Gỗ, lâm sản quý
hiếm kém phẩm chất dưới 50% có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng.
2/ Gỗ thông thường và
các loại lâm sản khác (trừ các loại dễ hư hỏng, dễ mất phẩm chất) có khối lượng
tương đương từ 10m3 đến dưới 20m3 gỗ tròn lớn nhóm 4
(tương đương giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng).
3/ Các sản phẩm chế
biến từ gỗ và lâm sản khác (trừ các loại dễ hư hỏng, dễ mất phẩm chất) có giá
trị từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng.
Các trường hợp trên
đây, nếu là lâm sản do cơ quan cấp tỉnh thu giữ, xử lý thì do Hội đồng định giá
và bán đấu giá lâm sản cấp tỉnh duyệt giá bán, chi phí thu giữ và tổ chức bán
đấu giá, nếu là lâm sản do cơ quan cấp huyện thu giữ, xử lý thì do Hội đồng
định giá và bán đấu giá lâm sản cấp huyện sở tại duyệt giá bán, chi phí thu giữ
và tổ chức bán đấu giá.
Điều
9: Gỗ, lâm sản thu
qua xử lý vi phạm có khối lượng nhỏ hơn 10m3 gỗ nhóm IV(tương đương
giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống) cho mỗi quyết định xử lý thì cơ quan ra
quyết định hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định phối hợp với cơ
quan tài chính cùng cấp bán cho các đối tượng được phép sử dụng theo giá do UBND
tỉnh ủy quyền cho Sở Tài chính Vật giá (đối với cấp tỉnh). UBND huyện, thành
phố, thị xã (đối với cấp huyện) quy định. Đồng thời cơ quan Tài chính có trách
nhiệm kiểm tra, xét duyệt các khoản chi phí phát sinh (nếu có) trong quá trình
thu giữ, xử lý lâm sản.
Điều
10: Đối với lâm
sản thu qua xử lý vi phạm hành chính là hàng hóa dễ hư hỏng, dễ mất phẩm chất (như:
măng tre nứa, tăm nhang, than hầm, bột giấy, bông đót, lồ ô tre nứa...) thì cơ
quan ra quyết định xử lý tịch thu, thu giữ phải tiến hành bán ngay theo giá thị
trường tại thời điểm và nộp tiền bán lâm sản vào tài khoản tạm giữ của cơ quan
tài chính cùng cấp theo quy định. Sau đó phải báo cáo bằng văn bản cho cơ quan
tài chính cùng cấp (kèm hồ sơ chi tiết về khối lượng, chủng loại lâm sản, chi
phí thu giữ, giá bán...).
Điều
11: Tiền thu được
qua bán lâm sản thu qua xử lý vi phạm được quản lý và sử dụng theo đúng quy
định tại quyết định số 1766/1998/QĐ-BTC ngày 07/12/1998 của Bộ Tài chính và các
quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền.
Điều
12: Đối với lâm
sản thu qua xử lý vi phạm do chủ rừng phát hiện sau khi có quyết định xử lý của
cấp có thẩm quyền và giao lại cho chủ rừng để tổ chức tiêu thụ theo quy định tại
khoản 4, điều 25 Nghị định số 77/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ; Lâm sản là
tang vật của các vụ án đã được phép tiêu thụ theo quyết định của cơ quan điều
tra có thẩm quyền hoặc theo bản án có hiệu lực cũng áp dụng nguyên tắc, thẩm
quyền xét duyệt giá bán và phương thức tiêu thụ theo quy định tại văn bản này.
Điều
13: Hồ sơ giấy tờ
cung cấp cho người mua được lâm sản thu qua xử lý vi phạm:
- Bản chính (hoặc bản
sao có xác nhận của cơ quan bán hàng) quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước
hoặc văn bản xác lập quyền sở hữu Nhà nước của cấp có thẩm quyền.
- Bản chính (hoặc bản
sao có xác nhận của cơ quan bán hàng) biên bản bán đấu giá hoặc văn bản quy
định, thông báo mức giá bán của cơ quan có thẩm quyền nếu tại điều 7, điều 8,
điều 9 và điều 10 của Bản quy định này.
- Ngoài các loại giấy
tờ nêu trên thì còn phải có các loại giấy tờ khác theo đúng các quy định về
quản lý lâm sản tại Bản quy định kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh
gỗ và lâm sản ban hành kèm theo Quyết định số 47/1999/QĐ-BNN-KL ngày 12/03/1999
của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn.
Điều
14: 1/
Sở Tài chính Vật giá có trách nhiệm:
1.1/ Hướng dẫn các đơn
vị lập các thủ tục về giao nhận, thủ tục trình duyệt giá bán và chi phí thu giữ
lâm sản thu qua xử lý vi phạm theo đúng quy định hiện hành.
1.2/ Thông báo giá
chuẩn các loại lâm sản thường cho Hội đồng định giá và bán đấu giá lâm sản các
cấp để làm cơ sở xét duyệt giá bán lâm sản thu qua xử lý vi phạm.
1.3/ Giám sát, theo
dõi công tác xét duyệt giá bán của Hội đồng định giá và bán đấu giá lâm sản các
cấp. Trường hợp Hội đồng định giá và bán đấu giá lâm sản các cấp xét duyệt giá
bán và chi phí thu giữ lâm sản thu qua xử lý vi phạm chưa phù hợp thì có quyền
quyết định tạm ngưng việc tiêu thụ lâm sản và tổ chức xét duyệt lại.
2/ UBND, Hội đồng định
giá và bán đấu giá lâm sản cấp huyện, Phòng Tài chính các huyện có trách nhiệm:
2.1/ Căn cứ vào các
quy định hiện hành của Nhà nước để kiểm tra, xác minh, đánh giá đúng phẩm chất
Lâm sản tịch thu và giá chuẩn của các loại lâm sản được Sở Tài chính Vật giá
thông báo để duyệt giá bán lâm sản, chi phí thu giữ, bảo quản,... thuộc thẩm
quyền duyệt giá và chi phí đã phân công cho cấp mình tại bản Quy định này.
2.2/ Báo cáo kịp thời
bằng văn bản cho Sở Tài chính Vật giá kết quả duyệt giá, duyệt chi phí thu giữ,
bảo quản lâm sản do cấp mình thực hiện.
2.3/ Cung cấp thông
tin, phản ánh tình hình hoặc đề xuất Sở Tài chính Vật giá điều chỉnh giá chuẩn
các loại lâm sản khi giá cả thị trường thay đổi từ 15% so với mức giá đã thông
báo hoặc bổ sung giá cả của những lâm sản chưa được thông báo giá chuẩn.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều
15: Điều khoản
thi hành:
1/ Các Sở, ban, ngành
có liên quan, UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, thị xã BảoLộc, thủ trưởng các
đơn vị, các tổ chức và cá nhân có liên quan căn cứ nội dung tại bản quy định
này để tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn vướng mắc,
kịp thời báo cáo bằng văn bản về UBND tỉnh để xem xét giải quyết.
2/ Quy định này thay
thế Quy định về phân công quản lý và phân cấp duyệt giá bán, chi phí thu giữ
lâm sản thu qua xử lý vi phạm ban hành kèm theo Quyết định số 1654/QĐ-UB ngày
01/11/1997 của UBND tỉnh Lâm Đồng, các quy định trước đây của UBND tỉnh về phân
cấp duyệt giá bán lâm sản thu qua xử lý vi phạm trái với quy định này đều không
còn hiệu lực thi hành./-