Quyết định 4753/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề án “Thực hiện Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2020 theo Quyết định 2085/QĐ-TTg

Số hiệu 4753/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/12/2017
Ngày có hiệu lực 08/12/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Phạm Đăng Quyền
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4753/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 08 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2018 - 2020” THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 2085/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 3033/QĐ-UBND ngày 18/8/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề cương, dự toán kinh phí lập Đề án “Thực hiện Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”; ý kiến thẩm tra dự thảo Đề án của Ủy ban Dân tộc tại Văn bản số 1011/UBDT-CSDT ngày 20 tháng 9 năm 2017;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 4493 STC/QLNS-HX ngày 20 tháng 10 năm 2017 báo cáo thẩm định Đề án thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg; của Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa tại Tờ trình số 683/TTr- BDT ngày 08 tháng 11 năm 2017 về việc phê duyệt Đề án “Thực hiện Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”; (kèm theo Công văn số 3962/SKHĐT-KTNN của Sở Kế hoạch và Đầu tư; Công văn số 4619/STNMT-CSĐĐ của Sở Tài nguyên và Môi trường; Công văn số 2928/SLĐTBXH-BTXH của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Công văn số 2601/SNN&PTNT-PTNT của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công văn số 1675/NHCS-KHNV của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thanh Hóa),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Thực hiện Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng ban Dân tộc; Giám đốc các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội; Hội Nông dân tỉnh; Tỉnh Đoàn; Hội Cựu chiến binh tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; UBND 11 huyện miền núi; UBND 07 huyện có xã miền núi giáp ranh; các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Đăng Quyền

 

ĐỀ ÁN

“THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2018 - 2020” THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 2085/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Quyết định số: 4753/QĐ-UBND, ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Chủ tịch UBND tỉnh)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Thanh Hóa có diện tích tự nhiên trên 8.500km2, chiếm 3/4 diện tích tự nhiên toàn tỉnh; toàn vùng có 225 xã, phường, thị trấn với 2.221 thôn, bản, khu phố thuộc 11 huyện miền núi và 07 huyện, thị xã giáp ranh có xã, phường miền núi, trong đó có 100 xã khu vực III và 181 thôn, bản đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn (2017 - 2020). Vùng có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi núi cao và các sông, suối; giao thông đi lại khó khăn; là địa bàn cư trú và sinh sống của 07 dân tộc chủ yếu: Mường, Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Thổ và Kinh. Tổng dân số toàn vùng là 272.450 hộ/1.138.305 khẩu, trong đó DTTS 156.846 hộ/667.176 khẩu. Toàn vùng có 192km đường biên giới với nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào trải dọc theo địa phận của 16 xã vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc 05 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh và Thường Xuân.

Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo khác, các chính sách dân tộc được triển khai đầy đủ, kịp thời; dưới tác động tổng hòa của các chương trình, chính sách đó đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn vùng DTTS và miền núi của tỉnh: Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm qua các năm (năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo là 27,99%, cận nghèo 16,39%; năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo là 22,16%, cận nghèo 15,8%, trong đó: tỷ lệ hộ nghèo DTTS là 42,75%, hộ cận nghèo DTTS là 30,69%)1; tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn (2013 - 2015) đạt 10,4%; tỷ lệ dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 86,5% (tăng 16,5% so với năm 2012); tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa đạt 39%...2. Việc triển khai thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004, 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009, 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần giải quyết một phần nhu cầu bức thiết về đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào các DTTS nghèo và hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên của vùng không thuận lợi, tư liệu sản xuất, các điều kiện thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào còn khó khăn, thiếu thốn (hiện còn 21.063 hộ thiếu đất sản xuất, 16.579 hộ thiếu nước sinh hoạt, 104 hộ chưa thực sự ổn canh, ổn cư...); trình độ dân trí, trình độ phát triển của các dân tộc chưa đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, vốn đầu tư thấp xa so nhu cầu thực tế, cùng với đó là những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh… nên kinh tế vùng DTTS và miền núi phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; cơ cấu kinh tế tuy có sự chuyển dịch, song còn chậm, sản xuất chủ yếu vẫn là thuần nông, năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp. Kết cấu hạ tầng tuy đã được tăng cường song so với nhu cầu vẫn còn thiếu, chưa đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn vùng cuối năm 2016 còn cao (22,16%); riêng các huyện 30a, tỷ lệ nghèo là 29,13%, cá biệt có huyện tỷ lệ nghèo còn 64,96%3.

Từ những vấn đề trên, việc xây dựng Đề án thực hiện Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ là hết sức cần thiết, nhằm: Tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất về đời sống, sản xuất; từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn; góp phần giảm nghèo bền vững, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác của tỉnh; đồng thời góp phần giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị trên địa bàn.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Căn cứ pháp lý, chính trị

1.1. Các văn bản của Trung ương

- Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

- Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Công tác dân tộc;

- Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020;

- Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

[...]