Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 47/QĐ-UBND về Chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2018 của tỉnh Hưng Yên

Số hiệu 47/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/01/2018
Ngày có hiệu lực 12/01/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Minh Quang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 12 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2018 CỦA TỈNH HƯNG YÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 1107/TTr-STP ngày 29/12/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2018 của tỉnh Hưng Yên.

Điều 2. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Chương trình này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CVNC
o.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Quang

 

CHƯƠNG TRÌNH

CÔNG TÁC TRỌNG TÂM TƯ PHÁP NĂM 2018 CỦA TỈNH HƯNG YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 12/01/2018 của UBND tỉnh Hưng Yên)

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; phương hướng nhiệm vụ, giải pháp công tác tư pháp năm 2018 của Bộ Tư pháp. UBND tỉnh ban hành Chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2018 với những nội dung sau:

I. PHƯƠNG HƯỚNG

1. Thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng tại Hội nghị lần thứ 5, thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện tốt công tác thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và dự thảo VBQPPL, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật ở địa phương.

2. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các đạo luật, nhất là các đạo luật có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành như: Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Luật trợ giúp pháp lý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, gắn với triển khai hiệu quả Chương trình phbiến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021. Tiếp tục theo dõi tình hình thi hành Bộ luật dân sự, Luật ban hành VBQPPL năm 2015, Luật đấu giá tài sản, kịp thời phát hiện và hướng dẫn xử lý các vướng mắc trong thi hành. Chủ động phát hiện, xử lý các văn bản trái pháp luật, không phù hợp với thực tiễn, nhất là các vấn đề pháp lý liên quan đến người dân, doanh nghiệp; tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

3. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo các Nghị quyết số 18-NQ/TW, s19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tăng cường đào tạo, bồi dưng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ công chức, viên chức ngành Tư pháp.

4. Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, thực hiện chuẩn hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực btrợ tư pháp, hành chính tư pháp; thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch...

5. Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực tư pháp nhất là lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, lý lịch tư pháp; tăng cường công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo đặc biệt là vụ việc phức tạp, kéo dài để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

6. Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành Tư pháp; thực hiện các giải pháp nhằm cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL

1.1. Tiếp tục triển khai hiệu quả việc thi hành Luật ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành VBQPPL.

1.2. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL và dự thảo VBQPPL, chú trọng và bảo đảm tính khả thi của văn bản. Không để xảy ra tình trạng xin rút, hoãn hay nợ đọng VBQPPL; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng thể chế pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính thông qua hoạt động thẩm định dự thảo VBQPPL. Cập nhật thường xuyên, đầy đủ VBQPPL trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định tại Nghị định 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ.

1.3. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kịp thời xử lý VBQPPL theo thẩm quyền, tập trung xử lý triệt để các văn bản trái pháp luật đã được phát hiện và kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với người tham mưu ban hành văn bản trái pháp luật. Xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương.

[...]