QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG THỂ THAO GIẢI TRÍ TRÊN BIỂN TẠI TỈNH
BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 47/2007/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2007 của
UBND tỉnh Bình Thuận)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định việc quản lý đối với các tổ
chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh các hoạt động thể
thao giải trí trên biển tại tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy định này áp dụng đối với các loại hình thể
thao giải trí trên biển gồm các hoạt động lặn, dù kéo, dù lượn, ca nô lướt ván,
lướt ván buồm, lướt ván diều, mô-tô nước, thuyền buồm và những hoạt động thể
thao giải trí khác ở trên và dưới mặt nước biển.
2. Tàu, thuyền thể thao, bóng đá và bóng chuyền
bãi biển của các tổ chức, đơn vị, cá nhân hoạt động dưới hình thức tập luyện,
thi đấu, biểu diễn được cơ quan quản lý Nhà nước về thể dục thể thao của tỉnh
cho phép thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CÁC
HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
Điều 3. Quản lý về điều kiện
kinh doanh
1. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thể thao
giải trí trên biển được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Đầu tư,
Luật Doanh nghiệp, Luật Thể dục thể thao, Luật Giao thông đường thủy nội địa và
các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Điều kiện hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh
thể thao giải trí trên biển bao gồm:
a) Có giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng
ký kinh doanh, trong đó có đăng ký hoạt động thể thao giải trí trên biển do cơ
quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
b) Có đội ngũ huấn luyện viên (HLV), hướng dẫn
viên (HDV), nhân viên được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về thể dục thể thao
phù hợp với nội dung đăng ký hoạt động:
- Có giấy chứng nhận về khả năng bơi lội, bơi cứu
hộ do Sở Thể dục thể thao (TDTT) Bình Thuận, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc
Liên đoàn Thể thao dưới nước Việt Nam cấp;
- Có giấy chứng nhận là HLV, HDV, thợ lặn về môn
lặn, lướt ván buồm, lướt ván diều IKO (Tổ chức Lướt ván diều quốc tế), là cấp cứu
viên dưới nước được các Trung tâm Dạy lặn thuộc tổ chức CMAS (Tổ chức Thể thao dưới
nước thế giới) cấp.
c) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cần
thiết để phục vụ cho hoạt động kinh doanh ngành, nghề đã đăng ký, gồm:
- Có trụ sở, văn phòng, bảng hiệu giao dịch hoạt
động về lĩnh vực thể thao giải trí trên biển;
- Trong khu vực hoạt động phải có bảng khuyến
cáo đặt ở những nơi dễ nhìn thấy và phải có bảng nội quy hoạt động;
- Các phương tiện ca nô, mô-tô nước (Jetsky),
thuyền buồm,… (riêng đối với hoạt động lặn phải có dụng cụ máy khí nén, bình
khí nén) khi đưa vào phục vụ cho hoạt động kinh doanh, phải được các cơ quan chức
năng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật bao gồm:
+ Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và Giấy chứng
nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa do Sở Giao thông vận tải cấp theo quy định;
+ Giấy chứng nhận bảo vệ môi trường đối với
phương tiện thuộc diện phải đăng kiểm do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp theo
quy định.
- Người điều khiển ca nô, mô-tô nước phải có bằng
Thuyền trưởng hoặc bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với loại phương tiện
điều khiển theo quy định pháp luật hiện hành;
- Có hệ thống thông tin liên lạc, phao cứu sinh,
túi thuốc cấp cứu chống say nắng, say sóng, ngạt nước, bình oxy và một số dụng
cụ cần thiết khác phục vụ cho hoạt động thể thao trên biển.
d) Có phương án tổ chức hoạt động bao gồm:
- Phương án khai thác vùng nội thủy, khai thác lặn
du lịch;
- Phương án triển khai hoạt động kinh doanh dịch
vụ;
- Phương án tổ chức thông tin liên lạc, ứng cứu
tai nạn;
- Phải bảo đảm yêu cầu quy định tại khoản 5, Điều
6 của Quy định này.
3. Các phương tiện thể thao giải trí của các đối
tượng khách vãng lai khi đến hoạt động ở các khu vực giải trí trên biển thuộc
khu vực quản lý của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải
thông báo trước và được sự đồng ý của Ban Quản lý các khu du lịch mới được phép
hoạt động.
4. Doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao giải
trí trên biển phải lắp đặt hệ thống phao neo hoặc cờ neo được định vị để phân
biệt khu vực hoạt động của các phương tiện với khu vực bãi tắm và chỉ được hoạt
động kinh doanh khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều
kiện kinh doanh đã quy định tại khoản 1 của Điều này.
Điều 4. Quản lý về vùng hoạt
động và phao neo
1. Vùng nội thủy dùng để hoạt động kinh doanh (gọi
là vùng khai thác) phải được xác định bằng hệ thống phao neo hoặc cờ neo được định
vị, có màu sắc tương phản với màu nước và cảnh quan môi trường để dễ quan sát.
2. Vùng khai thác được giới hạn như sau:
a) Khu vực bãi biển ven đất liền:
- Giới hạn ngoài: xa cánh bờ tối đa 650m (tính
theo mức thủy triều trung bình hàng năm);
- Giới hạn trong: xa cánh bờ tối thiểu 150m;
- Vị trí bến, bãi neo đậu của các phương tiện (cửa
ra, cửa vào) phải cách nhau tối thiểu là 250m;
- Chiều rộng cửa ra, vào của phương tiện là 6m.
b) Cấm các phương tiện thể thao giải trí hoạt động
ở khu vực có luồng, tuyến tàu thường xuyên đi lại và cách khu vực bãi tắm tối
thiểu là 200m.
3. Về kích thước cờ, phao neo và số trái phao
neo:
- Đường kính phao neo tối thiểu là 300mm, cờ 30
x 40cm;
- Khoảng cách giữa 2 phao, cờ là 10m.
4. Yêu cầu bố trí đủ hệ thống cờ, phao neo vùng
hoạt động và cờ, phao neo hành lang an toàn theo quy định.
5. Đối với hoạt động ca nô kéo dù, lướt ván diều:
chiều cao tính từ mặt nước biển đến đỉnh cao nhất của dù, diều không quá 25m, phải
chú ý đến phạm vi an toàn hàng không.
6. Các phương tiện thể thao giải trí trên biển
gây tiếng ồn không được làm ảnh hưởng đến khu vực nghĩ dưỡng, viện nghiên cứu,
trường học, khu dân cư.
7. Ban Quản lý các khu du lịch có trách nhiệm
quy hoạch vị trí bến, bãi neo đậu cho các phương tiện, các phương tiện thể thao
giải trí trên biển chỉ được phép neo đậu ở những nơi đã được cho phép.
Điều 5. Quản lý về thông tin
cứu nạn
1. Về thông tin liên lạc:
Hệ thống thông tin liên lạc phải đảm bảo được
yêu cầu liên lạc từ Trung tâm Điều độ và cứu nạn đến các vùng hoạt động thuộc
phạm vi trách nhiệm quản lý của doanh nghiệp. Thiết bị thông tin phải đảm bảo
yêu cầu hoạt động ở môi trường tiếp xúc với nước. Thông tin phải được kiểm tra,
cho phép của Trung tâm Kiểm tra tần số khu vực.
2. Về công tác an toàn cứu nạn:
a) Đối với chủ phương tiện và phương tiện:
- Phải mua bảo hiểm cho khách du lịch;
- Chủ phương tiện phải lập phương án cứu nạn
theo quy định, tại các điểm hoạt động thể thao giải trí trên biển phải có bảng
nội quy hướng dẫn về công tác đảm bảo an toàn cho khách;
- Phương tiện chỉ được phép khai thác đúng công
dụng và hoạt động trong vùng, luồng, tuyến đã được cơ quan quản lý Nhà nước có
thẩm quyền cho phép;
- Nghiêm cấm các loại phương tiện đi vào khu vực
có người tắm, đi trên hoặc cắt ngang luồng, tuyến của phương tiện thủy, hàng
không;
- Đối với tàu hoạt động lặn có khí tài khi có
người lặn dưới nước phải treo cờ hiệu theo quy định quốc tế.
b) Đối với người quản lý điều hành phương tiện:
Người quản lý điều hành các phương tiện quy định
tại khoản 1, Điều 2 phải hướng dẫn khách sử dụng thành thạo, có áo phao cứu
sinh trước khi cho khách tham gia các hoạt động thể thao giải trí trên biển và
phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của khách;
c) Đối với khách du lịch:
- Người không biết bơi, có bệnh về tim mạch, huyết
áp, hô hấp không được tham gia vào các hoạt động thể thao giải trí trên biển;
- Không được uống rượu, bia và sử dụng các chất
kích thích khác khi tham gia các hoạt động thể thao giải trí trên biển;
- Không được điều khiển các phương tiện ra khỏi
vùng hoạt động cho phép đã có cờ, phao neo.
d) Đối với các đối tượng khác:
Người tắm biển, người đang thực hiện các công
tác trên biển tuyệt đối không được vào vùng có phương tiện hoạt động, hoặc đu
bám hệ thống cờ, phao neo giới hạn an toàn (trừ nhân viên đang thừa hành nhiệm
vụ và thực hiện công tác cứu nạn trên biển).
Điều 6. Quản lý về quốc
phòng - an ninh
Các phương tiện hoạt động thể thao giải trí trên
biển phải thực hiện tốt các quy định sau đây:
1. Các phương tiện thể thao giải trí trên biển
khi hoạt động ở khu vực biên giới biển thuộc địa bàn nào phải trình báo với đồn
Biên phòng nơi đó, bao gồm: chủ phương tiện, số đăng kiểm, giấy phép hoạt động,
chứng chỉ chuyên môn, mã lực, thời gian cho phép.
2. Không hoạt động ở những nơi có biển cấm.
3. Không được quay phim, chụp ảnh khu vực và
quanh các đảo có biển cấm.
4. Các hoạt động không vượt qua đường cơ sở trên
vùng lãnh hải và chỉ được hoạt động trong phạm vi luồng tuyến đã quy định.
5. Trước khi tổ chức hoạt động phải phối hợp Bộ
Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan chức năng để có kế hoạch khảo sát
xác định khu vực đăng ký hoạt động.
Điều 7. Quản lý về bảo vệ
môi trường
1. Quản lý ô nhiễm dầu thải, rác thải:
a) Các tổ chức, cá nhân kinh doanh, dịch vụ thể
thao giải trí trên biển phải chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường trong phạm vi
được giao; phải thực hiện các biện pháp quản lý chất thải, tiếng ồn; hướng dẫn,
nhắc nhỡ mọi người thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường;
b) Các phương tiện thể thao giải trí trên biển
không được thải nước làm mát động cơ có nồng độ dầu vượt quá 05mg/lít (theo
TCVN 5945:2005). Không được thải hoặc làm rơi vãi xăng, dầu, dầu thải xuống biển.
Dầu phải được lưu trữ và vận chuyển một cách an toàn đến hệ thống tiếp nhận tại
các khu vực được quy định. Các bến neo đậu bắt buộc phải có hệ thống tiếp nhận
dầu thải từ các phương tiện khi hoạt động trên biển;
c) Đối với phương tiện chở khách đi lặn, du lịch
phải trang bị các thiết bị vệ sinh và các dụng cụ chứa đựng rác thải. Rác thải
được tập trung và xử lý đúng quy định.
2. Quản lý thu phí môi trường:
Các tổ chức, đơn vị kinh doanh, dịch vụ thể thao
giải trí trên biển được phép thu phí vệ sinh tính trong giá vé dịch vụ thể thao
giải trí trên biển và được tính vào khoản nộp lệ phí cho nhà nước theo quy định
hiện hành của tỉnh.
Điều 8. Quản lý về bảo vệ rạn
san hô và các tài nguyên sinh vật biển
1. Các phương tiện thể thao giải trí trên biển
không được thả neo tại các vùng có rạn san hô; phải buộc phương tiện vào các
phao neo tàu.
2. Không được khai thác, phá hoại, di chuyển,
mua bán, tàng trữ san hô sống và chết dưới bất cứ hình thức nào.
Điều 9. Quản lý về thuê lao
động người nước ngoài
1. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh, dịch vụ thể
thao giải trí trên biển có nhu cầu thuê lao động người nước ngoài phải đến
Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
tỉnh Bình Thuận để được hướng dẫn và làm thủ tục theo quy định của pháp luật.
2. Sau khi đã được các cơ quan chức năng liên
quan cho phép, phải đăng ký danh sách với Sở Thể dục thể thao, sau đó mới được
làm việc.
Điều 10. Quản lý về thời
gian hoạt động vui chơi giải trí trên biển
1. Để đảm bảo môi trường và an toàn cho người,
tài sản khi tham gia vui chơi giải trí trên biển, thuận tiện cho việc quản lý
và xử lý các vi phạm, các hoạt động thể thao giải trí trên biển tại Bình Thuận
được hoạt động từ 5g00 đến 18g00 hàng ngày.
2. Nghiêm cấm tổ chức các hoạt động thể thao giải
trí trên biển trong thời gian có bão hoặc áp thấp nhiệt đới.
Chương III
HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM
TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 11. Hoạt động thanh
tra, kiểm tra
1. Các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh dịch
vụ thể thao giải trí trên biển phải chịu sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước
về thể dục thể thao.
2. Sở Thể dục thể thao chủ trì phối hợp với các
cơ quan có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động thể thao giải trí
trên biển; khi phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm thì căn cứ vào tính chất, mức
độ để xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của
pháp luật.
Điều 12. Xử lý vi phạm
Các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ
thể thao giải trí trên biển cũng như khi đưa phương tiện quy định tại khoản 1,
Điều 2 của Quy định này vào hoạt động trên vùng biển thuộc tỉnh Bình Thuận
nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng hoặc có hành vi vi phạm các quy định
trong lĩnh vực thể dục thể thao sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm của
các sở, ban, ngành, địa phương
- Sở Thể dục thể thao là cơ quan chủ trì tổ chức
triển khai thực hiện Quy định này; phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn
các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động thể thao giải trí trên biển bảo đảm theo
đúng quy định. Định kỳ báo cáo tình hình cho UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo;
- Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan căn
cứ chức năng, nhiệm vụ được giao cùng phối hợp tổ chức thực hiện tốt Quy định
này.
Điều 14. Các tổ chức,
cá nhân tham gia kinh doanh hoạt động thể thao giải trí trên biển phải nghiêm
túc thực hiện Quy định này.
Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc cần
sửa đổi, bổ sung đề nghị các đơn vị, tổ chức và cá nhân kịp thời phản ánh về Sở
Thể dục thể thao để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.